Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Sơ kết...

 Đến 31-12-2021, tạm tính:

- Hơn 10 năm, từ tìm kiếm Cơn gió nóng vẫn ung dung đứng hàng nhất, trang đầu của Google.

- Hơn 10 năm, lần đầu tiên đi lại đôi Gò - trước đó từng xỏ nó dẫm lên một số nẻo đường.

- 16 năm chiếc nhẫn vàng tây chưa xa rời ngón chân.

- Hơn 20 năm chè bắc, sau đó là cà phê, thuốc lá, rượu… vẫn ngạo nghễ xé toang bệnh tật.

- Thêm một cơ số tuổi - nghĩa là càng gần hơn sự ung dung, tự tại, rũ bỏ ước mơ, xao xuyến, đam mê, ham muốn… để nghỉ ngơi bên dốc cuộc đời.

 


Chiều nay dải nắng vàng

Rơi vào trong mắt biếc

Pha lên màu luyến tiếc

Nhuộm thời gian hoang tàn…

 

Cuộc sống tiến hàng ngang

Mọi thứ đều quan trọng

Nên giờ gần mất sạch

Còn nửa cọng tâm tư

 

Hay là mình lại đi?

Hay là mình dừng lại?

Hay là mình nằm mãi?

Để tháng năm đái vào?

 

Nói chung thì khá đau

Thật ra là hơn hoạn

Tóm lại là đầy sạn

Trong máng cơm cuộc đời…

 

Toàn bộ tất cả mọi thứ các vấn đề đều tệ!. Tệ như thể trong 2 giây buộc phải lựa chọn giữa gái, à, giữa bạn và vàng.

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Sự hả hê... chí tình?

 Hôm nay, số đông thành viên mạng đã thắng thế khi tiễn một người đang, thậm chí chưa, làm quen với thiên chức làm mẹ về với án tử.

Tôi nói “thành viên mạng” có lẽ cũng chưa đúng. Vì không có thống kê trong số hơn năm chục triệu người dùng internet thì có bao nhiêu chục nghìn người dứt khoát ủy nhiệm cho luật pháp kết liễu một số phận.

Nhưng tạm thời cứ tin vào cái thứ gọi là “làn sóng”.


Vấn đề là “làn sóng” ấy sẽ đẩy thuyền hay dìm thuyền thì còn phụ thuộc vào chuyện nó là sóng của thi nhân Nguyễn Khuyến hay của mấy tín đồ trong trường phái dân túy.

Đi vào ví dụ sinh động, bố mẹ của Nguyễn Võ Quỳnh Trang, bị cáo trong vụ án bé 8 tuổi chết, mất con gái từ chiều nay, 25-11.

Người cha của bé 8 tuổi, Nguyễn Trung Kim Thái, mất đi hai người mà anh ta dành tình cảm thương quý hàng đầu.

Xã hội mất đi một chỉ báo, rằng “tự do hôn nhân, coi con đẻ cũng như con mình”

Còn tử tội, mất đi khoảng 50 năm, mỗi năm 365 ngày “để yêu thương”

Nhưng, cái “lợi” bao trùm, đó là bản án giúp toàn bộ công dân thẩm thấu luật pháp hơn, trong đó có những quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ làm mẹ kế (hay gì ghẻ)… tiềm năng.

Nói chung, đó là “một bản án đẹp”, dù không phải với toàn bộ những cá nhân từng… đọc Tấm Cám, Thạch Sanh…

Trần Tuấn

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Lái buôn cảm xúc?

 

Báo chí mấy nay rộ câu chuyện giá vé máy bay tết TP HCM – Hà Nội trên 3 triệu vé. Trong khi, theo mách nước của khách bay, nếu bay từ TP HCM sang Bangkok (Thái Lan) xong làm thêm chặng nữa từ đó về Hà Nội thì ít tiền hơn.




Đây quả là một tin ấn tượng cho những tay hành nghề mua bán cảm xúc, là tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch mua sắm xuyên quốc gia. Đó đồng thời cũng kích thích dịch vụ làm hộ chiếu cuối năm. Vì tiết kiệm, người dân sẽ lựa chọn giải pháp rời quê hương, thăm thú nước ngoài trước khi về bản quán đón Tết cổ truyền.

Nhẩm tính, vé máy bay tết nào cũng tăng nhiều con số phần trăm trong khi chi phí sân bãi, nhiên liệu, nhân công… không khác mấy ngày thường. Ngày thường, tổng tiền anh bỏ ra cho một chuyến bay 10 đồng, ngày tết cũng tương đương nhưng tiền thu từ túi hành khách thì chắc chắn cao vút.

Vậy là hãng hàng không nào cũng thế? Sứ mệnh cao thượng hay bất cao thượng thì đều gặp nhau ở điểm chung là giá vé không dựa trên chi phí thực tế mà ở việc lợi dụng quy luật tâm lý khát khao về quê đoàn tụ gia đình của khách hàng?

Nếu quả vậy, đó là một dạng “lái buôn tâm lý”. Kiểu trục lợi cảm xúc vương vấn cố hương ấy không nên tồn tại trong đầu những ông bà lớn lên từ những ngôi trường “mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh”.

Trần Tuấn

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Nếu cuộc sống bế tắc, thì để thay đổi, bạn nên nhìn thế giới méo đi một tí

            



    Bệnh viện: Nơi đưa nhiều người từ cõi thiên đường trở về, nhưng cũng là chốn xảy ra nhiều cái chết đau đớn nhất.

 Trường học: Giúp nhân loại tiếp cận, tích lũy và mở mang sự hiểu biết thế giới tươi sáng. Các kiểu đầu gấu cũng sản sinh từ đây, và đến hiện tại, không một tay anh chị nào mù chữ.

 Văn minh: Nâng tầm sung sướng, kéo dài tuổi hưởng thụ thế gian của loài người, tuy vậy, trong sự nghèo nàn về giác quan (mỗi 5 chiếc), không thể khẳng định những người thân của chúng ta có ở một thế gian song song đang trầm cảm vì bị trì hoãn thời khắc đoàn tụ hay không?.

Hay cuộc chiến giữa 2 quân đội (quân đội chứ không phải dân tộc) Nga- Ukraine nếu lỡ nâng lên thành hạt nhân thì thế hệ tinh hoa của loài loài khỉ, theo học thuyết Đác – Uyn, thoái trào. Tuy vậy, có thể triệu năm nữa, một số loài như mèo, heo, gián, chuột lại khai quật thành tựu của chúng ta hiện nay để vinh danh bằng một tượng đài?



 Tóm lại, vấn đề rất cũ, là bạn nhìn một câu chuyện abcz như thế nào để cảm thấy thế giới vận động theo lập trình của mình.

Tuấn Trần

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Tự Vẽ

 

Diễn với ai? -  Diễn với ta!

Những điều nhớp nhúa bỗng là thanh tao

Dối gian trở mặt tự hào

Thẳng ngay khép nép rúc vào mưu mô

 

Đêm qua nằm đái ra thơ

Sớm nay tự chụp giả vờ đăm chiêu…

Anh Tuấn




Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Hai ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Hiến...

Có hai thông tin tôi tiếp nhận rồi thì khá áy náy. Đó là chuyện ông Huỳnh Văn Nén mất trong cô độc và chuyện ông Nguyễn Văn Hiến được ân xá từ Tử hình xuống Chung thân.

Ông Nén bị oan trong vụ án giết người, ông Hiến bị tuyên phạt vì nổ súng khiến nhiều người chết trong lúc bức bối vì thấy quyền lợi của mình bị xâm hại.

Một số người tiếc cho ông Nén nhận hơn 10 tỉ tiền bồi thường oan sai, tái đề huề bên vợ con mà không biết hưởng, một bộ phận khác chia vui với ông Hiến vì chỉ phải đi tù.

Giả thử nếu ông Nén chưa chết, ông Hiến chưa được hạ hình phạt, có lẽ chúng ta đang say sưa với những thông tin mang tính phần nào vị nghệ thuật như mỹ nhân cao tay tước 17 tỉ của các đấng trai hào hiệp hay giáo sư người Nhật phản ứng với phim Em và Trịnh…

Và như vậy, hai ông Nén, Hiến chỉ giống như những tay võ biền, giáng một tiếng trống thật vang vào thời sự rồi thì nhanh chóng mất hút trong dàn hợp xướng  gồm đàn ca sáo nhị của các dòng thời sự khác khác.

Âu đó cũng là quy luật của thị hiếu thông tin.

Nhưng tôi vẫn áy náy, vì giống như sự quan tâm-thờ ở-rồi quan tâm về số phận hai ông này, tự bản thân thấy đang đang tương tự thế trước những biến chuyển về giá trị của chính mình.

Mà áy náy trước mắt là về nhà mãi không tìm lại được cuốn Nếu còn có ngày mai của Sidney Sheldon. Truyện này viết về một mỹ nhân siêu lừa, có lần phải tự lột sạch xiêm y để ngồi lên kỹ năng nghiệp vụ của nhân viên công lực.

Trần Tuấn

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Tháng Chín

 

Qua 42 đã hẹp lại nụ cười

Mắt bớt sáng vì thời gian chặn lấp

Dưng mà tai vẫn vểnh lên bất khuất

Bởi dường như ta chưa chịu thua đời?

 


Tháng 9 tới với ba chục ngày tồi

(Vòng vũ trụ cũng cũng chuyên quyền, thiên lệch)

24 giờ bị tham ô bằng sạch

Thì phận người ai dám vượt trên vôi?

 

Viết thì viết nhưng dứt khoát kiệm lời

Mặc áo ấm mà lòng tê tái rét

Đường vẫn đóng nói chi mong cửa hẹp

Tháng 9 rồi như mọi tháng kia thôi…

 

Anh Tuấn

 

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Quyền trượng, khi kinh tế "xào" ý tưởng

 
Vụ giương quyền trượng trong lễ tốt nghiệp theo tôi biết thì không mới, nhiều cơ sở giáo dục ngoài Việt Nam đã làm.

Trường Đại học Kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội có chăng chỉ là đại học đầu tiên dám xào lại cách tạo ấn tượng ra trường dí dỏm ấy.



Theo trào lưu thì chả có gì chê trách bởi cứ vui là được. Và nó càng bất khả phê bình khi lễ tốt nghiệp đại học chính là cơ hội cuối cùng để những trí thức tương lai tiêu xài xả láng sự vô tư, bất lo nghĩ trong giai đoạn tuổi trẻ của mình. Vì, sau khi ra trường, nhiều cử nhân muốn chỉ cần an nhàn như trâu cũng không được, mà nỗi lo cơm, áo, gạo tiền, con cái, nhà cửa, vợ, bồ, bia ôm... đủ thứ đè ngoắc ngoải giấc mơ.

Có điều, nếu ngành kinh tế mà chỉ lặp lại những ấn tượng vui vẻ quá cũ của các đại học ngang cơ khác thì cái tư duy ấy nên xem lại.

Và theo tôi, nếu thay vì mặc áo choàng, đội mũ trung cổ, cầm quyền trượng, các bạn chỉ cần mặc mỗi xịp hoặc quần đùi nhưng cầm đồ án... có khi vang danh 4 bể.

Bởi vừa ấn tượng, độc đáo, nhí nhảnh lại vừa chuyển tải thông điệp khởi nghiệp từ chiếc lá đa, ha. 

Tuấn Trần

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

"Truy sát" Covid-19?

 

Tỉnh Bình Phước vừa có văn bản liên quan đến Covid-19. Theo báo chí thì đại khái như sau:

Hai ngày nữa, tức đến 25-6, gần 80.000 liều vắc xin trong tỉnh  hết hạn sử dụng.

Để tránh lãng phí vắc xin, đề nghị (hay yêu cầu) các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót người cần tiêm chủng.

Các địa phương chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để vắc xin hết hạn gây lãng phí.

Người dân không đồng ý tiêm phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.



Tôi nghĩ thế này:

Thứ nhất: Gần 80.000 liều vắc xin đang ngắc ngoải thời gian tồn tại kia có nhất thiết phải “hành quân” vào cơ thể người không khi các số liệu gần đây cho thấy Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng, số khỏi bệnh có ngày gấp gần chục lần số mắc, số trở nặng và chết trong cả nước giờ không đủ tư cách để so sánh với nạn nhân rủi ro giao thông?.

Thứ nhì:  “Người dân không đồng ý tiêm phải cam kết và chịu trách nhiệm”. Rõ ràng trách nhiệm cá nhân là phải nhờ người thân mang tới lò hỏa táng, nhưng trách nhiệm trước cộng đồng cụ thể ra sao lại không được tường minh, bởi các chỉ thị kỷ niệm (15, 16, 18) đã tạm dừng, lấy đâu ra cơ sở chế tài?

Thứ tam: “Các địa phương chịu trách nhiệm”!. Tôi không nghĩ đó là một “tối hậu thư” đối với các lãnh đạo những xã, phường muốn giữ ghế. Song, từ kinh nghiệm tổn thương, nó gợi ý tới một dạng deadline dẫn tới tái hiện câu chuyện phá cửa xông vào nhà cưỡng chế, khóa tay, kẹp cổ một phụ nữ để bắt bằng được đi test hồi tháng 9 năm ngoái.

Và thứ bốn: Câu thuộc lòng kinh điển "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" hồi Thủ tướng chỉ đạo là để lọc F0, nay văn bản kia “chế” thành tiêm vắc xin triệt để… e là đang phạm tội khi quân, cố tình diễn dịch sai ý lãnh đạo?

Tôi tạm hết nhưng chưa kết, vì nói thiệt là đọc xong thông tin thấy rất mệt, có lẽ vì sức kiệt.

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Thành tựu nào đang đợi?

Trong ba ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc thì ông Tạc bị khai trừ, hai ông còn lại nằm trong diện bị đề nghị kỷ luật.

 


Khai trừ khỏi đảng là hình thức nghiêm khắc nhất với người bị khai trừ, và đau đớn nhất đối với đảng.  Ruồng rẫy đứa con mình sinh ra, đào tạo, gửi trao hi vọng... quả thực không đơn giản trong bất cứ tình huống nào.

Nhưng, xâm phạm gia quy, rộng hơn là phá hoại tiêu chí của tổ chức thì nhịn đau một lần chứ một trăm lần vẫn cứ phải nhịn đau.

Có điều, như dân gian hay nói “quay đầu là bờ”, tôi không rõ trong quy định có nội dung nào cho pháp khôi phục tư cách thành viên nếu thành viên ấy tu dưỡng tiến bộ không?

Vì tội phạm hình sự khi bị tuyên tử hình vẫn còn cơ hội xuống án chung thân, dọn đường cho việc tái lập tư cách công dân, thì một cá nhân nhận quyết định khai tử tư cách thành viên không lẽ hết đường quay lại mái nhà xưa?

Nhưng tôi biết, nhìn chung, những ai lầm lạc khi quyết chí rà lại la bàn thì thường thành tựu của họ sẽ cao hơn nhiều những gương tiến bộ đều đều theo định mốc thời gian…

Anh Tuấn

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Một đại tác gia trào phúng

    Nhân vật nổi tiếng gian hùng té ra lại có cái tên nghịch nghĩa: Tào Mạnh Đức -  tức Tào Tháo.

Và để bày tỏ sự ngưỡng mộ tài chiến trận cũng như tài dụng nhân của vị này, dân gian ta dùng lịch sự từ: TÀO THÁO ĐUỔI – ám chỉ các thể loại tướng tài hễ bị Tào a man truy sát thì chỉ còn nước chạy vãi… "c". -  để ý tứ nói tới chuyện bị tiêu chảy.



Tin đồn hơn nửa đội bóng U23 Việt Nam bị trúng thực ngay trước trận đấu với Thái Lan sẽ chẳng liên quan nếu không có màn rượt đuổi tỉ số của đội bạn khi liên tiếp ghi bàn và nuôi hi vọng. Đến cuối trận thì Việt Nam bị Thái bắt kịp.

Nhớ lại hồi chục năm trước, hòa Thái chính là thành công của bóng đá Việt. Nhưng cờ trở gió, nếu không thắng thì đích thị một thất bại. Mục tiêu bây giờ là chơi sòng phẳng với Hàn, Nhật… và tới nữa có thể Đức, Ý, Brazil.

Nên khá khổ thân cho quan chức bóng đá nước nhà. Khán giả và cấp trên chỉ mong thành tích sau đè thành tích trước chứ kiên quyết không thoái lui kỳ vọng. Quả này thì bị mục tiêu dí, tình cảnh nguy hơn chạy Tào Tháo là chắc.

Quay trở lại Tam Quốc Diễn Nghĩa (7 phần thực, 3 phần hư), không chỉ Tào Manh Đức được khắc họa gian hùng, tác giả La Quán Trung còn liệt kê một mớ nhân vật khác. Tỉ như chuyện Lưu Huyền Đức ném con để lấy lòng tướng, Gia Cát tiên sinh 7 lần bắt rồi tha Mạnh Hoạch nhằm thu phục đầu lĩnh một sắc tộc mà bất chấp việc nướng tướng sĩ.

Chứng tỏ tác giả họ La rất có khiếu trào phúng, đồng thời là nhà “tỉnh táo xã hội”,  “phản biện xã hội” thâm thúy.

Vì là tứ đại danh tác nên Tam Quốc Diễn Nghĩa trường tồn, được nghiền ngẫm, học hỏi. Các ứng xử của quan tham nước ấy cùng vài nước khác bây giờ giống Tháo, Đức, Minh ra phết.

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Nhu cầu môn sử nên như kinh tế thị trường

Khi bạn chú ý một đối tượng nào đó, bạn thề thốt cả đời chung sống với họ, đó là ý chí rất đáng trân trọng của bạn thời điểm ấy. Tuy nhiên, sau một thời gian X chung sống, nếu các bạn không còn mang lại sự thú vị cho nhau thì Luật Hôn nhân sẽ tư vấn bạn những phương án không tồi.



Môn Lịch sử trong trường học cũng thế. Bạn đam mê nó, say sưa với những thành tựu của cha ông và nhân loại trong quá khứ thì 9 năm phổ thông, 4 năm giảng đường đại học, 2 năm thạc sĩ, 4 năm tiến sĩ, bảo tàng, thư viện, internet…. chắc chắn là những đôi cánh tuyệt vời giúp bạn bay trên cỗ máy thời gian.

Còn khi bạn thấy môn lịch sử chỉ như một cửa ải cần điểm 5 để vượt qua thì có nỗ lực nhồi nhét bao nhiêu, cái đầu của bạn cũng khó mà thay đổi bản chất bã đậu. Thậm chí, nó còn gián tiếp huấn luyện bạn trở thành nhân vật phản bội quá khứ đầy nguy hiểm.

Lịch sử là một môn khoa học vĩnh cửu. Môn này luôn bổ sung dữ liệu cùng với sự tồn tại của loài người nên nếu bạn học 9 năm, 12 năm hay cả đời thì sự lạc hậu, thiếu kiến thức tới mức ấu trĩ của bạn là điều có thể thấy trước.

Nên, cuộc tranh luận nên hay không nên gạt 3 năm học sử trong đời người hiện nay, tôi cho rằng đó là cuộc tranh luận mang tính “thị hiếu”. Các tuyên bố Nên/Không nên gạt sử có thể đại diện cho một bộ phận dân chúng trong hiện tại nhưng dứt khoát nó không đại diện cho bất cứ quan điểm nghiêm túc, khoa học, duy lý nào về lịch sử.

Đừng bắt một thần đồng toán học buộc phải chia sẻ thời gian với những điều khiên cưỡng. Bạn muốn nó đóng góp cho thế giới hay trở thành một tín đồ của quá khứ cha ông?

Nhưng, bạn cũng không thể bắt được một đứa mê sử rời bỏ sử để khổ sai học tập thành một tiến sĩ Toán, Lý, Hóa.

Hãy coi nhu cầu tiếp cận sử như nhu cầu của một nền kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, tự do sản phẩm, tự do giá cả, tự do lựa chọn, tự do sáng tạo… đi ạ.

Trần Tuấn

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Những "người hùng" trong game?

Một thực tế là có thể ở nhà bạn bị vợ mắng, con khinh; ra đường bạn giật mình bởi ánh mắt của chú nào đó săm trổ; ở cơ quan thì đồng nghiệp coi thường, sếp bỉ bôi… Tuy nhiên, trên mạng xã hội, thậm chí mặt báo, bạn ngạo nghễ chỉ trích tổng thống Mỹ, phê phán thủ tướng Anh, kiểm điểm vua Nhật, lên lớp thủ lĩnh Quốc hội Nga…

Điều nghịch lý mà rất đỗi hợp lý ấy được giải thích bằng lý thuyết Mặt nạ của ngành Xã hội học. Tức là trong mỗi mối quan hệ thì bạn đóng vai trò xã hội khác nhau, và việc sắm vai ấy quy định thái độ và vị thế của bạn trong lúc tương tác.

Trước bồ thì chiều chuộng, trước đối thủ thì sống mái, trước láng giềng thì tuyệt đối không ứng xử như bồ… đại thể thế.

Lý luận vòng vo vậy chỉ vì nay đọc tin một chàng nghiện game ở TP Thủ Đức xách búa đi cướp tiệm vàng trong quận Bình Thạnh. Cảm nhận ban đầu thì có vẻ như bạn này đang bê thế giới ảo vào đời thực, sắm vai siêu nhân và coi tiệm vàng như một mục tiêu để tăng cấp độ trò chơi.

Bạn ấy ngộ nhận, nghĩa là tự đeo chiếc mặt nạ vẽ ra rằng mình sinh ra để làm siêu nhân.



Nếu thế, nói là đối tượng manh động, coi thường pháp luật cũng đúng; mà nói là một dạng bệnh lý tâm thần, lẫn lộn đời thực và đời ảo cũng đúng. Bị nhồi sọ tới mức ảo tưởng mình bất khả xâm phạm thì ít nhất cũng quá "siêu" trong suy nghĩ.

Ở khả năng thứ hai, nên chăng pháp luật thông cảm cho hành vi sắm vai tiếu ngạo giang hồ ấy để giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự?. 

Đó có thể lại là một cách ứng xử với vụ án khá thú vị. Tương tự như cách xem xét việc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hoặc hạn chế nhận thức...

Suy rộng chút, rượu, ma túy... cũng là thứ chi phố tri giác người sử dụng. Vậy coi họ là nạn nhân hay xử lý họ như xử lý những kẻ phạm tội tỉnh táo?

Quay trở lại câu chuyện Mặt nạ, trong thiểu số trường hợp, rất khó để đánh giá một cá nhân khi hành xử là đang nghiêm túc thực hiện vai trò xã hội hay đang nhầm lẫn một cách rất nghiêm túc vai trò xã hội...

Nói đâu xa, hồi xưa tôi cũng mê Tam Quốc Diễn Nghĩa đến nỗi trước bất cứ xung đột cá nhân nào đó, suy nghĩ đầu tiên thường là “Nếu mình làm vậy có giống Quan Công không?”

Giờ thì khác chút chút rồi.

Trần Tuấn

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

“Tự thịt”, tiếng Hán là “Tự nhục”?

 

Cảm nhận rằng một số người Việt chúng ta có một ưu điểm khá tồi tàn là muốn nhìn cái gì phải ra cái đấy chứ ít khi nhìn cái đấy thành ra cái thứ mình đang nghĩ.



Do vậy, trông thấy cái cây thì chỉ biết nó là cái cây, không thấy được đó là những lá cờ của thiên nhiên; đọc một tin hiếp dâm thì chỉ thấy tội ác chứ ít đặt vấn đề phải chăng là sự khẳng định cái tôi quá lớn của nghi phạm; gặp một tấm gương quan lớn tham nhũng chỉ thấy phẩm chất đê tiện hoặc lờ mờ bóng dáng của cơ chế chứ chả buồn nghĩ họ là nạn nhân của cánh cửa kho báu chỉ được bảo vệ bằng ổ khóa gỉ.

Tức là nhiều người trong số chúng ta không muốn thưởng thức sự thú vị khi thử phản bội lại những giá trị của chính mình.

Nên mới có chuyện uất ức việc hoa hậu Giáng My ngồi trên mái nhà ở Hội An.  Ngồi lên thậm chí là nhà cổ thì sao ạ?. Cứ cho là nàng ấy tọa cặp đùi trên cái ống khói ông cụ ông kỵ tạo ra thì đẹp vẫn cứ đẹp chứ? Cái vị trí ngồi ấy có lẽ nhiều người phải ngước lên mới nhìn thấy (vì cao quá) nên bức xúc? Chứ quy chụp kiểu ướm mông lên mồ hôi xây dựng của tiền nhân thì e chính những người quy chụp đang vấn vương tà ý.

Nên mới có tâm lý dè bỉu Tiến sĩ cầu lông.  Đề tài không chấp nhận được ạ? Vậy đề tài TS phải cao siêu để có chỗ trang trọng trong ngăn kéo, hộc tủ sao? Nghiên cứu gì chăng nữa thì tính gần gũi, thực dụng, dễ áp dụng phải là mục đích của khoa học chứ sao cứ nhất định ngước mắt mơ mộng bầu trời mà quên mất việc phải cải tạo vườn rau, bữa cơm của mình trước?

Nên mới có chuyện tiếu lâm ông nông dân thấy vợ bị ghẹo, cay cú thằng máu dê kia quá nhưng đếch làm gì được vì nó khỏe hơn. Thế là về trút hết bực dọc vào má vợ, cái “tội”:  Ai bảo mày móc cua mà ưỡn cái mông lên!

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Ông Chử Đồng Tử nên cần một chiếc lá đa

 

Nếu Chử Đồng Tử không nghèo tới nỗi thiếu mảnh khố để che thân thì có thành phò mã? Có lẽ khó, bởi khi ấy chàng trai nghèo sẽ không vì sĩ diện mà giấu thân thể dưới cát, và Tiên Dung công chúa sẽ chẳng vì thương cảnh nghèo hèn mà tự cưỡng bức giá trị tình yêu của chính mình.



 Tôi nghĩ tới ý trên sau khi lan man liên tưởng tới các khuyến cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tới người rút bảo hiểm 1 lần.

Thống kê của cơ quan này, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, trên 200 nghìn người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần. Trong đó, riêng TP HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ.

Lao động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất  ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh (nơi trú đóng nhiều công ty, nhà máy) ... khiến đơn vị bảo hiểm ở những nơi đây chịu gánh nặng không nhỏ.

Vì điều ấy, Bảo hiểm xã hội liên tục đưa khuyến cáo người lao động hãy vì lợi ích lâu dài mà cân nhắc việc lấy tiền một cục.

Nhưng, cách để người lao động có tiền sinh sống sau thời gian gồng mình trước đại dịch thì phía bảo hiểm không bày, hoặc bày theo cách an ủi, hô khẩu hiệu: Chịu khó, cố gắng, vì cuộc sống không phụ thuộc con cái, abcz… 

Sống bằng niềm tin rằng tương lai có sổ hưu trí đã khó, sống bằng kiếp không tiền ở hiện tại lại càng khó. Cứ nhớ lại câu chuyện trăm ngàn người lũ lượt hồi hương cùng chó, mèo và lỉnh kỉnh nồi niêu, gương lược… thì biết sự túng quẫn của các lao động từng sống trong vùng tâm dịch là thế nào.

Câu hỏi đặt ra là Bảo hiểm xã hội đã làm tròn trách nhiệm của một thành tố trong hệ thống an sinh? Đã vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động lại vừa đảm bảo việc tái tạo tinh thần cũng như đời sống vật chất của họ?

Có lẽ chưa, vì chủ yếu cơ quan này chỉ thu tiền người lao động và trả tiền người hưu trí.

Nên chăng, thay vì để những người túng quẫn rút bảo hiểm một lần rồi cắt xoẹt sự ràng buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có chính sách (hoặc đề xuất cấp cao hơn có chính sách) cho người lao động tạm ứng số tiền đó. Khi nào có điều kiện, họ sẽ hoàn lại để tiếp tục có sự yên tâm được nhà nước quan tâm lúc về già.

Như vậy, về mặt nào đó, cơ quan bảo hiểm giống như một ngân hàng cho người túng quẫn, nhưng là một ngân hàng nhân ái. Và như vậy, vừa cho người lao động con cá lại vừa tặng họ chiếc cần câu.

Quay trở lại câu chuyện Chử Đồng Tử. Nếu thay vì kết duyên cùng công chúa bởi lý do “không có gì”, chàng trai nghèo sau khi được tạo điều kiện vươn lên từ gian khó đã chứng minh mình đủ tầm của một phò mã… thì có lẽ câu chuyện cổ tích hợp logic và ý nghĩa hơn.

Chàng phò mã ấy, ban đầu hãy cứ được tạm ứng ít nhất là chiếc khố đã.

Tuấn Trần

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Nhà văn Nam Cao và ca sĩ Sơn Tùng

 

Ông Nam Cao nếu sống ở thời đại này thì với tác phẩm Chí Phèo có lẽ sẽ bị kiện vì khai thác, loan tải đời tư cá nhân và bị khởi tố bởi hành vi hạ nhục người khác.

Nhưng kệ đi, mình chỉ bàn tới tay côn đồ ở làng Vũ Đại bởi thấy mục tiêu phấn đấu của cuộc đời hắn là chỉ để làm người lương thiện, lương thiện tới mức giết người!



Té ra cái chỉ số lương thiện ở thời thực dân Pháp chỉ là tỉnh rượu, ngắm con sông quê, nghe một vài tiếng người và xơi bắt cháo hành. Việc đè gái nhà lành ra giữa vườn chuối ngộ nghĩnh thay lại là tiền đề cho mong muốn làm người tốt.

Nhưng rồi dù thực hiện hành vi sát nhân láng giềng, đồng hương, đồng xã, đồng tỉnh, đồng bào thì Chí Phèo cũng không thể làm người tốt được. Bởi, tay này vô trách nhiệm với Thị nở và ném đứa con dự tính của mình vào cái lò gạch...

Tốt khỉ gì khi lìa đời bằng việc hết rượu?

Nên không quá để nói ngòi bút Nam Cao là một cáo trạng đanh thép với chế độ cũ, song ngòi bút ấy khi cày vào các giá trị hôm nay, nó có thể hứng mức phạt 70 triệu đồng, hoặc hơn.

Tất nhiên, không thể so sánh khác thời nhưng vẫn có thể tạm kết luận: Nam Cao nổi tiếng không hẳn vì…. nổi tiếng!

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Nghiêm túc nhất lại là cựu diễn viên hài

 

Thời điểm bắt đầu chiến sự Nga-Ucraina, tôi và có lẽ không ít người, dự đoán kết cục của cuộc thi tài bom đạn chỉ được tính bằng giờ. Nhưng té ra nó được tính bằng sự khôn ngoan và tinh thần bất khuất.



Cũng thời điểm bắt đầu chiến sự, tôi và có lẽ không ít người, băn khoăn về lá phiếu trắng của Việt Nam tại LHQ. Bởi đối tượng của cựu đầu não CCCP ấy đang có nhiều người Việt sinh sống phải trải qua tao loạn kiểu “Bến Nghé của tiền tan mặt nước”, không lẽ im lặng để đồng bào “ly Ucraina”?. Nhưng té ra, đó là lá phiếu được cân nhắc vì đại cục 90 triệu dân.

Và ở thời điểm khai mào chiến sự, tôi và ít nhất vài bạn fb, đặt niềm tin vào ý chí hợp nhất Nga-Ucraina của Tổng thống Putin. Nhưng té ra, số bạn fb còn lại hoặc “phiếu trắng”, hoặc gọi thẳng tên “Gấu Nga” bằng những so sánh từ tệ hơn chữ “gấu”.

Nên, cứ tưởng ngài Putin đồng nhất sự mạnh mẽ của võ sĩ judo với chính trị. Nhưng té ra ngài ấy chỉ vô địch trong khao khát về ý chí chủ quan, còn cựu diễn viên hài kia lại hiện nguyên hình một tay siêu chững chạc.

Nên, cứ tưởng sự chia rẽ trong nhận định của các khán giả, trong đó có khán giả nước mình… chỉ diễn ra trên võ đài tranh cử Tổng thống tư bản Mỹ. Nhưng té ra, sự chia rẽ còn khốc liệt tương đương ở việc ủng hộ hay phê bình Putin.

Và, nên, cứ tưởng các cụ mình là phán chuẩn nhất khi nôm na “trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”. Nhưng té ra, bọn hậu sinh lại cô đọng ngược lại “Đừng thấy đỏ tưởng chín!”.

Tóm lại là đừng tưởng đã tóm lại!. Đến ông Khổng Tử kia còn bị đặt dấu hỏi là thủ phạm của bất bình đẳng giới, xúi bẩy xâm phạm Luật hôn nhân cơ mà.

Duy nhất chân lý đó là cái đẹp. Mà niềm khát khao cái đẹp phần nhiều thuộc về bản năng hơn là tiêu chuẩn xã hội.

 Trần Tuấn

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Đầu Mậu Dần

 

Ba thằng từng là "lính"

Chiều qua thành lưu linh

Nâng chén cười hể hả

Tết con hổ giật mình

 

Mời nhau vài câu chuyện

Cạn dăm cuộc phong trần

Tiệc nhuốm màu lữ thứ

Nhuộm đen vào gió xuân

………….

 


Ôn ký ức đầu năm

Thấy tương lai bạc thếch

Bảo nhau thôi đ. chấp

Kệ mẹ đời giáng, thăng…

Trần Tuấn

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Quẩn...

Bán cho tôi chiếc gạt tàn

Để dụi buông những ngang tàng thời trai

Bán tôi hai nửa nhành mai

Để hôm qua nối tương lai thắm đào

 


Xuân nay mua hết chênh chao

Lọc men lý trí… lại vào mê cung

Anh Tuấn

Vũ điệu bầu trời...

 Nhiều năm nay, 31-1 luôn đặc biệt với tôi.

Ngẫu nhiên năm nay một số sự kiện cũng long trọng chọn dấu mốc này để khai tiệc, tung hoa.

Những vũ điệu ánh sáng một số lần tôi chụp, thể hiện sự nhịp nhàng giữa trời với đất, gió và mây, đêm với ngày...














Anh Tuấn

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Trái gì chứ không trái nghĩa

Nếu coi ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy thì trong một số trường hợp, tiếng Việt sóng gió hơn hẳn phong ba, bão táp. Xin điểm:

Cứu hỏa, Chữa cháy = Dập lửa

Cấm đái bậy = Cấm không được đái bậy

Của quý = Của nợ

Ta đánh thắng địch = Ta đánh bại địch

Kẻ thù truyền kiếp = Hợp tác toàn diện

Được tặng danh hiệu ghi nhận đóng góp = Đứng trước bục khai báo

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân = Đấu giá (quyền sử dụng) đất.

Tâm thư = Thanh minh… Thanh minh đôi khi được (bị)  hiểu là Tự thú. 

Nên mới sinh ra cớ sự rằng đặt trong ngữ cảnh nào thì lời đó được hiểu như thế đó. Có điều, người kể chuyện muốn định hướng bạn ra sao thì đó lại là kỹ thuật ảo thuật ngôn ngữ của họ.

“Bòng bong”, “Canh hẹ” hay “Tơ vò” đều thể hiện tâm trạng “bối rối”, nhưng nhiều người thích “Rối rắm” hơn. Âu chính là cái “tật” sính chữ, hoặc “tài” huy động vốn từ.

 

Và nữa:

TUYỆT ĐỐI TIẾP THU TRIỆT ĐỂ KINH NGHIỆM

Quyết tâm dồn lực xung phong

Nỗ lực thần tốc tấn công không ngừng

Kề vai thống nhất chung lòng

Sai lầm dứt khoát vô cùng lớn lao

Phấn đấu xử nghiêm phong trào

Động viên chiến dịch hô hào tiến lên

Thiên đường cơ bản ghi tên

Đón đầu ngạo nghễ ngày đêm tự phê bình.

Nếu cứ sau mỗi 2 chữ có thêm một dấu phẩy (,) thì 8 câu lục bát trên đây đã chia thành 28 khái niệm ít nhiều dùng trong các hội họp liên quan tới giặc Covid-19 (và giờ là chấp nhận thích nghi để sống).

Đấy, phong ba thế nhưng cũng chả kém uyển chuyển. Khẩu hiệu cũng thành thơ được.  Thế mà tới nay chưa có nổi một thuyền trưởng siêu đẳng hùng biện thì cũng lạ.

Trần Tuấn

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Vĩ đại vì sự khiêm tốn

Nhiều năm nay trên truyền thông, ta hay đọc hoặc nghe từ “Nước lớn”. Đối lập với nó là “Nước nhỏ”.

 


Nên hiểu sao? Nước lớn là quốc gia bao la về địa lý? Trình độ văn minh vượt trội? Nền chính trị tiến bộ? Vị trí cao trên bàn cờ quốc tế? Hoặc, người ở nơi ấy cao to?

 

Thuật ngữ “nước lớn” trên đồng nhất với cách các nhà chính trị sử dụng hay của các chuyên gia thời tiết, thủy văn?

 

Nó được mặc định tự hiểu/tự nhận… hay có hẳn văn bản phân biệt đẳng cấp?

 

Vậy, xét ở góc độ nào thì Việt Nam là “lớn”, dưới lăng kính nào thì “nhỏ”? Nhỏ có được hiểu là “hèn” không, hay “bé hạt tiêu”? Bình đẳng trên trường quốc tế là bình đẳng trong hít thở hay bình đẳng về uy tín?.

 

Về sức mạnh quân sự, ta liên tục khuất phục Nguyên Mông, đẩy lùi Pháp, Mĩ, Tàu, bảo vệ Campuchia. Về diện tích lãnh thổ, Địa đầu Móng Cái tới Mũi Cà Mau nâng ta lên vị trí 66 trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Về chính thể, ta đứng trên đầu phần còn lại của thế giới….

 

Bao nhiêu điều khổng lồ ấy nhưng chưa bao giờ chúng ta vỗ ngực xưng nước lớn, ngay quốc hiệu Đại Cồ Việt, Đại Việt… cũng đã thay bằng Việt Nam.

 

Như thế, chúng ta lớn về sự khiêm tốn.

 

Nhưng, khiêm tốn gì thì cũng không nên đồng nghĩa với việc thừa nhận những ngoại bang khác là kẻ lớn. Nghe/đọc thấy tự ti ghê gớm.

 Anh Tuấn