Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Rón rén và Hả hê



Yêu cầu tối cao của một Biên tập viên là khả năng làm xiếc với thông tin.  Tức, kỹ thuật đánh giá, tổ chức, cân bằng, nhiều chiều và khách quan.

Vốn ngôn ngữ đối với Biên tập viên là cần thiết nhưng không phải nhiệm vụ quá trọng yếu. Tuy nhiên, vẫn cần học hỏi để từ thân phận công nhân chữ nghĩa lên thợ viết rồi thành nghệ nhân.



Dùng “Nguyên” hay  “Cựu” là một trong số những bài tập thử thách bản lĩnh.

“Cựu” hoặc “Nguyên”, xét về mặt chức vụ, là vị trí công tác của một cá nhân từng đảm nhiệm, như Nguyên trưởng ban tổ chức, Cựu trưởng ban tổ chức…

Tuy nhiên, giống như “Người yêu nó” hoặc “Con bồ nó”, dùng “Cựu” thay “Nguyên”  thể hiện thái độ của người gọi đối với cá nhân ấy.

Nói “ông A. là Cựu Tổng biên tập” thì sự tôn trọng luôn thua  “ông A. nguyên là Tổng biên tập”

Khi nói về các tay chức sắc về vườn của phe Tư Bản, báo chí mình gom hết một loạt từ tép riu đến đầu sỏ bằng “Cựu”. Còn với những người từng là quan chức trong nước, ta tự nguyện gật gù lựa chọn “Nguyên”.

Gần đây thì lai căng, tự diễn biến một chút. Và sự lai căng, trong run rẩy, tạo ra sự bất bình đẳng về đối xử. Độc giả bắt gặp nhan nhản “Cựu” nếu nguyên quan chức ấy ngã ngựa hay từng chỉ là Bộ trưởng hoặc quan tỉnh đổ xuống.

Người trên chức Bộ trưởng về hưu, chưa mấy báo dám xổ tiếng “cựu”.

Dù có kẻ phân biệt “Nguyên” tức là vẫn còn năng lực cống hiến ở những vị trí khác, còn “Cựu” là an bài với phận hưu… song theo tôi, đó là sự phân biệt phần nhiều mang tính tự phát, tự sướng, tự an ủi, tự làm dốt mình.

"Mẹ mày", "Bu nó", "Bà nhà"...

Đều là cách gọi vợ già, vậy thôi!

Âu nó cũng thể hiện sự rón rén hoặc hả hê.

Trần Tuấn

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

‘Ngáo ngôn’


Trí tưởng tượng, về mặt tích cực, giúp kho tàng văn hóa nhân loại tích lũy những tác phẩm thần thoại, sử thi, cổ tích… khổng lồ. Tuy nhiên, mặt trái của nó, đặc biệt là những tưởng tượng trong thế giới hiện đại, đôi khi biến loài người là nạn nhân của chính tố chất đã sáng tạo nên họ.

Phạm nhân chung thân Triệu Quân Sự nghiện game. Quá trình trốn trại, bôn tẩu… tới nụ cười khá ngây ngô lúc bị bắt của Sự hệt như phim.



Lời khai nam sinh tại Nghệ An trói bé 5 tuổi đến chết trong ngôi nhà hoang cũng thể hiện lúc phạm tội là bị can này đang hào hứng tái hiện một trò chơi trong thế giới ảo.

Rất, rất nhiều những vụ việc tổn thương xã hội khác cũng có nguyên nhân từ game. Đó thực sự là thứ thuốc độc tinh thần ghê gớm.

Từ vụ Hồ Duy Hải, tôi đọc lại những thước phim sát nhân mà ông Nguyễn Thanh Chấn khi thành người trong sạch kể lại mà ngao ngán. Rằng người ta bắt ông luyện tập cầm dao ra sao, đoạt mạng thế nào, bế xác đã hợp lý chưa…

Mới thấy, “game thủ” không phải tới thời đại Internet mới xuất hiện. Những tín đồ vì nhiệm vụ hoặc vì đam mê mà “ngáo game” có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lĩnh vực nào.

Và, "trò chơi phát ngôn" có thể là một dạng “ngáo” đặc biệt gây hại nếu nó rõ ràng đang mang tính bao biện, lấp liếm...

Trần Tuấn

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Đạo đức tự vấn?


Tôi thực sự không thể nghe hết lời phát biểu của Đương kim Chánh tòa tối cao trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải bởi cảm giác rất khó tả khi lý luận của ông không giống như chờ mong của tôi.



Biết rằng lời của ông cũng là ý chí của 16 vị trong phiên xét xử Giám đốc thẩm vừa rồi, nên, nếu nói về niềm tin nội tâm thì giữa tôi và các vị đang trong hoàn cảnh 17 đánh 1 không chột cũng què.

Nhưng, nói về các thao tác điều tra trong vụ án này, về quy trình thu thập chứng cứ, về cách phân tích, tố tụng… thì mặt trận của 17 vị là toàn bộ nhân dân yêu chuộng sự sáng tỏ của công lý, là tinh thần trọng chứng hơn trọng cung, là nguyên tắc suy đoán vô tội…

Lời của Chánh án có là khuôn vàng thước ngọc hay không? Có phản ánh chính xác câu “miệng nhà quan có gang có thép? hay không… cứ chờ thời gian hoặc vua Lý Thái Tông kiểm chứng. Hạ hồi sẽ phân giải.

Nhưng trước mắt, có vẻ như ngài tạo một tiền lệ xấu khi liên tục bám vào lời khai bất lợi cho Hồ Duy Hải để thanh minh, giãi bày, trả lời trước Quốc hội của hơn 90 triệu dân.

Cũng may, ngài không học tập gương cấp dưới tại tòa Bình Phước để lặp lại hai mỹ từ Khách quan, Công tâm.

Có điều, thanh xuân của một cá nhân hơn một thập kỷ phải nẩy mầm trong phòng biệt giam để nuôi hi vọng mong manh vào phán xét cuối cùng… có lẽ là một thanh xuân bi kịch nhất, dù Hải có phạm tội hay không.

Trần Tuấn

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Ảo tưởng hơn Tự nhục


Hồi những năm 1980, tôi sống ở TP Nam Định. Tiếng là đô thị nhưng cũng như kinh tế các địa phương bị phong tỏa bởi gọng kìm “bao cấp”, người dân TP luôn chật vật chuyện áo cơm.

Tôi nhớ, có một số người sở hữu học vấn nhỉnh hơn mặt bằng dân trí. Họ hiểu nhiều chuyện thế giới bên ngoài, biết về văn minh phương Tây và cháy bỏng khát vọng thụ hưởng những nền văn minh đó.



Câu chuyện cái cột điện (sừng sững, hiên ngang, biểu tượng của sự kiên cường) nếu có chân cũng sẽ chạy sang nước Mỹ có lẽ bắt nguồn từ mong muốn được đổi đời thời điểm ấy.

Nay, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên hệ chuyện cây cột điện có chân. Nếu đặt trong hoàn cảnh so sánh giữa cấp độ văn minh cũng như hai nền kinh tế Việt-Mỹ hiện tại… thì chuyện đôi bên học tập nhau, chạy sang nhau, có nhu cầu về nhau trong lĩnh vực nào đó là chuyện rất bình thường.

Có điều,  khi đó ông đang nói về những thành tựu trong nước tại một cuộc thảo luận nên nhiều người dùng mạng xã hội lập tức phản ứng theo chiều hướng tiêu cực, phán ông đã quá lời. Rằng mới thành công một tẹo đã ví von cột điện muốn thay đổi quốc tịch, rồi mỉa mai abc này nọ.

Như vậy là Thủ tướng lộng ngôn hay lạc quan?  

Nếu lộng ngôn thì sự lộng ngôn chưa thấm tháp gì với các bậc tiền bối. Hãy xem những thế hệ đáng kính trước đây từng “Thần khẩu hại xác phàm” thế nào.

Các cụ ông từng khẳng định nếu được vợ đồng ý thì Biển Đông cũng dễ dàng tát cạn (thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn). Họ cũng gây giống thần tốc được voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao…

Thậm chí, sẵn sàng bẻ gãy quy luật toán học khi “yêu nhau 9 bỏ làm 10”…

Còn nếu để ý quan điểm của những cựu lãnh đạo, ta còn thấy họ lạc quan hơn nhiều. Điển hình là dự đoán “tư bản đang giãy chết” mà thực tế gần đây lại chứng minh ta là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với những thành viên của hội giãy chết đó.

Còn Thủ tướng với phát ngôn “cột điện”,  năm qua ông làm được những gì cho đất nước?... Cứ nhìn những con số thống kê tích cực về kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… sẽ biết.

Như vậy, lộng ngôn (nếu có) thì sự “chém gió” ấy cũng không nên soi mói dưới góc nhìn thiếu thiện cảm.

Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ lúc phát hiện mặt trời chân lý chói qua tim đến nay đã gần một thế kỷ mà chân lý vẫn chỉ là là ánh sáng, vẫn chưa thành hiện thực…. thì hà cớ gì ta khắt khe với học trò của học trò ngài?

Quan điểm của tôi: Mình thà ảo tưởng còn hơn tự nhục!

Anh Tuấn

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Kỵ binh


Trong lịch sử, từ Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Đại Việt, An Nam, Việt Nam… thì sức trâu luôn được sử dụng nhiều hơn sức ngựa.

Các triều đại ấy luôn phòng ngoại xâm và đuổi ngoại xâm, chưa bao giờ thực hiện chinh phạt như Anh, Mông Cổ hay La Mã nên con ngựa không thể được coi như một biểu tượng.

Do vậy, sinh ra một đơn vị kỵ binh như hiện nay, nếu được sử dụng trong các sự kiện mang tính nghi lễ là một sự lố bịch.



Nếu được sự dụng trong việc trị an thì lại càng hài hước. Chẳng khác gì thời đại điện thoại lại sính nuôi chim bồ câu đưa thư.

Và kệch cỡm! Giống như cưỡng bức chàng tiều phu Thạch Sanh bước ra ngoài đời thực với chiếc cưa máy trong tay.

Chỉ có tác dụng du lịch khi tạo hình ảnh đối nghịch. Rằng, thay vì mặc giáp, đeo khiên, cầm giáo thì kỵ binh thời nay cưỡi ngựa với lỉnh kỉnh súng đạn, bộ đàm, dùi cui…

Đất nước ngàn năm văn hiến, nhưng không thể nhân danh văn hiến để sáng tạo ra một đội quân chẳng giống ai.

Có lẽ nên bàn tới chuyện xây dựng đề án tinh giản bộ trưởng là vừa. Nhập Bộ Văn hóa với Bộ Công an lại.

Anh Tuấn

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Hoa phượng và chuyện đổi não trạng


 Chặt cây phượng trong trường học thực ra cũng tốt.

Bởi, các thế hệ học trò xưa nay thường gắn thời học sinh của họ với hoa phượng, với kỷ niệm cháy bỏng cùng những nỗi buồn chia ly lúc hè về.

Hoa phượng hay Hoa học trò, một cách không chính thức trở thành biểu tượng của giai đoạn cắp sách tới trường. Chặt phượng, tức là góp phần chặt gãy cái tư duy nhiều năm ấy.

Lối mòn, nếu đi nhiều quá sẽ trở nên lầy!



Nhìn rộng ra, lâu nay chúng ta hay nghe những mỹ từ hô hào đột phá trong kính thưa các lĩnh vực abcd. Có điều, nhiều lời hô hào, thậm chí hiệu triệu đó thực ra xuất phát từ những chiếc loa cũ.

Bạn cứ thử đột xem? khả năng cao là thủ trưởng sẵn sàng phá hỏng sự nghiệp lĩnh lương của bạn.

Rộng hơn nữa là các thể loại lý thuyết xã hội, nên coi đó là những gợi ý áp dụng hoặc kim chỉ nam cho một giai đoạn. Nếu cứ nhất mực xem chúng là chân lý vĩnh cửu, e rằng, chính mớ lý thuyết đó sẽ là nguyên liệu để hỏa thiêu loài người.

Chuần mực cũ già thì cũng nên để cái chuẩn non nó mọc.

Anh Tuấn



Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

‘Máy trợ thở’ cho Cát Linh – Hà Đông


Dự án đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, là một bảo tàng về báo chí phản biện, một bài học về phương pháp tính cua trong lỗ và là một sợi dây kinh nghiệm được dệt bằng kim cương.



Giống như sự thiếu tu dưỡng của cán bộ, dự án cũng có quá trình thay đổi bản chất. Khởi đầu, nó sinh ra với mục tiêu phục vụ sự đi lại của toàn dân. Bây giờ, nó nằm đấy dường như để phục vụ những nhóm người có tiền nhưng thiếu (hoặc) quá thông minh.

Với đất nước, dự án này thủ phạm không chỉ làm suy yếu nguồn lực tài chính quốc gia, nó còn đang ghi dấu tiêu diệt một nguồn lực cực kỳ quan trọng khác. Đó là nguồn lực về niềm tin xã hội.

Nhưng dù gì thì dự án này nhiều năm nay vẫn sống ổn. Nó sống bởi những tuyên bố, khẳng định cùng những cam kết luôn nhuốm màu sắc lạc quan.

Trần Tuấn