Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Hèn gia


Thầy dạy năm thứ 3 của tôi từng nói, đại ý: Hành trình tiến tới Xã hội Tự do là một hành trình chỉ có trong cổ tích. Bởi trên con đường ấy có vô vàn cánh cửa mà giới cầm quyền dựng lên.

Khi xã hội quá bức bí, giới ấy sẽ mở một cánh, ngột ngạt tiếp thì mở thêm cánh nữa…. miễn sao việc mở đó không ảnh hưởng tiêu cực tới sức mạnh quản lý của họ.



Ví dụ trước đây đi tù là chấp nhận mọt gông, hó hé phản ứng hay kêu vô tội thì bắc thang lên mà hỏi Trời… Sau đó thì cánh cửa cải cách tư pháp mở ra và xuất hiện những ngôi sao oan Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén…

Hoặc ngược lại, người Hồng Kông đang trong bầu không khí dễ chịu và khá tiến bộ của thể chế tự trị. Tuy nhiên, cứ muốn là chính quyền Trung ương dựng hàng rào, mới đây nhất là việc bàn bạc luật nhằm xử lý những người xúc phạm một bài hát.

Quyền lực của Báo chí, những tổ chức phi chính phủ  hay áp lực quốc tế không quá mạnh như từng ảo tưởng, chúng chỉ giống như nỗ lực đúc chìa khóa. Việc mở được ổ khóa cửa nào hay không lại phần nhiều phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị.

Quẫy đạp hay Đấu tranh là những khái niệm xa xỉ không dành để trang điểm cho toàn bộ nhân dân.

Và tôi, không biết từ bao giờ trở nên hèn theo lý tưởng của những ai tự coi là dũng cảm.

Tuy nhiên, im lặng cũng có sự rất thú vị của im lặng (hay hèn) chứ.

Bởi, sự hèn giúp tôi tránh được những xung đột xã hội nếu những xung đột ấy có thể khiến người trong gia đình tôi tổn thương.

Hèn, giúp niềm hạnh phúc được ăn cơm với nửa cái đùi gà rim mắm những năm 1980 của tôi đến 2020 vẫn là niềm hạnh phúc. Nó không giống như những đàn em khác tới nay đã lên đời giá trị sung sướng với đặc sản cá, chó, mèo, bia ôm…

Hèn, giúp tôi phát hiện một số người trong giới hèn thực ra lại là những đỉnh cao của đẳng cấp rũ bỏ những rác rưởi cuộc sống.

Hèn giúp tôi có thể trở thành một nhà lý luận cho những hành động say máu nực cười…

“Hèn gia” vì vậy đương nhiên sánh với các thể loại “chuyên gia” từ giáo dục, khoa học, lịch sử, ảo thuật…

Anh Tuấn

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

‘Chạy thiến’?


Xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, là một hành vi mà nếu để người dân xử lý thì hung thủ chỉ còn nước dựa cột mới xứng đáng.



Và, báo cáo giám sát của Quốc hội kỳ họp này chỉ ra rằng chỉ một năm rưỡi đã có trên 8.400 vụ trẻ em bị xâm hại.  Như vậy, trên thực tế con số những kẻ dâm đãng lệch lạc có thể lên tới hàng chục  nghìn trong khoảng thời gian đó.

Thật rất đáng phẫn nộ!.

Tuy nhiên, từ cảm xúc xã hội tới hiện thực hóa sự trừng phạt qua luật luôn là một khoảng cách không gần. Quyền được sử dụng năng lực tình dục chính là thứ quyền lấp ló xuất hiện dưới lớp áo mỹ miều mang tên Hiến Pháp, bằng những tên gọi khác – “Mọi công dân có quyền abcd…”.

Nếu thiến, còn gọi là hoạn, hoặc làm tê liệt sự ham muốn… theo ý tưởng của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương tức là tước đoạt triệt để và thủ tiêu vĩnh viễn một trong “tứ khoái” của cá nhân.

Trong khi những người phạm các tội danh khác, sau thời gian cải tạo tốt, họ có cơ hội quay lại xã hội với một cơ thể và máu dê nguyên vẹn, thì hà cớ gì bắt những tội phạm xâm hại tình dục phải mang cái án chung thân bất lực?

Rồi gián tiếp khiến những người vợ, người yêu của những tội phạm tình dục đó vì tình cảm thương mến mãnh liệt mà phải đêm đêm than thở não nề hờn giun trách bún?

Hoặc giả sử Đại biểu quốc hội đề xuất thiến hóa học xong kèm Nghị định, Thông tư hướng dẫn thiến có lộ trình, diệt dục có thời hạn… thì hóa ra thiến mà như không thiến.

Thế là thành ra vừa tốn tiền, vừa dễ phát sinh tiêu cực “chạy thiến”?.

Trần Tuấn

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Công lý không đứng im


Nếu đó là hung thủ vãng lai và Hồ Duy Hải bị kết tội sát nhân thì hung thủ đó đã cướp đi ít nhất ba mạng người

Nếu đó là hung thủ vãng lai và Hồ Duy Hải được minh oan thì hung thủ đó nhất định tiêu diệt rất nhiều sinh mệnh chính trị cùng số tiền ngân sách bồi thường oan đủ để xây dựng vài Đề án luật.




Nếu hung thủ đó là Hồ Duy Hải và Hải bị kết tội sát nhân thì Công lý đã lên tiếng dù tiếng nói ấy qua 12 năm chưa bao giờ thật sự thuyết phục.

Nếu hung thủ đó là Hồ Duy Hải nhưng phía phá án không thể kết tội Hải do thiếu sót trong điều tra thì ngành tư pháp chỉ tốn một sợi dây mang tên “kinh nghiệm”.

Còn nếu tới 10 năm nữa ngành chức năng vẫn chưa thể làm rõ hung thủ là kẻ vãng lai hay Hồ Duy Hải thì phía tòa án không cần phải lựa chọn việc đúc ai làm Tượng đài công lý ngoài Hải...

...Bởi Công lý không đứng yên. Công lý là một hành trình tìm tòi và khai mở bất tận...

Trần Tuấn


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Hồ Duy Hải, những mối lo có thực


Thanh niên Hồ Duy Hải là một người bình thường cho tới khi vụ án Bưu điện Cầu Voi xảy ra và công an lỡ làm thất lạc con dao, cái thớt cũng như loại bỏ một số lời khai ra khỏi hồ sơ.



Từ thời điểm đó, Hải khiến các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm với hơn 20 thẩm phán trí tuệ đầy mình vào cuộc, Chủ tịch nước phải nhắc tên 2 lần, Ủy ban tư pháp của Quốc hội cất lên tiếng nói...

Một cách bất đắc dĩ, trước hôm 9-5, Hải làm nhiều vị từng tham gia quá trình tố tụng có thể bị mất ngủ.

Cu cậu cũng khiến 2 tờ báo chỉn chu về lý lịch là Công Lý và Bảo vệ Pháp luật phải nằm trên bàn cờ ở tư thế đối đầu về quan điểm giải quyết; Những cá nhân của hai chi bộ thông thạo luật pháp nhất giương ngòi bút so tài.

Các cơ quan báo chí và những thành phần dư luận khác cũng vì Hải mà trăm hoa đua nở, mỗi hoa mỗi màu, mỗi hoa mỗi mùi.

Tinh thần tự do ngôn luận hiếm khi nào mà sục sôi như thời kỳ Hải đang và sẽ tiếp tục "sống gần bằng chết" trong 4 bức tường của buồng biệt giam.

Chưa biết cuối cùng thì số phận pháp lý của Hải ra sao, song với những lý do ở trên, chàng phạm nhân thanh niên này xứng đáng là một mẫu mực cho những ai muốn dựng lên tượng đài về sự tranh cãi.

Nghe đồn, trước năm 2026 thế giới sẽ hiện thực hóa sự tưởng tượng của loài người về phát minh quay ngược thời gian, quá khứ sẽ quay về nét hơn cả những bức ảnh chụp tối tân hiện nay.  

Nếu đúng, lúc đó bia đá và bia miệng có tư cách giống nhau về quyền giáo dục. Không còn chuyện phân biệt:

Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ

Và tới lúc ấy, một bộ phận loài người có lẽ sẽ quay sang tôn thờ chủ nghĩa lấp liếm?.

Anh Tuấn

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Công lý và Sự thật



Tôi không thống kê những định nghĩa, quan điểm của thế giới vì đó là việc những siêu máy tính hiện nay không thể làm được. Tôi chỉ nói những suy nghĩ của tôi.

Công lý khác Sự thật!



Công lý là những chuẩn mực của một sắc tộc, dân tộc, nhà nước hay thể chế nào đó quy định và tôn trọng. Trong khi đó, Sự thật là cái đương nhiên diễn ra mà không thể dùng quyền lực hoặc khả năng ám thị để tác động.

Trong một vụ án giết người, ở Việt Nam, tử hình hung thủ là một biện pháp thực thi Công lý. Tuy nhiên, với nước Pháp chẳng hạn, Công lý là chuyện kẻ sát nhân đó dẫu phải trả giá thế nào thì cũng không buộc phải chết.

Còn Sự thật, vụ giết người đó dù xảy ra trong bất cứ sắc tộc, dân tộc, nhà nước hay thể chế nào cũng đều chỉ có người giết và kẻ bị giết.

Công lý của Việt Nam đã lên tiếng với các trường hợp như ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén, em Hồ Phương Nga….

…và tới đây, kết quả phiên Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao dù theo hướng nào cũng chắc chắn là tiền đề thực thi Công lý với số phận Hồ Duy Hải.

Nhưng Công lý với hai nạn nhân nữ tại bưu điện Cầu Voi có lẽ hãy còn xa, bởi Sự thật chưa có dấu hiệu lộ diện.

Và theo cảm nhận, công luận bây giờ chỉ rớt nước mắt với hoàn cảnh của Hải mà ít quan tâm tới hai cái chết kia. Âu đó cũng là cái Sự thật vừa thời sự, vừa hợp lý, vừa trần trụi…

Và một sự thật nữa, trong trường hợp Hải được kết luận là oan, được trả tự do thì một cá nhân từng bị biệt giam mười mấy năm liệu sẽ thích nghi và tương tác với xã hội nhanh hơn nhân vật Rô Bin Sơn hay Tác Giăng không?

Phiên bản hai của cậu bé Hào Anh từng được Công lý và Công luận tung hê hi vọng là không tái diễn với trường hợp người bị tù oan.

Bởi, sau những tháng ngày tủi nhục, việc “muốn ăn chơi để trả thù đời” là một “cạm bẫy sự thật” luôn treo ở bất kỳ thời điểm nào của tương lai.

Anh Tuấn