Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

MỘT VÀI PHÁT BIỂU VUI


          Nay bỗng có hứng thú ngồi xem lại một vài bài của tôi đã đăng trên các báo. Trong số đó thấy có 2 phát biểu ngồ ngộ trên báo Tuổi trẻ cười và báo Làng cười từ... gần 2 năm trước. Thấy vẫn có thể đem lại một chút thư giãn nên tiện tay gom lại vào blog. Vừa là để vui vui, vừa là để ngôi nhà này không quá loảng xoảng, chát chúa bởi những ngôn từ chẳng mấy mát tai.
          Xin lấy luôn hình minh họa trong bài báo đã đăng.


Những người nổi tiếng lý giải
về sự đổ vỡ của mình
(Trên Tuổi trẻ cười, số 399-3/2010)



          Nhà văn: Trên thực tế , cái đẹp trong nghệ thuật và cái đẹp ngoài đời chỉ cách nhau một bát cháo hành. Nhưng bà ấy thậm chí còn không thể phân biệt nổi lúc nào mình đang nấu cháo, lúc nào đang nấu cơm, và lúc nào thì đang nấu bánh đúc.
          Nhà kinh tế: Đó là sự đầu tư vĩ đại, và là sự thua lỗ lớn nhất trong cuộc đời cho đến khi tôi gặp một người một người phụ nữ khác...
           Nhà tâm lý: Mỗi người thường có 3 bản ngã: “Phụ mẫu” , “Người lớn” và “Trẻ con”...  Oái oăm là chúng tôi thường sử dụng 2 bản ngã đầu và cuối. Và bất hạnh thay, sử dụng cùng một lúc..
           Nhà chính trị: Đàm phán không phải  là cách tốt nhất để đổi lấy hòa bình.
           Nhà xã hội học: “ Chấp nhận” là nguyên tắc hàng đầu. “Níu kéo” là một khái niệm phi thực tế . Bởi vậy tôi sẽ chỉ hỏi  “ tại sao”  lúc một mình một giường với một chiếc gối ôm mỗi khi đêm về. 


Những lý giải không thể sai!
(Trên Làng cười, số 29 – 7/2010)
          Có những câu nói hay danh ngôn có khi trở thành quan điểm sống của nhiều người. Và đó là những câu nói không thể sai dù có lý giải xa hơn nữa, đặc biệt là gắn với xã hội hiện nay. Xin đơn cử một vài ví dụ:
           - “Vẻ đẹp không ở trên đôi má hồng của người phụ nữ, mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”... Vì kẻ si tình bao giờ cũng tìm thấy người phụ nữ đẹp.
          - “Phía sau thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ”... Vì người đàn ông biết vượt qua bóng dáng đó.
           - “Thất bại là mẹ thành công”... Quá đúng, vì khi người ta thành công thì sợ gặp thất bại thậm chí hơn cả ...bà nội hay vợ của họ nữa,
           - “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”...  Đúng mà hơi... thừa, giống như nói: không có người chồng bất hạnh, chỉ có những chàng trai kém... thông minh..
          - “Khi người ta yêu mọi thứ đều màu hồng”... Họ chỉ nhận ra điều đó sau khi ...kết hôn.
           - “Anh yêu em, hay chúng mình làm đám cưới nhé!”... Là câu mà cả thế giới sử dụng mỗi khi muốn biết đâu là ranh giới giữa tự do và trói buộc, địa ngục với thiên đường.
Trần Anh Tuấn




Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

THAM LAM? HOANG TƯỞNG?.... HAY GÌ KHÁC?


Về điều 4 Hiến pháp

Nếu “độc tài và tham lam” như một số báo chí lề trái nhận định thì chẳng nói làm gì. Chỉ e rằng đó là một thứ “niềm tin” đã ăn sâu vào trong máu của những vị luôn coi mình là đấng cứu tinh của thế giới.


Điều 4 của đương kim Hiến pháp ghi rằng “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Nghe  đâu thực tế không diễn ra cuộc giao dịch giữa nhà nước và nhân dân để có kết quả là bản hợp đồng năm 1992 này. Phía ra giá không cho phép mặc cả bằng thảo luận hay trưng cầu dân ý. Nói một cách khác, nhà sản xuất ép khách hàng phải tiêu thụ sản phẩm thông qua hai cái bóng của con ngáo ộp là quân đội và công an...
Những điều “nghe nói” cái thằng tôi chả rõ đúng sai nên không dám lạm bàn. Chỉ biết rằng có hơn 3 triệu “quân tiên phong” một mình một diễn đàn, hùng hồn tuyên bố và đảm bảo một cách đanh thép sẽ lèo lái được con thuyền dân tộc đi tới bến bờ hạnh phúc.
Thế thì tại sao gần chín trăm vạn cái đầu đen còn lại không yên tâm mà đứng xếp hàng trước cửa thiên đường? Vẫn còn có kẻ lo người bực, nhất là mấy anh “phản động” cả trong lẫn ngoài nước? Phải chăng họ cho rằng đó là một tuyên bố độc tài và kém thông minh? Là một kiểu “trọc phú” chỉ nhăm nhăm biết mỗi “mối quan hệ biện chứng” giữa quyền lực với tiền bạc?
Kẻ nhà quê này không nghĩ thế, vì nếu đúng thế thì còn may chán. Bởi núi đổi sông dời, thể nào mà chẳng có ngày bản chất “tham” (nếu có) lụi đi để thay vào bằng cái tính “thoáng”? .... Mà kẻ này hồ nghi rằng: Cái điều ngạo nghễ đứng trong tốp đầu của luật mẹ ấy là kết quả từ ý chí mãnh liệt “Chỉ ta mới đủ tài!”
Là thế này...
Thứ nhất, gần nửa thế kỷ, từ 1945 tới 1992 chả cần cái chân vịt mang tên “... là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội...”  thì “đảng ta”  vẫn ung dung bẻ lái con thuyền đất nước mà chả sợ thế lực nào nhòm ngó tới nửa cái vô lăng. Thế thì việc quái gì phải đẻ ra cái điều 4 thừa thãi ấy? Mất an toàn sao được khi hai công cụ trấn áp lớn nhất là quân đội và công an lúc nào cũng ở trong tay đảng.?
Thứ nhì, sự sụp đổ của khối XHCN ở Đông Âu cũng chẳng khiến đảng mình lung lay. Có chăng chỉ mất tý ti mấy đồng rup của anh cả Xô Viết chứ ghế quyền lực có động chạm bao nhiêu? Vì trong nước, làm khỉ gì có đoàn hội nào nằm ngoài tổ chức đảng? Anh nào ho he tự do thành lập là chết ngắc từ trong trứng nước chứ đừng mơ tới chuyện “âm mưu” bước lên sân khấu chính trị một cách đường hoàng.
Thứ nữa, để bảo vệ chế độ, khó có thể lấy sự tồn tại của mớ câu chữ làm tên lính canh gác thành trì. Ví như điều 6 Hiến pháp Liên Xô: “Lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết và hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội, là Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng là của dân, và vì dân.”  ... ấy vậy mà có cứu được sự sụp đổ tan tành tới mức hoành tráng của mái nhà Công – Nông ấy đâu? Thế thì có hay không có điều 4 cũng chẳng ảnh hưởng gì tới sự tồn vong của “đội quân tiên phong” nhà mình cả.
Thứ cuối, nếu cứ khăng khăng cho rằng điều thứ bốn này có tác dụng đáng kể bảo vệ quyền lãnh đạo xã hội vì mọi công dân buộc phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” thì lại xảy ra tình trạng tay trái cãi tay phải. Bởi những tổn thương của luật mẹ gần đây, thủ phạm không ai khác chính là lực lượng ban hành nó. Ví như Hiến pháp cho tự do ngôn luận thì nhà nước lại đi dán miệng công dân (nạn nhân điển hình, oái oăm thay, lại là con trai của bộ trưởng Cù Huy Cận, một công thần chế độ) Hay như Hiến pháp đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì ngành Tư pháp “bật” lại bằng việc ưu ái cho các “đồng chí” của mình (“Nhân thân tốt” cho con ma tham nhũng họ Huỳnh, hoặc có dấu hiệu “đục thuyền” những vụ công an đập người đến chết,....)
... Nghĩa là lý do tồn tại của điều 4 không phải (hay không hẳn) là vì nỗi lo sợ về sự an toàn của Đảng CS
Mà có lẽ bởi suy nghĩ, đại loại: “Thiếu tao thì mày thành thằng dở hơi!”
Thử chứng minh nhá!
Năm 1986, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh châm ngòi lửa vào dàn pháo đón giao thừa mang tên Đổi mới. Kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1986 – 1990) thu được những kết quả huy hoàng sau đêm trường ngụp lặn trong nền kinh tế chỉ huy, với: Lương thực thực phẩm từ chỗ không đủ tiêu dùng đã xuất khẩu tới một triệu rưỡi tấn gạo (trong năm 1990). Sản xuất công nghiệp tăng 7,4%, riêng hàng tiêu dùng tăng xấp xỉ 14%  mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 28% trong 5 năm. Đáng kể là lạm phát từ con số khủng 774,7% (1986)  tới 1990 chỉ còn 67,5%  (1)....
Thế là trong lúc đời sống KT- XH quay cuồng trong cơn bão táp tiêu vong, dân tình sôi sục cả trong ý thức lẫn dạ dày thì bỗng chói lòa ánh sáng chiếu từ thẳm vực đau thương tới tận ngưỡng cửa thiên đường. Ánh sáng ấy khởi nguồn từ tinh hoa những bộ óc trên thượng tầng kiến trúc (còn có phải là sự “bắt chước sáng tạo” chặng đường đầu tiên của “lũ Tư bản thối nát”  không thì hãy xét sau).
Những thành công rất phấn khởi ấy có vẻ lại khởi đầu cho một quá trình ngộ nhận vô cùng nguy hiểm, nó làm sâu sắc hơn cái nhận thức chưa đúng mực, và khiên cưỡng xách tai thực tiễn lôi xềnh xệch về phía lối diễn giải duy ý chí.
Nghĩa là, nhờ có sự “lãnh đạo sáng suốt của đảng” mà dân tộc Việt Nam mới có được thắng lợi như thế ấy. Thế thì không lý do gì mà không tung hê “Chủ nghĩa Mác – Lenin muôn năm, bách chiến bách thắng”, chủ nghĩa đã khai sinh, dung dưỡng và chỉ đường về tư tưởng cho “giai cấp tiến bộ nhất” của xã hội. Không lý do gì mà “giai cấp tiến bộ nhất” không đảm nhiệm vai trò cầm cương chính phủ hiện tại, lâu dài và mãi mãi cho tới khi nào nhà nước tiêu vong (Cộng sản)
Một điều nữa, đảng rất tài ba trong kế “thu phục nhân tâm” đối với cô bạn láng giềng Trung Quốc. 1990 cũng là năm hai hậu duệ của ông tổ Mac – Lê này dẹp bỏ mối thâm thù dân tộc hàng ngàn năm, làm tiền đề cho tình cảm nồng ấm 4 tốt với 16 chữ vàng, nâng cao quyết tâm trường kì nắm tay nhau tiến tới thiên đàng XHCN. Thấy chưa? Sểnh đảng ra thì làm gì có chuyện hàn với gắn? Có khi còn đắm chìm trong chiến tranh liên miên ấy chứ. Bởi vậy, nắm quyền để tránh cái hiểm họa cho cả một dân tộc là lẽ đương nhiên?.
Những bộ óc tinh hoa trong đảng đã nghĩ thế?  Thế là có sự ra đời của Hiến pháp 1992?
Và nếu đúng thế, cái điều 4 ấy không đơn giản chỉ là ràng buộc giữa nhà nước với nhân dân, mà phần nhiều nó thực hiện nhiệm vụ tỏa sáng như một tượng đài. Tôn vinh và khẳng định điều vô cùng hợp lý khi có đảng lãnh đạo?
Chả thế mà Ủy viên trung ương đảng, giờ là Trưởng ban tôn giáo, à, Trưởng ban tuyên giáo trung ương Đinh Thế Huynh đã nhân danh dân tộc mà hùng hồn phát ngôn: “Việt Nam chúng tôi không có nhu cầu đa nguyên đa đảng, và dứt khoát không đa nguyên đa đảng...”. Mạnh mẽ hơn,ngài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn khẳng định (dân tộc Việt Nam có thể) sẽ  treo cổ mình nếu không có đảng CSVN “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát!” (Ai tự sát? Chắc ý đó không dùng để chỉ một tập thể “quang vinh, muôn năm” rồi.)
Cho nên, như đã nói, nếu điều 4 Hiến pháp 1992 thể hiện tính độc tài và thiếu thông minh như một đôi tác giả nhận xét thì cũng là chuyện bình thường của một lớp lãnh đạo không nhiều lòng dũng cảm và vô vàn nỗi lo xa mà thôi.
Chỉ lo rằng, sự tồn tại của nó chính là biểu hiện của một dạng “thánh kinh”. Nghĩa là niềm tin đã ăn sâu vào trong gan, trong máu về việc đương nhiên dẫn dắt xã hội của một đảng có cuốn bí kíp Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh....
 Nếu vậy thì nguy hiểm biết bao nhiêu.
......................................

Lộn xộn quá thể! Cái thằng cha hàng xóm hoang tưởng đang ngồi trên xe đạp mà gân cổ giả tiếng moto dẹp đường cho trận “đi bão” của hắn khiến kẻ này chẳng còn tập trung viết lách được gì nữa. Thôi đành tắt máy, kiếm đại một khúc gỗ nào mà “cưa” cho đỡ mệt (có tật ngủ hay ngáy mà). Và để hi vọng những điều bàn trên đây chỉ là nhảm nhí.
Trần Anh Tuấn


Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

NHỮNG "SÁT THỦ"?

HAY SỰ KHUYẾN KHÍCH LỐI GIAO TIẾP CẨU THẢ?

Tôi không có tham vọng làm một tên lính gác thành cho cái gọi là “Sự trong sáng của tiếng Việt” Bởi nếu có được giao nhiệm vụ bảo vệ thì cũng chẳng biết bảo vệ làm sao? Bảo vệ thế nào? Bảo vệ ý nghĩa hay bảo vệ từ vựng?... Cái gì cũng lung tung hết cả lên.

Thời gian gần đây, tiếp sau vụ lùm xùm đòi đưa ngôn ngữ chat vào từ điển (1) lại có thêm  một cuốn sách mang tên “Sát thủ đầu mưng mủ” (2) trở thành đề tài bàn tán ồn ào trên đa số phương tiện truyền thông.
Phải chăng đây là thời của “Nhân danh tự do” nên phát ngôn chẳng thèm chỉn chu cho lắm? Những câu chuyện nhí nhố lại là mối quan tâm của những cái đầu bác học?(Thật khổ! Tôi chẳng dám nhận là bác này bác nọ)

Mạn phép dùng chữ “Hiếp dâm tiếng Việt” để nói tới sự lố bịch của cả người đề xuất, khuyến khích lẫn kẻ sử dụng ngôn ngữ chat. Lấy 3 lý do “Nhu cầu về tốc độ chat, quan hệ giữa những người chat, mục đích và những nội dung đề cập”, tác giả Nguyễn Đức Dân (Giáo sư – Tiến sĩ) mong muốn đưa mấy thứ quái thai ấy vào từ điển tiếng Việt.
 Chả biết cái Luận án (nếu có) kia đóng góp được lợi ích gì? Nhưng nếu nó diễn ra theo đúng mong muốn của vị học giả khả kính này thì không biết bao nhiêu thế hệ con cháu của ngài mới có thể lần giở hết bộ từ điển kinh khủng ấy. Bởi 7X có lối nói chuyện của 7X, 8X có cách chat của 8X, 9X lại có lối tán trò của 9X, và vân vân X nữa....
Biết đâu, để ghi nhớ công lao, bọn con nít thế hệ nào đó sẽ vinh danh Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Dân bằng lối chat “ngắn gọn và tốc độ” như sau đây: “Giáo sĩ... D”. Thôi thế “kũg là vig zự cho giáo sĩ rùi, bít hok?”! (Rất xin lỗi giáo sư)
..........................

Thế rồi trong cơn bão táp của những điều nhảm nhí, suýt tí nữa thì lại khai sinh ra một “Sát thủ đầu mưng mủ”. Nghĩa là những ngôn ngữ vớ vẩn nhằm chuyển tải cái tiếng cười nông cạn được đứng trước cơ hội tập hợp đội ngũ trong một bản thống kê vô bổ đeo bám dưới mác “Văn hóa phẩm” cực kỳ sang trọng. Cốt lõi gây nên sự hào hứng rẻ tiền này là việc sử dụng những từ ngữ có vần điệu giống nhau để chắp nối lại thành đa số câu vô nghĩa, thậm chí phản cảm.
-         Chán như con gián
-         Buồn như con chuồn chuồn
-         Dở hơi biết bơi
-         Bộ đội phải chơi trội
-         Một điều nhịn là chín điều nhục
-         ......................................................................
Vẫn biết đó không phải là sáng tạo của nghệ sĩ Thành Phong mà chỉ là việc nhắc lại và minh họa bằng tranh vẽ những lời nói thể hiện sự ấu trĩ, tù túng trong tư tưởng (cứ coi cách phát ngôn nào lạ lẫm đã là một niềm vui) trên miệng những ông bà chủ tương lai của đất nước đang nhân danh “Teen” mà thôi. Tuy nhiên, nếu thứ “Văn hóa phẩm” ấy mà phát hành thì khác quái gì “cổ vũ cho người quay về thú” đâu cơ chứ? (dung dưỡng sự vô nghĩa cùng “chọc tiết”  ý thức)
Ấy thế mà vẫn có nhiều người học vấn không thấp vẫn “Đầu to nhưng óc bằng quả nho”  oang oang cất tiếng nói bảo vệ sự ra đời của ấn phẩm giá trị lùn này.
Mà còn “lùn” hơn nữa nếu dại dột so sánh với cách nói vừa vần vè vui vui, vừa thâm thúy lại mang tính giáo dục khá cao của các cụ xưa:
-         Chó treo, mèo đậy
-         Nói phải củ cải cũng phải nghe
-         Sồn sồn như ... L.. phải lá han
-         Tay trái mó dái không xong
-         Chớ đem bì phấn với vôi – Bì.... L... con đĩ với môi anh thợ kèn
-         ........................................................
Kết mà chưa hết:
Lo lắm, mới chiều nay thôi, ngồi quán cà phê vỉa hè nghe hai thằng trẻ con đối đáp với nhau đúng giọng của “sát thủ đầu có mủ”. Một thằng mắng “Mày tồ như... cái hồ!” , đứa kia vặc lại “Ừ! Mày giỏi thì ... cũng củ tỏi sớm thôi con ạ!”
Tóm lại, đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt hay rùm beng cổ vũ cho lối giao tiếp “hóm hỉnh thì ít mà đần độn thì nhiều” có lẽ sẽ góp phần đáng kể nào đó nâng dân tộc lên một tầm mới của... đỉnh cao ngây ngô?.
Cho nên, bài này chỉ là “Tiếng nói phát ói” của cái thằng tôi vì lo rằng: Dù các bác quản lý nhà mình hôm nay đã bật đèn đỏ chặn đứng những ý tưởng quái dị ấy, nhưng biết đâu một ngày xấu trời nào đó, số phận của chúng sẽ lại được hân hoan tiến bước giống như bộ phim Tàu nói tiếng Việt “Đường tới thành Thăng Long”  đang sắp sửa phủ cái hồn người Trung Hoa lên đầu chín chục triệu dân mình (dẫu rằng trước đấy nó đã từng bị tuýt còi).
Trần Anh Tuấn

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

KHAI SINH TRONG VÙNG SÁNG?

NHỮNG “NÀNG KIỀU” VÀI TRĂM NĂM SAU



Vương Thúy Kiều lần thứ nhất bán thân xác chuộc cha thông qua môi giới hôn nhân với Mã Giám Sinh. Lần thứ hai, Kiều bán sạch phẩm giá bằng việc định xỏ mũi Hoạn Thư, rồi ăn trộm vàng ngọc tại nhà cô này để cao chạy xa bay. Lần thứ ba, người đẹp thực hiện thương vụ bằng cả cơ đồ của đấng trượng phu Từ Hải với mong muốn được yên thân....
Bởi thế nghe đâu trước 1945, tác phẩm “Truyện Kiều”  dù với tên mỹ miều hơn là “Đoạn trường tân thanh”  vẫn bị dân gian coi là một “bản dâm thư”.  Nói nôm na thì là một dạng “Nhật ký của gái điếm”... Thế nhưng đùng một cái sau cách mạng, từ thân phận một con vịt nàng chuyển mình hóa chim Phượng hoàng với vô số những biểu tượng tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được phần nhiều các tác giả đương thời tán tụng lên.
Nghĩa là một sự việc khi nhìn bởi lăng kính khác nhau sẽ hiện lên những màu sắc lung linh hoặc u ám khác nhau. Ngoài ra, phương pháp  nhận thức cũng có thể đưa một cuốn kinh thánh nào đó vào sọt rác hoặc nâng một chủ thuyết gì đấy lên đỉnh cao chói lọi vinh quang.
Chuyện xưa qua lời đồn đại mơ hồ nên khó chính xác. Kẻ này không dám nói nhiều, chỉ sơ sơ muốn bàn rõ hơn một tý ti cái hiện tượng đang sờ sờ phủ chiếc váy đụp lên một phần cuộc sống.  Ấy là thân phận của những em ún Thúy Kiều hiện nay (xét dưới góc độ mang tới “cánh cửa thiên đường” (chữ dùng của một số chị em) cho các đấng Anh hùng có, Tiểu nhân có, Lưu manh có, Trí thức, Quan chức hay dân đen rất đen... đều có)
Về cái khoản sung sướng thì từ Đức thánh Khổng ở bên Tàu cho tới em nhỏ 14, 15 tuổi bán vé số dạo đều cần. Còn chuyện ông tổ của đạo Nho có khi nào tập tành đi hát ả đào như các cụ Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Tuân không thì chưa dám nói. Có điều, phàm đã là Người khi đã nảy sinh nhu cầu mà không được thỏa mãn tất sẽ khó chịu, bức bối lắm lắm. Trong vô số các nhu cầu thì “chuyện ấy” lại là một vấn đề khá quan trọng. Nó không chỉ thực hiện chức năng tái sản xuất xã hội mà còn giải tỏa căng thẳng, mang lại tinh thần hưng phấn cho mỗi “cầu thủ” tham gia.
Mại dâm có khả năng đáp ứng hai vế sau đó. Đây là một hiện tượng đương nhiên của xã hội, lịch sử tồn tại của nó có lẽ cũng lâu dài như từ khi loài người bắt đầu biết tới giới hạn của quyền sở hữu. Nói một cách khác, nó chỉ có thể mất đi khi không có ai trên thế giới còn lòng tham, bản năng tính dục hoặc chế độ một vợ một chồng hoàn toàn biến mất trong các văn bản pháp luật.
Thế thì cấm sao khi luật pháp hô một đằng, thực tiễn nhào một nẻo? Có ai chỉ cho tôi ở bất cứ nơi xa xôi nào đó có tổ chức xã hội mà không có hiện tượng mại dâm?
 Ấy vậy mà nghe nói chỉ có Đức, Hà Lan, Thái Lan và một vài quốc gia “lạc loài” khác coi các chị em hành nghề “tình một đêm” như những người lao động bình thường. Còn lại là tước quyền kinh doanh “vốn tự có” của những nàng Kiều hiện đại. Phải chăng từ nguyên nhân của làn sóng “nữ quyền”?  Mại dâm gặp một rào cản ghê gớm ở phía những bà vợ chính chuyên đàng hoàng ngồi trong căn phòng ấm cúng mà nơm nớp lo anh chồng trăng hoa không biết đang đánh quả tù mù ở xó xỉnh nào?
Nhưng, khi đã cấm một hiện tượng “đương nhiên” thì đương nhiên lãnh chịu hậu quả. Vì cấm nên cả một hệ thống mại dâm luôn hoạt động trong tình trạng lén lút (Hệ thống tính sơ sơ đã bao gồm ngần này mũi thuốc độc tiêm vào cơ thể xã hội: Bệnh tật nhiều do quan hệ không an toàn, trại phục hồi chật bởi những màn “thu gom”, nhà tù đông vì nhiều “má mì” sa lưới, rồi đâm chém loạn xị khi tranh địa bàn “gái gọi”,...chưa nói tới thảm cảnh nhân vật chính bị “tú bà” bóc và lột cả nghĩa đen lẫn bóng.) Cho nên, cái gì cũng có sự đánh đổi cả. Ví như (ví dụ thôi): Muốn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê thì lùa dân vào Hợp tác xã, còn muốn nền KTTT nghĩa là phải chấp nhận diễn giải thêm lời của hai ông ấy. Hoặc như chuyện người đẹp Ngọc Trinh khoe “hàng quý”, nếu muốn em gái hở vô tư thì phải dẹp sĩ diện mà thu hồi vương miện, còn muốn nàng vẫn là một trong những Miss VN thì ít nhất cũng cần dán miệng cái đám báo chí lắm chuyện lại... Tương tự, muốn đất nước bớt nhiều gánh nặng thì cứ thả cửa để mấy “mụ già” không khéo chiều chồng ghen lồng lộn mỗi khi đức lang quân vắng mặt đi (Mà chắc không tới mức đó đâu).
Luật pháp nước mình từ lâu bị gán cho cái nhãn không hay ho lắm, tức là “cái gì không quản được thì cấm” . Nhưng (ít nhất) trong cách ứng xử với hiện tượng “mua son bán phấn” lại có vẻ như ngược lại. Kẻ này từ lâu đã nghe lẻ tẻ những tiếng nói đề nghị một sự chính danh cho các cô gái tội nghiệp làm nghề mua vui cho khách thiên hạ. Ngày hôm qua lại vớ phải một phát ngôn trên báo Tuổi trẻ, bài “Nên có cách nhìn mới về người bán dâm” dẫn lời ngài Chủ tịch Hội nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết tại phiên thảo luận ở tổ trong Quốc hội. Ông đề nghị nên có “quy định” cho những nàng Kiều lỡ bước ấy. Vui quá! Thế tức là đỡ đầu cho một phần thế giới Xã hội đen có cơ hội khai sinh trong ánh sáng rồi còn gì nữa.
Bỗng nhớ tới một kỷ niệm năm 2006 ngày còn là sinh viên năm II. Thay mặt cho nhóm học tập, kẻ này có trình bày và bảo vệ ý tưởng “Hợp pháp hóa hoạt động mại dâm”... Thế là một cuộc tranh luận, đúng hơn là cãi nhau giữa một nửa lớp với... phần còn lại. “Phe” nào cũng có cả nam và nữ, và rất thú vị vì “chủ lực” cho “cánh” đề nghị Mại dâm phải được pháp luật thừa nhận  lại là “nữ tướng” Trịnh Thị Hồng Thư
Xin đăng lại nguyên bản bài bảo vệ đề tài hơn 5 năm trước của kẻ này vừa để khẳng định lại quan điểm “Nên coi mại dâm là một nghề hợp pháp” vừa là để thay lời muốn tỏ về nỗi nhớ chị Thư, nhớ nhóm học tập cũng như nhớ toàn bộ những thành viên của lớp Xã hội học 05 thân yêu.
Thân mến.

Và nó đây:
NÊN COI MẠI DÂM LÀ MỘT NGHỀ HỢP PHÁP!


" Mại Dâm"  - hiểu một cách ngắn gọn là một sự trao đổi về tình dục có thu tiền hay một phần thưởng khác.
Mại dâm được ghi nhận xuất hiện tại Ai Cập khi đồng tiền xuất hiện. Như vậy Mại dâm có một quá trình lịch sử lâu dài, tồn tại , sống mãnh liệt cho tới ngày nay bất kể là ở thời kì hay chế độ nào. Nó xuất phát từ nhu cầu sinh lý, bản năng của con người. Do vậy cấm đoán nó là một việc hầu như vô ích và mang lại những hậu quả còn tệ hại hơn việc nó được công khai (Tỉ lệ tội phạm , tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS , ... tăng )
          Trên thế giới, những quốc gia như Hà Lan, Đức, Chi Lê, Thái Lan ,...đã hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, thu được nguồn lợi to lớn vào ngân sách, các giá trị xã hội , đạo đức cũng không bị biến đổi tồi tệ.
          Tại Việt Nam,trên các mặt báo hàng ngày, chúng ta gặp không ít những thông tin về "phá một ổ mại dâm này, bắt một đường dây gái gọi kia,.."....Phải chăng chính quyền chưa mạnh tay hay sức sống tiềm tàng của mại dâm quá lớn? Chỉ biết rằng , khi các cơ sở mại dâm hoạt động lén lút, lẩn tránh pháp luật thì trật tự xã hội thêm phần rối ren, tình trạng tội phạm tăng, tình trạng lây bệnh , nhiễm bệnh do quan hệ tình dục không an toàn tăng. Các cô gái do nhiều lý do , hoàn cảnh khác nhau phải dấn thân và dấn sâu vào con đường ấy do mặc cảm bị xã hội thành kiến , mỉa mai, xua đuổi,.. Số các cô gái sau khi ra khỏi những trung tâm phục hồi nhân phẩm lại tiếp tục tái phạm với một tỉ lệ cao là điều chúng ta phải suy nghĩ.
          Hàng ngàn năm nay chúng ta đều cấm và hàng ngàn năm nay chúng ta đều thất bại. Vậy nên chăng chúng ta hợp pháp hóa hoạt động mại dâm theo lộ trình sau:
    - Trước tiên , nhà nước phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để trừng trị nghiêm khắc, thẳng tay những dịch vụ mại dâm do tư nhân làm chủ
    - Triệt phá hoàn toàn các ổ mại dâm hiện nay ( Nhà nước và nhân dân cùng làm)
    - Nhà nước quản lý hoạt động mại dâm . Ban hành những quy định vừa đảm bảo giải quyết nhu cầu của người mua dâm, vừa đảm bảo lợi ích, sức khỏe của người bán dâm
-   Đổi tên Mại dâm thành 1 tên khác để góp phần xoá bớt mặc cảm, thành kiến trong xã hội.
    - Xem xét và cấp thẻ hành nghề cho những người muốn hành nghề bán dâm
    - Kiểm tra sức khỏe, khám bệnh định kì cho người bán dâm. Đảm bảo độ an toàn tuyệt đối cho người bán và người mua dâm.
    - Bắt buộc dùng các biện pháp , dụng cụ an toàn tình dục ( Bao cao su,...) trong lúc mua bán dâm
    - Phải trang bị một số nghề nhất định cho những người bán dâm sau khi từ bỏ nghề để họ dễ dàng hòa nhập với xã hội.
          Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tuyên truyền phải luôn đi song hành để xóa đi thành kiến lâu nay của xã hội. Chúng ta vẫn khuyến khích chế độ chung thủy một vợ một chồng nhưng không thể lên án nhu cầu của con người, đặc biệt là những người góa vợ, cô đơn hay tàn tật.
          Nếu hợp pháp hóa với những bước như thế,chúng ta có thể thu được những kết quả sau:
    - Xóa bỏ được cái gọi là " tệ nạn nhức nhối trong xã hội:
    - Chấm dứt một dạng làm ăn lén lút, coi thường pháp luật , tính mạng người khác của một số kẻ hám lợi
    - Xóa bỏ được mặc cảm tội lỗi, xấu hổ của những người hành nghề bán dâm. Họ được pháp luật công nhận và hoạt động công khai như những người làm công việc khác
    - Xóa bỏ được thành kiến xã  hội, coi những người làm nghề này là xấu xa, bỉ ổi, không lương thiện.
    - Đem lại một khoản thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước.Du lịch và dịch vụ sẽ phát triển mạnh hơn do lượng du khách tăng lên
    - Hạn chế đáng kể tình trạng lây nhiễm các bệnh tình dục do quan hệ tình dục bừa bãi lén lút. Giảm gánh nặng cho y tế, tiết kiệm được một khoản tiền lớn
chi phí phòng ngừa, điều trị những căn bệnh này.

          Một điều tôi chắc chắn là nhiều người phản đối việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Là nó không hợp với văn hóa Việt Nam và liệu các gia đình có đồng ý để người trong nhà đi hoạt động mại dâm công khai hay không.... Xin được nói rằng:Văn hóa là do con người sáng tạo ra và con người cũng có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Trước kia, ông cha ta chấp nhận việc một người con trai có thể có nhiều vợ. Chấp nhận hình phạt cạo đầu bôi vôi đối với người phụ nữ chưa chồng mà có mang. Chấp nhận tục cưới vợ hay nộp cheo,...Coi việc càng kéo dài ngày đám hiếu đám hỉ là càng được tôn trọng , v...v..Những điều ấy trước kia được coi là Văn hóa. Nhưng ngày nay, chúng ta coi đó là lạc hậu, là hủ tục,...Như vậy, mỗi một thời đại khác nhauthì cách nhận thức, nhận định, đánh giá cùng một vấn đề sẽ khác nhau. Mại dâm với tính lịch sử của nó cùng với việc làm thỏa mãn nhu cầu của nhiều người trong xã hội hi vọng là sẽ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng.
          Khi thái độ của xã hội đã chấp nhận mại dâm là một nghề nghĩa là nó có đủ tư cách để sánh ngang với mọi nghề trong xã hội. Khi những thành kiến đã mất, công dân có quyền tự do lựa chọn, quyết định nghề nghiệp cho riêng mình. Và tin chắc gia đình họ sẽ không còn xấu hổ mà phản đối nữa.

          Tóm lại, với những điều trên đây, hi vọng mọi người có cái nhìn đúng đắn , công bằng hơn đối với nghề mại dâm. Và hi vọng trong tương lai không xa nó sẽ được nhà nước hợp pháp hóa với những điều khoản, biện pháp hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Trần Anh Tuấn

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

OK! CHIA TAY THÌ ĐỪNG LUNG LAY!


HI VỌNG SẼ KHÔNG CÓ CHUYỆN HÀN VỚI GẮN


Vĩnh biệt nhé! Từ nay thôi vĩnh biệt!
Không còn em lúc trăn trở, buồn phiền
Không còn em những lúc đắng cay thêm...
Vùi tâm trạng trong ưu phiền ảo não

Và không còn em trong những niềm vui hão
Trong đam mê thỏa mãn lúc say đời
Ta ru ta bởi câu hát ngậm ngùi
Bởi chuếnh choáng trong hơi men... ảo giác

Em đã cùng ta chia bùi sẻ chát
Mỗi lần ta cay đắng hoặc u buồn
Hoặc mỗi lần ta tự thấy ta phi thường
Cũng nhâm nhi thành công trong khói thuốc.
Thuốc lá!
Phải, chính là em! Thủy chung, thân thiết
Từng cùng ta trải hơn chục năm rồi

Khi ngạo nghễ vươn khói cuộn lưng trời
Lúc đằm thắm tỏa lan miền tâm trạng...
Em bừng đỏ mỗi lần ta âu yếm
Đặt lên môi... hôn say đắm mặn nồng
Lửa nhiệt tình cháy đến phút cuối cùng
Rồi tức tưởi kêu “xèo” mỗi lần ta dụi tắt

Tình ta và em không ai không biết!
Nhưng đành thôi... từ đây xin vĩnh biệt
Bởi ta nghĩ nên là người khác trước,
Không muốn vì em mà ta phụ thuộc.

Đừng trách ta
          Chỉ vì em dại dột!
Khi em yêu... lại... âu yếm quá đà
Hơi điên khùng trong mỗi lúc thăng hoa
Quăng tặng ta ...màu thâm thâm trong phổi

Nhưng quan trọng hơn...
          Bao nhiêu là rác rưởi
Em hào hứng nghĩ ta là bãi thải
Mà những thứ đó... bao lần làm ta tê tái
Là sự thụt lui của lý tưởng đời ta...
(Nó bắt đầu từ những cuộc phong ba
Trong tâm trí, mỗi lần ta đau đớn
Tự ghét ta – Một thằng đáng tởm
Nghĩ thì hay, làm lại chẳng ra chi!)

Chỉ mỗi việc xa  em tưởng chẳng khó khăn gì
Mà bao lần quyết tâm rồi... hôn lại!

Bước của ta sẽ thụt dài thêm mãi
Nếu không vượt qua em – “phù thủy” đầu tiên!
Vĩnh biệt nhé, dẫu xa cũng... hơi phiền
Biết sao được!...
          ...Khi tình mình luôn... hấp hối...

Thế rồi “kẻ tình phụ” trả lời sao?

Ừ thì “ông” nói chia tay!
Ừ thì mai sẽ biết ngay thế nào!
Ừ thì giờ nhé: “Mày – Tao”!
Ừ thì tìm ả... thuốc lào mà chơi!
(Ghen chăng?)

Tưởng “cai” mà được với tôi?
Thì cai đi! “Mụ” xin mời tự do!
Chỉ e trời lạnh co ro...
Lại len lén nịnh “bà” cho ... hít hà.
(Hờn dỗi?)

Bao lâu tình nghĩa hai ta...
Bỗng nhiên trở chứng... nghĩa là làm sao?
Nhưng... “đây” ... chẳng giận tý nào
Yêu lại đi!... “thiếp” dẫn vào thiên thai.
(And ... gạ gẫm!)
Tá hỏa, chạy một lúc nhìn xuống mới thấy mình ... đi chân đất!)
Trần Anh Tuấn

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

TÌNH TAY BA...

À KHÔNG!...TRUYỆN TẤM CÁM
Tôi cứ nghĩ mãi tới hình ảnh người mẹ già nua ngồi nhâm nhi thịt con gái mình mà hí hửng tưởng đó là lộc vua (hoàng hậu) ban.

Loa! Loa! Loa!.... Gần đây xôn xao trên báo mạng câu chuyện cổ tích cả ngàn năm nay. Tấm và Cám bỗng nhiên hot trở lại không phải bằng đồn đại dân gian mà bằng những ý châu lời ngọc của những bậc thức giả muốn hoặc không muốn Tấm ở phe bên mình.
Bài viết gần nhất kẻ này thưởng thức là của tác giả Ngô Viết Hoàn (Đại học sư phạm Hà Nội) Trên Vietnamnet. Dẫu là một cá nhân song anh (chị) Hoàn sử dụng danh xưng “chúng tôi” có lẽ để phần lý luận thêm nặng ký: “Chúng tôi cho rằng, những người có những băn khoăn hay phán xét cái kết này dường như chưa hề tìm hiểu về tác phẩm văn học dân gian dựa trên thi pháp đặc trưng của thể loại này.”
Không cần nói tới động tác “chụp mũ” một cách rất ác ôn mà hãy bàn về lý lẽ của tác giả này nói riêng, của những vị quyết liệt lôi xềnh xệch hình tượng Tấm về phe mình nói chung.
Chung quy lại, phía sùng bái bản tính đại diện cho cái Thiện của Tấm quả quyết rằng “Cô Tấm đại diện cho cái thiện, và suy nghĩ của dân gian cũng muốn chuyển tải mong muốn cái Thiện sẽ diệt trừ tận gốc cái Ác.” Còn bên phía “Phản động” lại khăng khăng  “Tấm là một điển hình cho cách ứng xử của Gia Long Nguyễn Ánh”, nghĩa là cũng phun thuốc diệt cỏ xuống những mầm mống có thể gây hại cho mình.
Lý lẽ để phe “Hiểu biết” (cứ tạm gọi như thế) lấy làm bàn đạp là phe “Dốt nát” (cứ tạm gọi như thế) đã “...chưa hề tìm hiểu về tác phẩm văn học dân gian dựa trên thi pháp đặc trưng của thể loại này.”... Hay quá! Không hiểu vị nào đầu tiên đã dám hùng hổ tự nhận là đại diện cho tiếng nói của mấy chục thế hệ dân gian để khắng định “ý tứ các cụ xưa là thế!”? Hay đó là sản phẩm của lối suy diễn văn học thời XHCN – Cái thời Phan Khôi, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm cùng bao nhiêu tên tuổi sáng chói khác phải chịu vòng lao lý vì tư tưởng không chính đáng?
Thêm một căn cứ nho nhỏ để phía “Hiểu biết” khẳng định lối diễn giải của mình là cách đặt tên Tấm và Cám trong câu truyện. Thì đúng là trong quy trình sản xuất từ lúa, thóc ra hạt gạo dẻo thơm luôn có 2 thứ phụ phẩm theo kèm là cám và tấm. Cám thỉ chỉ lót ổ cho gà hoặc vun vào bếp lửa cho đượm gio. Còn tấm thì có thể miễn cưỡng mà nấu cháo hoặc cơm hẩm nuôi ấm dạ dày. Tuy nhiên, nếu người xưa quả thực muốn tôn vinh cô nàng Tấm đại diện cho nết chăm chỉ cùng tính “thiện” thì không đời nào lại đem ví thân phận ấy với thứ thải ra từ việc giã gạo cả.
Theo “Dốt nát” thì đúng là qua những câu chuyện cổ tích mới thấy người xưa ác thật! Người anh bỏ mình nơi biển khơi vì tư tưởng làm giàu chính đáng (Truyện Cây khế), Số phận tang thương của mẹ con Lý Thông bởi quy luật tâm lý “mẹ ghẻ con chồng” (Truyện Thạch Sanh - dẫu rằng chàng Thạch Sanh đã cao thượng tha thứ), cái kết thúc hãi hùng và sặc mùi tanh máu của mẹ con Cám (Truyện Tấm Cám),....Vậy thì, suy nghĩ tàn độc này có lẽ ảnh hưởng bởi lối hành xử của những ác tướng danh tiếng bên Tàu như: Bạch Khởi, Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo,.... chăng?
Nó khác xa phương pháp ứng xử với cái ác của cô gái quê lọ lem (Truyện Cô gái lọ lem), của nàng Sheherazade (trong Ngàn lẻ một đêm), của sự sẵn sàng hi sinh vì người yêu của nàng công chúa nơi thủy cung (Truyện Nàng tiên cá),...
Tôi thì không tin người Việt Nam có cách phản ứng sòng phẳng và tàn nhẫn như vậy dẫu đó chỉ là những tư tưởng gửi gắm vào trong những câu chuyện cổ tích.

Thế thì phải tìm một lối lý giải khác ...
Nền văn minh lúa nước khiến người Việt Nam có đời sống cộng đồng gắn bó chặt chẽ. Từ đó mới sinh ra câu thành ngữ “Thương người như thể thương thân”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Chị ngã em nâng”,...
Mặt khác, sự kết hợp giữa Phật, Nho, Lão cùng những bài học từ cuộc sống khiến người xưa đúc rút quy luật của “Ác giả ác báo”, “Gieo nhân nào gặt quả ấy”, “Gieo gió gặt bão”,....
Đồng thời với đó là sự cảnh tỉnh con người phải biết cảnh giác khi cái ác nhân danh cái thiện “Mặt ngoài thơn thớt nói cười – Mà trong nham hiểm giết người không dao”, “Miệng Nam mô, bụng một bồ dao găm”,...
Cái thằng tôi thiên về chủ thuyết nghi ngờ với mong muốn .... khẳng định sự sâu sắc trong các bài học của cha ông thông qua những câu chuyện dân gian bởi những lý do nho nhỏ dưới này:
Lũ nhóc con (một thời có tôi sung vào hàng ngũ đó) tuổi từ 5 tới 14 chính là đối tượng hướng tới của các câu chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, truyền thuyết,... Độ tuổi này cũng là độ tuổi diễn ra quá trình Xã hội hóa sâu sắc nhất. Tức là về cơ bản, chúng đã xác lập được nền tảng lý tưởng và manh nha những kỹ năng ứng xử với cuộc sống sau này của chúng.
Thế thì không có cớ gì khiến các bậc trưởng thượng lại chủ ý làm “suy thoái giống nòi” bằng cách nhồi vào đầu con trẻ sự khát máu tanh tưởi của loài động vật, nợ máu trả máu, máu trả gấp đôi,... cả.
Các cụ cũng không khuyến khích sự ngô nghê khù khờ được ngụy biện bằng mỹ từ “ăn hiền ở lành” để trông chờ vào sự may rủi của số phận. Trong trường hợp Tấm Cám, phải nói trắng ra là Tấm không có kỹ năng sống, thua đứt sự hiểu biết và linh hoạt vận dụng cơ hội của mẹ con Cám.
Trong diễn tiến của câu chuyện, Tấm tỏ ra hiền lành như cục đất trước khi thực hiện một triết lý “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”  bằng việc lừa luộc chín Cám và dụ dỗ mẹ kế ăn thịt con đẻ của mình. Dù rằng trước đó Tấm đã nung nấu ý đồ phục hận qua lời hăm dọa của thứ chim đẹp đẽ Vàng Anh:
“Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao”
Rồi tiếng kẹo kẹt của khung cửi – biểu tượng cho công cụ lao động của người phụ nữ hiền thục thời bấy giờ:
“Kẽo cà kẽo kẹt
Dám tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra”
Cả cuộc đời Tấm cho tới khi lấy được Hoàng tử là một sự ngu ngốc, hậm hực và ăn may (gặp Bụt). Ai thử trả lời xem: Ông cha xưa có khi nào ý định truyền lại kinh nghiệm “Há miệng chờ sung” cho con cháu không? Coi cuộc đời giống như một cuộc đỏ đen vậy không? Để dạy rằng: Đừng mưu mẹo gì cả, hãy cứ cam chịu thiệt thòi, áp bức. Rồi sẽ có ngày trúng xổ số?
Theo tôi thì không! Mà là các cụ dạy một bài học thâm thúy hơn nhiều: Hãy cảnh giác với những cái ác nhân danh lương thiện!
Mà cái ác thì ghê gớm lắm, cái ác sau cùng lại càng khủng khiếp hơn. Cứ soi từ câu chuyện này là biết: Dẫu có mười lần thủ đoạn của mẹ con Cám cũng chẳng bằng một bận xuống tay của người đẹp mang tên Tấm
Tóm lại, không biết có phải do định hướng của các bố ngành giáo dục nhà ta, nhất định xếp Tấm vào phe “Ở hiền gặp lành” không? Và nó có liên quan gì tới hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay thực hiện nhiều vụ khát máu tanh tưởi theo phương châm “Vay 1 trả 10” không?!.... Va chạm xe cộ nhẹ nhàng cũng giải quyết cùng dao kiếm, bị phụ tình tí ti cũng sẵn sàng nói chuyện bằng Axit, xúc phạm nho nhỏ trong bữa nhậu thì coi chừng moi tim nhau ra làm mồi nhắm,....
Ấy là chưa kể những vụ lớn hơn. Chẳng biết người dân Tây Nguyên ăn ở thế nào mà đang công kênh đội ở trên đầu một cô nàng mang tên Bô xít? V...v...
Trần Anh Tuấn