Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Cát cứ giá trị

            Nếu lấy Tây du ký là lý thuyết về hệ thống nhà nước cõi trên thì Nhà trời là cõi vô pháp với hình phạt cực kỳ... tiếu lâm.

 

Tôn Ngộ Không bất tuân nhiệm vụ (Bật mã ôn), trộm cắp công sản (đào tiên, linh đơn), chống phá chính quyền (dựng cờ, tự xưng Tề thiên, tổ chức lực lượng phang lại quân triều đình).

 

Thủ lĩnh khỉ này còn phỉ báng lãnh tụ, coi Ngọc Hoàng không ra đinh gỉ gì cũng như vạch quần đái vào tay Phật.

 


Với kính thưa các thể loại vừa lỗi vừa hỗn, ban đầu thiên đình quyết chém họ Tôn dựa vào ý chí Ngọc Hoàng (không thấy nhắc phiên tòa nào), sau vì đao kiếm xử không nổi nên tống vào lò bát quái.

 

Lò bát quái không giết được. Vị đứng đầu Thiên đình đành nghe theo ý chí thủ lĩnh của láng giềng thiên giới (Phật tổ) chuyển hình phạt chết sang hình phạt tù. Sau đó, "Tề thiên tự phong" bị giam tại Ngũ Hành Sơn, hạ giới.

 

1 năm dưới hạ giới bằng 1 ngày trên trời, cộng thêm 49 đêm nằm lò, tổng hình phạt cho Tôn Ngộ Không là 549 ngày theo chuẩn thời gian xứ sở nơi ra án.

 

Những lỗi tưởng như tày đình nhưng chưa đến 2 năm tù? Mà "đặc xá" lại do phật chứ không phải Ngọc Hoàng quyết?

 

Trong khi đó, 2 danh tướng có quá trình phấn đấu chính danh là Thiên bồng Nguyên soái (Bát Giới) và Thủy liêm Đại tướng quân (Sa Tăng) thì vi phạm nhẹ hều: 1 chú say rượu tán gái, 1 chú làm vỡ chén uống nước mà đều bị khai trừ khỏi trời, lần lượt bị ném xuống trần làm kiếp lợn hoặc thủy quái.

 

Đặt trong cuộc sống sinh động hôm nay, Ngô Thừa Ân có lẽ bị xử lý tội phát tán tài liệu giả mạo. Khổ nỗi ông lại sống ở nước khác và thời khác.

 

Nên, rút ra rằng: Một giá trị nào đó chỉ được phép cát cứ trong phạm vi của giá trị ấy. Không thể dùng hiện tại để soi chiếu vào tương lai, càng không thể dùng những mường tượng phi lý ở tương lai để áp đặt hành động của hiện tại.

 

Ép buộc trẻ học thêm, bắt chúng nó phải tư duy theo thế hệ cha mẹ là một trong vô vàn kiểu cát cứ giá trị!

Trần Tuấn