Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Căn cước


Căn cước, Công dân hay Căn cước công dân đều xuất phát từ tiếng Hán. Hán là một trong vô số sắc tộc của Trung Quốc, bao gồm cả người Mãn Thanh.

 


Thế hệ bọn tôi được dạy rằng dùng tiếng Hán hay Hán Việt là thể hiện sự trân trọng ngữ cảnh, như Phụ huynh, Nhất tự vi sư bán tự vi sư, Vạn tuế…

Nhưng thật ra đó là tôn trọng ý kiến các cụ thôi chứ dùng từ Ông bà già, Con vợ tao, Thằng chống gậy… nghe vẫn gần gũi hơn Phụ mẫu, Hiền thê, Trưởng nam hay Ấu tử…

Cái giấy để phân biệt tôi và bạn đến nay đã n lần thay tên, nó không đổi bản chất nhưng có sự xáo động về tiền bạc. Mà theo quy luật kinh tế, hễ tiêu dùng nhiều thì dòng tiền lưu thông, như vậy, khá tốt cho xã hội.

Và đến một lúc nào đó, khi chúng ta cạn nguồn vốn Hán Việt thì đừng lo. Vì vẫn theo quy luật kinh tế, một cuộc cách mạng thuần ngôn ngữ Việt sẽ được tính toán thời điểm để kích hoạt.

Mình giơ tay trước, cái tên giấy ấy ngắn gọn mà kiêu hãnh: Tôi đây!

Trần Tuấn

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Tớ cũng đẽo cày giữa đường

Ghép vài bộ phận những con vật thân thuộc với nhà nông, các cụ chúng ta tạo ra rồng.

Với sừng trâu, mõm bò, nanh chó, mũi trê, mình lươn, vảy cá, chân gà, bờm chim chào mào cộng với chuyển động ngoằn ngoèo của tia chớp … rồng hình như ra đời từ những sắp xếp đầy nghệ thuật đó. Và nó có sự trưởng thành về hình dáng qua các triều đại Lý, Trần, nay…



Cũng có thể rồng được tái hiện từ ký ức của bậc siêu phàm về thế giới lùi rất xa so với tưởng tượng của ông Đác-Uyn. Nếu vậy, cả hai giống phun lửa ở châu Âu và phun nước ở Châu Á có thật.

Nhưng thật hay giả thì qua việc biến đổi về bộ dạng, chứng tỏ hình rồng vẫn là một trong nhiều sản phẩm nô lệ cho trí tưởng tượng. 

Ai muốn vặt bớt râu, vẽ thêm móng đều được, miễn là chịu thần phục vài lối mòn cơ bản trong tạo hình để không bị nhiều người chửi.

 



Hãy cứ nhìn linh vật rồng ở Đắc Lắc năm nay, sau khi tắm trong sóng mạng, đã bị bẻ cổ 180 độ, thì có vẻ hơi hơi rõ. 

Trần Tuấn