Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

SẮP CÓ ĐẶC XÁ PHIÊN BẢN 2?


Cuối tuần qua, Thủ tướng ký phê duyệt triển khai “Đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Thực chất đây là hình thức tạo cơ hội cho người phạm tội được thi hành án trong cộng đồng thay vì trong trại giam. Điều này giảm áp lực quản lý trong các trại vốn đã quá đông người cũng như mang tới nhiều lợi ích khác.



Tóm tắt, những ai hội đủ các điều kiện như Phạm tội lần đầu, Quá trình cải tạo được đánh giá đạt, Chấp hành từ đủ 1/2 mức án… thì được xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhưng vẫn phải trải qua quá trình thử thách sau đó. Họ bị hạn chế một số quyền công dân và có thể bị buộc thi hành phần án còn lại nếu vi phạm hành chính hai lần, đi khỏi nơi cư trú quá ba ngày mà không báo cáo.
Kinh phí giai đoạn 1 (đến 2018) là 120 tỉ đồng, giai đoạn còn lại thêm 60 tỉ nữa. Bù lại, mỗi năm có thể tiết kiệm ngân sách 200 tỉ từ việc giảm bớt gánh nặng lo cho phạm nhân, đầu tư hạ tầng hệ thống trại giam, tinh giảm biên chế trong ngành…
Việc thực hiện xem xét các trường hợp đủ điều kiện được thực hiện ba tháng một lần. Quá trình này kéo dài tới năm 2020 với ước tính trong hai năm đầu tha 20.000 người – Con số tương đương với một lần Đặc xá!. – Nên tớ gọi là Đặc xá phiên bản 2.
Tất cả đã sẵn sàng để mở cờ, giong trống. Chỉ đợi mấy ông bà Nghị bấm nút thông qua hai luật và một nghị quyết liên quan.
Nói chung, trong ngắn hạn, nhà tù sẽ xoá sổ cảnh nằm úp thìa. Nhưng ở tương lai xa, nếu không giải quyết tận gốc các vấn đề như Thất nghiệp, Lối sống lai căng, Bất bình đẳng xã hội… thì e rằng 180 tỉ đồng và hơn thế nữa sẽ lỗ trắng.


Anh Tuấn

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

CHUYỆN MỴ CHÂU VÀ MÓN TIỀN NGÀN TỈ


Có mấy ý nghĩ thoáng qua này:
Thứ một, Thục phán An Dương Vương sau khi thắng ngoại xâm bèn kết thông gia với chúng. Con gái vị này vì tin chồng mà lôi tất tần tật bí mật quân sự ra bày trước mặt phu quân, kết cục, bên “ngoại” bị bên “nội” tiêu diệt.
Chính cái sự “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” ấy của Mỵ Châu mà mình từng có ý kiến đưa cô này vào top Những đại mỹ nhân Việt. Phải quá đi chứ! vì lịch sử Việt Nam, thậm chí lịch sử thế giới, chưa từng xuất hiện thêm bóng hồng nào có giá cao như thế: Cả ngàn năm độc lập chứ ít à?.
Nhưng suy cho cùng, trách nhiệm chính khiến thành Cổ Loa bị san phẳng phải thuộc về cụ Thục Phán, do cụ điều động con gái làm nhiệm vụ vá áo, nấu cơm cho kẻ thù.



Thứ nhì, gần hai thiên niên kỷ sau, bằng quyết định nhân sự thiên tài, Hồ Chủ tịch giao tướng Giáp toàn quyền định đoạt chiến trường Điện Biên. Không phụ lòng Cụ, người học trò xuất sắc ấy đã cùng những “Thạch sanh của thế kỷ 20” dội thành công loạt bom nguyên tử xuống chế độ thực dân toàn cầu.
Chiến thắng lừng lẫy năm châu ấy, suy cho cùng nhờ vào con mắt tinh tường trong chọn tướng của Bác.
Tiếp đó vài năm, dù Tổng bí thư Trường Chinh lĩnh ấn kiếm tiên phong trong Cải cách ruộng đất, nhưng khi để xảy ra việc lạm giết, người đứng đầu nước Việt Nam mới đã gạt nước mắt trước ống kính truyền hình, nhận trách nhiệm và hứa sửa sai. Thời điểm ấy, sự thẳng thắn này khiến Hồ Chí Minh đã lung linh lại càng thêm chói sáng.

Thứ ba là chuyện anh Trịnh Xuân Thanh. Cái sai hai năm rõ mười trong món lỗ vài ngàn tỉ ở PVC thời anh này mang chức Tổng chắc chả phải bàn. Bởi bất tài trong làm kinh tế thì thua thiệt là chuyện đương nhiên. Mà quân thua thì phải chém tướng!
Thế nhưng, ai đã cất nhắc, nâng đỡ, đề bạt, đồng ý anh Cử nhân chuyên ngành đô thị này lên tầm Tổng tư lệnh cái ngành chả liên quan tới đô thị mới là điều đáng nói. Quy trình bổ nhiệm của ta có vấn đề hay những người thực hiện quy trình không sáng mắt?
Theo mình đánh giá, nhiệm kỳ này, công cuộc bắn đại bác vào pháo đài tham nhũng, lợi ích nhóm của Tổng Bí thư có phần khởi sắc. Trứng sâu đã được đưa vào tầm ngắm thay vì cứ loay hoay phun thuốc vào lũ ngọ nguậy.

Đang viết thì tụt cha nó hứng do thèm thuốc lá! Đành chốt cái ý về câu chuyện trách nhiệm: Theo dân gian, sau khi lấy thủ cấp Mỵ Châu, An Dương Vương bỏ kiếm, xuống ngựa, ung dung theo Thần Kim Quy về nơi an toàn…


Anh Tuấn

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

NGÀY THỨ BẢY LẨN THẨN…



Hôm 15-7, Tiến quân ca chính thức được quốc hữu hoá bằng sự kiện gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc này cho nhà nước.

Vậy là sau 70 năm, tới thời điểm trên, nhạc phẩm mà nhiều thế hệ thuộc nằm lòng đã lột xác một cách trọn vẹn từ “ngành ca” lên “quốc ca”.

Cuộc “vượt vũ môn” từ ca khúc phải trả bản quyền sang bài hát của cả dân tộc dẫu không gian truân và đầy đau đớn (do vài thập niên nay, ai cũng mặc định là hành khúc thiêng liêng) thì nó cũng giải quyết được chút gợn gợn trong lòng mỗi người khi yên tâm đặt tay lên ngực trái để thổn thức với “Đoàn quân Việt Nam đi” mà không sợ phải trả phí.

Và dù về mặt ý nghĩa ca từ, mình thích tầm vóc của “Nối vòng tay lớn” hơn “Tiến quân ca”, nhưng về tính biểu tượng thì “Quốc ca” đã ăn vào trái tim mình từ 1/3 thế kỷ. Cho nên, sự xúc động khi hình dung bước tiến của các anh bộ đội bao giờ cũng hơn đứt cái đoàn kết trừu tượng từ Bắc vô Nam.


Giờ nói chuyện tên quốc gia! 

Ít ra cũng từ thời nhà Lý, nước mình đã có tên là nước Nam với minh chứng là bản Tuyên ngôn độc lập (được cho là) lần thứ nhất: Nam quốc sơn hà Nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư. Sau đó thì tên nước thành Đại Việt với Tuyên ngôn (được cho là) lần thứ hai: Như Đại Việt ta từ trước – Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Tới đệ tam tuyên bố, Hồ Chủ tịch thay mặt Quốc dân đồng bào khẳng định bản đồ thế giới phải có chữ Việt Nam: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do và Độc lập, và sự thật đã thành một nước Tự do, Độc lập.

Cứ như Bách khoa toàn thư mở (wikipedia), tên nước ở trên là sự kế thừa tiền nhân. Sau đây là đoạn trích từ trang mạng này:

“… Quốc hiệu Việt Nam (
越南) chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng "Nam" có ý nghĩa "An Nam" còn "Việt" có ý nghĩa "Việt Thường". Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cảQuảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa lúc bấy giờ. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.
Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Điều này còn được đề cập rő ràng trong những tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy hai chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam" kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam).…”

“Trung quốc” là cách gọi tắt của “Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Trong môn Lịch sử văn minh thế giới tớ học, thầy nói nó phản ánh cách định vị của sắc tộc Hoa (một trong nhiều sắc tộc tồn tại ở Trung quốc) - nghĩa rằng sắc tộc giữ vị trí trung tâm của quốc gia đó, của khu vực đó hoặc rộng lớn hơn…

Nhưng, tớ nghĩ nó chẳng liên quan lắm tới tên “Việt Nam”, vì Việt Nam là quốc gia có chủ quyền rõ ràng, chả nằm trong hệ thống những tên gọi mà chị láng giềng kia ưa thích, kiểu như Tây Tạng, Đài Bắc, Biển Hoa Đông…




Chuyện thứ ba là thời sự gia đình! 

Số là em xã của tớ hỏi con gái tớ “Buổi chiều con thích được bố, mẹ, hay chú đón từ nhà trẻ về?”.

Nó trả lời ngay “Con thích bố đón!”, hỏi tại sao, gái đáp không do dự “Vì bố đón sớm hơn mẹ và chú”.

Hoá ra, gái bất cần tư duy xem ở nhà ai là người yêu và chiều nó nhất. Nó chỉ cần thoả mãn cái sự sung sướng của con nít là hàng ngày được “giải cứu” nhanh chóng khỏi cái nơi góp phần dạy dỗ nó nên người.

Đúng là thứ trẻ con!

Anh Tuấn