Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Âm phủ bị cắt viện trợ?


Triết học Mác – Lê nin lý giải tín ngưỡng, tôn giáo phản ánh sự thất bại cùa con người trước các hiện tượng tự nhiên.
Ví dụ, bộ lạc ông tổ chức đi săn giữa trời mưa gió, bất ngờ sấm chớp nổi lên đùng đùng. Trong đám đông, chỉ mỗi thằng tranh chấp người phụ nữ với ông bị sét đánh thơm thịt, tức thì ông tung tin nó ác tình nên bị “đấng” nào đó bắt trả giá.
Hoặc bà này vật đẻ từ sáng tới đêm, bất ngờ phía sau túp lều có tiếng cọp gầm, hoảng quá mà bắn veo hài nhi ra ngoài. Thế là gia đình bà nghĩ chúa rừng vừa thực hiện sứ mệnh bác sĩ sản khoa…
Hay thời kỳ Mông Cổ nhăm nhe Nhật Bản, đưa quân tinh nhuệ lên chiến thuyền vượt biển tới tấn công. Đùng phát, đội quân này gặp sóng to gió lớn, chưa chiến đã chết. Hóa ra đất nước mặt trời mọc được thần linh bảo trợ, đuổi ngoại xâm không phải vì tinh thần dân tộc cao…
Thần thánh được nặn từ những suy diễn ấy! – Mác và những người vô thần quả quyết như thế.


Tuy nhiên ở chiều ngược, giới hữu thần đinh ninh mọi thứ không thể tự nhiên sinh ra, loài người và thế giới hiện tại cũng thế.
Đến lý luận kinh điển của ông Charles Darwin kia mà mấy trăm năm nay vẫn thoi thóp sống đời sống của một giả thuyết, thì hà cớ gì hô hào việc từ bỏ giá trị tâm linh?
Và, cứ theo ngài Max Weber thì chính giáo lý của đạo Tin lành giúp tín đồ phấn đấu trong cuộc sống, sáng tạo trong suy nghĩ, tiết kiệm trong chi tiêu… mà thoát khỏi hình thái xã hội phong kiến, tiến thẳng lên tư bản (để tiệm cận thiên đường XHCN). Đấy, niềm tin được lên thế giới khác có sức mạnh phi thường  thế còn gì.


Thế giới tranh luận thì Việt Nam mình cũng tranh cãi, gần nhất là vụ nên hay không nên đốt vàng mã!...“. Tổ tiên có nhận được không?” – Chưa trả lời được!. “Mê tín dị đoan?” – Còn coi lại định nghĩa nha!. “Lãng phí?” – Đấy là cách tiếp cận sặc mùi tiền bạc!...
Những cuộc cãi cọ như vậy, theo mình thì cả ngàn năm nữa chưa thể có hồi kết, và đừng nên hào hứng với cái văn bản đòi thủ tiêu tục hóa vàng của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.


Biết đâu, đó là góp phần cắt nguồn tắc tế tổ tiên? Ha, đó cũng chỉ là một trong những giả thuyết.
Mình chỉ nghĩ, đã tôn trọng tự do tín ngưỡng thì nên tôn trọng cả việc thực hành tín ngưỡng.
Tự giết niềm tin là cách gần nhất để trở thành robot!

Trần Tuấn

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Những cuộc cưỡng bức tín ngưỡng!


Những cuộc cưỡng bức tín ngưỡng! - Theo mình là như thế tại ít nhất hai lễ hội diễn ra từ Tết tới nay: Chém lợn (Bắc Ninh) và Tịch điền (Hà Nam)!

Ở lễ chém lợn, thần thái của hình thức tín ngưỡng này chính là màn hạ đao xuống đầu chú ỉn. Thế nhưng tiết mục tế sống ấy lại bị lôi vào một nơi kín đáo!



Có cảm giác lén lút, bí mật, thậm thụt thế nào? Cứ như thể các vị tiên chỉ làng Ném Thượng vì cả nể những lời đàm tiếu trên mạng mà quay sang mắng vào mặt thành hoàng?

Hành vi mông muội? Con trẻ có ấn tượng xấu? Quốc tế nhìn vào thấy ghê rợn…?. Ơ, đó là kết luận của vùng quê ấy hay là những phán xét của những người chưa bao giờ tắm chung nền văn hóa Ném Thượng?

Còn ở lễ Tịch điền, mình chưa tiếp xúc với hương ước của vùng Đọi Sơn nên không rõ lệ luật nào để họ cử một cụ ông 95 tuổi, gần đất xa trời, cầm cày vút roi vào mông trâu thay vì đưa một lão nông tương tự tuổi vua Lê Đại Hành  ra?

Giữa thời tiết lạnh căm căm, chắc cụ rét ghê lắm, may còn vững chân để xới một đoạn đất không đến nỗi mềm.



Mình thương những con trâu nữa. Bản chất chăm chỉ, bền bỉ, khỏe mạnh của chúng thể hiện qua bộ da  bóng mướt và đầy sức sống. Thế nhưng, trong sự kiện này, chúng khoác lễ phục lòe loẹt.

Tội cho người bạn nhà nông khi tham dự một việc trọng đại lại khoác chiếc áo giả!.

Người bạn ấy bình thường hiền lành bỗng bị trang điểm một thứ màu sắc cổ quái. Người bạn ấy nhìn hung dữ, dõi theo những bước chân lả lướt của những thôn nữ yểu điệu thực hiện nghi lễ  rắc hạt mùa màng… như muốn ăn tươi nuốt sống.

Văn hóa là tấm áo choàng, là sức mạnh của một dân tộc. Tín ngưỡng chính là những phần tạo nên nền văn hóa ấy. Và nói về văn hóa thì không có sự đo lường thấp - cao.  Việt Nam ngang bằng với Trung Quốc, với Ấn Độ, với phương Tây...

Thì hà cớ gì phải đẽo cày giữa đường?

Đang viết dở thì đọc thông tin Giáo hội phật giáo Việt Nam ra văn bản đề nghị dẹp phong tục đốt vàng mã.

Hơ, đạo Phật lại đi can thiệp vào đạo Ông bà, rồi quả quyết là mê tín dị đoan. Hết viết!



Trần Tuấn

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Nghĩa trang cán bộ cao cấp

Về việc Hà Nội tính xây nghĩa trang gần ngàn rưỡi tỉ dành cho cán bộ cao cấp, có một số luồng ý kiến choảng nhau.


Ví dụ, ông viết văn nói là không được. Vì khi về với đất, các cụ nên nằm nơi bờ xôi ruộng mật, gần gũi cháu con. Ai lại chết rồi còn làm một cuộc tha hương, di cư từ lũy tre làng tới nơi tập trung, xếp hàng ngay ngắn như chuẩn bị duyệt binh!.

Bà chuyên về kinh tế cũng hô lên rằng lãng phí. Năm qua thiên tai thịnh nộ gây tổn thất biết bao tiền bạc, các bệnh viện nhếch nhác, trường học từ cấp măng non tới tre dậy thì đang thiếu đầu tư. Vậy thì cớ gì dành ưu tiên cho nơi ngàn thu không thay đổi?

Nhưng anh nghiên cứu về quyền lực thì nhiệt tình ủng hộ. Hổ chết còn để da huống chi toàn dân ta ngàn năm nay đã tắm trong đại dương văn hóa trọng sỉ. Đương thời, các cán bộ oai phong lẫm liệt thì lúc từ biệt dương gian cũng nên có một tấm bia lẫm liệt đặt ở khu đặc biệt chớ!


Cô nàng phượt thủ cũng ủng hộ hai tay. Cuộc đời là những chuyến đi. Và đi nhiều, hoạt động mạnh chính là một yếu tố xây đắp danh hiệu. Cán bộ cấp cao vì thế không thể bình đẳng với những bác nông dân quanh năm không dám thò chân ra khỏi ranh giới cây đa, bến nước, sân đình.

Do vậy, sau việc “phượt” từ cơ quan về vườn chăm sóc chim cá thì nên tạo điều kiện để họ giã từ nơi chôn rau cắt rốn, phượt một cú cuối đời tới nghĩa trang chuyên biệt….
…………………………..


Nói chung, những ý kiến đưa ra dựa trên quan điểm ngành nghề, và mình chưa có ý kiến.

Vì mình yêu tính đại đoàn kết dân tộc nên hễ bên nào chịu thua thì mình tuyệt đối ủng hộ bên thắng.


Trần Tuấn