Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

TỪ BỎ


LẠI MỘT CUỘC CÁCH MẠNG LÙI

Nghịch lý là ta sinh ra nó, tôn thờ nó để rồi nó quay lại vụt vào mặt ta một cú đau điếng, bóp nghẹt trái tim ta nhức nhối, vùi ta ngập ngụa trong vũng lầy thất vọng... Thế mà cho tới bây giờ ta vẫn muốn có nó.



Từ việc nho nhỏ như cai thuốc lá tới việc lớn hơn là tự kết liễu cuộc đời mình, đó là những sự từ bỏ mà đa số chủ thể của những hành động ấy không cảm thấy tiếc nuối.
Còn có một sự chia tay luôn để lại trong lòng người những trăn trở, dằn vặt, thậm chí đau đớn. Nó vô hình nhưng tất cả sức nặng của bao nhiêu ngậm ngùi, tức tưởi, nhức nhối, khổ sở lại hữu hình hằn sâu lên đôi mắt của đời người mỗi khi ngước mắt lên nhìn trời, dõi về phía xa xăm và nhớ về nó. Tôi tạm gọi đó là sự từ bỏ những giá trị.
Anh A đành dang dở giấc mơ vào đại học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn.
Chị B tan vỡ mộng giai nhân khi trong lúc vui đùa bị con chó phản chủ táp cho một cái trúng mũi
Ông C trước khi nhắm mắt vẫn tự trách mình không dám theo đuổi tới cùng một mối tình nên thơ thời trai trẻ.
..v....v...............
Vì hoàn cảnh cuộc sống, vì tình thế xã hội, vì năng lực bản thân,... Không phải ai cũng thực hiện được những mong ước của mình. Lý tưởng khi đã lập trình mà không thể thực hiện có khác gì một cánh chim trời ủ rũ, buồn bã và gục ngã trong hằn học bởi cái lồng sắt lạnh lùng, kiên cố đâu?. Và cánh chim ấy coi khoảng không gian cao rộng ngoài kia là một giá trị cao vời để rồi dẫu không muốn nhưng cũng phải chiêm chiếp cái mỏ buồn tủi mà hót lên giai điệu chia tay.
Trong tác phẩm “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao đã vẽ lại quá trình chia tay vừa âm thầm vừa đau đớn của nhân vật Hộ với ước mơ được đoạt giải Nobel của mình. Hộ muốn làm nghệ thuật chân chính nhưng lại buộc phải sáng tác những tác phẩm cẩu thả bởi sự thúc ép của manh áo, miếng cơm. Tôi coi đây là một trong nhiều điển hình của nỗi cay đắng, buộc phải gói gém ước mơ, cẩn trọng gói ước mơ lại, cài thêm hoa, tô thêm phấn, rồi từ từ thả nó vào thùng rác.
Đời người là quá trình thay đổi vị trí giữa các giá trị. Đứa bé mới sinh luôn cần bầu vú mẹ, khi chập chững, giá trị của nó là cái kẹo hay cây kem. Lớn lên một chút nữa thì đồng tiền mới là thứ có ý nghĩa hơn. Rồi tình yêu, sự nghiệp, danh vọng,.... Cho tới khi ngửi thấy mùi thơm thơm của đất thì một viên kẹo của đứa cháu nội dúi vào bàn tay nhăn nheo đôi khi lại mang một giá trị vô cùng lớn đối với cá nhân ấy.
Tuy mỗi giai đoạn cuộc sống luôn có sự thay đổi vị trí các giá trị như đã nói ở trên, nhưng có một thứ giá trị cơ bản, hầu như bất biến, luôn luôn hiện hữu trong tư tưởng dẫu trong bất cứ thời kỳ nào. Giá trị ấy, như đã nói, tôi gọi là lý tưởng.
Mỗi người mỗi lý tưởng, khó ai có thể sống mà không lý tưởng. Hiện thực hóa lý tưởng là hạnh phúc lớn nhất của cá nhân. Ngược lại, đó là bi kịch dai dẳng kéo dài, cho tới khi con cháu tề tựu đông đủ phủ lên mắt một chiếc khăn mùi xoa mà hãy còn nuối tiếc, hậm hực lắm lắm
Nghịch lý là, những giá trị ấy, ta sinh ra nó, nuôi dưỡng nó, tôn thờ nó để rồi nó quay lại vụt vào mặt ta một cú đau điếng, bóp nghẹt trái tim ta nhức nhối, vùi ta ngập ngụa trong vũng lầy thất vọng. Thế mà bây giờ ta vẫn muốn có nó. Và nó càng trở nên đáng thèm muốn hơn, đẹp đẽ hơn, lung linh hơn khi ta bắt đầu biết chẳng thể nào chiếm hữu được nó.
Đành thôi chia tay. Chia tay theo nghĩa của một cánh chim vẫn hướng về bầu trời dù không thể thoát lồng.
Lại một đêm này ta với ta
Trà lạnh, trăng suông, bóng nhạt nhòa...
Thôi nhé! lý tưởng của ta, ước mơ của ta, hãy cứ càng trong trẻo, lung linh và đẹp đẽ hơn nữa nhé. Vì dường như ta đang kết thúc nỗ lực với ngươi rồi.
Trần Anh Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét