Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Nghĩa vụ thì không nên là sự kiện xã hội

Nhiều khả năng năm nay chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh sẽ đi vào đề thi môn ngữ văn nên các sĩ tử cứ chuẩn bị tâm lý đạt mức điểm thủ khoa và được tung hô. Trường hợp lệch tủ thì cũng đừng lo, vì sau đó vài tháng các bạn vẫn có thể vinh dự xuất hiện trước truyền thông với khuôn mặt đẫm nước mắt trong ngày hội tòng quân.



Từ lâu nay, mỗi đợt thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự thường xuất hiện trong các bản tin với mô-tuýp rằng phải rầm rộ nhưng có nước mắt. Đặc điểm (hay định kiến) giới cũng theo lối mòn khi hình ảnh tân binh khóc, người yêu tân binh khóc, mẹ tân binh khóc nhưng bố tân binh cười xuất hiện tràn ngập.


“Lưu luyến” và “hăm hở” bước đi là hai hành vi tuy đối lập nhưng liên tục với nhau. Tư thế “người ra đi đầu không ngoảnh lại” rõ ràng là không mâu thuẫn với “lạy mẹ con đi”.

Nó cho thấy “tình nhà” là mục tiêu ngắn hạn, “nợ nước”, tức nghĩa vụ quân sự, là mục tiêu chiến lược. Mục tiêu chiến lược ấy cuối cùng cũng hướng tới mục đích gia đình quây quần.


Song, để một buổi sung quân mà truyền thông năm nào cũng đề cao nước mắt thì buổi sung quân ấy đã bị thẳng thừng gạt bỏ khái niệm cao quý “nghĩa vụ”. Cứ như phục vụ đất nước là một chuyện chẳng đặng đừng?.


Và những chàng trai mười tám đôi mươi khi xưa từng là dũng sĩ diệt mỹ có chạnh lòng khi thấy hậu duệ của họ vùi mặt vào tóc người thương?


Và cái môi trường xã hội rèn luyện họ mười mấy năm trước khi theo nghiệp lính có thấy xấu hổ khi cung cấp cho quân đội một nguồn nhân lực thiếu trưởng thành so với tuổi?

Chuyện xúc động ngày nhập ngũ? Cần, nhưng không nên biến nó thành một yếu tố khai thác nhất định có.


Nghĩa vụ thì không nên là sự kiện xã hội.


Quay trở lại chuyện người tử tế Nguyễn Ngọc Mạnh, có thể thời gian tới, chàng trai một vợ này sẽ đẻ ra vô số bạn hoặc thù chỉ vì lý do có hay không có tên trong đề thi.

 

Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét