Nửa thế kỷ
âm lịch sau khi bác Hồ đi về miền bất tử,
hôm kìa (ngày Canh dần, tháng Nhâm thân, năm Kỷ Hợi), nhiều nơi trong cả nước tổ
chức lễ giỗ Bác. Đây là truyền thống quý báu trong tưởng nhớ nhân vật lịch sử của
người Á Đông.
Bỗng nghĩ nước
chảy đá mòn, trò chơi ú tim của thời gian với thế giới luôn để lại những kết quả
hoặc hậu quả bất ngờ… song có một điều dường như bất biến đó là thói quen sử dụng
lịch âm và giá trị triết học từ lịch âm mang lại.
Thứ nhất, lịch
âm ghi nhận sự chuyển đổi thời gian theo tiết, mùa, tên các linh vật và cứ 60
xuân lặp lại vòng tròn như nhau. Do vậy, lịch âm mang thông điệp cân bằng và
vĩnh cửu. Trong khi đó, dương lịch dùng những con số, tức mỗi ngày trôi qua là
gần thêm thời điểm tận thế như lời nhiều bậc tiên tri bên phe lịch ấy quả quyết.
Thứ nhị, cứ
3 xuân, lịch âm lại hào sảng thêm vào một tháng trong khi dương lịch vài năm mới
chịu chi thêm một ngày 29 trong tháng 2. Điều này nói rằng người Á Đông phóng
khoáng và tinh thần yêu lao động miệt mài hơn hẳn đồng loại trời Tây.
Thứ tam, phía
xài Tây lịch mỗi năm có hẳn 353 ngày bình an hạnh phúc, chỉ ngày 13 của từng
tháng là ra đường cần rón rén đề phòng củi lửa. So sánh với lịch âm hàng tuần,
hàng ngày, thậm chí hàng giờ đều có những thời điểm cảnh báo hoàng đạo, hắc đạo…
mới thấy phe âm lịch chịu nhiều rủi ro hơn nên kinh nghiệm vượt khó dày hơn,
trưởng thành hơn nhờ rèn luyện qua bão táp phong ba.
Thứ tứ, thứ
n…. Tạm kết luận: Âm lịch giếng sâu, Dương lịch cơi trầu!
Quay trở lại
câu chuyện lễ giỗ bác Hồ, dù 200 mùa đã đi qua, dù dải đất hình tia chớp có nhiều
thay đổi từ tên quốc gia đến vị thế dân
tộc nhưng những thần dân của âm lịch vẫn tôn sùng lịch âm bởi siêu triết lý mà
hệ thống đo đếm thời gian này mang lại (như khái lược ở trên).
Do thế, Bác
là người Việt, không phải công dân của thế giới đại đồng nên tưởng nhớ Bác theo
quy tắc truyền thống của dân tộc là đúng rồi!
Lan man vậy mà
vẫn chưa trả lời được câu hỏi “Tại sao những ngày mùa Thu này hai sự kiện giỗ
Bác và sinh nhật di chúc Bác lại một ngày theo Đông, một ngày theo Tây?”
Trần Tuấn