Định không nói nhưng nói cũng bằng
không, vì ý kiến của tôi thường nhận được rất nhiều sự thờ ơ. Bạn bè Fb đa phần
là biết nhau nên có công kích gì thì thường nhắn tin phê phán, ít hắt nước sôi
vào mặt. Vì thế, trên mạng xã hội, tôi nói như đang tự nói, ha.
Thứ nhất, vụ mẹ kế “dự bị” làm tổn
thương con chồng ở chung cư mới đây. Bé 8 tuổi đã qua đời. Sắp tới tại tòa, bé
xấu số ấy có thể còn bị đổ lỗi, thậm chí vu khống rằng “hư”, “ra mặt thù địch”
với chính người đầu gối tay ấp của bố… nên trong lúc “cả giận mất khôn”, dì ghẻ
đã điên lên rồi phang tới tấp bằng đủ thứ mà lúc bình tĩnh có thể chỉ dọa bằng
roi mây...
Nếu xảy ra như vậy thì đó là lúc bị
cáo được bộc lộ hết suy nghĩ của mình cũng như làm rõ những uẩn khúc vụ việc. Bị cáo lúc ấy thực hiện đối đáp, tranh luận,
giải thích, bào chữa công khai tại tòa thay vì tình cảnh hiện nay buộc phải nín
miệng để cho dư luận xã hội tự phong công lý mà thoải mái rủa xả, căm thù.
Thứ hai, vụ Việt Á. Hành vi, lời
khai, dấu hiệu phạm tội của Phan Quốc Việt mới chỉ điều tra bước đầu của công
an. Điều tra bước đầu ấy qua sự sao chép của truyền thông, tới lăng kính của dư
luận là đã qua mấy lần truyền tin rồi.
Phan Quốc Việt cùng những đồng phạm
khác đang trong trại giam, chưa thể thanh minh mình là tướng, hậu, tượng, xe
hay tốt trong ván cờ 4.000 tỉ kia. Tuy nhiên, búa, rìu phang vào danh dự bị can
này thì nói như truyện chưởng: Chỉ còn một đống bầy nhầy.
Thứ ba, năm ngoái, tôi được giao viết
về nhân vật án oan. Mấy giờ đồng hồ nghe ông hồi tưởng, ấn tượng lớn nhất mà “tử
tù hụt” này mang lại là thần thái hổ báo của ông khi nhắc lại những ngày bị
giam cầm, chịu đựng nhiều sự hành hạ về tinh thần, thân thể.
Ông kể, thời điểm thao thức nhất
trong đời tạm giam của mình là sau khi nhận cáo trạng truy tố 2 tội Giết, Cướp.
Lý do, vì oan nên ông khao khát ngày được ra tòa để có cơ hội nói hết những điều
mà đằng đẵng mấy năm không được nói hoặc nói không ai nghe…. Sau đó thì người
gây kinh động nền tư pháp phía Nam này được minh oan, xin lỗi, bồi thường.
Ấy mới là ba chuyện, những chuyện
mà các tù nhân khác có thể vài chục năm nữa mới được nhìn nhận lại thì tôi
không nói, do không đủ chữ.
Vậy kết thế nào nhỉ? Nếu nói “chưa
nên phán xét khi tòa chưa tuyên” thì có người sẽ mắng tôi vô cảm; còn nếu
khuyên “hãy cứ lên đồng phê phán đã, dù đúng dù sai thì cũng góp phần thức tỉnh
đạo lý xã hội” thì e rằng ta đang tự cho mình niềm ham thích dẫm lên mọi thứ dù là phân hay cơm.
Nên chăng, có sự đối đáp công bằng
cho sòng phẳng về danh dự?
Lại nhớ, một Facebooker vừa qua có
đăng hồi ức của một Cải cách viên khi tham gia phiên xét xử cường hào ác bá hồi
những năm 50 thế kỷ trước. Theo như nhân vật của tác giả, không khí ngày ấy thật
tưng bừng.
Anh Tuấn