Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

"Dịch Kiều" trước mộ cụ Tú Xương

“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng…”

Giống như khi đọc nhiều tác phẩm nổi tiếng, Truyện Kiều để lại cho tôi một số suy nghĩ có thể lạ. Nói “có thể” bởi biết đâu nhiều người có quan điểm tương tự…



Chuyện của cô Vương Thúy Kiều lấy bối cảnh triều đại nhà Minh bên Trung Quốc, khi đó Thanh Tâm Tài Nhân viết. Vài trăm năm sau đại thi hào Nguyễn Du đọc được và nâng tầm tác phẩm lên bằng bản dịch theo thể loại thơ lục bát với tiêu đề Đoạn Trường Tân Thanh, sau đổi thành Truyện Kiều.

Số phận hai ấn phẩm trên cũng long đong như số phận của Kiều do tùy vào quan điểm của mỗi thời mà được nâng lên hay vùi xuống.

Ví dụ về Kiều, cô nàng này lần thứ nhất bán thân xác chuộc cha thông qua môi giới hôn nhân với Mã Giám Sinh. Lần thứ hai, Kiều bán sạch phẩm giá bằng việc định lừa Hoạn Thư,  rồi trộm tài sản tại nhà họ Mã để cao chạy xa bay. Lần thứ ba, người đẹp thực hiện thương vụ ngu xuẩn bằng cả cơ đồ của đấng trượng phu Từ Hải với mong muốn được yên thân....

Bởi thế nghe đâu trước 1945, “Đoạn trường tân thanh” – tiếng kêu đứt ruột - vẫn bị dân gian coi là “dâm thư”. Nói nôm na thì là một dạng “Nhật ký gái điếm”. Hiện giờ thì tạm khác.

Về nhân vật Từ Hải, ông này là kiểu người được đánh giá không tệ trong xã hội phong kiến. Cũng chí lớn, cũng trượng nghĩa, cũng hồ đồ, cũng rượu, cũng mê gái, cũng qua lại nhà thổ…  nên Từ Hải có tính cách và hành xử theo hình mẫu của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Tư thế “chết đứng” của họ Từ được hiểu là đến từ cái chết oan ức.

Và đúng vậy, với tư cách là một đầu lĩnh chống lại sự quản lý của triều đình, lẽ ra Từ Hải phải được chết trên chiến trường với giáp gươm lẫm liệt, da ngựa bọc thây. Đằng này, chết vì sự thỏa mãn cuộc sống, nghe lời gái mà thiếu phòng bị thì rõ ràng là cái chết oan.

Với Hồ Tôn Hiến, nhân vật này được giới thiệu: "Có quan tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài/ Đẩy xe vâng chỉ đặc sai/ Tiện nghi bát tiễu việc ngoài đổng nhung"… chứng tỏ là một trọng thần tài ba. Ấn tượng nhất là lời kể của Nguyễn Du sau khi Hồ Tôn Hiến diệt xong Từ Hải lại mê mẩn Thúy Kiều, nhưng “Nghĩ mình phương diện quốc gia/Quan trên nhìn xuống người ta trông vào” và quyết định không buông thả.

Điều này càng có giá trị trong thời đại ngày nay khi xã hội xiển dương những quan lớn đàng hoàng, vừa có giáo dục, vừa có văn hóa.

Một số ý kiến cho rằng Hồ Tôn Hiến dùng mưu mẹo xảo quyệt để hãm hại chồng hờ thứ 3 của Thúy Kiều, hiểu vậy là chưa đúng. Với nhiệm vụ phụng sự nhà nước, góp phần cho “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”, ông tổng đốc này phải bằng mọi cách để triệt để xử lý những kẻ có tư tưởng "Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm gì được  nhau".

Như vậy, giá trị của Truyện Kiều còn nằm ở đâu nữa? Đương nhiên là nằm trong những ý tứ sâu xa khác mà cụ Tố Như muốn gửi gắm vào câu chuyện Vương Thúy Kiều. Những ý tứ ấy cộng với bút pháp tuyệt vời đã đưa Kiều cùng cụ bay lên, khắc tên Việt Nam trên đỉnh núi cao trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật của thế giới.

Sức sống của Truyện Kiều vừa mãnh liệt, vừa nhiệm mầu. Bằng chứng là thông qua sự mến yêu của độc giả, tác phẩm giúp xóa nhòa ranh giới giữa duy vật và duy tâm.

Ai cũng có thể bói Kiều, ai cũng có thể in ấn và truyền tay và lưu truyền chi tiết “người cõi âm Đạm Tiên” sát cánh bên Kiều mà không lo bị xử lý hành vi phổ biến văn hóa phẩm mê tín dị đoan.

Trước Mồng 9 Tết Mèo - 2023.

Tuấn Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét