Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

BÁO CHÍ NÊN ĐIẾM MỘT TÍ

“Điếm” trong trường hợp này là kiếm tiền  nhờ kích thích vào khoái cảm của độc giả một cách độc đáo, duyên dáng, khéo léo và đa tình

“Thơ Xuân quỳnh trượt giải thưởng”, “Cảnh báo tình trạng ngực bục, má sưng”  là hai trong rất nhiều tiêu đề mà tớ đọc trong ngày từ báo nước mình. Cá nhân tớ cho rằng chúng rất hấp dẫn và nội dung thì không có gì phàn nàn bởi những tin ấy không bịa đặt. Nghĩa là không vi phạm quy định phản ánh sự vật hiện tượng một cách trung thực, khách quan.

Theo tớ biết thì nhiều tờ báo được coi là nhớn trên thế giới đã áp dụng việc phẫu thuật thẩm mỹ thông tin như trên từ lâu. Tổng thống Mỹ vẫn là Tổng thống Mỹ, nên việc thống kê ngày ông ấy ăn bao lần, thực đơn gồm những gì, vào tollet mấy phút… không những chả ảnh hưởng đến hòa bình thế giới mà còn làm cho thế giới hưởng chút thư thái thú vị.  Từ đó, tái tạo năng lượng cống hiến cho nhân loại  một cách hiệu quả.

Và những tờ báo đưa tin kiểu ấy rất ăn khách.  Không phải vì độc giả của họ là những thằng bờm, mà là vì họ biết chích ma túy thông tin vào cái phần bờm của độc giả. Nghĩa rằng cung và cầu có sự tương giao rất nhịp nhàng.



Còn ở  mình, từ lâu rồi các khái niệm sặc mùi định tính như “phản ánh thiếu khách quan”, “bôi nhọ hình ảnh”, “xúc phạm uy tín cá nhân”, “tạo dư luận không tốt”  trở thành con bài tẩy của những người (hoặc tổ chức)  muốn đè giày lên mặt của  tờ báo trót  đưa thông tin bất lợi cho họ. Bằng việc khiếu nại hoặc kiện ra tòa, họ có niềm tin vững chắc rằng tờ báo đó phải phơi áo trong cuộc đấu giữa họ và… dư luận. Nhẹ thì phải đàm phán, nặng vừa thì đính chính, nặng  hơn nữa thì bị đình bản.

Đó là một con ngáo ộp vô hình với khá nhiều tờ báo.

Quan sát, tớ thấy rằng  những tờ báo ăn khách là những tờ thường xuyên đối diện với nguy cơ bị phản ứng từ nhiều phía, và tờ báo đó chấp nhận chơi canh bạc mang tên “khiêu khích” để lớn mạnh. Còn những tờ  hiền lành kiểu “Nhân dân”,  ứ bao giờ lo chệch định hướng thì chả mấy khi nghe người ta hỏi “Báo Đảng nay có gì hay?”

Ta đang vận động thế giới công nhận nền kinh tế thị trường thì báo chí cũng nên ở trên sàn giao dịch. Hãy cứ để báo chí tự trang điểm, tạo sự hấp dẫn cho mình trước cổ đông là độc giả. Chỉ cần đưa tin không sai, còn đưa kiểu gì thì nên để nó chủ động với những son, phấn, nước hoa, hàng độc… mà nó có.

Và báo chí nên điếm một tí.  “Điếm” ở đây không có nghĩa là  kiếm tiền bằng mọi giá như thường hiểu  ở  đa số gái bán dâm. “Điếm” trong trường hợp này là kiếm tiền  nhờ kích thích vào khoái cảm của độc giả một cách độc đáo, duyên dáng, khéo léo và đa tình: Thông tin nhiều góc cạnh!

(Ý kiến tớ nhân đọc một “sờ ta tụt”  chửi đổng một bản tin bị cho là “rẻ tiền”)


Anh Tuấn

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

XỬ NHAU CŨNG CẦN TẦM NHÌN


Báo chí chiều nay, 4-1, đưa tin PHẠT 80 TRIỆU BA TRANG MẠNG CỔ XUÝ CHO MINH BÉO.

Tớ nghĩ:
Không biết 3 trang mạng có đúng là bị phạt vì hành vi cụ thể là "Cổ xuý Minh béo" không? Vì thấy lỗi ghi trong quyết định xử phạt chung chung quá.
Tuy nhiên, nếu đúng là phải móc hầu bao trả giá cho niềm vui đón đồng bào mình vừa thoát nạn bên Huê Kỳ về thì thật kì quặc.
Và điều ấy đã như lo ngại của tớ, rằng, trong vụ này Việt Nam xử lý cá nhân và tổ chức trong nước dựa trên bản án của nước ngoài!

Điều đó cũng có nghĩa, toàn bộ những tờ báo còn lại hoặc là tỏ vẻ bàng quan, hoặc là hùng hổ lao vào xâu xé Hồng Quang Minh.
Vậy cơ quan chức năng cùng những tờ báo hùng hổ kia đã, đang và sẽ ứng xử sao với số phận các ngư dân Việt từng bị trừng phạt, giam giữ ở Mã Lai, In Đô do đánh bắt xa bờ mà vi phạm luật pháp nước họ?
Thật khó, vì sẽ có nhiều vị nhảy lên "SAO LẠI ĐI SO SÁNH THẰNG XƯỚNG CA VÔ LOÀI VỚI NGƯỜI BÁM BIỂN!" (!?)
Vâng! Đời đứa nghệ sĩ mạt vậy. Không có tư cách để bình đẳng nhận sự an ủi từ đồng hương sau khi thoát hoạn nạn từ xứ khác?
Anh Tuấn


Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

ĐÓN GIAO THỪA BẰNG CHUÔNG?!


Cuối cùng thì hôm 3-1, Hà Nội cũng giải quyết vấn đề đánh thức thời khắc chuyển giao năm mới của dân tộc bằng sáng kiến Tôn giáo hóa Tết Cổ truyền!

Nghĩa rằng thay vì dùng pháo thì Hà Nội vận động các cơ sở tôn giáo, gồm cả nhà thờ lẫn nhà chùa, ngân chuông vào đêm đất nước tiễn Khỉ, đón Gà.

Và nếu đề nghị này được ưng thuận thì mình không hiểu người dân Thủ đô sẽ nghe hai thứ âm thanh của hai trường phái tu hành này khi trộn lẫn vào nhau sẽ như thế nào? Có lẽ sẽ giống như sự pha trộn giữa đàn bầu và trống trận.

Theo mình biết thì chỉ trong ẩm thực mới có định nghĩa về món lẩu.



Nhưng lẩu gì thì lẩu, coi chừng sau khi thưởng thức, mối bất hòa tín ngưỡng cùng nguy cơ tan nát nỗ lực đại đoàn kết dân tộc có thể sẽ bùng lên.

Bởi giáo phái nào cũng  đều muốn tiếng chuông đặc trưng của mình là biểu tượng của đêm giao thừa!
Anh Tuấn