Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

TIÊN SƯ ANH ĐẠO CHÍCH!

Năm 2013, mình cùng 5 anh chị xuống Bà Rịa tìm hiểu một vụ tranh chấp liên quan đến người trong họ hàng chị Võ Thị Sáu. Cả nhóm đi bằng xe biển xanh nhưng đăng ký ngoài Hà Nội.

Quá tối, bọn mình vào một quán hải sản, khi tính tiền thì bắt đầu có chuyện.

Số là bà chị trong đoàn gọi món và đề nghị giảm nguyên liệu để không quá no, đồng nghĩa với giá phải giảm. Thế nhưng phía nhà hàng khi đưa giấy tính tiền thì giá vẫn như ghi trong thực đơn. Chị tiếc mấy chục nghìn nên phản ứng.

Mấy em thanh niên niềm nở phục vụ trước đó lập tức dàn trận. Bọn con trai thì đứa hùng hổ quát tháo, đứa đạp cái ghế, đứa vén bụng khoe hình xăm. Lũ con gái thì cất tiếng chửi đổng, đại loại “Má…! Bọn Bắc kỳ!... Biển xanh là cái éo gì! Không thanh toán sòng phẳng thì giam chúng nó ở đây!”

Cuối cùng, trong đoàn, phải nhờ một “thổ địa” vùng ra mặt mới giải nguy khỏi sự mất sĩ diện. Và rút ra một điều, rằng, họ nghĩ những ai đang thực hiện “công vụ” thì kiểu gì cũng có thóp để bắt. Bắt thóp, và buộc phải im miệng!


Nay ông Cục Phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường khi đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra ở Long An thì mất 385 triệu trong khách sạn. Đây là số tiền quá lớn đối với hành lý mang theo của một quan chức đang thực hiện công vụ. Đáng nói, theo báo chí đưa tin, hiện trường để lại là một đống đồ đạc bị lục soát, ở đó có những phong bì bị xé.

Ông Phó Cục thì nói đó là tiền cá nhân, mang theo để giải quyết việc riêng.

Mạng xã hội thì suy tiền đó có được trong quá trình thanh tra, vì đối tượng thanh tra không muốn bị bắt lỗi nên gửi chút lộ phí uống trà.

Vậy giải thích sao cho những phong bì được vô tình hoặc cố ý để lại? Trong khi nạn nhân vụ của vụ trộm chính là người trình báo công an, không lẽ họ không đủ sâu sắc để dọn dẹp một hiện trường bất lợi?

Từ kinh nghiệm ở Bà Rịa của mình, thì có lẽ đứa lưu manh nào đó đã nắm được cái “thóp” đang thực hiện công vụ của ông lãnh đạo kia. Hắn nghĩ “Tay mất tiền này chắc phải ngậm bồ hòn làm ngọt!”

Đó là một phán đoán của cá nhân. Và mình hi vọng camera khách sạn không “bỗng dưng ngủm củ tỏi”.
.........
...............................................................

Vì nạn nhân đang nằm trong đoàn thanh tra. Một “Bao công” mà bị mang tiếng là “Bao an toàn” cho đối tượng thanh tra sẽ làm niềm tin xã hội bị tổn thất hơn nhiều.

Trần Tuấn


Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

THÁNG BẢY!

Trong đạo Lão, tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, quỷ sứ thoát ngục. Nghĩa rằng triều đình âm phủ tổ chức diễn tập thường niên việc phòng chống trốn trại.

Trong đạo Phật, tháng này nhằm ngay mùa Vu lan, con cái báo hiếu phụ mẫu. Suy ra, Giáo chủ Như Lai tôn vinh quá trình sinh đẻ, dưỡng dục.

Đây cũng là tháng Ngâu, theo cách lý giải của dân gian về hiện tượng trời đất đổ mưa dầm bởi nước mắt chia lìa của cặp đôi con giời với con nông dân, tức Ngưu Lang – Chức Nữ.

Còn theo Triết học duy vật biện chứng, tháng âm lịch vừa qua cũng như những tháng bình thường, chỉ đơn giản là phản ánh thế giới khách quan. Rằng, mọi thứ luôn vận động theo quy luật cái mới đè cái cũ, cái tiến bộ phủ định cái cổ hủ, cái mạnh hiếp cái yếu.



Cho nên:

Hai ông tử tù trốn trại bị bắt trong chưa đầy nửa mùa trăng vì lạc hậu với nghiệp vụ của cảnh sát.

Vài Đảng viên ngã ngựa chóng vánh do quá tự tin vào lý lịch đỏ mà chểnh mảng việc trui rèn vũ khí trên đa số mặt trận.

Và một số mối tình Truyền thông – Quan chức mang tính chất cộng sinh dù chia tay trong trâng tráo nhưng rất lý tính….

Nói chung, tháng Bảy là một tháng lộn xộn học thuyết, tư tưởng và niềm tin.

Trần Tuấn