Xét về y học hiện đại nói riêng và sự tiến bộ xã hội
nói chung, “quái thai” là một thuật ngữ khá tiêu cực, chỉ một thứ sản phẩm
không bình thường.
Tuy nhiên, nếu cặn kẽ chẻ câu chữ thì “quái thai” là
cái thai quái lạ, độc đáo. Có thể từ đó sinh ra những cá nhân hoặc phi thường,
xuất chúng hoặc đần độn, bệnh hoạn...
Với việc đinh ninh Lạc Long Quân và Âu Cơ là Quốc tổ,
người Việt đã gián tiếp thừa nhận mình được sinh ra bởi một quy trình ngược tự
nhiên (câu chuyện trăm trứng).
Và sự lạ lùng đó nhấn thêm một yếu tố kỳ quặc nữa
khi Tổ phụ và Tổ mẫu vì đại nghiệp mà gác bỏ tình riêng, để cho 50 trẻ bơ vơ
cha và nửa còn lại thiếu tình thương mẹ.
Những sản phẩm của bào thai khác thường ấy về sau lập
nên 2 nhà nước Văn Lang và Âu lạc trước khi chìm đắm trong đêm trường ngàn năm
Bắc thuộc.
Đến khi sắp kết thúc Thiên niên kỷ thứ nhất, một phụ
nữ vùng quê chiêm trũng (Tràng An, Hoa Lư, Ninh Bình bây giờ) trong lúc đi trên
đường vắng đã gặp một con rái cá. Con vật này chặn đường, lao tới, chộp lấy, vật
xuống, đè lên… rồi cưỡng hiếp bà.
Sau lần nhục nhã ấy, bà về mang thai rồi sinh ra vị
vua đầu tiên của Đại Việt: Đinh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng, người đặt nền
móng cho các triều đại sau phang bươu đầu, nát giáp các đại thế lực phương Bắc.
Chuyện trăm trứng và chuyện vua Đinh là hai trong số
rất nhiều điều phản ánh sức tưởng tượng phi thường của cha ông ta. Nó cho thấy
nếu được cộng đồng tin, thấm thía rằng đó là cách lý giải thuyết phục về nguồn
cội con Rồng cháu Tiên thì mọi sự trái quy luật, ngược thực tế… “bất thường”
cũng đương nhiên là “bình thường”!
Cho nên, thật lòng mình bái phục lắm lắm lắm cụ nào
sáng tác ra được sản phẩm khắc vào lòng dân tộc như thế.
Đó là chuyện xưa, còn chuyện nay: Hoa Sen với 4 câu
ca dao ai cũng thuộc “Trong Đầm gì đẹp bằng Sen – Lá xanh bông trắng lại chen
nhị vàng – Nhị vàng bông trắng lá xanh – Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”...
không hiểu có phải là cảm hứng để người ta nghĩ đó là loài hoa tinh túy, thanh
cao không?.
Nếu đúng vậy thì họ đang tôn thờ một loài hoa đẹp,
nhưng gán cho nó bản chất bất nghĩa.
Vì, nhờ bùn mà nó được nuôi dưỡng để vươn lên tỏa
sáng, thế mà quay ngoắt lại chửi bà mẹ đất bằng một tính từ xúc xiểm, khinh miệt:
Hôi tanh!
Mà thôi, dù sao Sen giờ đây cũng được bầu chọn là Quốc
hoa!
Nhưng chuyện bây giờ, khi nhan nhản trên mặt báo chí
gọi sự tàn phá của loài siêu vi trùng Corona là “mùa”: Mùa dịch, Mùa COVID-19…
thì thua.
Ở chỗ, nó mới xuất hiện lần đầu và chưa bao giờ chắc
chắn mang tính quy luật. Ai biết năm sau nó có quay lại không mà dự báo “mùa” sớm
thế?
Cũng ở chỗ, “mùa” thường được liên hệ tới sự tích cực,
“mùa vàng, mùa lúa, mùa cá, mùa yêu…” chứ chẳng ai gọi “mùa si đa, mùa dịch hạch,
mùa khủng bố, mùa suy thoái…”
Vậy tại sao bây giờ nhiều người sính dùng từ “mùa dịch
Covid”?
Trả lời, có lẽ vì covid rơi đúng vào mùa của những
công nhân chữ nghĩa vừa thích lạ lại vừa thích bắt chước nhau.
Trần
Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét