Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

NẾU CHỈ NGHE CHO RỔN RẢNG THÌ ĐỪNG TÁI LẬP SBC

Hai đô thị lớn nhất nhì cả nước đang tính thành lập đội Săn bắt cướp, và theo thiển ý của tớ, đa số dân tình đều khấp khởi mừng vui trước thông tin này.



Nhưng, về mặt chữ nghĩa, cái tên “Săn bắt cướp” đang vô tình quảng bá thương hiệu “cướp” cho TP. Tức là người bốn phương có thể hiểu rằng, cướp có nhan nhản thì mới đẻ ra một đơn vị chuyên trách việc săn bắt . Giống như những nước trên thế giới có lực lượng “chống khủng bố”, đội quân “giữ gìn hoà bình” vậy.
Về mặt bản chất, cứ cho là thay từ “Săn bắt cướp” bằng một mỹ từ khác thì lực lượng này cũng có vẻ như đang thay mặt thành phố thừa nhận sự thất bại trong việc đảm bảo sự cân bằng cho đời sống người dân. Nó nói lên sự chênh lệch giàu nghèo tới mức bất công khiến những kẻ thiếu thốn mặc nhiên coi các đấng nhiều tiền thuộc phía thù địch, cần phải tấn công.
Nó cũng nói lên nỗi buồn nhiều thập kỷ của ngành giáo dục, vì ngoài việc đào tạo những gà chọi thi đấu quốc tế thì ngành này còn vô trách nhiệm ném ra xã hội những sản phẩm chỉ biết ăn sung mặc sướng, đua đòi, lười lao động.
Nó cũng tô vẽ thêm vào sự què quặt của hệ thống An sinh xã hội khi mặt trước của đời sống là những kẻ rửa tiền, trốn thuế, sống trên nhung lụa, lại song hành với mặt sau là những phận trẻ bơ vơ, bám đít ngừoi đàn bà nào đó để ngả nón xin tiền tại những cây xăng, những ngã 4…
Nghĩa là nó phần nào phản ánh tư duy ăn xổi ở thì của người Việt nói chung, của một số lãnh đạo nói riêng. Họ thấy ngoài đường phố bất an là áp đặt ngay tình trạng báo động của những năm cuối 1970 rồi vội vã dựng lên đội quân săn bắt. Họ có vẻ như đang giải quyết phần ngọn là tội ác chứ chưa màng đến chuyện vun phần gốc để chăm chút nền đạo đức xã hội, đề ra các chính sách yên dân.
Lực lượng cảnh sát hình sự hiện nay có năm nào chịu kỷ luật vì thành tích bết bát? Nếu chưa, nghĩa là cảnh sát hình sự vẫn đang làm tròn bổn phận? Vậy tại sao phải nâng cấp lên thành Săn bắt cướp?... Lý do bổ sung quân số, đào tạo thêm nghiệp vụ, trang bị phương tiện, sửa luật để tăng thêm quyền … sẽ tiêu tốn bao nhiêu phần ngân sách nữa?
Theo tớ, nếu chỉ vì muốn có trong từ điển một danh từ danh từ mới, “Tân SBC” chẳng hạn, thì không nên đánh đổi bằng những nguy cơ tổn hại như ở trên.
…………………
Tự nhiên lại nhớ tới mô hình “Hiệp sĩ đường phố” của Bình Dương mà buồn cừoi. Mang tiếng “hiệp sĩ” nhưng các anh ấy chỉ nhăm nhăm tóm những tay cướp vặt. Chưa khi nào đọc được bài viết kể chuyện hiệp sĩ giải cứu ùn tắc giao thông, giúp người khuyết tật lên xe buýt, nhảy sông vớt chàng trai thất tình, hay dắt xe hộ một cô gái xinh đẹp bị đinh đâm thủng lốp…. 

Anh Tuấn


Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

“NGƯỜI VIỆT NAM CẦN CÙ, THÔNG MINH, SÁNG TẠO….”


 Thời sinh viên, tớ nhớ có ít nhất hai môn học nhấn mạnh các đặc trưng này. Chương trình Đại học mà Bộ quy định đã nói thì cấm sai, và tớ luôn hài lòng về phẩm chất đó.
Nhưng nay bỗng dưng nghi hoặc. Rằng, tiêu chuẩn nào để khẳng định điều ấy? Có so sánh với dân tộc khác thì mới thấy mình thông minh, sáng tạo chứ? Không nhẽ các đấng biên soạn giáo trình lại đi bì người với lợn?
Vì từ năm ngoái, Cục thống kê đã chỉ ra rằng Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam (hàng ngàn năm lịch sử) đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm; sau Malaysia 25 năm; Thái Lan 20 năm; sau Indonesia và Philippines 5-7 năm (nld.com.vn hôm 30.8.2015)…. Ấy là chưa kể nước Mỹ non 300 năm tuổi nhưng giàu hơn. Hoá ra nước mình sáng tạo ở khoản nào không biết (có lẽ là đánh nhau) nhưng vẫn ngu chuyện kiếm tiền. 
Mà kiếm tiền, theo học thuyết Mác – Lê, thì nó nằm trong nội dung Vật chất quyết định Ý thức.
Nước mình dân chủ từ năm 1945, vậy mà đãi cát tìm ngọc mãi cũng không kiếm nổi nhân tài đủ sức để tìm lối “Đi tắt đón đầu”, kể cũng lạ?



……………………….
Sở dĩ tớ trót "bật" lại sách giáo khoa là vì nay lỡ đọc trên báo bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Bà nói Việt Nam 9 chục triệu người thì có 11 triệu đang hưởng lương từ ngân sách. Có 30% số công chức làm được việc, 30% cắp ô đi về, 30% vừa cắp ô lại vừa nhũng nhiễu.
Thêm nữa, tớ lại trót lướt qua loạt bài tranh luận khí thế về 60 phút mở của chị Tạ Bích Loan.
Vấn đề một làm liên tưởng tới phẩm chất cần cù, thông minh của người mình trong cách tìm đường vào biên chế. Họ hăm hở chen lấn dẫn đến phình bộ máy có lẽ vì khôn ngoan diễn dịch lại khẩu hiệu Cán bộ là đầy tớ trung thành?. 
Vấn đề hai là khả năng sáng tạo của những người Việt sản xuất chương trình truyền hình kia, vì họ nghĩ ra một diễn đàn khuyến khích đám đông sau khi xem xong phải bức xúc mà văng tục. Mà cứ tình trạng văng tục nhiều, đến lúc nào đó có khi nó lại thành bản sắc.




TP.Nam Định nơi tớ từng lớn lên có một thời gian bị thiên hạ gọi là Nam “Đ…”. Lý do vì mỗi lần giao tiếp, bất kể buồn vui, người bình dân thành phố thường kèm theo tiếng “Đan Mạch” thay cho các từ nối – “Đ mẹ! Tối qua đi tán gái, (Đ!) Tao gặp thằng chó ấy! Nó (Đ!) hỏi tao đi đâu. Hoá ra là anh ruột con ranh. (Đ!) Không nói sớm thì nó chết mẹ với tao rồi! (lại Đ!)…
Và tớ thú nhận là lâu lắm rồi, hôm nay mới thầm văng tục khi đọc hai thông tin trên. Anh Tuấn

http://nld.com.vn/kinh-te/vie-t-nam-tu-t-ha-u-bao-xa-so-vo-i-la-ng-gie-ng-2015083019120312.htm

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/309270/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-nha-nuoc.html

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

CHƯA GIẢI QUYẾT VỤ BỊ TÁT HỘC MÁU MỒM


Cái gọi là “dư luận” chỉ là những đánh giá đầy cảm tính của những tay công nhân làm việc trên bàn phím.


1.    Nghề của lính suy cho cùng là nghề giết người.

Họ tước đoạt tính mạng của phía không cùng chiến tuyến với nhu cầu đầu tiên là vì sự an toàn cho chính họ, sau đó mới tới những ý nghĩa xa hơn như Hoàn thành nhiệm vụ, Bảo vệ lợi ích quốc gia…Và trong nhiều cách để hoàn thành nhiệm vụ, có cách đàng hoàng kiểu Cao bồi đối mặt xả súng vào nhau.

Nhưng cũng có cách tung hỏa lực phủ đầu theo lối “Tiên hạ thủ vi cường”.  Mà trong chiến tranh, không ai cấm điều này khi ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi ngắn hơn một động tác siết cò súng.

Bob Kerrey là một quân nhân chuyên nghiệp, năm 1969, Đại úy Hải quân này đã chỉ huy toán lính tiến hành cuộc tắm máu hàng chục người Việt Nam.

Trong thời điểm đó, nếu những kẻ xuống tay biết chắc các nạn nhân chỉ là dân thường thi họ đúng là những con thú. Tuy nhiên, tại bản báo cáo ngay sau đó, họ đã khẳng định tiêu diệt được 21 Việt cộng, đồng thời thu được hai vũ khí.

Nghĩa là ít nhất đến thời điểm đấy, niềm tin rằng sự an toàn của họ đang bị uy hiếp là có cơ sở.

Tôi tin vào giả thuyết thứ hai, bởi trước khi mặc quân phục, Bob Kerrey phải là một con người. Người thì không bao giờ ăn thịt người nếu không có lý do.

Thêm nữa, hành vi ấy chỉ diễn ra một lần, không có cơ hội tham gia vào hàng ngũ  các khái niệm “có hệ thống”, “truyền kiếp” mà ta hay dùng.   Từ sau 2001, cựu binh này từng nhiều lần bày tỏ hối hận cũng như có những nỗ lực hàn gắn, xây dựng quan hệ Việt – Mỹ. Tôi cũng tin rằng các nỗ lực đó một phần cũng  vì muốn chuộc lại sai lầm từ  lệnh chỉ huy sặc mùi máu của mình năm xưa.



………………………..

2.    Văn bản được coi là Tuyên ngôn Độc lập lần thứ 2 của nước ta từng khẳng định “Đem Đại nghĩa thắng hung tàn – Lấy Chí nhân thay cường bạo”

Năm 1945, tại tuyên bố lập nước, Hồ Chủ tịch cũng nhấn mạnh các giá trị của nhân loại: Tự do, Bình đẳng, Bác ái…

Giữa thế kỷ trước,  bác Trường Chinh nắm vai trò nòng cốt trong Cải cách ruộng đất. Rồi sửa sai, rồi vài mươi năm sau bác lại lên làm Tổng bí thư…

Trong bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ tại Mỹ Đình vừa qua, vị đứng đầu quốc gia  một thời là kẻ thù của Việt Nam đã chia sẻ và được đánh giá cao bởi có những câu “Chiến tranh dù cao thượng đến đâu cũng mang đến đau đớn và bi kịch”, hay “… Chúng ta chỉ ra rằng trái tim có thể thay đổi thay vì là tù nhân của quá khứ… sự tiến bộ xuất phát từ tinh thần hợp tác”.

Gần hơn và cụ thể hơn, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, ông Đinh La Thăng, khi nói về trường hợp của Bob Kerrey đã cho rằng  Vượt lên thù hận chúng ta cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa…
………………………….

3.    Vậy tại sao có “cảm giác” như Bob Kerrey bị phản  ứng dữ dội tại Việt Nam như vậy?

Tôi chú ý gạch chân, in đậm tính từ “Cảm giác”, vì hiện tại ở Việt Nam không có một khảo sát Xã hội học nào về mức độ ủng hộ hay phản đối những nỗ lực hàn gắn chiến tranh của ông này từ sau 1969, hiện tại cũng như tương lai.  Cái gọi là “dư luận” chỉ là những đánh giá đầy cảm tính của những tay công nhân làm việc trên bàn phím.

“Cảm giác” đó, nếu theo Thuyết âm mưu, có khi nào chủ yếu xuất phát từ sự tác động ngấm ngầm của một thế lực đứng bên ngoài hai dân tộc Việt – Mỹ?
Cứ chiếu theo Binh pháp Tôn tử bên Tàu thì nó na ná giống kế “Tá đao sát nhân”, tức Mượn dao (sự kiện Bob Kerrey)  giết người (đại cục phát triển). Còn chửi nôm na như các cụ nhà mình thì đó là thủ đoạn của kẻ Đâm bị thóc, chọc bị gạo.
………………………………

Tôi và anh ấy sắp sửa thành thông gia, một ngày xấu trời ngồi uống rượu với thằng bạn thời nối khố, tôi khoe sắp làm bố vợ.   Nó chúc mừng rồi hỏi “Cái vụ ngày xưa tranh nhau viên bi, ông bị  thằng ấy  bợp tai đến phụt máu mũi, giờ giải quyết tới đâu rồi?”… Anh Tuấn