Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Đừng ngại khi cầm tinh anh dê chúa


Khi thò tay tóm ngực một phụ nữ trên xe buýt, nếu bạn không phải là bác sĩ và cô nàng ấy không… thích thì bạn ăn tát là đúng rồi.



Chưa hết, cái tát chỉ là màn dạo đầu cho một chuỗi những đen tối trong cuộc đời bạn. Bởi sau đó bạn phải đối mặt với thái độ của một lực lượng đông đảo. Họ gồm vợ, vợ lẽ, bồ 1, bồ 2 (nếu có), những người dùng internet và nhân viên công lực...

Bi kịch ấy rõ ràng tồi tệ hơn mức phạt 200 nghìn! Nhưng như nhiều người nói, khi mọi cánh cửa đóng sập trước mắt sẽ có một lỗ vuông hoặc tròn hiện ra, và bạn không nằm ngoài may mắn ấy!

Đó là bạn thình lình được nổi tiếng, lý lịch bạn bay xa khắp thế giới thông qua các diễn đàn. Điều này rất có lợi nếu bạn sở hữu một giọng ca tàm tạm và quyết chí dấn thân vào showbiz, tỉ như Vàng Anh, Huyền Anh hay Lệ Rơi…

Nhưng nếu trong trường hợp sự vút lên trên xe buýt này của bạn khó có thể cạp ra tiền thì dù gì bạn cũng nhận được lời cảm ơn của cánh đành ông, đặc biệt là nhóm cầm tinh anh dê chúa...

Bởi nhờ bạn, chúng ta sẽ rút ra một bài học sâu sắc về cách sử dụng bàn tay. Trong phim chưởng gọi là món Long trảo công, Ưng trảo quyền!

Tuấn Trần



Thời của nội chiến giữa các giá trị?



Cô gái Ngọc Trinh khoe những đường nét tinh tế của cơ thể phụ nữ Việt tại một sự kiện lẫy lừng thế giới, và ngay lập tức cô bị người quê hương chửi.



Sự xỉa xói người đẹp không chỉ đến từ nhóm chơi mạng vô danh, nó thậm chí được tăng âm kịch liệt khi có quan chức Bộ Văn hoá xúm vào kêu gọi tẩy chay.

Nói “xúm vào” không quá, vì vị này bất lực trong việc nhân danh cơ quan quản lý nhà nước để ra biện pháp chế tài cảnh khoe nét phồn thực của Ngọc Trinh. Ông chỉ len lén “hi vọng” dư luận công kích hành vi của người đẹp mà theo ông là “phản văn hoá”.

Thiết tưởng Cannes là một sự kiện giải trí, vậy mà nhúng cô nàng ngây thơ, tung tẩy ấy chết ngợp trong bầu không khí quan điểm Nho học đã lỗi thời, thế thì các vị ra biển mà phán xét đám mặc bikini, vào nhà tắm mà dạy dỗ mấy đứa cởi truồng kỳ cọ sai quy trình cho hả hê hơn!.

Hoặc cứ cho rằng bạn vịn vào gốc văn hoá dân tộc hàng ngàn năm để coi em ấy là đứa đồng bào mất nết, vậy những ngôn ngữ hoặc dè bỉu, hoặc mỉa mai hoặc té tát xả vào mặt phái yếu đó là bạn đang dùng cách ứng xử của màu da nào?

Trớ trêu nữa, nếu khi mỹ nhân ấy về nước lại đắt show như những trường hợp nổi tiếng nhờ cố tạo tiếng khác… thì hoá ra “giận thì giận mà thương lại càng thương” à?

Hay đó là cái logic của người Việt trong giai đoạn lửng lơ giữa hai luồng giá trị cũ-mới?

Quá trình quá độ giá trị có đặc điểm cực hay là dễ dàng biến mỗi bàn phím thành 1 sân khấu kịch. Mà “phím sĩ” hơn ca sĩ ở chỗ có thể thành nghệ sĩ hài.

 Tuấn Trần

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

ĐỢI




Ta trải lòng ta trên heo may
Niềm riêng đắp lệch trái tim gầy
Nằm nghe tê tái đêm sâu, vắng
Ngóng sáng khi Đời chưa tan mây…



Anh Tuấn

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Độc chiêu thương mại?



Đúng lúc cuộc thương lượng hòa nhã trên chiến trường thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiến gần cao trào chửi lộn thì một số doanh nghiệp Trung Quốc tung ra bộ sản phẩm đặc biệt, độc đáo.



Theo đó, người của quê hương ông Khổng Tử ra mắt dân của xứ sở điển hình cho văn hóa Á Đông những chiếc cọ bồn cầu (hay bàn chải nhà vệ sinh) mang dung mạo Tổng thống Mỹ.

Đồng thời với đó, bộ sản phẩm cho việc đại tiện còn kèm xấp giấy chùi in gương mặt hao hao giống bác Trump.

Theo báo chí, bất ngờ là “bàn chải nhà vệ sinh” đang trở thành mặt hàng hot được tìm kiếm nhiều nhất trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc.



Liên hệ với sự văn minh ở nước ta, giả sử Việt Nam và Trung Quốc bỗng một ngày buồn nhau, liệu các doanh nhân bên mình có làm điều tương tự với những nhân vật chính trong các cuộc xâm lược?

Câu trả lời là chắc chắn không!

Lý do: Nước mình và nước bạn không có ký văn bản nào về quyền khai thác hình ảnh cấp độ đó. Nên chả chủ công ty nào nghịch dại bán một cuộn giấy vài ngàn đồng để phải trả tiền triệu đô thua kiện.

Thứ nữa, phải có tiền mới được xuất hiện trên một thương hiệu. Họ có trả xu nào đâu mà đòi nghiễm nhiên khoe mặt trên Hàng Việt Nam chất lượng cao!

Thứ cuối: Người Việt Nam là người Việt Nam! Người Việt Nam ít giỏi thâm thúy.

Trần Tuấn

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Thư gửi Đức Phật


THƯA ĐỨC PHẬT

Em từng a dua cùng một số đồng nghiệp hào hứng và hãnh diện với đại hội Phật giáo lớn nhất hành tinh tổ chức tại Việt Nam cho đến khi trên VTV1 đêm 14-5 đưa tin một loạt các kỷ lục được trao trong Vesak 2019.



Theo đấy, tại Việt Nam, nơi em tạm gọi là “Phó thánh địa Phật giáo” khi trong chưa đầy chục năm tổ chức vài đại hội,  sau khi kết thúc đã có hàng loạt các kỷ lục được xướng lên (Truyền hình đọc nhanh quá không nhớ nổi, tạm lấy thống kê từ VNE):

Đó là Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất; Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất; Triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo lớn nhất; Lễ hội thắp đèn Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới có lượng người tham gia đông nhất; Lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất; Lượng người tham gia lễ tắm phật đông nhất; Hội chợ văn hóa Phật giáo lớn nhất…



Cha mẹ ơi, toàn những danh hiệu loảng xoảng được hô vang trong dịp tôn giáo ấy hướng về đức minh chủ từng sẵn sàng rũ bỏ ngai vàng cùng vinh hoa phú quý để lập triết lý “sắc sắc không không, từ bi hỉ xả” bên gốc bồ đề đầy bão bùng mưa gió!

Không rõ Đức Tất đạt đa-Cồ đàm nếu có thực trên cõi cực lạc có thấy xấu hổ  khi thấy đám sư đồ hả hê nhận danh hiệu trong ngày sinh nhật mình không?



Nếu không xấu hổ, chắc ngài có sự nhận thức mới mẻ, tự chuyển hóa tư tưởng để phù hợp với thời đại mà tính “hiếu danh” có vẻ đang đè lên phẩm chất “đức độ”!

Nếu xấu hổ, có lẽ ngài nên từ chức giáo chủ đi, vì quan điểm Tham-Sân-Si  của ngài dường như đang bị phản bội.

Ai đời, tôn vinh một tấm gương mẫu mực về lòng từ bi bác ái lại đi kèm với những số liệu mang tính ganh đua có tên “kỷ lục”!



Phê bình ngài quá e khá cực đoan, em đành chuyển sang một phương án lý giải khác vậy: Tức là cách thức công bố “kỷ lục” của vài tay tổ chức trong dịp kỷ niệm hơn ngàn năm sinh nhật ngài, thay vì một thời gian nữa hẵng trao thì lại hào hứng “ăn xổi, trao luôn”,  nên hơi vô duyên!

Nó tương tự chuyện thưởng nóng vụ phá án Nữ sinh giao gà ở Điện Biên – Hợp lý nhưng nhầm thời điểm.

Mà đã “vô duyên” thì càng vỗ ngực lại càng kệch cỡm!

Em Tuấn





Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

'Oan gia trái chủ' nghề viết



Một số thông tin mấy ngày gần đây cho thấy bà Phạm Thị Yến, nhân vật chính trong những ồn ào về chùa Ba Vàng, lại tái xuất trong vài sự kiện. Lướt qua tạm thấy thái độ châm biếm, chế giễu, hằn học ở những thông tin ấy.



Bỏ qua những băn khoăn hàng ngàn năm nay chuyện có thế giới thứ 2 hay không? Tôn giáo đóng vai trò sứ giả của thế giới đó hay chỉ là hệ thống lừa đảo vv và vv… thì tôi thấy:

Về bà Yến: Đây là người có khả năng hùng biện. Lý lẽ của bà trong nhiều buổi nói chuyện trước đám đông không hề dở khi buổi nào cũng đông người nghe, vỗ tay.

Bà cũng là một chiến lược gia tầm vóc của cơ sở tôn giáo nơi bà góp sức, biến nó từ thân phận nghèo hèn lên địa vị giàu sang.

Không chỉ góp ý tưởng phát triển cơ ngơi Ba Vàng, bà Yến còn có những hành động cụ thể giỏi hơn nhiều tay chuyên gia làm kinh tế khi khiến dòng tiền của phật tử không ngừng chảy về Ba Vàng.

Đó ít nhất là ba cái được của một cá nhân biết kiếm tiền, kiếm tiền được, làm giàu và thành đạt.

Về phía những "tay phím" hăng hái đưa tin: Việc đánh hơi một phụ nữ độc thân và đã vô hại với xã hội, trong trường hợp này, không nên coi nó xuất phát từ bản năng săn tin tức của một cây bút nghiêm chỉnh. Nói thẳng ra, đó là cách chọn đề tài “cấp không cao”, hoặc hạ cấp.

Bà Yến ấy nếu trước đây lỡ vạ miệng vụ nữ sinh giao gà nhưng bây giờ ra mắt với tâm thế một người nói chuyện, hay trong một sự kiện mang tầm quốc tế như Phật đản, thì lý do gì để say máu áp dụng chủ nghĩa lý lịch với một phụ nữ?

Hồi bé bạn đã từng đối diện với cơn thịnh nộ của phụ huynh nhưng nhờ một lời xin lỗi mà “lươn” được miễn nổi trên mông bạn chưa?

Một tin bài thu hút được nhiều đọc giả tức là bạn đã kiếm được tiền thông qua những sản phẩm tin tức đó. Tuy nhiên, tự trọng với chính đồng tiền mình kiếm nên được coi là giá trị quan trọng trong nghề của bạn.

Đào mồ một vết nhơ cũ của người khác rồi xức nước hoa lên cái xác thối ấy để buộc nó sống lại, e không nên...

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Đoàn Thị Hương, Hồng Quang Minh và 'Phím sĩ'



1. Thời điểm Đoàn Thị Hương vừa bị bắt, báo chí nhốn nháo xếp hàng đứng về phía em ấy, mình bỗng thấy thương Hồng Quang Minh – Minh béo

Họ cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cùng vi phạm pháp luật của Tư bản. Thế nhưng cách ứng xử của đồng bào với họ lại bất tương xứng.



Khi ấy, Hương được kịch liệt bênh vực. Còn Minh, bị đám đông từ kẻ sĩ, nghệ sĩ, lưu manh sĩ… đến bàn phím sĩ xông vào nhiệt liệt xé xác tên tuổi.

Minh về quê hương trong sự ghẻ lạnh, Hương trở lại xứ sở với sức nóng rừng rực khắp ba miền Tổ quốc.

Xét về bản năng yêu phái đẹp của loài người, chuyện Hương được ưu ái âu cũng là dễ hiểu.

2. Tuy nhiên, những vòng người vây quanh Hương tại sân bay đông tới mức quá thể đáng dường như khiến mỹ nhân của chúng ta chịu vài điều oan ức.

Ai đã từng hút chết có lẽ hiểu cảm giác vui sướng ở Hương thế nào khi vừa ngoạn mục thoát khỏi hình phạt treo cổ bên xứ người.

Nàng ấy hạnh phúc, công thêm phẩm chất kiêu hãnh vốn có của phụ nữ Việt Nam thì rực rỡ lại càng rực rỡ thêm là đúng.

Sau cái chết của Kim Chol không tìm nổi hung thủ, nàng là trung tâm thu hút sự quan tâm chưa rõ thù hay bạn, thì việc công an tới đảm bảo an toàn cho một phụ nữ từng cận kề Diêm Vương có gì sai?

Thế mà trước một rừng ống kính, Hương đi sát các anh công an, mỉm cười chào, cảm ơn những người từng rần rần ủng hộ mình… thì động tác khoe răng ấy lại bị quy kết thành thái độ ngôi sao.

3. “Hơn hai năm xa nhà, hơi đâu nghĩ tới chuyện nổi tiếng. Đang muốn về ngay sà vào lòng mẹ bú ti thì bị mấy đứa paparazzi hành lạc mệt bỏ bà!” – Có lẽ Hương nghĩ thế.



Vậy thì về với mẹ thôi!... À mà chưa, nếu không đích thân tới cảm ơn chính phủ như con bạn cùng tù bên In đô kia, các bàn phím sĩ còn lâu mới tha tùng xẻo!

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Khi 'phê ma túy' bị đá khỏi danh mục Bệnh tâm thần


Từ “Nàng tiên nâu”, tức thuốc phiện những năm 1990 đổ về trước;  “cái chết trắng”, heroin thời điểm 2000; tới “ngáo”, tức thành con quỷ bị ma túy chi phối... có lẽ không nên gọi những giai đoạn ấy theo chu trình thời gian, càng không nên đặt tên là chu trình ăn chơi và tuyệt đối không thể đổ thừa đấy là chu trình tinh vi hóa thuốc độc.
Nhưng nếu gọi đó là quá trình hội nhập giữa hai thế giới Thiện - Ác có lẽ đúng.



Tại Việt Nam gần đây, những vụ ma túy gây ảo giác khiến người dùng nó có những hoạt động gây tổn thương cho xã hội không phải hiếm. Nổi tiếng nhất là anh ca sĩ Châu Việt Cường sau khi say đắm hàng đá đã hăm hở “trừ tà” bằng việc nhét dị vật vào miệng bạn gái khiến cô nàng chết tức tưởi vì tỏi. Mới toanh  là chú Trương Tín, trong cơn phê pha đã chấm dứt cuộc sống 3 người thân bởi lý tưởng “làm trong lành xã hội”.
Nghĩa là họ thực hiện tội ác trong lúc nghĩ bản thân mình đang làm điều tốt, đúng đạo lý! Và ma túy, đương nhiên đóng vai trò thứ gây nhập nhèm ranh giới giữa người hùng và quỷ sứ trong não họ.
Lẫn lộn vậy, tuy nhiên, mấy chàng nàng phê ma túy không được pháp luật ưu ái coi đó là trạng thái của bệnh tâm thần! Nghĩa rằng khi tỉnh táo trở lại, họ vẫn chịu trách nhiệm hình sự do hành vi mình gây ra trong lúc “ngáo”, thậm chí nặng hơn bọn uống nước lã, hít khí ô xi trong lành rồi tắm máu người.
Thế nếu luật pháp coi những người anh em nô lệ của ảo giác ấy là “tâm thần” rồi bất lực trong xử lý thì sao? Có lẽ khi ấy hai phẩm chất Ác-Thiện không cần hội nhập nữa mà thành tình nhân chung giường cha nó rồi.
Vậy giải pháp nào cho những đấng phê ma túy, luôn đắm chìm trong ảo giác?
Trong lúc trại tâm thần từ chối, nhà tù thì chật, nạn nhân tiềm năng trong xã hội lại đông... có lẽ mượn tạm kinh nghiệm của của bác Duterte xứ Philippines là một đáp án không tệ trong trước mắt.

Tuấn Trần