Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Khi Chủ tịch Hà Nội liên tưởng


 “Chia sẻ với một số ý kiến còn lo lắng về việc quyết định cho đi học trở lại, lãnh đạo TP Hà Nội nêu vấn đề: Chẳng lẽ chúng ta cứ lo suốt? Dịch SARS năm 2003 còn nguy hiểm hơn nhưng Hà Nội đã đối mặt và vượt qua. Thậm chí thời chiến tranh, Thủ đô bị ném bom, nhưng học sinh vẫn đi học, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường…”

Báo chí dẫn ý kiến này của Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp chiều 22-2-2020 giữa nhiều ngành về việc xem xét thời gian để học sinh, sinh viên đi học trở lại.



Việc có nên quyết định tăng nguy cơ đối diện với COVID-19 của học sinh hay không tưởng như căng thẳng, hóa ra được thống nhất cao độ. Tuyệt đại đa số đại biểu đồng lòng quả quyết các bé, các em, các bạn… trở lại trường vào đầu tháng 3 tới là phù hợp và khả thi!.

So sánh giữa sự tàn phá dữ dội, bất thình lình của bom đạn thời Hà Nội 12 ngày đêm với cách giết người từ tốn, âm ỉ mang phạm vi toàn cầu của của Corona chủng mới quả một so sánh siêu trí tuệ.

Lãnh đạo thành phố đã khẳng khái khẳng định Thủ đô đủ sức khuất phục từ những vũ khí chiến tranh tàn bạo nhất tới dịch bệnh nan giải nhất. Khả năng đề kháng trước viêm đường hô hấp cấp của Thủ Đô vượt Hàn Quốc!

Trong thời chiến, lòng dũng cảm và tinh thần quyết liệt này rất đáng hoan nghênh. Thời bình cũng thế, song nên chăng cần cộng thêm nhiều sự tỉnh táo?

Vì, ngay trước cuộc họp của các vị ít giờ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ngậm ngùi thừa nhận rằng cơ hội ngăn chặn dịch COVID-19 đang khép dần. Lý do, đến nay chưa ai biết loại virus kia có những “võ” gì, ủ bệnh bao lâu, nguồn gốc thế nào và lây lan ra sao; và thực tế cho thấy bằng cách nào đó nó có mặt tại vài chục quốc gia, kể cả những nơi mà nguồn khởi bệnh không đi đến từ Trung Quốc.

“Chả lẽ chúng ta cứ lo suốt?” – Ông Nguyễn Đức Chung đặt câu hỏi rất hay trước khi tự trả lời. Tuy nhiên, với ý kiến “cơ hội chặn dịch đang thu hẹp”, nên chăng nán chờ thêm chút nữa để quyết việc học sinh tựu trường?

Bởi, nếu chưa biết sóng ra sao thì chưa nên vội vã hạ thuyền. Mà trường hợp này, đó là “thuyền” chở học sinh – thế hệ sẽ lãnh đạo đất nước và chăm sóc cho tuổi già của các vị.

Trần Tuấn

Chưa biết sóng sao thì chớ vội thả thuyền


Hiện tại, COVID-19 chưa có khắc tinh, tức vắc-xin. Các tín hiệu đáng mừng hoặc đáng lo chỉ đơn thuần là những con số mang tính thời điểm.



Việc nó nhảy múa thế nào (qua nước bọt, không khí, độ tuổi, khí hậu, mức độ stress, cấp độ hưng phấn, nồng độ abc trong máu hay gen chủng tộc…) vẫn là ẩn số.

Nên, buộc người vùng dịch cách ly, cho học sinh nghỉ hết tháng 3 hoặc tháng 9 là hai trong nhiều giải pháp.

Có thể nền kinh tế chững lại, có thể giới nghiên cứu lơ là những ngành khoa học khác, có thể đất nước chậm chào đón thế hệ lãnh đạo mới...

Song vẫn còn hơn là phiêu lưu với con vi-rút tử thần rồi ra những quyết sách kiểu ngẫu hứng.

Vì, ai biết được có thể ngày mai chủng mới của nó lại thích kết thân với nhóm dễ hưng phấn, ưa lập ngôn?

Anh Tuấn

x

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Nghịch lý mặt trời


Về 2019-nCoV, đến tối 11-2, thế giới có 43.112 trường hợp được ghi nhận nhiễm, 4.027 ca được chữa khỏi và 1.018 người đã tử vong. Sơ tính, cứ 4 người khỏi thì hơn 1 người chết.

Con số bệnh nhân và người chết chưa có dấu hiệu chững lại, và không biết đến bao giờ thì dừng hẳn bởi chưa có thuốc đặc trị.



Vậy mà, từ nửa bên kia trái đất, ông Trump dự báo thời điểm cáo chung của bọn Corona. “Thông thường, virus sẽ biến mất vào tháng 4. Nói chung, sức nóng sẽ giết chết loại virus này” – Báo chí dẫn lời vị tổng thống Mỹ tin tưởng dịch bệnh sẽ bị tiêu diệt khi thời tiết ấm hơn.

Có nghĩa, ông khuyên thế giới nên đặt niềm tin vào việc thời gian tới mặt trời sẽ soi rát trái đất hơn.

Về mặt nghệ thuật, việc thi vị và lý tưởng hóa vào mặt trời tháng Tư khiến phát ngôn này dễ gây cảm xúc hoang mang. Có người sẽ hiểu ông ấy “trù ẻo” những nạn nhân hiện tại và nạn nhân tiềm tàng của nCoV phải mòn mỏi chờ đợi thêm một tháng rưỡi đằng đẵng tựa như bể dâu nữa.

Về mặt lý luận, ông sai lầm khi tưởng rằng hễ cứ muốn mặt trời là có mặt trời, mà không biết mặt trời chỉ tỏa sáng tại những nơi mây đen không bao phủ. Mặt trời không miễn phí nhé.

Về mặt chính trị, một đại diện cho Tư bản thể hiện thiện chí và mong muốn sát cánh cùng phe đối phương, e rất đáng ngờ. Nói như ai đó, thì nghe cứ như Mèo khóc chuột.

Nhưng về mặt tình huống, mình mong dự báo của chàng thủ lĩnh xứ cờ hoa chuẩn vượt tiến độ. Trong hoàn cảnh này, hãy vững tin vào mặt trời.
(Ảnh chụp mặt trăng thời điểm bình minh của ngày 10-2).

Trần Tuấn