Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

CHÍNH GIÁO VÀ TÀ ĐẠO


Ủng hộ cho sự phân biệt “chính thống” với “tà đạo” ấy là các thể chế chính trị…

1. “Luận cương đến, và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin…
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười….” (Trích Người đi tìm hình của nước, thơ Chế Lan Viên) 




2. Tôn giáo là một khái niệm thù địch với chủ nghĩa Duy vật biện chứng. Chủ nghĩa Duy vật biện chứng “lột mặt nạ” tôn giáo, rằng, từ sự bất lực trước các hiện tượng tự nhiên nên con người cần một cứu cánh thông qua trí tưởng tượng về thế giới siêu nhiên.

Sự tưởng tượng ấy “đẻ” ra thần thánh. Nhiều cá nhân tán đồng, tổng hợp lại thành hệ thống tư tưởng, và tôn giáo ra đời.

Trên thế giới có bao nhiêu tôn giáo là bấy nhiêu trí tưởng tượng về thế giới thứ 2  sau khi con người vĩnh biệt khí ô-xi. Hệ thống lý luận của các tôn giáo ấy nhẹ thì phủ định nhau, nặng thì thủ tiêu nhau, luôn coi mình là “đạo chính thống” còn đối phương là “tà đạo”.

Ủng hộ cho sự phân biệt “chính thống” với “tà đạo” ấy là các thể chế chính trị.
Ví dụ như: Cuộc “Thập tự chinh” hồi Trung cổ, những nhà nước do Kito giáo chi phối coi Hồi giáo cùng những đạo khác là “những kẻ ngoại đạo”, là kẻ thù.



Ví dụ như: Chính phủ Đức từ sau thế chiến thứ nhất đến trước 1945, coi Do thái giáo là đối tượng cần loại bỏ.

Ví dụ như: Ở nước ta thời Nguyễn, Thiên chúa giáo bị gọi là “tà đạo” – “Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn” – (Trích Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, thơ Nguyễn Đình Chiểu).

Nói chung, chính giáo hay tà đạo phụ thuộc vào sức thuyết phục của tôn giáo ấy tới nhà nước nói chung,  mỗi cá nhân nói riêng. Nhưng, sự tin tưởng vào một thế giới khác  luôn tồn tại ít nhất là tới khi loài người vẫn còn hoài nghi về số phận.

Chỉ những người tôn thờ chủ nghĩa Mác mới có khả năng gom cả tà lẫn chính vào một cái sọt mang tên “Hoang đường”!



2.     Giờ nói về “Hội thánh đức chúa trời mẹ”. Mình không biết tín ngưỡng của Hội này đã được trang bị lý luận đủ mạnh để lên tầm tôn giáo chưa, song, Hội ấy đang gây chú ý với chủ trương hội viên dâng hiến 10% thu nhập và kiêng thờ cúng tổ tiên.

Báo chí phê bình, chính quyền một vài địa phương cảnh giác, thậm chí nhiều cơ sơ giáo dục ra văn bản đánh Hội này. “Tà đạo” là thuật ngữ phổ biến khi nói về “Hội thánh đức chúa trời mẹ”.

Theo luật pháp, ít nhất 3 địa chỉ trên (báo chí, địa phương, trường học) đang khiêu chiến với quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Cũng ít nhất 3 địa chỉ trên quên mất rằng nhiều tôn giáo được cấp phép hoạt động tại Việt Nam khác, trong đó (hình như) có đạo Phật, chủ trương “thoát tục”, lìa tránh gia đình, chỉ chuyên tâm thờ phụng đấng tối cao.

Và, 3 địa chỉ trên đang vô hình trung kích hoạt ngòi nổ mâu thuẫn giữa tôn giáo ấy với phần còn lại của xã hội.


Mà, xung đột liên quan tới tôn giáo chưa bao giờ hạn chế số lượng tín đồ thi nhau gia nhập hàng ngũ về với đấng tối cao cả. Những trang sử máu thời Thập tự chinh, Chiến tranh thế giới 2 hay Iraq gần đây… là dẫn chứng đáng tin cậy…

Nếu ai phản đối suy nghĩ của mình, vui lòng coi như mình đang nói chơi cho đỡ mòn ngón tay gõ bàn phím. Đừng nặng lời, vì mình nhát lắm.

Trần Tuấn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét