LAN MAN TỪ CHUYỆN ĐIỂM THI LỊCH SỬ KÉM
(Tôi thi Đại học 2 lần, 2 lần điểm môn Lịch sử chỉ 5 với 6, và cũng đều giúp tôi có ghế ngồi trên giảng đường. Quan trọng hơn, điểm số đó cũng khiến cái thằng tôi không phải hổ thẹn rằng: “Mình là đứa kém hiểu biết lịch sử, ít nhất là Sử Việt Nam”)
Những năm gần đây, điểm thi môn Lịch sử của đa số thí sinh đều như những nhát dao đâm sâu vào niềm (chẳng mấy) tự hào của ngành Giáo dục. Thế là không ít những cuộc hội thảo diễn ra nhằm mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới sự hổ thẹn đó.
Nào là chương trình học nặng nề, nào là giáo viên không say mê, nào là học sinh không có mấy nhu cầu về môn này trong việc xây dựng sự nghiệp tương lai của mình bằng các môn tự nhiên,… Mạnh dạn hơn một chút, có người nhìn nhận rằng Sử Việt Nam chỉ nói nhiều tới thắng lợi chứ chẳng mấy khi đề cập đến thất bại, điều này dễ khiến học trò có tâm lý “Chẳng cần học cũng biết”,... Tóm lại là toàn những lý do góp phần đẩy quả bóng trách nhiệm ra xa hơn chân các vận động viên chính thức trong trận cầu với dân tộc.
Còn một lý do mà có lẽ chưa có ai dám nhắc tới khi đi tìm nguyên nhân của hiện tượng điểm môn Lịch sử thoi thóp thấp hơn hẳn các môn khác. Phải chăng cái lý do này đã đụng chạm tới niềm tự hào, ánh hào quang sáng loà loà trong quá khứ của họ? Hoặc là sự bảo thủ cùng tính cố chấp trong các quyết định liên quan tới vận mệnh đất nước đã phần nào lấn át sự sáng suốt khi nghĩ tới tuổi thọ của dân tộc Việt Nam?
Nếu học Sử là học tập để kế thừa tinh hoa hào khí dân tộc. Để trân trọng những bài học cha ông để lại và tránh sa vào những vết xe đổ của thế hệ đi trước, để nâng niu và sâu sắc giá trị của chính bản thân mình khi được sinh ra, lớn lên trên tổ quốc, thì… nói toẹt ra rằng: Điểm Sử thấp, học sử kém, tình yêu với lịch sử nông cạn đồng nghĩa với tình yêu đất nước cũng thấp lè tè như ngọn cỏ!.
(Tôn trọng ý kiến đa chiều nên ai muốn mắng tôi xin cứ tự nhiên, và đừng có ngại ngùng chứng minh lòng yêu nước của mình nhất là khi bạn chắc chắn biết tên tuổi, sự nghiệp lẫy lừng của Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Chu Trinh,… hơn Tần Thuỷ Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương, Càn Long,…)
Nói vậy không có ý ám chỉ rằng một số người yêu nước Tàu hơn yêu tổ quốc mình. Mà chỉ muốn nói rằng: có nhiều người đang là nạn nhân của cách giáo dục mờ nhạt tình yêu đất nước.
Đảng CSVN ra đời từ trong lòng nhân dân, được sự đùm bọc, hỗ trợ của nhân dân đứng lên giành chính quyền “trao về tay nhân dân”. Đổi lại, nhân dân dưới ánh sáng chân lý chói loà cùa Đảng đã có cơm ăn áo mặc, được ngẩng cao đầu với thế giới để vỗ ngực tự hào “Tôi là người Việt Nam”, “Đất nước Việt Nam do nhân dân làm chủ”,…
Vâng! Có thể làm chủ mọi thứ trừ tình yêu với giang sơn.
Gần một chục cuộc tuần hành các ngày chủ nhật gần đây trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh sự quán “chính quyền anh em” này tại TP.HCM của trí thức, sinh viên, người lao động,… nhằm bày tỏ chủ quyền thiêng liêng tổ quốc chính là minh chứng sống động, hùng hồn cho thứ quyền lực được bao cấp này. Nhà nước Việt Nam cho phép lòng yêu nước thăng hoa được đến đâu thì thăng hoa, muốn vùi dập tới cỡ nào là sẵn sàng sử dụng thứ công cụ tương thích, từ dây chắn, cảnh sát phân luồng, công an chìm trấn áp,… tới xe bus thường trực sẵn sàng đưa những con người ngây thơ với quyền tự hào dân tộc ấy đi tới một nơi xa lắc…. Tất cả đều tuỳ thuộc vào tình hình thời tiết với cô bạn “16 chữ vàng”.
Ở phía Nam, trường Đại học ra chỉ thị cấm sinh viên biểu tình, tại miền Bắc, cũng là sinh viên bị đá ra văng ra khỏi giảng đường vì lỡ tiếp cận tư tưởng yêu nước trái với quan điểm của Đảng CS. Báo chí “lề phải” cũng hăng hái tham gia ủng hộ bằng cách … im re, hoặc phản ứng hết sức nhẹ nhàng.
Khi tình yêu đất nước cũng bị quản lý thì việc sử dụng chữ “nồng nàn” phải chăng là xa xỉ?
Khi niềm tin vào một “khối đại diện cho cả dân tộc” bị lung lay thì niềm tin vào những trang sử chói ngời có còn vững chắc?
Khi tư tưởng đã được bao cấp, bộ não bị nhồi những khái niệm cùng khẩu hiệu trống rỗng thì đi tìm lý tưởng cho riêng mình cũng đã khó, nói gì tới nhu cầu thấm thía ý chí của cha ông?
Và tới khi trật đường ray ý thức hệ, học thuyết Cộng Sản được diễn giải dưới quan điểm Kinh tế thị trường thì mọi thứ đã ở vào thế không thể kiểm soát nổi.: Ông nói “gà” bà làm “vịt”.
Đương nhiên, tình yêu với môn học Lịch sử cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ai muốn hiểu hay diễn giải thêm thế nào thì tuỳ…
Trần Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét