Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

CHÍ PHÈO THÈM LƯƠNG THIỆN NHƯ THÈM RƯỢU?

HAY TA GỌI ANH DU CÔN BẰNG TÊN KHÁC, MIỄN LÀ KHÔNG PHẠM HÚY CHÍ PHÈO?
Góc nhìn khác về nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao dư luận ồn ào mấy hôm nay thật ra không phải đợi tới khi nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền khai mở (ngày 5-12-2017), mà ít nhất nó xuất hiện từ 7 năm trước, hôm 11-12-2010, với bài “Chí Phèo thật lòng muốn lương thiện hay chỉ lương thiện trong lúc say” của mình, trên website TS Phạm Ngọc Hiền quản trị.
Đến giờ, mình vẫn không đặt vấn đề nên hay không nên đưa tác phẩm này vào chương trình giáo dục phổ thông, vì học sinh giờ nếu không chủ động dạy thì chúng vẫn dư sức tìm trên mạng nếu muốn.
Và mình vẫn cho rằng đây là một viên ngọc văn chương của thế kỷ 20, vấn đề là mỗi người ngắm nó như thế nào và rút ra giá trị gì, chứ không phải chỉ duy nhất một bài học đạo đức: Cái Thiện chảy về nguồn, đại loại thế!.
Nên, hãy để viên ngọc ấy tỏa sáng theo cách cảm nhận của mỗi người nói chung, học sinh nói riêng. Lý do,  nó là một tác phẩm nghệ thuật,  mà nghệ thuật thì nên thoát ra khỏi vòng kim cô của bất kỳ ý thức hệ nào.
Đăng lại bài viết của mình, có gắn thêm 2 cái tít phụ để ai quan tâm đọc đỡ mệt.




CHÍ PHÈO THẬT LÒNG MUỐN LƯƠNG THIỆN HAY CHỈ LƯƠNG THIỆN TRONG LÚC THẬT SAY?

Trong chương trình giáo dục phổ thông, dòng văn học hiện thực phê phán được định hướng giảng dạy theo hướng lên án xã hội (thời Pháp thuộc) bất công, đời sống nhân dân bị đẩy tới mức bần cùng hóa và họ có khao khát vươn lên mãnh liệt nhằm thay đổi cái tối tăm, khổ sở mà mình đang phải chịu đựng (Bước đường cùng, Vợ nhặt, Chí Phèo,...).

TÊN TÁC PHẨM CHÍNH LÀ SỰ KHÁI QUÁT NỘI DUNG
Dưới sự định hướng ấy, một trong những tác phẩm được coi là điển hình là Chí Phèo của Nam Cao. Anh ta bị Bá Kiến, tức đại diện của giai cấp thống trị lúc bấy giờ hành hạ hết kiểu này đến kiểu khác như: Đẩy đi tù, biến thành nô lệ suy nghĩ, sử dụng làm công cụ dao búa,... để rồi cuối cùng Chí Phéo vùng lên, thực hiện cái khao khát cháy bỏng muôn thủa của nhân loại là được "làm người lương thiện".
Tuy nhiên, đó có thực là ý tưởng của Nam Cao khi bắt đầu viết truyện ngắn này không? Theo tôi, tác giả "Đôi mắt" đã nhìn Chí Phèo ở một lăng kính khác hẳn....
"Ý tại ngôn ngoại"!... Thông thường, tiêu đề của một tác phẩm văn học đã là một khái quát bao trùm về ý tưởng của tác giả rồi. "Chí Phèo" xuất hiện ở tập truyện đầu tay (1941) là "Đôi lứa xứng đôi". Còn lần đầu tiên tác giả đặt tên cho tác phẩm là "Cái lò gạch cũ".
Cái tên "Đôi lứa xứng đôi" gợi cho ta cảm giác của những cặp tương đương, bổ sung nhau (Rổ với rá cạp lại). Nó chỉ đơn thuần mang ý nghĩ là sự lắp ghép của những nhân cách khiếm khuyết (Chàng thì say xỉn, côn đồ, nàng thì dở hơi, hâm hấp)
Thì cái tên "Cái lò gạch cũ" gợi đến cơ sở để khai sinh một tên du côn phá làng phá xóm. Chi tiết cuối truyện, khi Thị Nở sờ tay vào cái bụng báo hiệu một sự tiếp diễn của quy luật "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Một đứa “con hoang”, thiếu giáo dục, khi lớn lên chắc chắn bản năng sống của nó, nhu cầu có miếng ăn miếng uống sẽ buộc nó phải tôn thờ giá trị ác mà thôi, phải trộm con gà con vịt, phải biết bắt nạt, phải gây nỗi khiếp sợ cho người khác.,..
Hoặc với cái tên truyện "Chí Phèo" thì đơn giản tác giả muốn đặt tên nhân vật chính là tên tác phẩm, giống như muôn vàn các truyện ngắn có các tiêu đề như   "Truyên Anh A", "Truyện Chị Bê", "Cô C",...
Tóm lại, nếu so sánh với thời bây giờ (cũng đầy rẫy tội phạm, tệ nạn, thanh thiếu niên hư,...) nếu suy từ tên truyện thì không có cái tên nào trong 3 cái tên trên đây thực sự mang thông điệp lên án cái xã hội đẩy người ta vào thế "bị dồn vào chân tường" cả.
Chi tiết được các nhà định hướng phê bình văn học chú ý trong truyện là cảnh Chí Phèo mặc cả với Bá Kiến "Tao muốn là người lương thiện! Nhưng ai cho tao làm người lương thiện?.." rồi đâm chết Bá Kiến trước khi tự xử mình... Nhưng chẳng cần quan sát kỹ cũng thấy anh Chí nhà ta "muốn làm người lương thiện" trong lúc.. say và bị thất tình.
Một sự ảo não trong tình yêu cộng thêm trạng thái thiếu tỉnh táo ấy thì lý nào có thể ý thức được mong muốn chính đáng của mình? Câu nói "Muốn làm người lương thiện" là lý do để hành quyết kẻ bắt Chí phải làm người ác hay chỉ là một trong hệ thống lý do "làm tiền" mà Chí từng áp dụng trước đó với Cai Cường, Đội Tảo?
Nếu là lý do làm tiền thì phải đặt dấu hỏi cho câu hăm dọa trước đó của Chí với Bá Kiến "Tao không cần tiền"! Phải chăng đó là câu nói lửng lơ để buộc Bá Kiến phải suy rộng ra rằng "Tao không cần tiền... ít nhưng tao cần nhiều tiền"?
Hành động tự sát sau khi xử lý cụ tiên chỉ là hành động xuất phát từ suy nghĩ "không thể làm người lương thiện được nữa"  hay là do thói quen ăn vạ quá đà, vượt quá sự kiểm soát của kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ?



NHÂN CÁCH KHÔNG THỂ CẢI TẠO TRONG MỘT KHOẢNH KHẮC!
Duy nhất một lần Chí Phèo tỉnh rượu và thấy "Bâng khuâng" nghe những âm thanh của đời sống làng quê, mơ một mái nhà hạnh phúc với những đứa con,... Đây là điều đáng trân trọng hiếm hoi ở một nhân cách khiếm khuyết.
Tuy nhiên tình tiết này có vẻ lạc lõng vì cái máu bất lương đã ngấm trong người hàng chục năm rồi mà chỉ có duy nhất một lần tỉnh táo để nhớ ra rồi sau đó lại quên ngay vì triền miên trong say khướt.
Cái mong muốn tốt đẹp ấy ngắn ngủi, không có chiều sâu, không luôn luôn được nuôi dưỡng nên không thể biến thành kế hoạch hành động được.
Trên đây phân tích động cơ "muốn làm người lương thiện" của Chí Phèo về mặt lý luận. Còn trên thực tế, tôi tin rằng nếu có một cuộc thăm dò ý kiến về "biểu tượng Chí Phèo" thì kết quả sẽ cho ra đa số rằng: "Nói tới "Chí Phèo" là nói tới những kẻ bất lương, cù nhầy, hung hãn, chuyên phá hoại và gây tổn hại đến người khác."
Từ sự áp đặt tư tưởng cho tác phẩm, qua đó bắt học sinh phải suy nghĩ, phân tích theo cách thức đã được lập trình cho thấy có một khoảng cách khá xa so với sự vận động của cuộc sống thực tế...
"Chí Phèo" đã trở thành một biểu tượng, một câu nói cửa miệng khi người ta muốn nhận xét về một kẻ bất lương. Người ta nói "Cái thằng A mất dạy, vào tù ra tội nhiều như đi chợ, nó Chí Phèo lắm đấy" thì người ta hiểu rằng đó là một kẻ hết đường cải tạo, không dám và không nên động đến! Chứ người ta không nghĩ thêm rằng "Nhưng cái anh A này có những suy nghĩ rất đáng trân trọng!" cả.

Nhà giáo dục nói một đằng, dân gian hiểu một nẻo thì đó là do dân gian không thuộc bài hay nhà giáo dục thất bại vì cố tình định hướng giá trị nhưng khập khiễng so với thực tế?

Trần Anh Tuấn






Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

CẢI CÁCH TIẾNG VIỆT: SAO KHÔNG?

Theo cha đẻ của công trình nghiên cứu này, nếu viết theo cách của ông sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian viết lách, biên tập… so với hiện nay.




Khoảng 10 năm trước, nếu bạn nghe tới một đề xuất ở Việt Nam nên công nhận Mại dâm là một nghề,  bạn thấy đó là một ý tưởng khá hâm.

Khoảng 20 năm trước, nếu bạn thấy  đâu đó có ông cán bộ lỡ đẻ đứa thứ 3 mà không bị xử lý, bạn cũng thấy rất phi lý.

Khoảng 30 năm trước, nếu trong bất kỳ văn bản chính thống nào cổ súy sự tiến bộ của nước Mỹ,  bạn sẽ khẳng định ngay đó là lỗi đánh máy.

Và chừng 4 thập kỷ trước, nếu bạn nghe ai hào hứng với kinh tế tư nhân, thì đích thị đó là anh phản động.

Nếu bạn đồng ý với 4 điều trên thì vui lòng cho 4 phát gật đầu. Khi gật rồi thì tiếc gì không gật thêm phát nữa.  Rằng,  việc cải tổ tiếng Việt tương tự ý tưởng của Tiến sĩ Bùi Hiền, chỉ là vấn đề thời điểm!



Một công trình tỉ mỉ (ít nhất là thể hiện qua con số hơn 2.000 trang tài liệu) thì không nên nặng lời quy kết đó là sản phẩm của khoa học gia rửng mỡ.

Nếu quy như vậy, có thể bạn đang đi lại con đường các cụ đồ nho xưa chửi chữ quốc ngữ bây giờ.

Nên, gì thì gì, cứ phải nghiên cứu, phân tích kỹ trước khi múa tay trên bàn phím  để khen hoặc chê!


 Trần Tuấn

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Bình đẳng giới không phải là sự vật lộn có trật tự!

Bình đẳng giới

Tức rằng, nếu phái mạnh kiểm soát Nam bán cầu thì phái đẹp phải nắm Bắc bán cầu? Nếu các anh là chính phủ, phụ nữ phải là quốc hội?

Nếu các chàng lái được máy bay giữa bầu trời, đương nhiên các nàng thừa sức điều khiển được máy cày trên ruộng rau? Nếu ông uống rượu, bà chả tội gì không xử bia?

Bạn nín thở 10 phút,  đối tác của bạn cũng phải bịt mũi 600 giây?...

Nếu bạn cứ đinh ninh như thế nghĩa là bạn nhất trí rằng nai vàng nhất định phải ngang quyền với sư tử, và bạn sai.

Vì, Bình đẳng giới không phải là sự vật lộn có trật tự!



Giá trị của văn minh không đến từ việc bạn nỗ lực để ngang hàng với giới khác, mà ngược lại, xã hội tiến bộ đôi khi là việc tranh giành nhau phẩm chất ngốc nghếch.

Như hôm qua, sau khi xử xong cái đại hội 20-11, vợ tớ xúng xính chao nghiêng vạt áo dài trước gương, xoay qua xoay lại, thẫn thờ tự ngắm một lúc rồi hỏi: Đố anh biết bây giờ em bao nhiêu ký lô?

Tớ nhanh miệng trả lời: Câu đố này anh không giải được!.

Thế là hòa bình! Còn bạn, thử tỏ ra ta đây hiểu biết về đo lường xem?

Đấy, tinh tướng kiến thức trong trường hợp này là đứt cước!

Trần Tuấn









Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Đạo đức lưỡng tính?

Hôm 17-11, một loạt tờ báo đưa tin thời khắc đền tội của Nguyễn Hải Dương – Sát thủ cướp 6 mạng người ở Bình Phước.
Họ phỏng vấn nhân dân, lấy ý kiến những người liên quan trong vụ án, thậm chí đưa ảnh quan tài….
Một số quan điểm phê bình, rằng đó là sự hân hoan trước việc xử tử 1 đồng loại.



Chả sao cả!
Bạn đã đọc truyện Thạch Sanh, truyện Tấm Cám, truyện Kiều? Những kẻ hãm hại nhân vật bạn yêu quý luôn hứng cái chết khốc liệt hơn hình thức tiêm thuốc độc bây giờ rất nhiều.
Và bạn đã bao giờ lên án “bọn” tác giả những câu chuyện ấy hành quyết nhân vật của họ một cách mất văn hoá, vô nhân tính?
Tất nhiên, Nguyễn Hải Dương là một trường hợp khác Lý Thông, bà mẹ ghẻ, thằng Sở Khanh..., nhưng việc khác động cơ hại người không có nghĩa là bạn thay đổi quan niệm về việc tiêu diệt cái ác, ủng hộ cái thiện.
Và nếu bạn vẫn cho rằng việc hào hứng đưa tin cái chết của Nguyễn Hải Dương, kẻ cướp mạng của 6 người, là bất nhẫn…
Vậy, có lẽ bạn là một nhà đạo đức lưỡng tính?

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

NGƯỜI NGỰA – NGỰA NGƯỜI

(Đánh bả tác phẩm của cố thầy giáo, nhà báo điều tra Nguyễn Công Hoan)


Một anh trong cơ quan mình bực bội vì con chó của người họ hàng mới tuần trước còn ủ rũ vì chủ chết, tuần này đã không còn cơ hội biểu hiện cảm xúc do trót vào tầm ngắm của bọn trộm khuyển. Và không chỉ anh, nhiều chủ nuôi giống vật này cũng chung tâm trạng.

Một người vợ của thằng cẩu tặc khác khóc thẳm thiết bên quan tài chồng vì bố của con chị ấy phơi xác giữa đồng với bên cạnh là lỉnh kỉnh đồ nghề thòng lọng, mồi độc, súng điện…

Một giáo hội tổ chức lễ cầu siêu trong tháng 7 âm lịch, mong muốn những linh hồn chết bờ chết bụi, trong đó có chàng phơi xác giữa đồng kia, được siêu thoát, cải tạo lỗi lầm bằng một kiếp khác  tươi sáng hơn.

Nghĩa là chung quanh sinh mệnh con chó có ít nhất 3 cách nghĩ, 3 luồng quan điềm, 3 học thuyết mang tầm nhân sinh quan.


Còn mình thì nghĩ đơn giản rằng đã có một nhóm kiếm sống nhờ chó, hay nói cách khác là họ nhờ chó mà nuôi sống được cái mạng.

Vậy, nên chăng chúng ta thương đồng loại thay vì trách móc con chó ra đường vô kỷ luật?

Mình viết khi mồm vừa sạch mùi rượu nếp, giềng, xả, mắm tôm.  Tiện tay quăng hình con đầy tớ mà mấy cốt nhục của nó đã thực hiện sứ mệnh tiếp tế cuộc đời cho cả tá thanh niên.

Trần Tuấn







Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

NGUYỄN MINH MẪN VÀ BÀI CA NGẤT NGƯỞNG?

Mình nghĩ ông Nguyễn Minh Mẫn (quyền trưởng vụ III, Thanh tra chính phủ) chơi một canh bạc mà cá nhân ông ấy tự biết rõ đang thua.
Thế nhưng, những phát ngôn mắng báo chí và “bật” lệnh trên của vị này, dù bị dư luận bất bình, nhưng đang chứng tỏ một tinh thần khẳng khái.
Hoặc trong sâu xa, đó là một cách tự giới thiệu chất lượng quan chức?
Và ông Mẫn có tham vọng thành một Nguyễn Công Trứ của thế kỷ hăm mốt: Dùng mo cau che cái thiêng liêng nhất của nàng bò cái?

Luật pháp và những chuẩn mực có thể thay đổi theo thời gian, nhưng lịch sử thì chỉ có thể bị xóa trong trường hợp loài người không còn tồn tại!
Hãy cứ chờ xem thâm ý giả điên (nếu có) của ngài Minh Mẫn, một cán bộ quan trọng trong bộ máy cực quan trọng!

Trần Tuấn


Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

NGHỆ THUẬT THƠ LỒNG TRONG ĐẶC ĐIỂM ĐỘNG VẬT


Thơ con cóc: Con cóc có cách nhảy lộn xộn, khi bên trái lúc lại đùng đùng bên phải. Thơ con cóc có quyền không theo niêm luật hoặc diễn tiến nội dung. Có lẽ vì nó  lấy cái oai của  cậu ông trời. Ví dụ:
Hôm nay anh đến chơi nhà
Con chim đậu ở trên ngà con voi.



Thơ con chó: Bất đắc chí, hậm hực, chửi đổng là đặc điểm của dạng thơ này. Đại thể?
Bố mày đã biết rồi nhe
Mấy thằng “vét đĩa”, “lái xe”, “chó đàn”!
Biết điều, bố sống đàng hoàng
Còn không, bố “Đ. (đéo)” họ hàng tụi bay
Thơ con mèo: Đặc điểm rình chuột của mèo là âm thầm mai phục, kiên nhẫn rình rập, nhẹ nhàng tiếp cận rồi bùng nổ bằng một cú tát thình lình. Thơ con mèo thường bất ngờ:
Một nhành hoa e ấp
Dấu mình trong sương đêm
Nghe phía ngoài, xa lắc
Khách làng chơi hỏi: Còn?
Sau thơ con mèo là thơ con heo. Do nó cùng tên với một thể loại phim nên còn được gọi là thơ cấp III. Vị tiên sư có lẽ là Hồ Xuân Hương với thi phẩm Quả mít “Thân em như quả mít trên cây”. Ngày nay heo được nhồi tăng trọng nên dù ngon nhưng dễ ngán. Kiểu:  
 Nét quyến rũ xé toang khuy áo cũ
Em mệt nhoài ngã trên đỉnh thiên thai
Ta đắm đuối lao trong vùng giông tố,
Ngăn đam mê như thác đổ lưng trời…



Thơ con gà: Gà trống tự oai rằng mỗi sáng gọi mặt trời thức dậy mà chả hiểu rằng không gân cổ gáy thì bình minh cũng lên. Gà mái thì rặn 5 phút ra quả trứng nhưng cục tác khoe thành tích cả giờ đồng hồ. Nói chung, thơ con gà là thơ tinh tướng:
Thông minh hơn cả tiếng đồn
Mộng cao, chí nhớn: Giang sơn thu về
Dáng nam nhi hết chỗ chê
Phong lưu là tính, đam mê là thần...
Đệm Anh, tên Tuấn, họ Trần
Chỉ nghe qua, vạn quỷ thần đều ghê
………………………
Trần Tuấn

(Đề tài mang đi thi TS)

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

500 ANH EM!...

Đây là một trạng thái từ chỉ việc hô hào quần hùng mà tiểu yêu mạng thời gian này hay dùng.

Nó bắt nguồn từ việc vài năm trước, một tay anh chị phía Bắc muốn tập hợp bữa “Đại tiệc giang hồ” bằng việc hô hào những thành phần số má tụ lại một điểm. Công an biết, gọi tay này lên thuyết phục rằng đừng nên tinh tướng, hắn tỉnh bơ trả lời, đại thể: Tập hợp 500 anh em lại làm bữa rượu thôi! Có gì đâu....

Thế nhưng công an cao tay, bữa nhậu ấy bị xóa sổ bởi chính người khởi xướng. Nghe nói “499 anh em” còn lại cười ruồi “đại ca” sau khi hụt buổi “tụ nghĩa”.

Cứ tưởng đó là một thất bại đi vào sách giáo khoa, thì, giờ lại xuất hiện “500 anh em” phiên bản 2.



Đó là việc ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng Vụ III (Thanh tra chính phủ) gửi tâm thư tới cánh báo chí, mời dự buổi “họp báo” để nói rõ hơn về việc ông bị yêu cầu xin lỗi trong vụ phát ngôn xỉ nhục thứ quyền lực thứ 4.

Thư mời đã gửi đi, và nhân vật chính đang chuẩn bị tâm thế làm người hùng!

Cuộc phô trương chính kiến này, đúng  lịch, sẽ diễn ra ngày mai (7-10) nhưng theo tớ biết thì ít nhất đến bây giờ anh Mẫn đang tắt điện thoại. Có nghĩa rằng khả năng anh chính thức “bật” lại yêu cầu phải xin lỗi báo chí của Thanh tra chính phủ chỉ còn là Năm ăn năm thua. Giang hồ gọi là “xanh-chín”!.



Anh Mẫn bị áp lực nào đó can thiệp hay đã đột ngột thay đổi nhận thức?  Câu trả lời có vào 9 giờ ngày mai (7-10).

Trần Tuấn




Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

KHI CHÀNG TUNG CƯỚC…


Chuyện về anh cán bộ ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đội mũ bảo hiểm tấn công vào chợ tự phát gây xôn xao quần chúng hai hôm nay, tớ thấy
Khi anh tung cước vào mẹt rau, đá bay một xô cá của người bán hàng, điều đó không chỉ đơn thuần là anh giẫm chân lên nồi cơm của họ.
Nó còn có ý nghĩa rằng anh đang song phi vào lòng tự trọng của bà con - một biểu hiện kỳ thị tư cách với chính đồng loại.

Đồng ý rằng khi được giao nhiệm vụ dẹp vỉa hè, anh có toàn quyền xóa xổ bất cứ thứ gì lấn chiếm không gian công cộng, tuy nhiên, phải bằng các biện pháp và công cụ anh được giao. Ví dụ: lập biên bản, cưỡng chế, điều xe đến hốt.
Chứ không có nghĩa khi thực thi nhiệm vụ, anh tự do đập phá tứ tung, ngông cuồng phách lối. Kiểu tự do như vậy chỉ có ở biểu hiện tăng động của bọn giặc cỏ trong những truyện Tàu mà tớ từng đọc.
Giờ thì anh làm bao cát cho dư luận tập võ! Và nếu chỉ dừng lại ở chỗ tự anh hứng gạch đá thôi thì đỡ quá. Nhưng khổ thay, vì trong cuộc tả xung hữu đột với đám dân đen kia, anh lại đang thực hiện sự ủy nhiệm quyền lực từ chính quyền. Vậy là bộ máy, trong đó có anh, hứng trọn vẹn.
Sự lộng hành của anh bị nâng lên tầm đại diện cho một chủ trương, một hệ thái độ.
Tất cả chỉ tại ngày trước thích đấm đá mà không có chỗ tập đàng hoàng?


Ngày Trung thu, mà tới đoạn này, bỗng nhiên tớ lại nhớ tới sự cố chọi trâu mấy tháng trước tại Hải Phòng.


Trần Tuấn

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

TIÊN SƯ ANH ĐẠO CHÍCH!

Năm 2013, mình cùng 5 anh chị xuống Bà Rịa tìm hiểu một vụ tranh chấp liên quan đến người trong họ hàng chị Võ Thị Sáu. Cả nhóm đi bằng xe biển xanh nhưng đăng ký ngoài Hà Nội.

Quá tối, bọn mình vào một quán hải sản, khi tính tiền thì bắt đầu có chuyện.

Số là bà chị trong đoàn gọi món và đề nghị giảm nguyên liệu để không quá no, đồng nghĩa với giá phải giảm. Thế nhưng phía nhà hàng khi đưa giấy tính tiền thì giá vẫn như ghi trong thực đơn. Chị tiếc mấy chục nghìn nên phản ứng.

Mấy em thanh niên niềm nở phục vụ trước đó lập tức dàn trận. Bọn con trai thì đứa hùng hổ quát tháo, đứa đạp cái ghế, đứa vén bụng khoe hình xăm. Lũ con gái thì cất tiếng chửi đổng, đại loại “Má…! Bọn Bắc kỳ!... Biển xanh là cái éo gì! Không thanh toán sòng phẳng thì giam chúng nó ở đây!”

Cuối cùng, trong đoàn, phải nhờ một “thổ địa” vùng ra mặt mới giải nguy khỏi sự mất sĩ diện. Và rút ra một điều, rằng, họ nghĩ những ai đang thực hiện “công vụ” thì kiểu gì cũng có thóp để bắt. Bắt thóp, và buộc phải im miệng!


Nay ông Cục Phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường khi đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra ở Long An thì mất 385 triệu trong khách sạn. Đây là số tiền quá lớn đối với hành lý mang theo của một quan chức đang thực hiện công vụ. Đáng nói, theo báo chí đưa tin, hiện trường để lại là một đống đồ đạc bị lục soát, ở đó có những phong bì bị xé.

Ông Phó Cục thì nói đó là tiền cá nhân, mang theo để giải quyết việc riêng.

Mạng xã hội thì suy tiền đó có được trong quá trình thanh tra, vì đối tượng thanh tra không muốn bị bắt lỗi nên gửi chút lộ phí uống trà.

Vậy giải thích sao cho những phong bì được vô tình hoặc cố ý để lại? Trong khi nạn nhân vụ của vụ trộm chính là người trình báo công an, không lẽ họ không đủ sâu sắc để dọn dẹp một hiện trường bất lợi?

Từ kinh nghiệm ở Bà Rịa của mình, thì có lẽ đứa lưu manh nào đó đã nắm được cái “thóp” đang thực hiện công vụ của ông lãnh đạo kia. Hắn nghĩ “Tay mất tiền này chắc phải ngậm bồ hòn làm ngọt!”

Đó là một phán đoán của cá nhân. Và mình hi vọng camera khách sạn không “bỗng dưng ngủm củ tỏi”.
.........
...............................................................

Vì nạn nhân đang nằm trong đoàn thanh tra. Một “Bao công” mà bị mang tiếng là “Bao an toàn” cho đối tượng thanh tra sẽ làm niềm tin xã hội bị tổn thất hơn nhiều.

Trần Tuấn


Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

THÁNG BẢY!

Trong đạo Lão, tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, quỷ sứ thoát ngục. Nghĩa rằng triều đình âm phủ tổ chức diễn tập thường niên việc phòng chống trốn trại.

Trong đạo Phật, tháng này nhằm ngay mùa Vu lan, con cái báo hiếu phụ mẫu. Suy ra, Giáo chủ Như Lai tôn vinh quá trình sinh đẻ, dưỡng dục.

Đây cũng là tháng Ngâu, theo cách lý giải của dân gian về hiện tượng trời đất đổ mưa dầm bởi nước mắt chia lìa của cặp đôi con giời với con nông dân, tức Ngưu Lang – Chức Nữ.

Còn theo Triết học duy vật biện chứng, tháng âm lịch vừa qua cũng như những tháng bình thường, chỉ đơn giản là phản ánh thế giới khách quan. Rằng, mọi thứ luôn vận động theo quy luật cái mới đè cái cũ, cái tiến bộ phủ định cái cổ hủ, cái mạnh hiếp cái yếu.



Cho nên:

Hai ông tử tù trốn trại bị bắt trong chưa đầy nửa mùa trăng vì lạc hậu với nghiệp vụ của cảnh sát.

Vài Đảng viên ngã ngựa chóng vánh do quá tự tin vào lý lịch đỏ mà chểnh mảng việc trui rèn vũ khí trên đa số mặt trận.

Và một số mối tình Truyền thông – Quan chức mang tính chất cộng sinh dù chia tay trong trâng tráo nhưng rất lý tính….

Nói chung, tháng Bảy là một tháng lộn xộn học thuyết, tư tưởng và niềm tin.

Trần Tuấn


Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

HOA KHÔI BÁN DÂM NÓI VỀ BOT

 Chào chị! Đường dây bán dâm ngàn đô tại TP.HCM vừa bị bóc, hình như chị có tên trong danh sách những người đẹp ấy. Xin hỏi, chị có thấy… nhục không?

-         Tại sao phải nhục? Chúng tôi góp phần làm cho hàng triệu người nhân danh đạo đức có cơ hội mở miệng, hàng trăm tờ báo săn sóc chúng tôi như một cứu cánh thông tin, hàng chục sự kiện nóng hôi hổi nhờ đó mà được pha loãng… Vinh dự thế còn gì!

-         Pha loãng? Cụ thể là sự kiện nào?

-         Bót (BOT) Cai Lậy đó. Chúng tôi đã chia sẻ mặt trận, nhờ đó mà gạch đá dồn vào nơi ấy không nhiều như tưởng tượng… Mà nói thật là cánh tài xế rảnh quá, mua xe tiền tỉ nhưng lại tiếc rẻ cái vé chỉ đáng giá một lần chúng tôi “thả lợn”, tức bật khuy áo ngực.



        Có vẻ như chị thành kiến với việc người dân phản ứng trạm thu phí BOT?

-          Chứ không à? Ăn bánh phải trả tiền, đi đường phải nộp phí là lẽ đương nhiên. Mỗi xe chậm nửa tiếng, nhân với hàng ngàn trường hợp thì anh tính lãng phí bao nhiêu thời gian xã hội?

-         Nhưng xã hội sẽ tổn thất nặng nề vì có thể việc ngoan ngoãn trả tiền này sẽ thành một tiền lệ dẫn tới việc bị triệt tiêu nỗi bất bình. Người người, nhà nhà sẽ ngoan ngoãn như đàn cừu bị khóa mõm….

-         Hình như anh còn cực đoan hơn tôi. Tại sao phải bất bình khi vị trí đặt trạm đã rất hợp lý vì được nghiên cứu kỹ, có sự thống nhất cao độ của nhiều cơ quan, tổ chức hầm hố?...



-         Vậy ý chị là việc các tài xế phản đối trạm thu phí bằng tiền lẻ là thủ đoạn gây rối một cách khôn ngoan?

-         Hay nói một cách khác, điều đó chứng minh rằng dân rất… gian! Tôi khẳng định quả “Bót” này rất đảm bảo lợi ích hoài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Do vậy, không có chuyện thỏa hiệp, di dời hay nhà nước phải mua lại. Nếu cánh tài xế còn ương bướng thì phải chuyên chính!

-         Chuyên chính cơ á? Chị hiểu thế nào là chuyên chính?

-         Thì là ngược lại của Chính chuyên chứ gì nữa!, một phẩm chất là kẻ thù trong đường dây chúng tôi.

-         Vâng! Vậy quay trở lại câu chuyện ban đầu, ngoài những lý do mang tầm vĩ mô khiến các chị không thấy nhục như đã nói,  thì dưới góc độ truyền thống, các chị không thấy việc bị bắt vì ngủ có tiền cùng đại gia là việc không nên sao?

-         Ơ hay, chúng tôi có sắc đẹp, sự tận tụy, kỹ năng giường chiếu và tinh thần dâng hiến thì tại sao chúng tôi không có quyền kiếm tiền từ đó?

-         Nhưng hàng ngàn đô cho mỗi lần “xx” là một con số không nhỏ…

-         Mà là rất nhỏ! Vì mỗi lần chúng tôi đưa giống đực các anh lên đỉnh sung sướng thì không giá nào so sánh nổi. Thêm nữa chúng tôi góp phần dạy dỗ những mụ vợ sồn sồn cách thức níu giữ lòng chung thủy và túi tiền của chồng.

-         Hừm! Từ đầu tới giờ chị tỏ ra là người rất lợi khẩu và cực kỳ ngang bướng. Giờ tôi đưa chị một tỉ, chị có thay đổi suy nghĩ không?

-         Có tiền hả? Hì… dạ có!... Anh thông cảm, vì cái nghề bọn em trót vận vào câu “Gái đ.  già mồm”.

-         “Đ” là gì?

-         Đ. … là tận thu sự sung sướng bằng vốn tự có đó anh!

Trên đây là một cuộc phỏng vấn tưởng tượng.

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Trịnh Xuân Thanh và hiện tượng 'Anh hùng đánh hội đồng'

Mình  nghĩ, trước khi ra pháp đình, Trịnh Xuân Thanh vẫn là người vô tội.

Trịnh Xuân Thanh không trực tiếp nhận quyết định khởi tố, đương nhiên không có nghĩa vụ biết mình bị truy nã toàn quốc.

Báo chí (hình như) chỉ là một kênh thông tin chứ không được hệ thống tư pháp ủy quyền, và Thanh ở nước ngoài không bắt buộc phải đọc báo Việt.

Những văn bản kết luận về sai phạm của họ Trịnh tại PVC hay ở đâu đó, Trịnh vẫn có quyền khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa.

Về mặt pháp lý, lời thú tội của Trịnh trên VTV thiếu giá trị để trở thành bằng chứng, mà trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra.

Nên, Interpol chỉ phê chuẩn lệnh truy nã quốc tế trong trường hợp người nào đó đã mang bản án (Theo Bách khoa toàn thư mở, nước Đức cũng là thành viên của Interpol)



Vậy, đánh hội đồng một người đang “vô tội” có anh hùng không?

Đành rằng cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến giữa dân tộc với giặc nội xâm, tuy nhiên, không nên vì thế mà hả hê với việc bắt người mà bỏ qua những giá trị về danh dự một con người, một gia đình, một dòng họ, một mạch máu trong dòng máu cấu thành dân tộc Việt.

Mình A-ma-tơ về luật nhưng minh nghĩ mình đúng.

Trần Tuấn