Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Mỗi năm mỗi sự thình lình

 Chẳng riêng Việt Nam, bất cứ nơi nào đó trên địa cầu gặp thiên tai hay thảm họa, loài người chắc chắn xắn tay hoặc chung tay hỗ trợ.

Nên, phê bình về thói quen hành xử thương người như thương thân, lá lành đùm lá rách là một sự phê bình phản tiến bộ thế giới. Sự phản tiến bộ ấy nghệ sĩ coi là lãng mạn, trí thức nói là ý kiến khác, giới chính trị gọi thẳng là phản động.



Tuy nhiên, trong một số trường hợp không đến từ nguyên nhân thảm họa bất thình lình thì việc phê bình là cần thiết. Bởi, nó mang những trăn trở về tương lai của một nhóm địa phương thường xuyên điêu đứng mỗi khi mùa mưa bão tới.

Từ nhiều năm nay, việc chính phủ hỗ trợ cứu đói, MTTQ phát động ủng hộ đồng bào, các tổ chức, cá nhân khác kêu gọi quyên góp… dường như không còn là một nhiệm vụ đột xuất, mà thậm chí diễn ra theo chu kì.  Và, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu toàn bộ doanh nghiệp hoặc nhóm người tốt bụng nào đó dành hẳn một loại quỹ mạnh thường quân để sẵn sàng thể hiện sự sẻ chia mỗi khi có thiên tai.

Thế hóa ra đến thời đại này, mưa bão đi về theo đường mòn thời gian cả trăm năm nay vẫn là một con ngáo ộp bất trị? Chúng ta vẫn phải dành một khoản tình thương và những chiếc lá lành như một quỹ chi thường xuyên?. Chúng ta vẫn khóc lại những bài khóc cũ của nhiều năm trước như thương lằm tỉnh A ơi; Cố lên tỉnh A ơi; Tỉnh A ơi đứt từng khúc ruột…?

Trong khi, khám phá quy luật khắc nghiệt của tự nhiên để điều chỉnh, cảnh giác, phòng tránh, triệt tiêu sự quái ác của nó không phải không nằm trong khả năng của con người thời đại này. Vậy mà mỗi mùa mưa bão, chúng ta vẫn hướng về tỉnh A, vùng B, địa phương C với sự canh cánh tâm tư như một thói quen?.

Tôi cho rằng thói quen ấy đang đồng lõa với sự buông xuôi, phó mặc, nhu nhược trước thiên nhiên...

Hiện tại thì nên, nhưng về lâu dài thì có lẽ cần sự hết lòng hơn từ những điều chỉnh vĩ mô.

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét