Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

HOÁ RA THIÊN TAI CŨNG CÓ LỢI


Sau vụ chặt cây xanh tại Hà Nội, chưa bàn đúng sai, nhưng nhiều người Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã một lần điêu đứng niềm tin vì cách làm thiếu công khai của một số lãnh đạo. Tới mức ông Phó thủ tướng  trong phiên trả lời chất vấn mới đây đã khẳng định đó là cách làm có sai sót, dẫu không quên một câu “úy lạo”, rằng Hà Nội đã rút ra bài học.



Thế nhưng cơn mưa giông chiều 13-6 -  sau khi cuốn bay nhiều mái nhà, lật gốc một loạt cây, và cướp đi cả mạng người -  giờ, nó lại tiếp tục thổi bùng lên những vấn đề cần bổ sung vào cái bài học vừa rút ra ở trên.

Số là thiên tai này sau khi đi qua thì đã giật tung tấm mặt nạ của anh bạn đồng hành mang tên “nhân tai”. Sự cẩu thả, vô trách nhiệm, thiếu kiến thức của con người bỗng chình ình xuất hiện dưới lớp đất sâu chưa nổi cái với tay tại những hố vừa trồng cây mới - Khi người ta phát hiện nhiều bộ rễ vẫn còn nguyên cả bịch với  tấm lưới bao bọc từ lúc được đánh từ nơi khác về.

Thiếu kiến thức ở chỗ, cây khi được đánh về trồng, ngoài việc độ sâu của hố trồng thì các phần của rễ phải ngay lập tức tiếp cận với chất dinh dưỡng bằng việc hòa vào  lớp đất mới. Bài học đơn giản này lẽ ra chỉ nên nói với lứa học sinh tiểu học, vậy mà những người lớn trồng cây hôm nay lại quên (!?).

Cái cẩu thả đi liền ngay sau đó. Hãy cứ cho rằng các anh công nhân trồng cây không hiểu biết nhiều, họ đào lỗ rồi hạ cây một cách máy móc kiểu “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” thì không lẽ “Cháu nó lú, chú nó lại cũng đần”?

Vietnamnet dẫn thông tin của TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam khẳng định“Không ai để nguyên bọc lưới, nilon thế mà hạ xuống cả. Về nguyên tắc phải để cây tiếp xúc với đất, với dinh dưỡng thì mới phát triển được”, Ông Hiệp cho rằng, đơn vị trồng cây để nguyên cả bịch như vậy là quá ẩu.

 “Quá ẩu” hay “cẩu thả” hay gì gì đi nữa thì những vị theo dõi, đôn đốc, giám sát việc này đích thị đang phát huy một trong những mầm mống của “Nhân tai” – sự vô trách nhiệm!
………….

Có câu chuyện tưởng tượng rằng, do Hà Nội quá tiết kiệm, lẽ ra nên duyệt chi 10 đồng cho mỗi cây trồng mới thì lại quyết có 9, thành ra công nhân họ làm tương ứng với công sức bỏ ra. Tới đoạn chuyển cây đến chỗ mới đã hết 8 đồng, còn một đồng để lấp đất nên tặc lưỡi bỏ qua công đoạn tháo những bao bố xiềng cũi bộ rễ.

Lại có ý kiến rằng, do trồng kiểu này, không chóng thì chầy cây cũng sẽ chết hoặc còi cọc. Cơn giông lốc vừa qua đã bổ sung vào quỹ tiết kiệm của TP, vì nhờ nó mà đỡ được khoản chi phí thuê nhân công  đào lên để trồng lại một loại cây khác…


         Tuy nhiên, biện pháp “tiết kiệm bền vững” nhất lại chưa thấy nhiều người  đề cập. Đó là ngừng trả lương cho những cách nghĩ và làm mang mầm mống “Nhân tai” ở trên. Được như vậy, niềm tin của người dân đương nhiên sẽ khôi phục không chỉ với riêng câu chuyện về cây xanh Hà Nội, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.  

Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét