Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Nhu cầu môn sử nên như kinh tế thị trường

Khi bạn chú ý một đối tượng nào đó, bạn thề thốt cả đời chung sống với họ, đó là ý chí rất đáng trân trọng của bạn thời điểm ấy. Tuy nhiên, sau một thời gian X chung sống, nếu các bạn không còn mang lại sự thú vị cho nhau thì Luật Hôn nhân sẽ tư vấn bạn những phương án không tồi.



Môn Lịch sử trong trường học cũng thế. Bạn đam mê nó, say sưa với những thành tựu của cha ông và nhân loại trong quá khứ thì 9 năm phổ thông, 4 năm giảng đường đại học, 2 năm thạc sĩ, 4 năm tiến sĩ, bảo tàng, thư viện, internet…. chắc chắn là những đôi cánh tuyệt vời giúp bạn bay trên cỗ máy thời gian.

Còn khi bạn thấy môn lịch sử chỉ như một cửa ải cần điểm 5 để vượt qua thì có nỗ lực nhồi nhét bao nhiêu, cái đầu của bạn cũng khó mà thay đổi bản chất bã đậu. Thậm chí, nó còn gián tiếp huấn luyện bạn trở thành nhân vật phản bội quá khứ đầy nguy hiểm.

Lịch sử là một môn khoa học vĩnh cửu. Môn này luôn bổ sung dữ liệu cùng với sự tồn tại của loài người nên nếu bạn học 9 năm, 12 năm hay cả đời thì sự lạc hậu, thiếu kiến thức tới mức ấu trĩ của bạn là điều có thể thấy trước.

Nên, cuộc tranh luận nên hay không nên gạt 3 năm học sử trong đời người hiện nay, tôi cho rằng đó là cuộc tranh luận mang tính “thị hiếu”. Các tuyên bố Nên/Không nên gạt sử có thể đại diện cho một bộ phận dân chúng trong hiện tại nhưng dứt khoát nó không đại diện cho bất cứ quan điểm nghiêm túc, khoa học, duy lý nào về lịch sử.

Đừng bắt một thần đồng toán học buộc phải chia sẻ thời gian với những điều khiên cưỡng. Bạn muốn nó đóng góp cho thế giới hay trở thành một tín đồ của quá khứ cha ông?

Nhưng, bạn cũng không thể bắt được một đứa mê sử rời bỏ sử để khổ sai học tập thành một tiến sĩ Toán, Lý, Hóa.

Hãy coi nhu cầu tiếp cận sử như nhu cầu của một nền kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, tự do sản phẩm, tự do giá cả, tự do lựa chọn, tự do sáng tạo… đi ạ.

Trần Tuấn

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Những "người hùng" trong game?

Một thực tế là có thể ở nhà bạn bị vợ mắng, con khinh; ra đường bạn giật mình bởi ánh mắt của chú nào đó săm trổ; ở cơ quan thì đồng nghiệp coi thường, sếp bỉ bôi… Tuy nhiên, trên mạng xã hội, thậm chí mặt báo, bạn ngạo nghễ chỉ trích tổng thống Mỹ, phê phán thủ tướng Anh, kiểm điểm vua Nhật, lên lớp thủ lĩnh Quốc hội Nga…

Điều nghịch lý mà rất đỗi hợp lý ấy được giải thích bằng lý thuyết Mặt nạ của ngành Xã hội học. Tức là trong mỗi mối quan hệ thì bạn đóng vai trò xã hội khác nhau, và việc sắm vai ấy quy định thái độ và vị thế của bạn trong lúc tương tác.

Trước bồ thì chiều chuộng, trước đối thủ thì sống mái, trước láng giềng thì tuyệt đối không ứng xử như bồ… đại thể thế.

Lý luận vòng vo vậy chỉ vì nay đọc tin một chàng nghiện game ở TP Thủ Đức xách búa đi cướp tiệm vàng trong quận Bình Thạnh. Cảm nhận ban đầu thì có vẻ như bạn này đang bê thế giới ảo vào đời thực, sắm vai siêu nhân và coi tiệm vàng như một mục tiêu để tăng cấp độ trò chơi.

Bạn ấy ngộ nhận, nghĩa là tự đeo chiếc mặt nạ vẽ ra rằng mình sinh ra để làm siêu nhân.



Nếu thế, nói là đối tượng manh động, coi thường pháp luật cũng đúng; mà nói là một dạng bệnh lý tâm thần, lẫn lộn đời thực và đời ảo cũng đúng. Bị nhồi sọ tới mức ảo tưởng mình bất khả xâm phạm thì ít nhất cũng quá "siêu" trong suy nghĩ.

Ở khả năng thứ hai, nên chăng pháp luật thông cảm cho hành vi sắm vai tiếu ngạo giang hồ ấy để giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự?. 

Đó có thể lại là một cách ứng xử với vụ án khá thú vị. Tương tự như cách xem xét việc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hoặc hạn chế nhận thức...

Suy rộng chút, rượu, ma túy... cũng là thứ chi phố tri giác người sử dụng. Vậy coi họ là nạn nhân hay xử lý họ như xử lý những kẻ phạm tội tỉnh táo?

Quay trở lại câu chuyện Mặt nạ, trong thiểu số trường hợp, rất khó để đánh giá một cá nhân khi hành xử là đang nghiêm túc thực hiện vai trò xã hội hay đang nhầm lẫn một cách rất nghiêm túc vai trò xã hội...

Nói đâu xa, hồi xưa tôi cũng mê Tam Quốc Diễn Nghĩa đến nỗi trước bất cứ xung đột cá nhân nào đó, suy nghĩ đầu tiên thường là “Nếu mình làm vậy có giống Quan Công không?”

Giờ thì khác chút chút rồi.

Trần Tuấn

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

“Tự thịt”, tiếng Hán là “Tự nhục”?

 

Cảm nhận rằng một số người Việt chúng ta có một ưu điểm khá tồi tàn là muốn nhìn cái gì phải ra cái đấy chứ ít khi nhìn cái đấy thành ra cái thứ mình đang nghĩ.



Do vậy, trông thấy cái cây thì chỉ biết nó là cái cây, không thấy được đó là những lá cờ của thiên nhiên; đọc một tin hiếp dâm thì chỉ thấy tội ác chứ ít đặt vấn đề phải chăng là sự khẳng định cái tôi quá lớn của nghi phạm; gặp một tấm gương quan lớn tham nhũng chỉ thấy phẩm chất đê tiện hoặc lờ mờ bóng dáng của cơ chế chứ chả buồn nghĩ họ là nạn nhân của cánh cửa kho báu chỉ được bảo vệ bằng ổ khóa gỉ.

Tức là nhiều người trong số chúng ta không muốn thưởng thức sự thú vị khi thử phản bội lại những giá trị của chính mình.

Nên mới có chuyện uất ức việc hoa hậu Giáng My ngồi trên mái nhà ở Hội An.  Ngồi lên thậm chí là nhà cổ thì sao ạ?. Cứ cho là nàng ấy tọa cặp đùi trên cái ống khói ông cụ ông kỵ tạo ra thì đẹp vẫn cứ đẹp chứ? Cái vị trí ngồi ấy có lẽ nhiều người phải ngước lên mới nhìn thấy (vì cao quá) nên bức xúc? Chứ quy chụp kiểu ướm mông lên mồ hôi xây dựng của tiền nhân thì e chính những người quy chụp đang vấn vương tà ý.

Nên mới có tâm lý dè bỉu Tiến sĩ cầu lông.  Đề tài không chấp nhận được ạ? Vậy đề tài TS phải cao siêu để có chỗ trang trọng trong ngăn kéo, hộc tủ sao? Nghiên cứu gì chăng nữa thì tính gần gũi, thực dụng, dễ áp dụng phải là mục đích của khoa học chứ sao cứ nhất định ngước mắt mơ mộng bầu trời mà quên mất việc phải cải tạo vườn rau, bữa cơm của mình trước?

Nên mới có chuyện tiếu lâm ông nông dân thấy vợ bị ghẹo, cay cú thằng máu dê kia quá nhưng đếch làm gì được vì nó khỏe hơn. Thế là về trút hết bực dọc vào má vợ, cái “tội”:  Ai bảo mày móc cua mà ưỡn cái mông lên!

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Ông Chử Đồng Tử nên cần một chiếc lá đa

 

Nếu Chử Đồng Tử không nghèo tới nỗi thiếu mảnh khố để che thân thì có thành phò mã? Có lẽ khó, bởi khi ấy chàng trai nghèo sẽ không vì sĩ diện mà giấu thân thể dưới cát, và Tiên Dung công chúa sẽ chẳng vì thương cảnh nghèo hèn mà tự cưỡng bức giá trị tình yêu của chính mình.



 Tôi nghĩ tới ý trên sau khi lan man liên tưởng tới các khuyến cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tới người rút bảo hiểm 1 lần.

Thống kê của cơ quan này, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, trên 200 nghìn người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần. Trong đó, riêng TP HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ.

Lao động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất  ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh (nơi trú đóng nhiều công ty, nhà máy) ... khiến đơn vị bảo hiểm ở những nơi đây chịu gánh nặng không nhỏ.

Vì điều ấy, Bảo hiểm xã hội liên tục đưa khuyến cáo người lao động hãy vì lợi ích lâu dài mà cân nhắc việc lấy tiền một cục.

Nhưng, cách để người lao động có tiền sinh sống sau thời gian gồng mình trước đại dịch thì phía bảo hiểm không bày, hoặc bày theo cách an ủi, hô khẩu hiệu: Chịu khó, cố gắng, vì cuộc sống không phụ thuộc con cái, abcz… 

Sống bằng niềm tin rằng tương lai có sổ hưu trí đã khó, sống bằng kiếp không tiền ở hiện tại lại càng khó. Cứ nhớ lại câu chuyện trăm ngàn người lũ lượt hồi hương cùng chó, mèo và lỉnh kỉnh nồi niêu, gương lược… thì biết sự túng quẫn của các lao động từng sống trong vùng tâm dịch là thế nào.

Câu hỏi đặt ra là Bảo hiểm xã hội đã làm tròn trách nhiệm của một thành tố trong hệ thống an sinh? Đã vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động lại vừa đảm bảo việc tái tạo tinh thần cũng như đời sống vật chất của họ?

Có lẽ chưa, vì chủ yếu cơ quan này chỉ thu tiền người lao động và trả tiền người hưu trí.

Nên chăng, thay vì để những người túng quẫn rút bảo hiểm một lần rồi cắt xoẹt sự ràng buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có chính sách (hoặc đề xuất cấp cao hơn có chính sách) cho người lao động tạm ứng số tiền đó. Khi nào có điều kiện, họ sẽ hoàn lại để tiếp tục có sự yên tâm được nhà nước quan tâm lúc về già.

Như vậy, về mặt nào đó, cơ quan bảo hiểm giống như một ngân hàng cho người túng quẫn, nhưng là một ngân hàng nhân ái. Và như vậy, vừa cho người lao động con cá lại vừa tặng họ chiếc cần câu.

Quay trở lại câu chuyện Chử Đồng Tử. Nếu thay vì kết duyên cùng công chúa bởi lý do “không có gì”, chàng trai nghèo sau khi được tạo điều kiện vươn lên từ gian khó đã chứng minh mình đủ tầm của một phò mã… thì có lẽ câu chuyện cổ tích hợp logic và ý nghĩa hơn.

Chàng phò mã ấy, ban đầu hãy cứ được tạm ứng ít nhất là chiếc khố đã.

Tuấn Trần

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Nhà văn Nam Cao và ca sĩ Sơn Tùng

 

Ông Nam Cao nếu sống ở thời đại này thì với tác phẩm Chí Phèo có lẽ sẽ bị kiện vì khai thác, loan tải đời tư cá nhân và bị khởi tố bởi hành vi hạ nhục người khác.

Nhưng kệ đi, mình chỉ bàn tới tay côn đồ ở làng Vũ Đại bởi thấy mục tiêu phấn đấu của cuộc đời hắn là chỉ để làm người lương thiện, lương thiện tới mức giết người!



Té ra cái chỉ số lương thiện ở thời thực dân Pháp chỉ là tỉnh rượu, ngắm con sông quê, nghe một vài tiếng người và xơi bắt cháo hành. Việc đè gái nhà lành ra giữa vườn chuối ngộ nghĩnh thay lại là tiền đề cho mong muốn làm người tốt.

Nhưng rồi dù thực hiện hành vi sát nhân láng giềng, đồng hương, đồng xã, đồng tỉnh, đồng bào thì Chí Phèo cũng không thể làm người tốt được. Bởi, tay này vô trách nhiệm với Thị nở và ném đứa con dự tính của mình vào cái lò gạch...

Tốt khỉ gì khi lìa đời bằng việc hết rượu?

Nên không quá để nói ngòi bút Nam Cao là một cáo trạng đanh thép với chế độ cũ, song ngòi bút ấy khi cày vào các giá trị hôm nay, nó có thể hứng mức phạt 70 triệu đồng, hoặc hơn.

Tất nhiên, không thể so sánh khác thời nhưng vẫn có thể tạm kết luận: Nam Cao nổi tiếng không hẳn vì…. nổi tiếng!

Trần Tuấn