Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

HÊ LÔ NGỌC ANH!


HẾ LÔ 
TRẦN HOÀNG NGỌC ANH!


Từ ngày hôm nay của tròn 1 tháng trước, hôm 16 tháng lịch âm năm Nhâm Thìn (tức 30.11.2012)....
Nghĩa là 10 tháng thiếu 2 tuần sau khi bố mẹ sở hữu nhau...
Khi đó, không gian cùng thời gian đang lục đục tính tính toán toán mở bữa đại tiệc hoàng hôn thì tiếng hét của “ả” đã kéo giật lại mặt trời. Hét rằng: Ẹ!.. Oa!... Oa!... Oa!


Vì sinh vào thời điểm bão Sơn Tinh đổ bộ nên tính gọi bằng tên của con gái Hùng Vương thứ mười tám...
Song thấy có vẻ không ổn vì thần núi thời nay đã theo “thế lực thù địch” mà hóa bão nên cái tên Mỵ Nương bị loại hồ sơ từ vòng gửi xe.
Thấy thời điểm con giao tiếp với thế giới đúng vào độ trăng tròn nhất, thành thử cứ băn khoăn hay đặt tên là Như Nguyệt?...
Nhưng biết con rất ghét việc sở hữu “không chính chủ”.  Lại phiền vì chú Cuội chưa đủ tầm đăng ký hộ khẩu trong lòng con nên thôi.
Định gọi là Hoàng Yến nhưng ngại bản tính con sẽ cheo leo như loài chim bám mình nơi vách đá nên còn do dự...


May quá, nhờ thượng tôn tinh thần dân chủ, lấy phiếu bầu từ các thành viên đại gia đình hai bên Nội – Ngoại đã ra được một quyết định hoàn mỹ: Lấy chữ lót của ông bố tài hoa để khai sinh cho con gái.. cồn (tức mức độ yêu quý gấp đôi con gái rượu) – Ngọc Anh
Ai cũng vui, chỉ mỗi chồng... của mẹ nó là có đôi chút thiệt thòi....
 Thế là từ nay danh hiệu (tự xưng) “Thiên hạ đệ nhất kỳ tài”  bị cướp, tước và lột sạch sẽ một cách không thương tiếc.
Thế là từ nay ngậm ngùi với vị trí á quân trong hầu hết các lĩnh vực cần tới phẩm chất tài giỏi, thông minh, tháo vát,... Thế gian 7 môn nghệ thuật thì con bé có triển vọng ôm gọn cả ... 8 (nếu tính cả bản lĩnh “chém gió” mà bố nó đang sở hữu lưỡi đao vô địch nữa)
Thế là từ nay, bố Tuấn xếp hàng ở vị trí thứ nhì sau công chúa Ngọc Anh trong thứ tự ưu tiên trao gởi yêu thương từ mẹ Hằng....
Nói chung, bố  luôn thua con gái . Vì, các cụ xưa nay vẫn nói “Con hơn cha là nhà có phúc” mà.



Mà thua khẩu phục tâm phục!
Về truyền thông, “bố mày” hơn 8 tuổi mới được nhắc đến trên báo (mà báo Nhi Đồng mới đau!), còn “mày”, chưa đầy 1 tháng đã đàng hoàng xuất hiện cả hình lẫn tiếng giữa cộng đồng mạng (người ta gọi là mạng Im – Thọc lét – hay Internet gì đấy).
“Mày” tuổi rồng mà sợ nước, mỗi lần tắm cho mày thì cả bà nội, bà ngoại lẫn mẹ Hằng đều phải đánh vật với mày như lên đồng! Vậy mà ném vào cái chậu to đùng để thử xem cân nặng thì im thin thít...
Nghĩa là rút kinh nghiệm để không ngu như “bố mày”, 12 tuổi mà nhiều hơn những... 3 lần suýt... chết đuối.
Sự gan lỳ, kỹ thuật làm người nổi tiếng của con cũng cao cường hơn người đẻ ra con. Tối qua nằm dỏng tai nghe bà nội nói chuyện điện thoại với bố, bà lỡ tay đánh rơi nguyên một “cục đập đá” Nokia xuống đầu. Ấy thế mà chỉ khóc vẻn vẹn đúng 5 giây... sau đó thì mới gào tướng lên!
Khốn khổ cho cả khu phố, nháo nhào hết cả, suýt tí nữa thì ùn ùn kéo nhau sang để xem con đang tạo scandan gì.
Bái phục con gái của bố, còn nhỏ thế mà sở hữu chất giọng tốt thế không biết!


.....................................................................
Dù sao, hôm nay cũng là ngày mà thế giới chào mừng lễ đầy tháng của của con...
Thế mà, cũng hôm nay, NASA lại ra thông báo mới nhất về “ngày tận thế” tháng 12 sắp tới...
Chắc họ chưa kịp cập nhật sự kiện chào đời của một thiên thần mang trong mình sứ mệnh giải cứu nhân loại là công chúa Ngọc Anh của bố đấy.
Đừng chấp nhé, con gái ... cồn!






Bố
Trần Anh Tuấn

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

"ĐẠI GIA" & "NGÔI SAO"??....?


 HAY MỐI QUAN HỆ TRỌC PHÚ - KỸ NỮ?

Trong vụ việc hai đường dây mại dâm ngàn đô đang gây xôn xao truyền thông, nên chăng cần đặt câu hỏi về tính dễ dãi của công luận khi “phong tặng danh hiệu” – dù đó đôi khi chỉ là danh hiệu truyền miệng?

Câu chuyện về các Hoa khôi, người mẫu bán dâm vẫn tiếp tục được viết thêm nhiều kỳ khi mỗi ngày người ta lại khám phá ra những tình tiết mới. Hôm nay thì lộ diện Đại gia mua dâm, ngày mai lại phát hiện những vòi bạch tuộc vươn ra ngoài nước.... Và câu chuyện sẽ không có hồi kết nếu như không bắt đầu từ nguyên nhân của những hiện tượng phi chuẩn mực trên
Một cô bé có đời sống nhọc nhằn, tuổi thơ gắn liền với hè đường cùng những tờ vé số.  Nhờ ngoại hình trời phú cùng khả năng học thuộc lòng đáp án một cuộc thi bỗng biến thành một Hoa khôi được nhiều người ao ước, ngưỡng mộ. Một chân dài khác trình độ học vấn chỉ tới lớp 9 trường làng,...
Họ là 2 nhân vật đình đám thời gian gần đây với tội danh “Tổ chức hành nghề, môi giới mại dâm”.
          Họ cũng là 2 trong số trên 80% Người mẫu đang hoạt động hiện nay mà cái sự “Học” chỉ dừng lại ở PTTH.
Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu người ta gắn cho những cô nàng xinh xắn trong giới Showbiz Việt cái nhãn chẳng mấy hay ho là “Đầu ngắn, chân dài”.
 Cũng không phải ngẫu nhiên mà những hành vi phi đạo đức, thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật lại tập trung chủ yếu vào tầng lớp có học thức không cao.



HỌC VẤN CHƯA XUÔI, NHÂN CÁCH KHÓ LỌT

Để hình thành một nhân cách đáp ứng kỳ vọng xã hội, cá nhân phải trải qua quá trình Xã hội hóa công phu và có chọn lọc. Trong đó, Giáo dục là một thành tố quan trọng giúp cá nhân thẩm thấu tri thức cùng những giá trị mà cộng đồng tôn trọng, cổ súy. Do vậy, trình độ học vấn của ai đó càng thấp thì nguy cơ lệch lạc của họ càng cao.
Tại Việt Nam, con đường đến với nghề người mẫu, diễn viên hay ca sĩ chẳng gian lao cho lắm. Chỉ cần một thân hình chuẩn, chất giọng khá, được ông bầu nào đấy phát hiện là cơ bản có thể dạo bước trên sàn Catwalk, tung tăng múa may tại các chương trình truyền hình giải trí và trở thành “Người của công chúng”. Khán giả yêu cái đẹp trong từng bước chân của họ chứ không mấy quan tâm tới vốn liếng văn hóa của “ngôi sao” ấy.
Nghĩa là một cách không chính thức, sự dễ dãi của công chúng đã khiến cho đa số chân dài coi việc làm “Sao” đơn giản như trò chơi gấp giấy.
Các cuộc thi sắc đẹp tổ chức sơ sài, các quá trình tuyển dụng người mẫu, ca sĩ, diễn viên,... dễ dãi (xem nhẹ trình độ học vấn, xem nhẹ vốn văn hóa,...) đã cẩu thả khoác lên mình những con vịt xiêm đen đúa bộ cánh lộng lẫy của thiên nga. Đó chính là những nhân tố đầu tiên vô tư đặt mìn hẹn giờ vào trái tim người hâm mộ.
Quay lại vấn đề Xã hội hóa cá nhân, trong đường dây của Tú bà M.X có cả người đẹp chưa tốt nghiệp cấp 2, bản thân cô Hoa khôi xứ Miền Tây cũng là người vào đời sớm khi mới chỉ lơ ngơ biết tới giá trị của đồng tiền. Chính vì thế, cô đã ngây thơ biến mùi vị lạnh lùng của những tờ bạc ấy trờ thành cái khát vọng mãnh liệt nhất cao cấp nhất, vượt trên các chuẩn mực về phong tục, tập quán, nhân phẩm,...
Tại Hà Nội, người mẫu H.H cùng đám em ún cũng thế, dù họ ở hai vùng địa lý khác nhau, các chiêu trò thủ đoạn, vị thế xã hội có thể khác nhau nhưng đều có chung cái tầm nhận thức chưa tới.
Và đây chỉ là hai hiện tượng điển hình của sự sa ngã. Vẫn còn những khoảng tối chưa được các cơ quan chức năng soi rọi...
 Họ vừa là thủ phạm gây nên cơn địa chấn dư luận, lại vừa là nạn nhân của cách đánh giá dễ dãi trong công chúng.



KHI TIỀN VÀ THÓI HIẾU DANH
PHẢN ÁNH QUY LUẬT “CUNG – CẦU”

Văn hóa Việt Nam có một câu vè mai mỉa nhưng nay lại là “chân lý” đối với một bộ phận “Giàu nhưng không Sang”. Số này luôn coi “Tiền là tiên là phật”.
Văn hóa Việt Nam cũng đẻ ra một vài đứa con không hoàn chỉnh, mà điển hình trong số đó là thói hiếu danh.
 Khi xưa,  cụ Nguyễn Công Trứ trăn trở, đau đáu để “Làm trai sống ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông” thể hiện tráng khí lẫm liệt của một bậc quân tử trước thời cuộc thì nay những kẻ tiểu nhân học đòi thói trưởng giả định nghĩa chữ “danh” có lẽ chỉ gói gọn trong oai phong ngớ ngẩn: Lên giường cùng người nổi tiếng.
Những kẻ có nhân cách khiếm khuyết này vì tôn thờ giá trị của đồng tiền nên có lẽ nghĩ rằng ai ai cũng thế. Và hợp thay, chúng ghép hoàn hảo với những nhân cách chưa hoàn chỉnh mà người viết đề cập trước đó: Những “Chân dài đầu ngắn”. Đúng là “Nồi nào úp vung nấy!”
Xã hội hay dùng khái niệm “Đại gia” để chỉ những người giàu có. Không phân biệt, không cần biết  họ đi lên bằng cách nào? Chân chính hay hắc ám?  Làm thương gia hay quan chức? Phẩm chất, lối sống ra làm sao? Bởi thế, những kẻ hiếu danh lại khuyết tật về nhân cách khi đã được liệt vào hàng “Đại gia” thì lại càng muốn danh tiếng nổi như cồn bằng bất cứ thủ đoạn nào.
 “Qua đêm với ngôi sao” là một trong những thủ đoạn đó.
Để được “xả xui” sau mỗi vụ làm ăn thất bát, để được hả hê khoe “chiến tích đàn ông” trong một bàn tiệc sóng sánh rượu ngoại, để được vỗ vai lên mặt dạy đời anh bạn trẻ lún phún ria mép “Lên giường với con nhỏ trên Tivi kia chưa? Chưa hả? Chú em kém lắm!...”, để được thỏa mãn cái oai phong “Đã là đại gia thì thích gì được nấy”..v...v.... Rất nhiều lý do để gắn lên ve áo các ông vài danh hiệu “Chơi với người nổi tiếng”
Số tiền để ném vào cái sự “thích gì được nấy” ấy lên tới hàng ngàn đô Mỹ, đôi khi bằng cả tài sản của đời ông, đời bố đại gia tích cóp khi xưa. Nhưng có hề gì vì trên miệng những trọc phú thời nay luôn thường trực chuỗi từ “Vui là được”, “Tiền để làm gì?”, “Đời còn đáng mấy”,....
Đã có nhu cầu mua danh cùng gái đẹp tất có nguồn “cung” gái đẹp để phục vụ danh. Một bên cần tiền nhiều, một bên cần thỏa mãn sự chơi ngông. Dẫu rằng trong cuộc mây mưa cả hai đều ngấm ngầm dành tặng nhau sự khinh bỉ, miệt thị nhưng cuộc cộng sinh này đều thấy cái lợi từ nhau nên kẻ trong cuộc chắc chắn không một mảy may cắn rứt.
Chỉ xã hội là trả giá. Trả giá cho chính sự nông nổi, bồng bột của mình khi đưa ra những tiêu chuẩn hết sức sơ sài cho khái niệm “Đại gia”, “Người của công chúng”...


Trần Anh Tuấn

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

PHÙ PHÉP


“TẮC KÈ HOA”

Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa về Mại dâm “...là hoạt động dùng các dịch vụ ngoài hôn nhân giữa người mua dâm và người bán dâm để trao đổi tiền bạc, vật chất hay quyền lợi. Đây là hoạt động bất hợp pháp ở phần lớn các quốc gia trên thế giới”
Theo đó thì ngay cả những bậc “Chính chuyên” trót sa ngã với sếp của chồng bởi lý do “vì sự thăng tiến của ông xã” cũng bị liệt vào “Người bán dâm”. Tuy nhiên, bài viết chỉ xin đề cập tới cách hiểu phổ thông nhất trong xã hội hiện nay.


NHỮNG NẺO ĐƯỜNG BUÔN HƯƠNG BÁN PHẤN

Gần đây, điểm các mặt báo hàng ngày thấy ngập tràn thông tin về hai đường dây mại dâm cao cấp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị phanh phui. Tưởng như cả xã hội phải giật mình bởi đột nhiên nhìn ra mặt tối phía sau ánh hào quang của những nhân vật từng được tung hô là “Thần tượng” hoặc chí ít cũng là “Ngôi sao” trong làng giải trí Việt..
Nhưng thực tế chuyện này như chuyện cái kim trong bọc, ai cũng biết, chỉ là chưa có cơ hội để khẳng định. (Giống như cô ca sĩ nổi tiếng nọ hả hê trên các diễn đàn vì “tới bây giờ mới được minh oan” bởi lời “tố dâm” từng bị đồng nghiệp “ném đá” vài năm trước).
Trước đó, năm 2005, người viết bài này đã từng nghe một người bạn học chung lớp Đại học, cũng là ca sĩ vào tới chung kết của cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn chia sẻ “Làm ngôi sao phải trả giá nhiều lắm... Đầu tư về công sức luyện tập, mất tiền mua trang phục, đạo cụ lại phải chi tình cho mấy lão bầu dê xồm có quyền lực nữa...Hầu như ai cũng thế cả, nếu không thì còn xa mới nổi tiếng...”
Cứ chiếu theo định nghĩa thì đó chính là một hành động bán dâm để đổi lấy danh vọng. Chuyện này có hơi khác về động cơ so với hai người đẹp má mì H.H và M.X vừa qua. Nhưng nó nói lên một sự thật rằng: Bên trong những ngôi đền thiêng vẫn có thể có những gã “sư hổ mang”.
Đó là chuyện của giới Showbiz Việt. Còn tại tầng lớp ít nổi tiếng hơn thì cái sự mua phấn bán hương lại diễn ra với hình thức và thủ đoạn khác.
Về mặt không gian, những khoảng tối góc công viên, những hành lang đi bộ trên cầu, những quán cà phê heo hút hay những tiệm hớt tóc gội đầu, trong sàn nhảy, quán Bar luôn có thể trở thành sàn giao dịch tình dục. Thời gian hoạt động mạnh nhất thường là từ 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. “Địa điểm trả hàng” cũng rất đa dạng: Đơn giản là một cái chiếu ngủ dưới gầm một công trình xây dựng, tiện lợi hơn là ngay trên ghế gội đầu hoặc phía sau tấm vải mỏng tang che quấy quá trước mỗi căn phòng chật hẹp. Cao cấp chút nữa thì dẫn nhau vào nhà nghỉ.v..v...
Lại có cả kiểu bán dâm độc đáo tạm gọi là “Bán dâm... miệng”. Ngã giá xong, “anh, ả” tìm thuê phòng nghỉ. Nàng bảo chàng vào tắm nước nóng cho cuộc mây mưa thêm phần sảng khoái. Tin lời mỹ nữ, khách làng chơi hí hửng bước vào WC, xong xuôi trở ra mới tá hỏa giật mình lao xuống cằn nhằn với nhân viên tiếp tân “Khốn kiếp! Con đĩ đó nẫng hết ví tiền cùng giấy tờ của tao rồi”.... Bạn tôi một thời làm quản lý tại một khách sạn mini gần Ga Sài Gòn (Q.3) sôi nổi kể lại việc thông đồng giữa nhân viên khách sạn và gái bán dâm. ... Rồi hắn đập bàn quả quyết “Anh có tin không? Có con bé đêm nào cũng lừa được mấy “thằng ngu” vào nhà nghỉ, thế mà nó vẫn còn zin 100%!”


ĐỊA CHỈ “GIAO HÀNG”

Và vì mại dâm là hành vi trái pháp luật nên nó phải khoác cái áo tắc kè hoa mà ngôn ngữ thường dùng gọi là “trá hình”. Giá mỗi cuộc vui vẻ càng cao thì hình thức trá hình... càng đẳng cấp. Từ những cô gái đóng vai người đi bộ nơi gầm cầu, góc công viên tới những cửa hiệu kinh doanh mát xa xông hơi, cà phê bóng tối. Rồi sang trọng nữa thì bỏ tiền cùng tình (tình dục) mua lấy mác “diễn viên”, “người mẫu” để có đà lao đi rao bán cái khoản sung sướng... Nói chung quy luật của thị trường có “cầu” ắt sẽ có “cung”. Có người mua là có người bán.
Thế nên phê phán những người hành nghề mại dâm là cần thiết, nhưng chụp hết mọi tội lỗi của họ vào cái mũ “Thiếu đạo đức, phi chuẩn mực, phản văn hóa” thì cần phải xem xét lại. Nhất là khi nhìn vào “khách hàng” của họ.
Một vị hiệu trưởng được khen là khả kính, một ông quan đầu tỉnh nổi tiếng trong sạch gương mẫu, một đại gia vượt tầm Công tử Bạc Liêu sẵn sàng chi 2.500 tiền Mỹ cho một “cuốc” vui vẻ,v..v...  Họ đều có thể đứng chung trong hàng ngũ “khách mua dâm” - Ngang nhân cách với một anh thợ quét vôi xa quê hương, thiếu tình cảm...
 Đó mới thực là thủ phạm chính khuyến khích cũng như tiếp tay cho những thân phận kia trượt dài trong nấc thang Văn hóa dân tộc. Và càng khủng khiếp bao nhiêu khi những cái miệng trơn mỡ ấy sau cuộc ngã giá mây mưa với người đẹp lại oang oang trên diễn đàn rao giảng về phẩm chất, đạo đức, lối sống,...
Đau đớn thay, một xã hội mà trong tầng lớp được kính trọng nhất lại có những cá nhân đáng khinh bỉ nhất thì Kinh doanh tình dục và Kinh doanh thói dối trá, cái nào phản dân tộc hơn đây?
Dĩ nhiên, nếu tiền làm từ mồ hôi nước mắt, chẳng mấy ai rồ dại mà quăng cả ngàn đô Mỹ chỉ để đổi lấy cái ham muốn oai phong bệnh hoạn là “Được lên giường cùng ngôi sao” cả. Và đối tượng bán dâm cũng chỉ mãi ê chề với phận “Bán trôn nuôi miệng” chứ làm sao mà xênh xang mũ áo, vênh vang mua rồi gắn vào cổ cái mác “Người của công chúng” được?
          Vậy thì phải đặt câu hỏi về tính minh bạch của những khoản tiền chi cho việc mua bán nhơ nhớp ấy?.
          Đặc điểm của Tắc kè hoa là đổi màu rất tài tình!

Trần Anh Tuấn

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

SÁNG NGỜI TINH THẦN NHÂN ĐẠO?




Nhân vụ việc 2 đường dây kỹ nữ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận xôn xao, một tờ báo nhờ tôi viết tuyến bài về Mại dâm với lời nhắn “Cứ phang cho tới bến”. Nhận lời,  lang thang trên mạng tìm thông tin viết bài hầu tránh trùng nội dung với các cây bút khác thì ở xó xỉnh nào tôi hầu hết cũng dẫm phải phát ngôn đầy tinh thần Khổng giáo của quan ngài Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội: “CHƯA CÔNG BỐ TÊN NGƯỜI MUA DÂM VÌ... NHÂN ĐẠO!”
Hay quá! Khoan dung với Khách làng chơi nhưng thẳng thừng tống những nhành liễu mảnh mai vào Trại phục hồi nhân phẩm?
Bỗng nhiên, lời vàng ngọc đó hướng tôi sang một liên tưởng ngỡ lạ mà rất quen: Nhân đạo kiểu Xã hội Chủ nghĩa.
Năm 1946, vụ án tang thương phố Ôn Như Hầu để lại nhiều dấu hỏi về sự đàng hoàng của một đảng trên đường  muốn nắm giữ sinh mệnh dân tộc
Cải cách ruộng đất (1953 -1956)  với hàng chục ngàn người chết oan, và trên 80% địa chủ là địa chủ... rởm. Đình chùa miếu mạo, sách vở thư tịch trải qua một cuộc binh lửa dẫu rằng chẳng có chiến tranh.
Sau 1975, “Thống nhất đất nước”, hơn 1 triệu thuyền nhân mang dòng máu Việt phải bỏ mình dưới biển khơi. Vì cuộc Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, và vì hoảng sợ trước những người anh em cùng giống nòi, tay khư khư một học thuyết ngoại lai khăng khăng trồng cây chuối ngược trên con đường phát triển của dân tộc.
Gần đây, những đế giày da mang ấn tín “an ninh” phũ phàng lau trên mặt người yêu nước. Các vũ khí dùng để giết người như: Dùi cui điện, súng, lựu đạn,... sẵn sàng lao vào đám dân oan khốn khổ tại Tiên Lãng, Văn Giang chỉ để quyết liệt thực hiện bằng được một chữ “Trung” cho ai đó.
...v..v...




Có thể những việc đó chưa tới mức độ khát máu tanh tưởi, giết người chẳng gớm tay. Nhưng ngày hôm nay, họ lại hiền từ hơn Bụt khi dịu dàng ban một tiếng “Nhân đạo” với những kẻ điếm đàng.
Phải chăng họ sợ làm mếch lòng đương kim phu nhân của cựu Tổng bí thư họ Nông: Đại biểu QH Đỗ Thị Huyền Tâm -  người mà theo một số trang mạng, đã bị con gái ruột của ông Tổng này tố cáo lợi dụng mối quan hệ ái tình với cha mình để trục lợi bản thân?.
 Nếu quả đúng thế thì vụ này, “Lính” mới chính là kẻ ban ơn cho “Chúa”.
Phải chăng lòng “Nhân đạo” của họ đang đi theo một quy trình ngược: Dung túng cho những con quỷ khát tính dục mà kịch liệt đòi hỏi phải khắc vào bia đá tên tuổi những cô chân dài ít học, nạn nhân của đồng tiền – xa hơn là nạn nhân của chính họ, trong cái chế độ mà sự lấp lánh của ánh kim được coi là giá trị tối thượng.
Hay phải chăng lòng “Nhân đạo” này là dấu hiệu tươi sáng đánh dấu sự kết liễu giai đoạn “Quá độ” để tiến thẳng lên XHCN – Thiên đường cho “Người với người sống để yêu nhau”?
Nhưng biết đâu đấy, “Nhân đạo” chỉ đơn giản là cái ô rách rưới che mưa che nắng cho người trong cuộc?
Dẫu sao, nếu coi phát ngôn của Đảng viên Lê Đức Hiền là tiếng nói tiêu biểu cho “Lực lượng lãnh đạo xã hội”  thì XHCN cũng thật kỳ lạ. Tàn nhẫn với dân oan nhưng thật từ bi với lũ điếm đàng.
Trần Anh Tuấn

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

TỔ HÙNG VƯƠNG ƠI!


TỔ HÙNG VƯƠNG ƠI!
 NGƯỜI CÒN BAO NHIÊU CON CHÁU?

Dù “Đất nước” gồm cả những thang đo định lượng như Lãnh thổ, Lãnh Hải, núi non,...  Còn “Dân tộc” thường đặt vấn đề về Truyền thống, Bản sắc,..v...v....  Tuy nhiên, nói “Yêu nước” mà không đồng nhất với “Yêu dân tộc” thì anh thành người mất gốc! Hộ chiếu của anh chỉ là Hộ chiếu rởm!



1.     Lịch sử hào hùng
Vài nghìn năm trước, Tổ Hùng Vương lập cõi, gây dựng giống nòi, định hình và phát triển lên một nhà nước của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Trải bao thăng trầm lịch sử, con cháu Người với tiềm chất của Rồng Tiên luôn vững vàng trước  sóng gió, đè chân lên khó khăn và vươn tay dũng mãnh nắm giữ ngọn cờ tự chủ trước kế độc mưu thâm của những loài ba ba, thuồng luồng. Những dã thú này thích nhăm nhe giơ nanh thò vuốt đòi nuốt sống nước Việt bằng những thủ đoạn từ Văn hóa, Kinh tế cho tới Quân sự
Tinh thần dân tộc của người Việt đã khiến cho cả nghìn năm âm mưu đồng hóa của lũ sài lang trở nên công cốc, thậm chí còn khiến chúng tự tay khắc lên khuôn mặt vốn đã hắc ám của mình những vết thương đầy dơ bẩn, ê chề nhục nhã.
Nước nhà từng có lúc trở nên hùng cường. Các triều đại huy hoàng Đinh, Lý, Trần, Lê,.. đã tô thắm trang sử vẻ vang bằng võ công anh hùng, bằng máu và bằng tinh thần tự tôn dân tộc cao ngất trời
Đã có những tuyên ngôn tràn khí tiết “... Ta muốn đạp cơn gió mạnh, cưỡi luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Nam Hán..”.
 Đã có những tiếng thét bi hùng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” .
 Đã có những tinh thần khẳng khái “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi!”.
 Đã có những ý chí mãnh liệt “Đánh cho để tóc dài, đánh cho để răng đen... Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”. ...
          Đã có rất nhiều những tấm gương giữ nước, rất nhiều những biểu tượng nâng niu hồn dân tộc.... Phẩm chất ấy luôn mạnh mẽ và xuyên suốt các thế hệ kể từ khi Tổ Hùng Vương dựng nước


2.     Nguy cơ
Hồ Chủ tịch từng dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời này đặt trong thời đại hôm nay nghe có vẻ như lý luận không phù hợp lắm với thực tiễn.
Chẳng biết từ khi nào, có vẻ như lũ Lê Chiêu Thống bỗng đội mồ ngoi ngóp sống trở lại. Chúng tự xem Việt Nam giống như một cái chuồng gà của Trung Quốc.
Cái chuồng ấy nó muốn đan rộng bao nhiêu thì đan, thu vừa, co nhỏ thế nào cũng tùy. Và cái phận gà cùng lắm chỉ rướn cổ quang quác lên vài tiếng, rồi thì cũng phải dồn cả vào với nhau.
Dân số thì mỗi ngày mỗi to, tài nguyên thì mỗi giờ mỗi nhỏ. Cái quan trọng nhất là ngọn lửa thiêng mang tên “Dân tộc” lại chẳng biết tù mù, le lói ở chỗ nào.
(Ngọn lửa ấy khi ẩn khi hiện bởi có phần nhiều đóng góp của các anh nhà giáo. Mà ngay trong đội quân “những người lái đò” ấy, có một bộ phận không nhỏ những chàng, nàng phản quốc.
Tôi coi giáo viên làm gương xấu đồng nghĩa với việc giết chết cả một thế hệ. Thế thì đâu chỉ mỗi đất Hà Giang mới có một hiệu trưởng Nguyễn Trường Tô?)
Xã hội văn minh, loài người cũng tiến bộ. Khái niệm “Đầu hàng giặc” thời Phong kiến bây giờ đôi khi man trá đội lốt những ngôn từ ru ngủ.
 Không biết có đúng hay không nhưng trong chuyện “Giữ lấy nước”,  giới truyền thông gần đây có vẻ như lạm phát những “Yêu cầu”, “Mềm dẻo”, “Hết sức kiềm chế”, “Tôn trọng lẫn nhau”, “Đấu tranh hòa bình”,...
Mạnh hơn tí nữa là “Kiên quyết” với “Quyết tâm”... Mà chẳng đếm nổi quyết tâm tới lần thứ bao nhiêu rồi.?
Và vì xã hội văn minh nên cái cách xâm lược của giặc ngoài cũng thay đổi ít nhiều. Trước đây thì phang nhau trên chiến trường, khi thắng trận thì dìm nhau trong nền văn hóa nhằm đồng hóa. Giờ đây thì ve vãn thay cho đấm đá. Bá cổ choàng vai, tay bắt mặt mừng mà gửi tới nhau những con vi trùng thổ tả.
          Mức độ lấn của loại này còn độc hơn cỏ dại. Khi nó đã tròng vào cổ dăm ba thứ “tốt” với một đống dây xích có chữ “vàng” thì cứ tha hồ mà sống chung với ung thư. Họa lâu lâu có ho he ấm ức thì cũng chỉ “Cục cục” trong cổ họng như vịt bị nhồi vậy.
Cay thì không cay nhưng cú!.
 Tức thì không tức mà bực!

3.     Nội giặc và ngoại tặc
Được một ngày nghỉ lễ, buổi sáng ra quán nước vỉa hè cùng ông bạn. Nhâm nhi ly cà phê đắng, đọc một bài báo đưa tin vui rằng Nhà nước đang đề nghị lễ hội Đền Hùng trở thành Di sản văn hóa thế giới, nói chuyện ôn lại truyền thống cha ông và nhớ tới lời nói của cụ Chủ tịch nước căn dặn các cháu thiếu nhi. Tôi hỏi bạn là làm thế nào để “cùng nhau giữ lấy nước”?.
Trả lời “Thì phải yêu nước trước đã!”.
Tôi lại hỏi “Yêu nước là như thế nào?”...
Hắn nhếch mép lôi ra một lô xích xông loảng xoảng những câu khẩu hiệu rền vang, bóng loáng:
 Yêu nước là yêu XHCN! Là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh! Là nộp thuế! Là cống hiến cho xã hội! Là bảo vệ cảnh quang môi trường! Dọn dẹp đường thông hè thoáng! Là cầm súng giữ gìn biên cương! Là....
Nhiều lắm! Tôi nghe ù hết tai mà mãi không thấy bạn tôi gợi trúng trái tim mình đành cắt lời:
-         Yêu nước là yêu dân tộc! Trước tiên phải có tình yêu dân tộc đã.!
Nghe có vẻ chung chung nhưng chắc không sai. Phải rồi! Nếu không có tình yêu dân tộc, lòng tự hào nòi giống, hãnh diện truyền thống vẻ vang của ông cha và trân trọng những giá trị tổ tiên để lại. Nếu không có những tình cảm như thế trước tiên, thì không thể gọi là yêu nước!
Khi đã yêu dân tộc, nghĩa là đừng khi nào có ý định làm suy thoái nòi giống. Cổ vũ cho hiện tượng hối lộ, chạy quyền chức,... có khác nào sắm thêm binh khí cho con ma bán giang sơn?
Nghĩa là kẻ nào đó xúc phạm đến quyền lợi dù chỉ một người anh em có quốc tịch trên vùng lãnh thổ hình “tia chớp” này mà ta không làm gì tức là ta đang bị Tổ Hùng Vương loại ra khỏi dòng giống Tiên Rồng rồi! Còn đâu Nước nữa mà yêu!

Lần này hắn cũng lại im lặng, đứng dậy trả tiền. Ai về nhà nấy

Trần Anh Tuấn

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

TỐI HẬU THƯ!


THƯ VIẾT THÁNG 3 NGÀY MỒNG 8

       .Suy cho cùng, hôm nay cũng là ngày Quốc tế đàn ông!... Bởi có niềm vui được đội các chị em lên đầu mà không sợ bị mẹ đánh vì tội "rúc váy đền bà" 



Mến gửi các chị em!
Các chị đừng có “vùng lên” làm gì cho mất công! Vì từ lâu rồi cánh mày râu chúng em đã cam phận “nhãi nhép”, luôn run rẩy và phủ phục dưới những bàn chân mềm mại. Dẫu cho những gót sen ngọc ngà ấy thường ưa thích vận những đôi giầy cao nghễu nghện có đế làm bằng đinh.
Nếu có trót “vùng lên” thì cứ tà tà mà hạ xuống để bọn này còn mảy may nuôi chút cơ hội được ôm eo mà đỡ ngồi dậy như trong phim

Các chị cũng đừng dại dột mà đòi quyền công bằng như chúng tôi! Vất vả lắm!
Toàn phải luyện tập như tù hình sự để tăng sức bền cho mấy món công phu “Thăm dò”, “Thậm thụt”, “Rình rập”,  “Ve vãn”, “Theo đuổi”,.... thậm chí phanh ngực áo sẵn sàng tử chiến trước những kẻ cùng giới để giành bằng được “con mồi” là các chị
Với lại công bằng thế quái nào được mà đòi với chả hỏi! Có ông bác sĩ nào lại nhất định giành quyền được mổ lợn cùng anh chàng thiến heo không? Cũng chẳng có thằng cha lái xe nào lại yêu sách đòi cầm cái vô lăng máy bay cả...
Thượng đế bắt chúng tôi không được đẻ nên cũng tước luôn cả bổn phận cho con bú, vào bếp với giặt giũ mất rồi.

Và các nàng cũng đừng hăm dọa chúng tôi bằng những giọt châu ngọc trên hai khóe mắt thần tiên của các nàng làm gì!. Tất cả chúng ta khi sinh ra không ai là không ọ ẹ cất tiếng oe oe hết.
 Thành thử kỉ niệm đầu đời của riêng phái mạnh là thứ âm thanh ngồ ngộ, chát chúa và rất đáng xấu hổ. Nó từa tựa như tiếng của con dê đầu đàn đang trong thời kỳ hăng hái.
Cho nên, nếu các chị cứ khóc sụt sùi hay thút thít thì cánh này vẫn cứ liên tưởng như thường tới âm thanh của kỷ niệm đầu đời: “Oe oe!” Hoặc “Be be!” gì đấy. Mà lúc đó lại nghĩ các chị đang bắt chước dê thì không lịch sự chút nào.


Thân nhắn các đồng đội!
Xin gửi tới lời chào mừng toàn thể thế giới đàn ông!
Hôm nay thì cứ xả láng dùng các mỹ từ  như “Nàng tiên”, “Nữ thần”, “Mẹ chúa”,  “Bà hoàng”,.... hay “Người quản lý tuyệt vời”, “Tư lệnh của đời tôi”,...  hoặc “Bông hoa của vũ trụ”, “Nơi khởi nguồn của niềm tin”, v..v.... vô tư đi.
Vì  ngày hôm nay, lũ anh hùng chúng ta cứ tha hồ chém gió mà không sợ bị mè nheo, dè bỉu là “Những kẻ nịnh thần”.
Trường hợp nếu chúng ta không may bị ném vào bếp tự nấu bữa cơm, hay bị quẳng vào nhà tắm thơm nức hương xà phòng để giặt cái áo của chính mình thì còn chần chờ gì nữa mà không xuống đường giương cao cờ phướn, khẩu hiệu yêu cầu thế giới buộc phải đẻ thêm ra một ngày, kiểu như : “Quốc tế đàn ông khởi nghĩa” chẳng hạn

          Tóm lại là lũ chúng ta sẽ phải đồng thanh như các đấng Vẹt, Khướu đang chễm chệ trong  lồng sơn sơn thếp vàng ở ngoài vườn kia mà thi nhau rướn cái cổ cò lên tấu một giai điệu muôn đời, tỷ như:
Xin trao cả cuộc đời chúng tôi cho các bà, các mẹ, các chị, các em, các nàng... trong ngày 8.3 này – Ngày mà riêng mấy con số oái oăm cũng khéo xếp thành 1,5 cái còng số tám (8)

........................................................
......................................................................

Hôm nay! 
mùng tám tháng ba...
Chúng tôi xin chúc các "bà" vài câu:
Em xanh tóc,
chị nhuộm đầu,...
Đều vui như thể phút đầu mới yêu
càng xinh..
càng đẹp...
... Càng kiêu...
Đã cười - Quán đổ đình xiêu mới cười...

Dạ thưa các "mẹ", chúng tôi:
Tháng ba mùng tám...
sướng đời Nam nhi
"Vùng lên" thì vùng lên đi!
Tặng hoa cho "phía bên kia" mới là...

Hôm nay
là "chị"
là "bà"...
Ngày mai thì nhé! Chỉ là "em thôi"
Đừng hòng soán vị, đoạt ngôi
Coi chừng lệch đất nghiêng trời!!! Biết chưa?

E hèm!... Dà dạ!... Xin thưa.....


Thân mến!
Trần Anh Tuấn

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

PHẢN BIỆN? PHẢN BIỆN XÃ HỘI?


CÒN LÂU LẮM!



Đương nhiên, một xã hội chậm phát triển là một xã hội thiếu nhiều ... cơ sở cho sự phát triển. Trong đó, không thể không nhắc tới “Phản biện” nói riêng và “Phản biện xã hội” nói riêng. Thậm chí đây còn là một tiền đề tối quan trọng trong việc mãi dẫm chân dưới vũng lầy hay cất cánh bay lên.



Bài viết này xin mạo muội nêu lên một giả thuyết, lý giải tại sao ở nhiều quốc gia, đã từ lâu Phản biện là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì tại Việt Nam, nó vẫn là một khái niệm xa xỉ của đa số trí thức, đừng nói là nhân dân.
Hãy bắt đầu từ câu chuyện văn hóa. Tại Châu Âu, người ta chấp nhận đánh đổi mọi thứ để đi tới tận cùng chân lý. Copecnic chống lại nhà thờ với thuyết “Nhật tâm”, “Nguồn gốc các loài” của Darwin giúp khoa học thêm một cách nhìn mới về lịch sử tiến hóa của loài người.  K. Marx với câu nói “Hạnh phúc là đấu tranh”, ông tổ của học thuyết Cộng Sản này đã đưa ra hệ thống lý luận nhằm phản biện, bác bỏ những giá trị cơ bản của Chủ nghĩa Tư Bản. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng chắc chắn khiến phần bên kia của thế giới buộc phải điều chỉnh lại. Xã hội nói chung tốt đẹp hơn lên.
Còn tại Việt Nam, “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” có tức quá thì cũng cố mà an ủi “Chín bỏ làm mười”. Sống xuê xoa, hòa thuận, thà chấp nhận sống chung với khuyết điểm còn hơn là nỗ lực tìm hiểu, cải tạo đối tượng.
 Lại có đứa bé 5 tuổi nhất định đòi cha nó phải giữ lời hứa từ tuần trước, là chủ nhật này đưa cả gia đình đi chơi Thảo cẩm viên. Oái oăm thay, người bố lại coi việc tụ tập, bù khú với bạn bè trong ngày nghỉ quan trọng hơn là giữ lời với con trẻ. Thế là ông mắng “Im ngay! Để tao nói mẹ mày ra chợ mua đền cho món đồ chơi!”. Nó vẫn không chịu.
A! Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư!... Thế là thằng bé bị nọc ra tặng cho mấy con lươn vào mông đít. Lần này nó xin tha rối rít để tránh bị ăn thêm đòn chứ chẳng còn chút ý kiến ý cò gì về việc đi sở thú nữa, và thấy mong muốn ấy là một sai lầm khiến phải mang vạ vào thân.
Văn hóa ứng xử tại Việt Nam cơ bản là:  Sẵn sàng hùng hổ hành động khi ai đó va chạm xe cộ nhè nhẹ với ta nhưng thường làm ngơ trước thiệt thòi lớn của cộng đồng nếu sự thiệt thòi ấy không trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.  Người trẻ buộc phải nghe người già, kẻ dưới tự nguyện với người trên, mặc nhiên coi những phát biểu của bậc đi trước là “chân lý”.
Thế mới có chuyện cả nghìn năm nay, chúng ta coi đạo Nho là khuôn vàng thước ngọc mà chẳng thèm để ý đến những tì vết dù là nho nhỏ trong cái hệ thống lung linh ấy.
 Cho mãi tới thời đại ngày nay mới mang máng nhận ra sự bất hợp lý, ví như cổ vũ chế độ độc tài (Vua là con trời), ủng hộ lối học tầm chương trích cú, hay khuyến khích lối ứng xử mang nặng tính bất bình đẳng giới (Trọng nam khinh nữ), v...v...
Trở lại với câu chuyện trên, giả sử đây là trường hợp xảy ra tại một quốc gia phương Tây, chắc chắn người hạ roi xuống đứa trẻ sẽ phải lo sốt vó, vì biết đâu chừng, thằng nhóc lại nhấc điện thoại lên nhờ cảnh sát can thiệp vào hành động trấn áp vô lý của người sinh ra nó.
Câu chuyện về Văn hóa lại kéo theo câu chuyện về Giáo dục. Một nền học mà cái “danh” nhiều hơn cái thực chất đã khiến cho nhà trường đôi khi lại trở thành cha mẹ của các bậc phụ huynh có con em từ lớp Chồi tới bậc Tiểu học. Để khi xin được cho chúng nó vào trường rồi thì lại muốn “Con của tớ là đứa học giỏi nhất nhì lớp”. Mà trong muôn ngàn cách lấy thành tích học tập thì việc ngoan ngoãn nghe lời giáo viên vẫn là một “tiểu xảo” phổ biến. Lâu dần, “tiểu xảo” ấy mặc nhiên được chấp nhận như là một dạng của thiết chế.  – Thầy đã nói thì cấm có sai!
Thế là tiếng nói độc lập của cá nhân khi còn trẻ lại bì vùi thêm một lớp sóng nữa.
Được biết, sự hình thành một nhân cách phụ thuộc rất nhiều vào quá trình Xã hội hóa của cá nhân giai đoạn còn nhỏ tuổi. Ở Thụy Điển, người ta coi đây là “Thời kỳ vàng của cuộc đời”. Tại Nhật Bản, học sinh đến trường tưởng chơi nhiều mà hóa ra lại học chất lượng, từ mỗi trò nghịch ngợm mà các em tự xây dựng tư duy và cách tiếp nhận kiến thức cho riêng mình để không trở thành bản sao của ai hết,...
Do vậy, hình thành hay không hình thành tư duy phản biện cũng manh nha từ lứa tuổi này.
Bức tranh giáo dục nước nhà vốn đã ảm đạm nay còn bị tô điểm thêm những sắc màu đen tối. Ấy là hiện tượng nhiều SV giỏi ra trường chưa chắc đã có việc làm tốt còn những chàng dốt nhưng nhà to, thế lớn – tức “Vốn xã hội” hơn hẳn thì lại băng băng trên đường hoạn lộ. Nỗi bất công ấy đã thành một thứ luật bất thành văn nên chẳng mấy người thèm mở miệng, hoặc do mở mãi mỏi cả hàm mà đâu thấy suy chuyển gì nên đành dằn lòng chịu đựng.
Văn hóa Việt Nam, Giáo dục Việt Nam góp phần tạo nên xã hội Việt Nam. Một xã hội mà “câu chuyện cơ chế” luôn là một đề tài nóng hổi.
Trong nhiều trường hợp, đường lối của nhà nước (có thể) đúng đắn nhưng cấp thi hành lại thực hiện ngả nghiêng. Bởi họ không có hay không dám cất lên tiếng nói phản biện công khai nên chỉ dám “bày tỏ ý kiến” thông qua việc chui qua những lỗ hổng của cơ chế để làm lợi cho bản thân. Câu khẩu hiệu “Phê bình, tự phê bình” chúng ta nghe đã quá quen song thử hỏi có mấy tổ chức hay cá nhân làm tốt? Bởi nền văn hóa và kinh nghiệm trong môi trường giáo dục trước đó đã cho họ những “con đường” ứng xử rồi.
Gần đây, có ông lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã cất tiếng nói phản biện cả báo chí lẫn ý kiến của chính phủ. Có người nói ông dũng cảm vì bảo vệ cấp dưới, lại có người nói ông dũng cảm với suy nghĩ của chính ông, rằng: Trước các cụ hưu trí, những người gần đất xa trời, lẩn thẩn hết cả rồi thì nói gì mà chẳng được!
Ông làm thế bởi che chắn cho cấp dưới hay vì có lý do để khẳng định cả báo chí lẫn chính phủ đều sai? Phải chăng đây là một ngoại lệ? Tôi cho rằng không! Vì một lỗ hổng nào đó của cơ chế khiến vị này sẵn sàng đánh một “Canh bạc phản biện”  - Được thì ăn, thua thì cùng lắm làm... kiểm điểm.
Ở đây, “cơ chế” đã tiếp tay cho ông làm liều.
Vậy là...
Nếu như trên thế giới, người ta coi bậc Trí thức sinh ra để nghiên cứu, sáng tạo, hoài nghi khoa học và phản biện xã hội thì tại Việt Nam, hình như phần nhiều các trí thức chỉ bắt đầu học cách phản biện (bức xúc thì đúng hơn) khi thôi làm quan chức.
Vì cơ chế này không khuyến khích họ đánh đổi giữa những ham muốn cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Đương nhiên, một xã hội muốn phát triển phải cần rất nhiều yếu tố, song không thể không có sự song hành của “Phản biện” nói chung và “Phản biện xã hội” nói riêng. Khi nào để điều đó không còn là một khái niệm xa xỉ tại Việt Nam? Như trên vừa nói, với nền văn hóa ấy, với đặc điểm giáo dục này, với cơ chế hiện tại,... Hãy còn lâu lắm.!
Hi vọng lắm thay nhận xét vừa rồi chỉ là võ đoán.

          (Nói thêm: Bài này tôi gửi và đã đăng trên tuanvietnamnet với tiêu đề “Phản biện xã hội và lối sống tiểu xảo” - http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/61655/phan-bien-xa-hoi-va-loi-song--tieu-xao-.html
Sau khi xem bài, tôi lại muốn bổ sung thêm chút nữa để hoàn thiện hơn theo suy nghĩ của tôi)
Trần Anh Tuấn

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

TÌNH YÊU VỚI LUẬT?



Thông thường, có hiểu nhau thì mới yêu nhau được. Nhưng trong trường hợp này, theo tôi là chẳng mấy biết nhau nhưng vẫn ra rả ca ngợi niềm hạnh phúc vì được sống trong nhau.

Bàn về Pháp luật nước nhà có lẽ là hơi thừa bởi đã được nói tới quá nhiều, chỉ xin có vài lời nhận xét về thái độ ứng xử với luật pháp của dân ta. Lượm lặt một vài vụ chưa hẳn là điển hình cũng thấy vô số chuyện để phân vân.
Khi tiếng súng Đoàn Văn Vươn vừa vang lên, chân dung ông chủ đầm tôm này được đa số báo chí trong nước vẽ nên như là một tên đồ tể máu lạnh, chỉ biết lợi ích cá nhân, ngồi xổm lên chính quyền  mà phì phèo thổi khói vương trên đầu nòng súng đạn hoa cải. Ông giám đốc công an Hải Phòng tô điểm thêm vào bức tranh sinh động những mỹ từ hoành tráng trong cuộc đột kích, cưỡng chế quyền lợi người dân, tung hê thành tích, coi đó như “Một trận đánh đẹp!” và đề nghị đưa vào trong giáo trình để cán bộ, chiến sĩ học tập,...
Cho tới khi dư luận ồn lên, nhân sĩ trí thức đặt câu hỏi, tướng Lê Đức Anh lên tiếng, người đứng đầu chính phủ vào cuộc,... thì gió lại đổi chiều. “Kẻ côn đồ” với những hành xử “Giang hồ” nghiễm nhiên trở thành một “Anh hùng” cũng nhờ báo chí..
Người nông dân chăm chỉ ấy hiện đang trả giá cho hành động bất khuất của mình sau song sắt. Nhà cửa bị san phẳng, đến túp lều mới dựng của vợ con lại cũng vừa bị bọn nào đó đập phá
Làm “Anh hùng” sau khi vác súng chống lại lực lượng vũ trang của chính quyền, lại đẩy một số “đầy tớ” về vườn, buộc phải làm thân “ông chủ” thì một túp lều chứ đến ba bốn cái “chòi canh cá” dựng lên lại bị phá là vẫn còn ít.
Nhưng bà con đã mãn nguyện với kết luận của Thủ tướng nên chẳng mấy để tâm tới kẻ nào đã bình định chốn chui ra chui vào của thân nhân người hùng nữa.

(Cái túp lều dựng tạm lại cũng bị "bình định")


Chuyện thứ hai, ấy là việc một công dân yêu nước phạm tội “Trốn thuế”.
Bloger Điếu Cày tức nhà báo Nguyễn Văn Hải, người hăng hái trong phong trào xuống đường biểu tình chống bành trướng Trung Quốc, tố cáo âm mưu gặm nhấm giang sơn một cách ti tiện của kẻ láng giềng nham hiểm này. Sau khi hết thời gian chấp hành án phạt tù thì bỗng nhiên anh Hải... mất tích. Và chính quyền cũng chẳng thèm giải thích. Một công dân mất liên lạc những gần nửa ngàn ngày (16 tháng) ấy vậy mà việc tìm anh chỉ xôn xao ... bên ngoài lãnh thổ, nhờ những tờ báo nước ngoài.
Tưởng như lòng yêu nước và cái tội hình sự kia là 2 khái niệm chẳng liên quan gì tới nhau. Vậy mà dường như nó lại có mối quan hệ nhân quả khá rõ ràng.
Chợt nhớ tới Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Ông Vũ bị công khai truy tố và kết án bởi tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước sau một vụ khám xét nhà nghỉ bất ngờ của công an, từ đó, các chiến sĩ thu giữ được 2 cái dụng cụ tránh thai dành cho cánh đàn ông. Có người nói vui: Con đường gán Tiến sĩ Vũ vào điều 88 BLHS của nhà nước bắt đầu từ manh mối 2 bao cao su.
Phải chăng trốn thuế và quan hệ không lành  mạnh là 2 trong số hệ thống những lý do nhằm đảm bảo cho dân tình không quá xôn xao?



Vụ thứ 3 cũng ly kỳ chẳng kém.
Những tưởng khái niệm “Án cao su” đã bị khai tử từ những năm 90 của thế kỷ trước, thế mà nay nó lừng lững quay lại rồi đổ ập xuống số phận mong manh của người phụ nữ yếu ớt Bùi Thị Minh Hằng.
Được biết, đây là một thứ “Án chung thân không chính thức” mà các văn bản thường gọi là “Tập trung cải tạo”. Trước kia, nó là nỗi ám ảnh của những “quái tù” sừng sỏ nhất. Không có quan tòa tuyên, cũng chẳng có thời gian cụ thể, người ta dí cho anh một lệnh “Tập trung cải tạo” vài ba năm, sau đó “xét thấy” anh có tiến bộ thì tha, còn nếu ngứa mắt hoặc chưa vừa lòng lại ban cho một chữ ký thêm lệnh nữa, lệnh nữa,... Thế là anh đành ngậm ngùi nói lời chào khoảng trời tự do để tiếp tục công cuộc cho sứ mệnh của “Cục Lao Cải” – Cục Lao động, cải tạo.... Từng có những người cả ¼ thế kỷ sống kiếp “Cơm cân, áo số” mà chẳng rõ mình mang tội danh gì.
Chị Hằng tham gia bày tỏ chính kiến chống Trung Quốc (Lại Trung Quốc) thể hiện một tinh thần yêu nước nồng nàn, chị giương cao khẩu hiệu “Phản đối đàn áp người ủng hộ Quốc hội ra Luật biểu tình” là quyền đương nhiên có của công dân một nước dân chủ. Việt Nam luôn nhận phần “Dân chủ” về mình mà chẳng hiểu cớ gì lại dúi bản án cao su vào tay người phụ nữ yêu tự do, thừa lòng tự tôn dân tộc ấy?




Tôi hơi dài dòng như thế chỉ để sơ sơ một vài nhận xét về thái độ ứng xử với luật pháp của người dân trong nước.
Chuyện thứ nhất, cà xã hội đều quan tâm. Hiện tượng Đoàn Văn Vươn như một ngòi nổ cháy vào thùng thuốc súng đầy bức xúc trong tâm lý đại chúng về vấn nạn tham lam, cửa quyền, độc đoán, dối trá, bao che lẫn nhau,... của một bộ phận luôn tự hào vì trên ngực có thẻ “Đầy tớ”. Người ta mổ xẻ nhiều văn bản sai quy định chưa hẳn vì có thừa tinh thần thượng tôn pháp luật. Mà dường như việc dẫn ra những căn cứ pháp lý này với mục đích bác bỏ những quyết định kia, như đã nói, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý ghét lũ sâu mọt mà thôi.
Bởi, với câu chuyện thứ 2 và thứ 3 thì chỉ có một số ít nhân dân chú ý. Nếu trong một quốc gia mà đa số công dân nắm vững luật pháp, hiểu những quyền lợi chính đáng dành cho riêng mình, dành cho cộng đồng mình, cũng như ra sức bảo vệ tới cùng những tổn thương mà luật pháp bảo vệ mình ấy có thể gặp phải thì chắc chắn việc một cá nhân bị chính quyền phong tỏa trái luật hơn năm trời hay việc cũng chính quyền đưa ra quyết định tập trung vô thời hạn trong một nhà nước “Pháp chế XHCN” là không thể chấp nhận. Báo chí phải vào cuộc, công luận sẽ đòi câu trả lời. Chứ không phải im re, khiêm tốn nhường sự thắc mắc cho các cơ quan thông tấn bên ngoài lãnh thổ
Chỉ mong không phải là vì lý do công dân Việt Nam quá hiền lành, bàng quan ngay cả với những quyền cùng lợi ích chính đáng được pháp luật quy định, mà ở nguyên nhân báo chí nước nhà kém cỏi, không làm tốt chức năng cung cấp thông tin (tôi không cho là bị quản lý) khiến cho chẳng mấy người biết mà đòi hỏi.
Tuy nhiên, một nhà nước của dân, do dân và vì dân mà “Dân” lại thờ ơ ngay cả với thứ mình đang sở hữu thì thật đáng phải suy nghĩ.

Trần Anh Tuấn