Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

VIẾT LÚC PHÊ THUỐC LÀO


Đợt lâu rồi, tớ có suy nghĩ đại ý rằng Pháp luật không truy cứu trách nhiệm với những người không có khả năng kiểm soát hành vi – tức bị tâm thần – vậy nên chăng những ai phê ma túy cũng được hưởng sự ưu tiên ấy?.  Vì rõ ràng khi phạm tội ác thì tính người trong họ đang bị phong tỏa?.



Suy nghĩ ấy vừa ho he đã tắt ngấm vì chả ai đồng tình.  Lý do là sự mất kiểm soát về ý thức của những con nghiện không mang tính hệ thống, không bền vững, và không được xã hội thông cảm.

Nay bỗng đẻ thêm một vụ ông quý tử truy sát cha mẹ ruột trong cơn “ngáo đá”.  Liên hệ với chuyện gần đây một MC đoạt mạng người yêu, một ông em trai cắt chân chị gái… mình thấy có lẽ nên ngoan cố nuôi dưỡng  lại ý kiến này, bởi:

Xét về mặt sinh học, những người ấy bị chất kích thích chi phối nên khi thủ ác họ là nạn nhân của những vận động lộn xộn trong các tế bào thần kinh.

Xét về động cơ, trong cơn say sưa, họ xuống tay theo bản năng và tưởng ta đây thực hiện việc trượng nghĩa vì  “thế thiên hành đạo”, loại trừ con “yêu tinh” trước mắt mình.

Xét về không gian và thời gian, tác giả của tội ác khi thực hiện tác phẩm của mình sẽ đối lập hoàn toàn với chính họ trong khoảng vài giờ sau đó. Sự hung hăng được thay bằng nỗi hối hận, và cái tinh thần muốn làm tất cả, thậm chí đổi lấy cái chết, để được chuộc lại lỗi lầm cao hơn bất cứ thang bậc giá trị nào.


Nói chung, xét về gì đi nữa thì họ cũng là người không tỉnh táo lúc thực hiện hành vi lệch chuẩn.
……………………..
Nên  tớ cho rằng cần xem những kẻ phạm tội trong lúc bị mất năng lực kiểm soát hành vi  do ma túy  nằm trong đội ngũ những người tâm thần nhận đặc ân của bộ luật tố tụng hình sự.

Và đừng sợ vì điều này mà tội ác sẽ trăm hoa đua nở, nếu đi kèm theo đó là hành động phun thuốc trừ sâu vào cái kén của tội ác. Ví dụ ra một luật, đại ý: Hãy  nói kẻ đưa ma túy cho anh là ai, tôi sẽ cho anh biết hắn chính là người gánh những hành vi hình sự lúc phê thuốc của anh!
Luật viển vông hay không còn tùy thuộc vào tác động của nó với xã hội thế nào.
Anh Tuấn

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

NGƯỜI VÀ HỔ



Một ông anh có ít nhất ba “ván” tù từng nói rằng, hai trong số nhiều cách để sinh tồn và gây dựng “số má” trong giới xã hội đen là trấn áp và đổ điêu. Trấn áp để đối thủ tiêu vong ý chí phản kháng, đổ điêu để lôi kéo lẽ phải thuộc về mình (vd: thằng ấy nó sỉ nhục tôi quá đáng).
Tôi thì cho rằng những phương pháp đó không đơn thuần chỉ tồn tại trong cách ứng xử của giới lưu manh mà còn hiên ngang  trở thành chân giá trị trong tư duy của vài  người thiếu quân tử. Câu chuyện con hổ ngoạm đứt tay chị Trần Thị Yến trong vườn thú tại Nghệ An là ví dụ  gần.



Theo báo chí, báo cáo của Hạt kiểm lâm Diễn Châu gửi lên chi cục kiểm lâm Nghệ An  khẳng định chị Yến là nhân viên hợp đồng tại khu du lịch Trại Bò. Trong quá trình cho hổ ăn đã xảy ra sự việc trên. Báo cáo cho hay đây là vụ tai nạn lao động do nhân viên không tuân thủ quy tắc chăm sóc thú vật hoang dã.
Tuy nhiên, khu du lịch này không trưng ra được hợp đồng lao động của chị Yến. Nói cách khác, theo họ,   người bị hổ vồ này đích thị là lao động chui? Đúng là thiệt đơn thiệt kép!
Về mặt lý, khi không chứng minh nạn nhân là nhân viên thì đương nhiên nạn nhân là du khách. Khổ nỗi, Cơ quan chức năng khẳng định khu sinh thái Trại Bò chưa đăng ký thành khu kinh doanh du lịch nên việc bán vé đón khách vào tham quan là sai.
Nghĩa là để tránh cái sai này, những vị chủ trại thú nhất quyết gán cho chị Yến là người có nhiệm vụ chăm sóc hùm, để nếu có bị xử lý về hành vi chưa ký hợp đồng thì cũng nhẹ hơn việc  kinh doanh lậu!
Nếu  như suy luận trên đúng thì sự đổ điêu này khá cao tay dù tính nhân văn thấp tẹt, vì đã trắng trợn cộng vào nỗi đau của người hút chết thêm khuyết điểm cẩu thả, vô trách nhiệm của “nhân viên hợp đồng”.
Và khi kịch bản “đổ điêu” nhằm né việc mở cửa vườn thú lậu cơ bản hoàn thành rồi thì họ thực hiện việc “trấn áp” sao? 
Cứ đợi xem cô thợ may Trần Thị Yến có tự nhận mình là tay chăm hổ không.  Vì cô ấy đang cần khoản chi phí lớn  điều trị vết thương. Trong trường hợp nếu ngoan ngoãn nghe lời ai đó để có thêm tiền thì khó mà không ngoan... 
Anh Tuấn