Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Cái chết của một quân nhân

Vừa qua tuổi vị thành niên, chàng trai Trần Đức Đô (Bắc Ninh) hăng hái viết đơn xin nhập ngũ. Ít tháng sau, quân nhân này chết với câu trả lời từ cấp Quân khu là do tự tử.


Theo logic, phải có lý do lẫm liệt hơn lý tưởng phục vụ Tổ Quốc thì thì Đô mới quyết chọn cái chết bằng việc treo cổ.

 

Hoặc có thể với Đô, câu “tình nhà, nợ nước” từng ám thị rất thế hệ trẻ hăng hái tòng quân bị dội ngược lại bởi sự khắt khe của môi trường quân ngũ.

 

Hoặc người lính trẻ ấy quyết chết bởi cảm thấy cuộc sống bên cạnh đồng đội tồi tệ hơn việc vĩnh viễn chia tay.

 

Hoặc cũng có thể do thất tình…

 

Nói chung là đã chết, và chết như cấp trên trả lời báo chí.

 

Dù gì thì cũng rất đáng để buồn phiền.


Trần Tuấn

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Linh hồn của những con đường

 Đó có thể là một điều cực kỳ bình thường với nhiều người, nhưng với tôi, nó là niềm vui âm ỉ ít nhất là qua ngày 21-6 này.

Số là con đường Lê Văn Khương, quận 12 từng qua lại cả trăm lần, chiều nay lang thang cuốc bộ, ai dè bước chân lảo đảo suýt vập mặt vào khối bê tông phía trước.

Định thần thì ớ ra, đây không phải là khối bê tông tầm thường, mà chính là trái tim của cả một tuyến giao thông dài nhiều cây số.

Trên khối bê tông ấy ghi tiểu sử của vị “thần lộ”: Lê Văn Khương; quê quán xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tham gia cách mạng từ những năm mới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (….) bị bắt và hi sinh tại nhà tù thực dân.

Ít nhất, với đôi dòng trịnh trọng trên, con đường Lê Văn Khương lột xác từ một cái tên chỉ đơn thuần mang tính định danh thành một địa chỉ cung cấp kiến thức lịch sử và phản ánh đặc trưng nét văn hóa đặt tên đường của một địa phương.


Lý do tôi vui, bởi từ 2005 đã nung nấu và đề xuất cách giới thiệu tên đường trên tờ Thế Giới (đình bản năm 2006 thì phải). Đến 2019, ý tưởng đó được chi tiết hóa bằng bài dài khoắc khoải trên PLO… song chẳng tác dụng ào ạt như kỳ (ảo) vọng.

Thì nay, có người chung suy nghĩ việc thổi hồn vào mỗi con đường, nên chắc chắn phải là niềm vui qua hôm nay rồi.

https://plo.vn/van-hoa/thoi-hon-via-vao-moi-con-duong-goc-pho-830637.html

Trần Tuấn

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Nịt miệng và nịt ngực

Kể từ sau khi phát minh ra quần áo, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, 2 năm nay nhân loại coi trọng cái khẩu trang.

Nếu giả thiết rằng những bộ phận mà quần áo che đậy có lý do từ một đại dịch nào đó đe dọa tuyệt giống, thì có có cơ sở tin tưởng rằng, vài trăm năm tới, đôi môi cũng sẽ nằm trong danh sách phần cơ thể nhạy cảm.

Bịt miệng sẽ trở thành một chuẩn mực trong tương lai không xa.

Như vậy, việc lựa chọn ý trung nhân sẽ loại trừ tiêu chuẩn má hồng, môi thắm (vì có nhìn được khỉ đâu); nam nữ quay lại bản năng sinh đẻ khi anh chàng, chị nàng chẳng cần biết dung mạo đối tác tròn méo ra sao; ngành nhân tướng học sẽ chết; các chuyên gia khẩu hình cũng hết đất sống…

Và COVID-19, ngoài việc quyết định văn hóa trang phục cho thế giới trong tương lai xa, còn ghi thêm một chiến công lớn lao nữa ở phạm vi gần. Đó là việc thừa nhận Trung Quốc là một “đại nhạc trưởng”.

Không phải ư? Khi bây giờ ta có virus chủng Anh, chủng Ấn Độ… nhưng nhất định không được phép có cúm Tàu.

Trần Tuấn