Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Điểm nhấn tuần qua: Dư luận và chỉ báo tích cực


Sự kiện chấn động trong cả nước tuần vừa qua là việc 2 công dân dũng cảm Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam ngã xuống bởi những nhát dao hung hãn của kẻ trộm xe Nguyễn Tấn Tài.




Cảm xúc phẫn nộ trước cái ác và tiếc thương, cảm mến những trái tim quả cảm lập tức bùng cháy trong trái tim nhiều người dân lương thiện TP.HCM và rộng hơn nữa.

Hàng loạt cơ quan, đoàn thể cũng gần như ngay lập tức có những động thái tôn vinh tinh thần trượng nghĩa đối với người ngã xuống. Bằng liệt sĩ sẽ được trao cho họ. Công an TP cũng đặt lại vấn đề về công nhận chính thức mô hình hiệp sĩ, để từ đó trang bị cho họ sự chính danh, công cụ cùng kỹ năng ứng phó với tội phạm.

Tuy nhiên, cũng sau đêm 13-5 kinh hoàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám kia, bên cạnh sự tôn trọng và ủng hộ hành động của các “hiệp sĩ”, thì nhiều ý kiến đặt nghi ngại rằng chỉ với lý tưởng “giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha”, thì việc khuất phục đối thủ hiện hữu cầm hung khí, thậm chí súng trong tay luôn là sự phiêu lưu. “Kết quả” thường là “Hậu quả”.

Hơn nữa, nên bộc lộ tinh thần “hiệp sĩ” trong những tình huống bất ngờ gặp hành vi xấu, không nên lên kế hoạch bền bỉ theo dõi, kiên trì mật phục nhằm bắt quả tang. Vì, đó là việc của công an. Tại sao không báo công an kẻ nghi vấn thay cho quá trình đeo bám để tự đưa mình vào tình thế tay không chống dao găm?

Những luồng ý kiến nghi ngại ấy dù sao cũng là thiểu số!

Cho đến khi xuất hiện công văn của Sở GD&ĐT TP.HCM gửi các đơn vị liên quan. Văn bản này có nội dung đề nghị rằng, trên cơ sở những tấm gương trấn áp tội phạm trong đêm đẫm máu kia, giáo dục lòng dũng cảm cho học sinh. Từ đây, dư luận về câu chuyện “Hiệp sĩ” gần như ngay tức khắc “đổi chiều”!

“Đã có 5 điều Bác Hồ dạy, sở có cần có thêm một động thái thừa không?”; “Đừng xúi con tôi tự sát”; “Giáo dục lòng dũng cảm kiểu ấy thế trang bị trí khôn cho học sinh thế nào”…. là những bức xúc gay gắt có thể cảm nhận của phụ huynh, mà dường như tâm lý ấy không chỉ cớ ở những bậc làm cha mẹ.



Tuần qua, câu chuyện chia rẽ quan điểm còn xuất hiện trong phiên tòa ông Nguyễn Khắc Thủy  bị Tòa án Nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt 18 tháng tù treo tội Dâm ô với trẻ em.

Ban đầu, công luận phản ứng khi cho rằng mức án ấy quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Rồi vì bị đánh giá có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng nên bản án này bị kháng nghị Giám đốc thẩm.

Nhiều người đồng tình với việc kháng nghị, vì theo họ, công lý đã lên tiếng đúng thời điểm để ngăn chặn “kẻ thủ ác” ung dung với mức hình phạt mà gần như không chịu phạt (án treo). Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng với chứng cứ kết tội yếu nhưng phía kháng nghị lại không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo đã 78 tuổi này…

Việc đúng sai trong hai câu chuyện trên, trong tương lai sẽ có câu trả lời. Nhưng hiện tại, cái lợi lớn nhất mà xã hội thu được từ những cuộc tranh luận đó là ý thức công dân trước những vấn đề nổi cộm tăng lên. Mọi người cùng muốn đi tới tận cùng đáp số thông qua tranh luận. Khi đó nhận thức đã lên một tầm mức mới.

Và điều ấy tốt cho quốc gia, dân tộc.

Anh Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét