Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Khi Chủ tịch Hà Nội liên tưởng


 “Chia sẻ với một số ý kiến còn lo lắng về việc quyết định cho đi học trở lại, lãnh đạo TP Hà Nội nêu vấn đề: Chẳng lẽ chúng ta cứ lo suốt? Dịch SARS năm 2003 còn nguy hiểm hơn nhưng Hà Nội đã đối mặt và vượt qua. Thậm chí thời chiến tranh, Thủ đô bị ném bom, nhưng học sinh vẫn đi học, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường…”

Báo chí dẫn ý kiến này của Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp chiều 22-2-2020 giữa nhiều ngành về việc xem xét thời gian để học sinh, sinh viên đi học trở lại.



Việc có nên quyết định tăng nguy cơ đối diện với COVID-19 của học sinh hay không tưởng như căng thẳng, hóa ra được thống nhất cao độ. Tuyệt đại đa số đại biểu đồng lòng quả quyết các bé, các em, các bạn… trở lại trường vào đầu tháng 3 tới là phù hợp và khả thi!.

So sánh giữa sự tàn phá dữ dội, bất thình lình của bom đạn thời Hà Nội 12 ngày đêm với cách giết người từ tốn, âm ỉ mang phạm vi toàn cầu của của Corona chủng mới quả một so sánh siêu trí tuệ.

Lãnh đạo thành phố đã khẳng khái khẳng định Thủ đô đủ sức khuất phục từ những vũ khí chiến tranh tàn bạo nhất tới dịch bệnh nan giải nhất. Khả năng đề kháng trước viêm đường hô hấp cấp của Thủ Đô vượt Hàn Quốc!

Trong thời chiến, lòng dũng cảm và tinh thần quyết liệt này rất đáng hoan nghênh. Thời bình cũng thế, song nên chăng cần cộng thêm nhiều sự tỉnh táo?

Vì, ngay trước cuộc họp của các vị ít giờ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ngậm ngùi thừa nhận rằng cơ hội ngăn chặn dịch COVID-19 đang khép dần. Lý do, đến nay chưa ai biết loại virus kia có những “võ” gì, ủ bệnh bao lâu, nguồn gốc thế nào và lây lan ra sao; và thực tế cho thấy bằng cách nào đó nó có mặt tại vài chục quốc gia, kể cả những nơi mà nguồn khởi bệnh không đi đến từ Trung Quốc.

“Chả lẽ chúng ta cứ lo suốt?” – Ông Nguyễn Đức Chung đặt câu hỏi rất hay trước khi tự trả lời. Tuy nhiên, với ý kiến “cơ hội chặn dịch đang thu hẹp”, nên chăng nán chờ thêm chút nữa để quyết việc học sinh tựu trường?

Bởi, nếu chưa biết sóng ra sao thì chưa nên vội vã hạ thuyền. Mà trường hợp này, đó là “thuyền” chở học sinh – thế hệ sẽ lãnh đạo đất nước và chăm sóc cho tuổi già của các vị.

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét