Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Khi Tổng thống tháo nhẫn để bắt tay…


Gặp người dân Việt Nam tại quán bún ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Obama cẩn thận tháo nhẫn nhét túi trước khi bắt tay với họ. Việc này không chỉ xảy ra một lần trong những chuyến đi nước ngoài của ông.



Hành động của người đứng đầu quốc gia cỡ quyền lực nhất hành tinh khiến dân tình xôn xao, đặt ra vô vàn lý giải. Có người cho rằng vị cao bồi này sợ đau ngón út, hóm hỉnh hơn thì khẳng định anh giai chung thủy lo đám đông động chạm vào của quý của vợ mình – tức nhẫn cưới…..
Nhưng chắc chắn một điều công dân Hoa Kỳ này ý thức được mỗi lần bắt tay! 
Có chú ý tới người mình đang tương tác thì mới quan tâm tới các thói quen cá nhân. Hành động đó cộng thêm cái nhìn thẳng vào mắt người đối diện thể hiện sự tôn trọng nhất định chứ không qua loa, hời hợt. Phía nhận bắt tay cũng sẽ cảm nhận được sự chân thành.

Ở Việt Nam cũng có thói quen bắt tay, và tôi chú ý tới hai kiểu giao tiếp khá phổ biến.
Một là, cúi gằm mặt xuống trong suốt quá trình từ lúc chìa bàn tay cho tới khi rụt lại. Kiểu này xuất hiện đa số ở những nhân viên cấp dưới có lá số tử vi ghi hai chữ Nịnh thần (hoặc tự nhận là bề dưới). Cách tương tác giống như nhận ân huệ này triệt tiêu sự thân thiện cùng tinh thần hợp tác công bằng vốn là ý nghĩa của động tác bắt tay.
Về mặt nào đó, cái sự cúi gằm mặt đã gián tiếp phủ nhận, coi thường mối quan hệ của nhau giữa hai kẻ đang đối diện.
Hai là, chìa phật thủ giống như lướt qua những bàn tay khác. Khi người nhận cái bắt tay chưa kịp siết chặt thì ông/bà này đã vội lỏng cơ và mắt hướng mẹ nó đi nơi khác rồi.
Kiểu này thường gặp trong các buổi hội nghị hoặc vi hành thăm thú tình hình con dân của nhiều lãnh đạo nhà mình. Lối chạm tay để xa lánh nhau hơn như thế này, dẫu muốn có chút thiện cảm cũng đếch thiện cảm nổi.
Vậy nên, một cử chỉ nhỏ nhưng đôi khi có thể lay động cả thế giới. Người nào khi thực hiện vai trò xã hội của mình (từ anh nhân viên doanh nghiệp nhỏ tới Đức Giáo hoàng) mà có sự chỉn chu khi tương tác thì xác suất thành công bao giờ cũng lớn. Nơi họ làm việc, hay rộng hơn là xã hội, cũng được hưởng lợi từ đó. Anh Tuấn


Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Phải soát lại tất cả Thẻ Cử tri!


Hôm nay tôi nhận được Thẻ Cử tri, nơi đi bầu cử là tại một điểm của phường 5, quận Gò Vấp.
Sau phút đầu vui mừng và hãnh diện vì mình sắp thực hiện quyền công dân trong cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ngày 22-5 tới đây  thì bỗng thấy bực bội vô cùng, tiếp đó là cảm giác hoang mang chen lấn.
Lý do là thông tin ghi trên thẻ có cái sai khó chấp nhận. Cụ thể, trong mục ngày tháng năm sinh, tôi được ghi là 01-01-1984.



Không những thế, thẻ của vợ và em tôi cũng được trang bị “đồng phục” thời điểm chào đời như trên (trong khi căn cước của tôi ghi sinh tháng 9-1980, vợ và em lần lượt là tháng 8 và 9-1984).







Không biết cái nhầm lẫn vậy có phổ biến không, nhưng dù chỉ số ít trường hợp cũng đủ can thiệp vào sự hoàn mỹ (được kỳ vọng trên mọi mặt) của kỳ bầu cử này. Nó khiến những người khi biết chuyện có quyền nghi ngờ vào sự chân thực, chính xác, khách quan, dân chủ trong “Ngày hội toàn dân”. Bởi, có ít nhất ba nguy cơ sau
Thứ nhất, về mặt tâm lý, ai cũng có sự đề cao chính mình. Một trong những điều đó là nhu cầu được người khác gọi đúng tên, tuổi. Khi nhận Thẻ Cử tri ghi sai đương nhiên họ tổn thương và không loại trừ khả năng “tẩy chay”, không đến bầu cử. Điều này dẫn tới tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.
Thứ hai, về tính chính danh, trong trường hợp nghĩa vụ công dân cao hơn lòng tự trọng cá nhân, họ sẽ tới điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, theo quy định trước khi bỏ phiếu họ phải xuất trình giấy tờ cá nhân…
Vậy cán bộ nơi bầu cử xử lý sao? Mời người dân về thì mang tiếng tước quyền công dân? để bỏ phiếu thì sai nguyên tắc? Chưa nói người đi bầu có thể bị quy kết là “bầu hộ” dù đang thực hiện quyền của chính mình.
Giải pháp là sửa tại chỗ ư? Quy định nào?... Giả sử có quy định thì điều chỉnh cho một người còn dễ, chứ lỡ cả trăm người biết tính sao? Nhân số thời gian khắc phục cho mỗi cá nhân là bao nhiêu? Đền bù  số thời giờ  lãng phí ấy như thế nào?
Thứ ba, việc hời hợt, không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi in Thẻ Cử tri này là cơ hội không thể tốt hơn để các lực lượng ít thân thiện tấn công nhà nước.  Một loạt các nhận xét có thể hình dung trước, đó là “Không nghiêm túc”, “thiếu khách quan”, “Hình thức”, “Phi dân chủ”…
Cá nhân tôi, cái sự Không nghiêm túc đã quá rõ ràng rồi.

Do vậy, để triệt tiêu ba nguy cơ trên, không gì khác hơn là rà soát lại tất cả Thẻ cử tri trên cả nước. Dù cấp tập hay tốn kém nhưng phải làm!.
Dẫu sao cũng may là cuộc bầu cử chưa diễn ra…   Anh Tuấn