Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

CAM KẾT RỜI ĐẠO?


Vài thông tin loan tải rằng mấy ngày gần đây có hiện tượng tín đồ của một đạo viết cam kết với chính quyền sẽ đoạn tuyệt với giáo phái họ lựa chọn.

Thật ra không khó hiểu. Trong cuộc đời mỗi cá nhân, sự phản bội niềm tin là thường xuyên và hiển nhiên khi cá nhân ấy bước sang một giai đoạn nhận thức mới.



Đơn giản như việc anh coi tổ ấm gia đình là một giá trị, thì vợ anh chính là thượng đế. Nhưng khi anh mê mẩn một bóng hồng khác, vai trò người nắm giữ hạnh phúc của anh chính là kẻ thứ 3 kia.

Hoặc như bà Merkel , cũng là người quay lưng với chính chế độ sinh ra mình trước khi trở thành thủ tướng nước Đức bây giờ.

Hoặc như mấy bác nhà ta sau 1975 lũ lượt vượt biên sang Tư Bản, giờ già mới hối hận với cố hương, thực hiện “quay đầu là bờ”.

Nên, quay trở lại chuyện trên, khi anh hành chính hóa việc rời đạo của mình bằng một cam kết với chính quyền, điều đó phản ánh rất yếu sự thành tâm, tự nguyện. Thay vào đó, câu hỏi về việc có hay không sự ép buộc lại nổi lên như một khối u nhức nhối trong tình hình việc thực thi Hiến pháp còn chưa đồng nhất ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân.

Cứ xem việc Tết nào toàn dân cũng viết cam kết không đốt pháo sẽ rõ.

Nên chăng, hãy coi tín ngưỡng như kinh tế thị trường. Nếu không vi phạm pháp luật thì kệ nó tự điều chỉnh.  Phát triển hay triệt tiêu là do chính những thành viên thẩm thấu đức tin đó quyết định.

Vì, bạn không thể nhận xét, góp ý, bình phẩm, can thiệp về thời gian tắm, nếp sinh hoạt của vợ thằng hàng xóm được.

Trần Tuấn


Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

CHÍNH GIÁO VÀ TÀ ĐẠO


Ủng hộ cho sự phân biệt “chính thống” với “tà đạo” ấy là các thể chế chính trị…

1. “Luận cương đến, và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin…
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười….” (Trích Người đi tìm hình của nước, thơ Chế Lan Viên) 




2. Tôn giáo là một khái niệm thù địch với chủ nghĩa Duy vật biện chứng. Chủ nghĩa Duy vật biện chứng “lột mặt nạ” tôn giáo, rằng, từ sự bất lực trước các hiện tượng tự nhiên nên con người cần một cứu cánh thông qua trí tưởng tượng về thế giới siêu nhiên.

Sự tưởng tượng ấy “đẻ” ra thần thánh. Nhiều cá nhân tán đồng, tổng hợp lại thành hệ thống tư tưởng, và tôn giáo ra đời.

Trên thế giới có bao nhiêu tôn giáo là bấy nhiêu trí tưởng tượng về thế giới thứ 2  sau khi con người vĩnh biệt khí ô-xi. Hệ thống lý luận của các tôn giáo ấy nhẹ thì phủ định nhau, nặng thì thủ tiêu nhau, luôn coi mình là “đạo chính thống” còn đối phương là “tà đạo”.

Ủng hộ cho sự phân biệt “chính thống” với “tà đạo” ấy là các thể chế chính trị.
Ví dụ như: Cuộc “Thập tự chinh” hồi Trung cổ, những nhà nước do Kito giáo chi phối coi Hồi giáo cùng những đạo khác là “những kẻ ngoại đạo”, là kẻ thù.



Ví dụ như: Chính phủ Đức từ sau thế chiến thứ nhất đến trước 1945, coi Do thái giáo là đối tượng cần loại bỏ.

Ví dụ như: Ở nước ta thời Nguyễn, Thiên chúa giáo bị gọi là “tà đạo” – “Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn” – (Trích Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, thơ Nguyễn Đình Chiểu).

Nói chung, chính giáo hay tà đạo phụ thuộc vào sức thuyết phục của tôn giáo ấy tới nhà nước nói chung,  mỗi cá nhân nói riêng. Nhưng, sự tin tưởng vào một thế giới khác  luôn tồn tại ít nhất là tới khi loài người vẫn còn hoài nghi về số phận.

Chỉ những người tôn thờ chủ nghĩa Mác mới có khả năng gom cả tà lẫn chính vào một cái sọt mang tên “Hoang đường”!



2.     Giờ nói về “Hội thánh đức chúa trời mẹ”. Mình không biết tín ngưỡng của Hội này đã được trang bị lý luận đủ mạnh để lên tầm tôn giáo chưa, song, Hội ấy đang gây chú ý với chủ trương hội viên dâng hiến 10% thu nhập và kiêng thờ cúng tổ tiên.

Báo chí phê bình, chính quyền một vài địa phương cảnh giác, thậm chí nhiều cơ sơ giáo dục ra văn bản đánh Hội này. “Tà đạo” là thuật ngữ phổ biến khi nói về “Hội thánh đức chúa trời mẹ”.

Theo luật pháp, ít nhất 3 địa chỉ trên (báo chí, địa phương, trường học) đang khiêu chiến với quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Cũng ít nhất 3 địa chỉ trên quên mất rằng nhiều tôn giáo được cấp phép hoạt động tại Việt Nam khác, trong đó (hình như) có đạo Phật, chủ trương “thoát tục”, lìa tránh gia đình, chỉ chuyên tâm thờ phụng đấng tối cao.

Và, 3 địa chỉ trên đang vô hình trung kích hoạt ngòi nổ mâu thuẫn giữa tôn giáo ấy với phần còn lại của xã hội.


Mà, xung đột liên quan tới tôn giáo chưa bao giờ hạn chế số lượng tín đồ thi nhau gia nhập hàng ngũ về với đấng tối cao cả. Những trang sử máu thời Thập tự chinh, Chiến tranh thế giới 2 hay Iraq gần đây… là dẫn chứng đáng tin cậy…

Nếu ai phản đối suy nghĩ của mình, vui lòng coi như mình đang nói chơi cho đỡ mòn ngón tay gõ bàn phím. Đừng nặng lời, vì mình nhát lắm.

Trần Tuấn






Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

PHẠM PHÁP CÓ GIẤY PHÉP?…


Nền văn học nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng, tác phẩm đơn thuần giải trí nói riêng nữa… có quyền xuyên tạc, vu khống một cá nhân không?




1.     “… Chẳng cần màn dạo đầu hôn hít. Khánh Dư bốc váy áo của Thiên Thụy. Và ngược lại những ngón tay của công chúa vội vàng cởi chiếc quần đi ngựa của Khánh Dư. Khi thân thể cả hai đã được bóc trần, Khánh Dư luồn tay dưới cặp mông mẩy và cong của công chúa nhấc lên ngang với chiếc “cần câu” dài và thẳng đứng của mình.
Rồi chẳng cần giường chiếu, với sức khỏe của một võ tướng đang ở tuổi sung mãn nhất Khánh Dư lúc đẩy mông Thái Thụy ra, lúc dập mông công chúa vào tạo nên một nhịp điệu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Công chúa Thái Thụy rú lên sung sướng theo nhịp đôi đơn giản đó…”…

Trên đây là nội dung một trang trong tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” của tác giả Bùi Việt Sỹ được báo Dân Trí chiều 23-4 dẫn lại. Theo đó, tiểu thuyết lịch sử nói về thời kỳ chống Nguyên Mông này do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đỡ đầu, xuất bản năm 2016, và nó vừa đoạt giải C hạng mục sách hay năm 2018.


Hội đồng giải gồm 22 thành viên, có đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trưởng các tiểu ban chấm giải chuyên ngành...” – Báo viết.

2.      Theo Bách khoa toàn thư mở (WikipediA), Trần Khánh Dư là một chính khách, nhà quân sự Đại Việt dưới thời đại nhà Trần. Ông nổi bật với việc giữ chức Phó đô tướng quân trong trong kháng chiến chống quấn Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn năm 1288, tham gia chinh phục Chiêm Thành năm 1312 nhưng bị sử sách phê phán vì tính tham lam, thô bỉ…
Một trong những lý do bị phê phán là Trần Khánh Dư vướng phải vụ án thông dâm với Thiên Thụy công chúa (vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn).
Tóm lại, Trần Khánh Dư là một nhân vật có thật, một người góp phần chém nát sự oai phong của đế quốc mạnh nhất thế giới thời kỳ ấy: Nguyên Mông!



3. Vì Trần Khánh Dư là nhân vật có thật nên mình băn khoăn mấy điều này:

Nền văn học nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng, tác phẩm đơn thuần giải trí nói riêng nữa… có quyền xuyên tạc, vu khống một cá nhân không?

Nếu cá nhân ấy là nhân vật đương đại, họ có thể khởi kiện tác giả và đường dây giới thiệu câu chuyện của họ ra tòa vì xúc phạm đời tư, nhân phẩm, danh dự ?

Trên cơ sở Việt Nam đang cổ vũ một nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nghiêm cấm dung tục, đồi trụy thì xuất bản phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” đang phạm những luật nào?

Nhà xuất bản, Cơ quan kiểm duyệt, Hội đồng chấm giải… có bao nhiêu người là Đảng viên? Những “trí tuệ của nhân loại” dựa trên lý do gì để gật gù, cổ vũ, nhất trí lan truyền sự bới móc (hoặc hư cấu) đời tư của một nhân vật có thật?



Nếu những băn khoăn của mình được giải thích thỏa đáng, mình sẽ thôi ngay quan điểm “Người đã chết thì bịt miệng kiểu gì cũng được”!

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Chuyện chưa kết được: Quái thai, Quốc hoa và lòng tự tôn


Nhưng, nếu một đứa ngoại quốc nào dám giễu cợt dân tộc mình hình thành là nhờ thú (Rồng, Rái cá) thì mình sẽ lập tức phản ứng lại rằng chúng nó cũng từ cái lỗ khỉ mà ra...


Xét về y học hiện đại nói riêng và sự tiến bộ xã hội nói chung, “quái thai” là một thuật ngữ khá tiêu cực, chỉ một thứ sản phẩm không bình thường.

Tuy nhiên, nếu cặn kẽ chẻ câu chữ thì “quái thai” là bào thai quái lạ, độc đáo. Có  thể từ đó sinh ra những cá nhân phi thường, xuất chúng hoặc đần độn, bệnh hoạn.

Với việc đinh ninh Lạc Long Quân và Âu Cơ là Quốc tổ, người Việt đã gián tiếp thừa nhận mình được sinh ra bởi một quy trình ngược tự nhiên (câu chuyện trăm trứng). 

Và sự lạ lùng đó nhấn thêm một yếu tố kỳ quặc nữa khi Tổ phụ và Tổ mẫu vì đại nghiệp mà gác bỏ tình riêng, để cho 50 trẻ bơ vơ cha và nửa còn lại thiếu tình thương mẹ.



Những sản phẩm của bào thai khác thường ấy về sau lập nên 2 nhà nước Văn Lang và Âu lạc trước khi chìm đắm trong đêm trường ngàn năm Bắc thuộc.

Đến khi sắp kết thúc Thiên niên kỷ thứ nhất, một phụ nữ  vùng quê chiêm trũng (Tràng An, Hoa Lư, Ninh Bình bây giờ) trong lúc đi trên đường vắng đã gặp một con rái cá. Con vật này chặn đường, lao tới, chộp lấy, vật xuống, đè lên… rồi cưỡng hiếp bà. 

Sau lần nhục nhã ấy, bà về mang thai rồi sinh ra vị vua đầu tiên của Đại Việt: Đinh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng.



Chuyện trăm trứng và chuyện vua Đinh là hai trong số rất nhiều điều phản ánh sức tưởng tượng phi thường của cha ông ta. Nó cho thấy  nếu được cộng đồng tin, thấm thía rằng đó là cách lý giải thuyết phục về nguồn cội con Rồng cháu Tiên thì mọi sự trái quy luật, ngược thực tế… “bất thường” cũng đương nhiên là “bình thường”!

Cho nên, thật lòng mình bái phục lắm lắm lắm cụ nào sáng tác ra được sản phẩm khắc vào lòng dân tộc như thế.

Đó là chuyện xưa, còn chuyện nay:  Hoa Sen với 4 câu ca dao ai cũng thuộc “Trong Đầm gì đẹp bằng Sen – Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng – Nhị vàng bông trắng lá xanh – Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”... không hiểu có phải là cảm hứng để người ta nghĩ đó là loài hoa tinh túy, thanh cao không?.



Nếu đúng vậy thì họ đang tôn thờ một loài hoa đẹp, nhưng gán cho nó bản chất bất nghĩa.

Vì, nhờ bùn mà nó được nuôi dưỡng để vươn lên tỏa sáng, thế mà quay ngoắt lại chửi bà mẹ đất bằng một tính từ xúc xiểm, khinh miệt: Hôi tanh!

Nhưng thôi, dù sao Sen giờ đây cũng được bầu chọn là Quốc hoa!

Trên đây là toàn chuyện tầm vĩ mô, mình chả dám bàn thêm.

Mình khôn mình nói chuyện mình – Kệ cha cái việc đầu đình đêm qua!

Nhưng, nếu một đứa ngoại quốc nào dám giễu cợt dân tộc mình hình thành là nhờ thú (Rồng, Rái cá) thì mình sẽ lập tức phản ứng lại.  Rằng chúng nó cũng từ cái lỗ khỉ mà ra...

Trần Tuấn