Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

TÌNH YÊU?

LAN MAN VỀ HAI THỨ TÌNH YÊU

Tôn giáo và Nhà nước có điểm gì chung và điểm gì khác biệt? Trong triết học cũng như thực tế xã hội thì đó là 2 phạm trù quan trọng. Chúng mang ý nghĩa biểu trưng để gắn kết các phần tử với nhau. Phần tử của  Nhà nước có công dân, phần tử của Tôn giáo có tín đồ. Biên giới của Nhà nước là lãnh thổ xác định, biên giới của Tôn giáo là không biên giới.
Tình  cảm “Yêu nước” hay “Yêu đạo” trong mỗi người luôn có tính chất thiêng liêng, bền vững và rất cần được trân trọng.
Kết nối được tình yêu nước, hóa giải những khác biệt về giá trị tinh thần chính là động lực phát triển để ngày hôm nay tươi đẹp hơn ngày hôm qua.

TRÙM KHỦNG BỐ VÀ TÍN ĐỒ

Tiêu diệt và bị tiêu diệt là điều khó tránh khi một bên đối địch với một bên. Cái chết của Osama bin Laden tạo nên phản ứng tích cực, vui vẻ cho đa số người trên thế giới cũng thật dễ hiểu khi nhân loại luôn có xu hướng đề cao hòa bình, hạnh phúc và ghét bỏ khủng bố, bạo lực.
Đứng về phía quan điểm Hòa bình thì Bin Laden là Trùm khủng bố, đứng về ý chí quyết tâm thành lập “Vương quốc Hồi giáo”, từ chối những giá trị phương Tây thì ông này lại là một “vị thánh”.... Tất nhiên, khi nền văn minh thắng thế những mông muội cùng hành động mang tính dã thú thì việc đa số thế giới vui mừng trước cái chết của một” kẻ cuồng tín” là điều khỏi phải bàn. Một “phe” chiếm số đông áp đảo, một “phe” thiểu số là thế.
Nhưng hãy  xem, sau khi tiêu diệt “Trùm khủng bố” người ta ứng xử thế nào đối với thi thể của một “Tín đồ Hồi giáo”? Bin Laden được tổ chức đưa tiễn về thế giới bên kia theo nghi thức mà luật của đạo ông ta (ít nhất là) không cấm. Sự khôn ngoan của con người văn minh là ở chỗ đó, nó thể hiện thái độ tôn trọng sự tồn tại của những giáo lý khác nhau đồng thời đảm bảo tốt hơn tình hình an ninh của thế giới trước nguy cơ về một làn sóng căm phẫn trong các “phần tử Hồi giáo cực đoan” có thể bùng lên

VÀ CHUYỆN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Hãy xem, kết thúc cuộc nội chiến nước Mỹ(1861-1865), quân đội miền Nam thua trận nhưng trong cái buổi đánh dấu sự đầu hàng ấy phía Miền Bắc không hề có một tiếng reo mừng chiến thắng hoặc mỉa mai kẻ chiến bại. Trên tinh thần đều là anh em, họ thực hiện hòa giải, hòa hợp ngay sau khi khói súng trên trận địa vừa bị gió xua tan. Lòng yêu nước được gắn kết và Hoa Kỳ hùng mạnh dần lên từ ngày đó cho tới hôm nay.
Hãy xem một vài quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Singapore,... họ yêu nước bằng cách nào? Trong vô số cách thì cái cách tiêu biểu nhất là họ đẻ ra.. nhiều Đảng. Chấp nhận những tiếng nói chính trị khác nhau. Để những đảng phái ấy ganh đua nhau, anh nào tài hơn thì anh ấy có quyền cầm lái con thuyền phát triển. ... Nhân dân vừa là thành viên, vừa là quan tòa, vừa là người hưởng lợi từ những quyết định thấm đẫm tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của các đáng phái ấy. Đảng nào đưa tổ quốc bay cao thì nhân dân “duyệt”, và ngược lại.
Đó là một số điển hình ứng xử đối với niềm tin tôn giáo và tình yêu đất nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam?

NIỀM TIN CŨNG PHẢI THEO LUẬT, YÊU NƯỚC NÊN THEO THỜI

Hình như  tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng lại nằm dưới sự quản lý của Ban tôn giáo chính phủ, những tôn giáo nào được Ban này cho phép thì mới có sự chính danh và được coi trọng? Ngược lại, những tổ chức có niềm tin tín ngưỡng khác nhưng không chịu sự quản lý của Ban này coi như họ vi phạp pháp luật Nhà nước. “Tự do tín ngưỡng” của họ bị tước đoạt, đồng nghĩ với đời sống tinh thần bị cầm tù(Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất là một ví dụ).
Và cũng hình như lòng Yêu nước tại Việt Nam cũng bị phân tầng và bị phân chia theo thời gian:  Thể hiện tình yêu nước trong thời chiến thì được gọi là “Anh hùng”, thể hiện tình yêu nước trong thời bình đôi khi bị quy là “Phản động”. Cái sự “Anh hùng” và “Phản động” này oái oăm thay lại do chính chế độ đại diện cho đất nước đặt tên.
Ở “phía Yêu nước thời chiến”, cứ tạm gọi là như thế, những người say mê yêu nước, thậm chí có những hành động mang tính “khủng bố” như đặt bom, ám sát đối với “kẻ thù của tổ quốc”  thì được vinh danh là “Anh hùng” . Đơn cử vài trong số nhiều ví dụ là sự kiện “ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn”, “mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” mà trong bài “Trả lời giúp với” của tôi đã đề cập.
Ở “phía Yêu nước thời bình”, cứ tạm gọi là như thế, những người yêu nước này lại không  những không được vinh danh mà còn bị kết tội, mà vài cái tội thật khôi hài: Tội “Trốn thuế” đối với nhà báo Điếu cày, tội “Gây rối trật tự” đối với học sinh, sinh viên – Những người biểu tình ôn hòa để khẳng định chủ quyền đất đai, biển đảo của Việt Nam. Tội tự do ngôn luận(à quên), tội “Tuyên truyền” đối với Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ..v..v.. Họ đều được nhét chung trong cái mũ “Phản động”.

Tình yêu là cái chi chi?
Lên voi xuống chó cũng vì... yêu sai!
Lan man mấy điều trên chỉ để so sánh một cách “phản động” trình độ văn minh(trên nhiều mặt) của một đất nước hàng ngàn năm lịch sử với một vài quốc gia “trẻ ranh” có tuổi đời chỉ vài trăm, thậm chí vài chục cái mùa xuân.
Trần Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét