Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Một bản dịch làm hèn đất nước



Cuốn sách giáo khoa do NXB GDVN phát hành tháng 8 mới đây có bài “thơ thần” Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt – được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Nguyên văn:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịc lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”


Nhiều thế hệ người Việt đã nằm lòng bản dịch sau:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Còn cuốn sách trên trình làng một bản dịch khác:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”
Bản dịch này gây choáng váng vì quá mới mẻ, cứ như một anh nông dân  cả đời mê mẩn với nón quai thao, áo tứ thân, yếm thắm bỗng đùng đùng bị ép duyên cùng một nàng Tây quần jeen, áo ba lỗ mới coóng
Trang Infonet.vn dẫn giải thích của một trong những người biên tập cuốn ngữ văn này là  PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho rằng, vì là bản dịch nên ngôn ngữ dù có khác nhưng ý của bài thơ không đổi.

Xin thưa lại
Đồng ý đó là một bản dịch nên việc tuân thủ niêm luật của thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt có thể bỏ qua, dẫu khi đọc các chữ cuối của bốn câu đều rất trúc trắc và chát chúa vì sử dụng đa số thanh trắc “Ở, sở, vỡ”…  Tuy nhiên, về ý thì rõ ràng đã khác nhau một trời một vực. Và nó nằm ở chữ “mày” – Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Lý do, bài thơ là một tuyên ngôn, mà tuyên ngôn thì chỉ những người đứng đầu nhà nước mới nói.
Bậc vua chúa khi phát ngôn lời lẽ phải xứng với phẩm giá, do thế, họ không thể sử dụng cách xưng hô “tao – mày” của trẻ trâu khi giao tiếp, đặc biệt là trong hoàn cảnh quốc gia đối quốc gia. 
Tiếng  nói đại diện cho nhà nước khi đối diện thế lực hung hãn có thể gọi thế lực đó  là “quân xâm lược”, “lũ giặc cướp”, và khi đối đầu có thể mắng “chúng bay”, “các ngươi”… như thế  vừa thể hiện tác phong đường hoàng vừa có cái  phong thái uy nghi của người lãnh đạo.
Lịch sử ngoại giao Việt Nam chưa khi nào sử dụng ngôn ngữ thô thiển, bất lịch sự khi ứng xử với các tình huống. Thế mà không hiểu phông văn hóa của người chọn bản dịch ra sao mà biến bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam thành một tiếng chửi của anh bán cá ngoài chợ.  


Đôi khi tiếng nói đại diện nhà nước lệch một chút thôi, cái hồn vía của dân tộc đã đổi màu. Trong trường hợp cụ thể trên đây,  chỉ với một chữ “mày”, bài  thơ thần đã biến thành một bài thơ rất thường.

Lo nhất là nếu vẫn giữ bản dịch này, nhiều khả năng các thế hệ học sinh sẽ hình dung tư thế của đất nước thời điểm nhà Lý chống giặc Tống thấp chứ không cao. 
 Anh Tuấn

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Công nhận mại dâm mới là nhân văn


Trước tình hình mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm diễn biến phức tạp, hôm 23-10, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đề xuất thí điểm gom các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu vực nhằm dễ quản lý. Đề xuất này được nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành.
Ngày 31-10, Báo Tuổi trẻ công bố kết quả khảo sát của bạn đọc báo này về việc cấm hay cho phép hoạt động mại dâm tại Việt Nam, kết quả, trên 80% người tham gia khảo sát ủng hộ phương án 2.
Đề xuất của cơ quan chức năng, ý  kiến từ Đại biểu Quốc hội, hay con số trong cuộc khảo sát dẫu chưa  mang tính đại diện  cho ý kiến của người dân cả nước song nó gián tiếp khẳng định rằng cái lạc hậu không nên tiếp tục nhân danh đạo đức để phán xét những tín hiệu đại diện cho quan điểm nhân văn nữa – Ít nhất là trong   câu chuyện về mại dâm.



Nhân văn ở chỗ, đã có sự thấu hiểu và chia sẻ với bức bối  của những cá nhân có nhu cầu tình dục nhưng không thể được đáp ứng bằng con đường chính danh. Mà danh sách những cá nhân ấy không ít, bao gồm người khuyết tật, người chưa lập gia đình, người mà một nửa của họ vì lý do nào đó đã ra đi quá sớm…
          Nhân văn ở chỗ, đã có sự thấu hiểu và thông cảm trước nỗi đau đớn và tủi hổ của những thân phận chịu sự khinh ghét, miệt thị của cộng đồng vì làm cái việc bị nhiều người hiện nay mỉa mai là “bán phấn buôn hương”, “bán trôn nuôi miệng”.
Nhân văn cũng ở chỗ, nếu được quản lý thì cả người bán và mua dâm tránh được rủi ro bệnh tật, thoát được nguy cơ phải đối diện với những tay anh chị giang hồ.

Nhiều ý kiến phản ứng rằng, nếu chấp nhận sự tồn tại của mại dâm sẽ đi ngược lại truyền thống, hạ thấp nhân phẩm con người, tăng nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Phá vỡ hay ngược lại là điều này có tác dụng cố kết những thành viên trong một mái nhà hơn? Đứng trước khả năng đối tác có thể đi ra ngoài thì một nửa kia đương nhiên phải có ý thức giữ gìn và sưởi ấm thêm bầu không khí hôn nhân. Vợ chồng mà lúc nào cũng thẩm thấu sự  “tương kính như tân” – tôn trọng, yêu kính nhau như thủa ban đầu – thì hấp lực nào kéo ra được?
Thêm nữa, sẽ không phải bàn tới chuyện nhân phẩm thấp hay cao  nếu sự trao đổi tình dục có thu tiền này được coi là một “nghề” – tức bình đẳng với những nghề nghiệp trong xã hội hiên nay.
Về truyền thống? Hệ tư tưởng phong kiến trước đây từng “Trọng nông, ức thương”, nhưng hiện nay doanh nhân (từng bị coi rẻ, gán cho các tiếng “con buôn”, “phe phẩy” ấy) được coi là đội ngũ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Ngày xưa, một trong những “tiêu chuẩn” làm “anh hùng” là có năm thê, bảy thiếp,   giờ lớ xớ muốn anh hùng kiểu đó, coi chừng mà luật pháp trừng trị…
Nghĩa là điều gì tiến bộ, lợi nhiều hơn hại thì đương nhiên xác lập một chuẩn mực, cách nghĩ  mới.
Mại dâm đã có quãng thời gian sống gần bằng lịch sử loài người, vậy tại sao không dũng cảm công nhận khi nó mang lại những điều tích cực như trên?
Và nếu đã công nhận thì không cần phải né tránh việc thỏa mãn nhu cầu bản năng muôn đời của loài người bằng tên gọi “dịch vụ nhạy cảm”. Hãy cứ kêu đúng bản chất là “dịch vụ tình dục”.
Nói thêm, hệ tư tưởng nền tảng hiện nay tại Việt Nam đã chỉ ra rằng Tồn tại xã hội quyết định Ý thức xã hội…  
Anh Tuấn