Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

TINH THẦN THƯỢNG MÃ

“Thượng mã” hay “Mã thượng” chỉ hành động của đấng trượng phu, nó phản ánh tư thế của kẻ trên ngựa quyết không kết liễu người dưới đất. Phẩm chất này theo tớ biết xuất phát từ điển tích thời ba phe Ngụy, Thục, Ngô tranh đoạt thiên hạ bên Tàu.



Khi đó, Quan Vân Trường lĩnh ấn đi hạ thành Trường Sa, Thái thú Trường Sa tên Hàn Huyền điều lão tướng Hoàng Trung nghênh chiến. Trong lúc giao tranh thì Hoàng Trung ngã ngựa, Vân Trường ngồi trên Xích thố chỉ đao xuống, quát đuổi bại tướng này về thay ngựa chiến đấu tiếp. Hoàng Trung sau đó cảm phục hành vi tha mạng ấy mà tự nguyện quy hàng phía Thục, cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long, Mã Siêu hợp thành Ngũ hổ tướng lừng danh.

Loạt phim của tài tử Hong Kong Lý Tiểu Long có lẽ cũng lấy cảm hứng từ tinh thần trượng nghĩa trên. Nhân vật chính luôn chiến đấu sòng phẳng với đối thủ, và dù đó là những cuộc đối đầu sinh tử nhưng khi kẻ thù rơi vũ khí thì anh này cũng quăng luôn gậy (hoặc côn nhị khúc) để giải quyết ân oán tay bo.
Cho nên, Lý Tiểu Long được dựng tượng đài không hẳn vì gây sốt màn ảnh thế giới bằng mấy miếng đấm đá đẹp mắt.
………………………….

Nhiều tờ báo xưa nay được thiên hạ gán cho cái nhãn (không công khai), đó là khi chống tiêu cực thì thường nhăm nhăm bụp, xoẹt các quan chức về hưu hoặc cấp tỉnh đổ xuống. Gần đây nhất là hè nhau đốn hạ đương kim Phó Chủ tịch Hậu Giang, nguyên lãnh đạo PVC Trịnh Xuân Thanh. Hết quy trách nhiệm cho khoản lỗ ngàn tỉ của anh í thời làm kinh tế bên PVC (thực chất anh í là một  công chức kiêm doanh nhân a-ma-tơ) đến việc  diễn dịch tinh thần chia sẻ khó khăn cùng địa phương (dùng xe cá nhân gắn biển xanh) sang một hướng khác.

Những tờ báo ấy  giờ  tiếp tục thít thòng lọng vào sự nghiệp chính trị anh Thanh bằng việc hà rầm đặt dấu hỏi một cách hả hê và đau như dao đâm sự “mất tích bí ẩn” của người xin nghỉ phép đi chữa bệnh này.

Nói gì thì nói, khi đã dồn ai đó vào đường cùng cũng tức là buộc họ phải tính đến cách hành xử của kẻ cùng đường...
Anh Tuấn


Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Tớ luôn nâng cấp chuyện ghét học


Hồi 10 tuổi hay bị cô chủ nhiệm  phạt đứng úp mặt vào tường phía cuối lớp, thế là hăng tiết vịt nghe lời xui dại của bố, tớ leo vào phòng ban giám hiệu, quệt nước mũi thò lò rồi khẳng khái đặt cái Đơn xin nghỉ học xuống bàn hiệu trưởng.  Một tuần sau, cụ thân sinh rụt rè đến trường đổ hết lỗi lên đầu ông con mà năn nỉ  “Xin thầy cho cái đứa trẻ người non dạ  kia đi học tiếp”. Tớ ghét chuyện học từ đó.

Đến năm 25 tuổi,  chật vật mãi mới cày được bằng cấp 3 hệ bổ túc nên tớ càng ghét chuyện học.

Tuần vừa rồi, tán (gẫu) em đồng nghiệp hụt, em í nói mô hình VNEN đang hiệu quả hoá triết lý Xem người học là trung tâm. Tán một hồi, nàng quay ngoắt lại phán “Học sinh (hay trẻ em) luôn được coi như tờ giấy trắng…”.   Tớ bật lại nhưng thua.

Câu chuyện học hành bỗng nâng  lên tầm thậm ghét không hẳn vì nó là chủ đề  gây mâu thuẫn với mỹ nhân,  mà do cái khẩu hiệu khỉ gió kia khiêu khích  tớ…



Là vì:

“Trẻ em như tờ giấy trắng…”,  câu này nhiều người coi là một nguyên lý bất thành văn trong lĩnh vực giáo dục.

Nghĩa rằng vô hình chung số nhiều ấy  đang hưởng ứng lối tiếp nhận tri thức một cách thụ động, kiểu “Không tao thì mày chết”.  Mặt khác, nó cũng cổ vũ chuyện những đứa trẻ khi trưởng thành có xu hướng đếch thèm chịu trách nhiệm trước những tương tác xã hội của chính chúng.


Ở ngành công an, các báo cáo tháng, quý, năm về tình hình tội phạm ở địa phương nào hầu như cũng coi nhóm Vị thành niên  là đối tượng đáng lưu ý trong công tác phòng chống

Ở ngành văn hoá, nhiều đấng chuyên gia khẳng định hiện tượng lệch chuẩn trong giới trẻ đang ngày trở nên phổ biến với kính thưa các kiểu biểu hiện.   Từ tóc tai, áo quần, gu thẩm mỹ lai căng đến trào lưu  quay clip “tự sướng” chuyện “sướng” trong khách sạn.

Nói trẻ là tờ giấy, thế thì những tờ giấy ấy ai bôi? 

Đích thị: Sự  ảo tưởng kinh hoàng về vai trò của người nhớn trong việc vẽ lên nhân cách trẻ! Ảo tưởng này là nguyên nhân khiến thời nay chúng ta sở hữu không ít những sản phẩm hội hoạ lem nhem.

Thực tế, trẻ tiếp nhận kiến thức tại trường học, thẩm thấu các giá trị đạo đức ở gia đình, học tập phương pháp ứng xử từ những đặc thù của đời sống khu dân cư, rút kinh nghiệm qua các mối quan hệ bạn bè… Những điều đó chính là quá trình tích luỹ chất liệu.  Từ những chất liệu ấy, trẻ  tự chủ động sáng tạo nên bức tranh của cuộc đời chúng.

Cho nên, cần thay đổi quan niệm “Trẻ em như giấy trắng” sang cách coi chúng như những cây bút chì. Có như vậy mới buộc được trách nhiệm về sự thành công hoặc mất dạy của chính chúng. Và lợi hơn với riêng nền giáo dục, ấy là có cơ hội lột xác, ấn định sự chính danh của câu khẩu hiệu “Học trò là trung tâm”


Túm lại, tớ cà kê dê ngỗng lê thê như ở trên thực tình chả có lý do gì ngoài cái nguyên cớ bé tí tẹo, ấy là xăm lên bộ mặt thời đại  câu chuyện cũ kỹ về quá trình Xã hội hoá cá nhân. Hì!


Anh Tuấn