Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

NẾU CHỈ NGHE CHO RỔN RẢNG THÌ ĐỪNG TÁI LẬP SBC

Hai đô thị lớn nhất nhì cả nước đang tính thành lập đội Săn bắt cướp, và theo thiển ý của tớ, đa số dân tình đều khấp khởi mừng vui trước thông tin này.



Nhưng, về mặt chữ nghĩa, cái tên “Săn bắt cướp” đang vô tình quảng bá thương hiệu “cướp” cho TP. Tức là người bốn phương có thể hiểu rằng, cướp có nhan nhản thì mới đẻ ra một đơn vị chuyên trách việc săn bắt . Giống như những nước trên thế giới có lực lượng “chống khủng bố”, đội quân “giữ gìn hoà bình” vậy.
Về mặt bản chất, cứ cho là thay từ “Săn bắt cướp” bằng một mỹ từ khác thì lực lượng này cũng có vẻ như đang thay mặt thành phố thừa nhận sự thất bại trong việc đảm bảo sự cân bằng cho đời sống người dân. Nó nói lên sự chênh lệch giàu nghèo tới mức bất công khiến những kẻ thiếu thốn mặc nhiên coi các đấng nhiều tiền thuộc phía thù địch, cần phải tấn công.
Nó cũng nói lên nỗi buồn nhiều thập kỷ của ngành giáo dục, vì ngoài việc đào tạo những gà chọi thi đấu quốc tế thì ngành này còn vô trách nhiệm ném ra xã hội những sản phẩm chỉ biết ăn sung mặc sướng, đua đòi, lười lao động.
Nó cũng tô vẽ thêm vào sự què quặt của hệ thống An sinh xã hội khi mặt trước của đời sống là những kẻ rửa tiền, trốn thuế, sống trên nhung lụa, lại song hành với mặt sau là những phận trẻ bơ vơ, bám đít ngừoi đàn bà nào đó để ngả nón xin tiền tại những cây xăng, những ngã 4…
Nghĩa là nó phần nào phản ánh tư duy ăn xổi ở thì của người Việt nói chung, của một số lãnh đạo nói riêng. Họ thấy ngoài đường phố bất an là áp đặt ngay tình trạng báo động của những năm cuối 1970 rồi vội vã dựng lên đội quân săn bắt. Họ có vẻ như đang giải quyết phần ngọn là tội ác chứ chưa màng đến chuyện vun phần gốc để chăm chút nền đạo đức xã hội, đề ra các chính sách yên dân.
Lực lượng cảnh sát hình sự hiện nay có năm nào chịu kỷ luật vì thành tích bết bát? Nếu chưa, nghĩa là cảnh sát hình sự vẫn đang làm tròn bổn phận? Vậy tại sao phải nâng cấp lên thành Săn bắt cướp?... Lý do bổ sung quân số, đào tạo thêm nghiệp vụ, trang bị phương tiện, sửa luật để tăng thêm quyền … sẽ tiêu tốn bao nhiêu phần ngân sách nữa?
Theo tớ, nếu chỉ vì muốn có trong từ điển một danh từ danh từ mới, “Tân SBC” chẳng hạn, thì không nên đánh đổi bằng những nguy cơ tổn hại như ở trên.
…………………
Tự nhiên lại nhớ tới mô hình “Hiệp sĩ đường phố” của Bình Dương mà buồn cừoi. Mang tiếng “hiệp sĩ” nhưng các anh ấy chỉ nhăm nhăm tóm những tay cướp vặt. Chưa khi nào đọc được bài viết kể chuyện hiệp sĩ giải cứu ùn tắc giao thông, giúp người khuyết tật lên xe buýt, nhảy sông vớt chàng trai thất tình, hay dắt xe hộ một cô gái xinh đẹp bị đinh đâm thủng lốp…. 

Anh Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét