Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Tớ luôn nâng cấp chuyện ghét học


Hồi 10 tuổi hay bị cô chủ nhiệm  phạt đứng úp mặt vào tường phía cuối lớp, thế là hăng tiết vịt nghe lời xui dại của bố, tớ leo vào phòng ban giám hiệu, quệt nước mũi thò lò rồi khẳng khái đặt cái Đơn xin nghỉ học xuống bàn hiệu trưởng.  Một tuần sau, cụ thân sinh rụt rè đến trường đổ hết lỗi lên đầu ông con mà năn nỉ  “Xin thầy cho cái đứa trẻ người non dạ  kia đi học tiếp”. Tớ ghét chuyện học từ đó.

Đến năm 25 tuổi,  chật vật mãi mới cày được bằng cấp 3 hệ bổ túc nên tớ càng ghét chuyện học.

Tuần vừa rồi, tán (gẫu) em đồng nghiệp hụt, em í nói mô hình VNEN đang hiệu quả hoá triết lý Xem người học là trung tâm. Tán một hồi, nàng quay ngoắt lại phán “Học sinh (hay trẻ em) luôn được coi như tờ giấy trắng…”.   Tớ bật lại nhưng thua.

Câu chuyện học hành bỗng nâng  lên tầm thậm ghét không hẳn vì nó là chủ đề  gây mâu thuẫn với mỹ nhân,  mà do cái khẩu hiệu khỉ gió kia khiêu khích  tớ…



Là vì:

“Trẻ em như tờ giấy trắng…”,  câu này nhiều người coi là một nguyên lý bất thành văn trong lĩnh vực giáo dục.

Nghĩa rằng vô hình chung số nhiều ấy  đang hưởng ứng lối tiếp nhận tri thức một cách thụ động, kiểu “Không tao thì mày chết”.  Mặt khác, nó cũng cổ vũ chuyện những đứa trẻ khi trưởng thành có xu hướng đếch thèm chịu trách nhiệm trước những tương tác xã hội của chính chúng.


Ở ngành công an, các báo cáo tháng, quý, năm về tình hình tội phạm ở địa phương nào hầu như cũng coi nhóm Vị thành niên  là đối tượng đáng lưu ý trong công tác phòng chống

Ở ngành văn hoá, nhiều đấng chuyên gia khẳng định hiện tượng lệch chuẩn trong giới trẻ đang ngày trở nên phổ biến với kính thưa các kiểu biểu hiện.   Từ tóc tai, áo quần, gu thẩm mỹ lai căng đến trào lưu  quay clip “tự sướng” chuyện “sướng” trong khách sạn.

Nói trẻ là tờ giấy, thế thì những tờ giấy ấy ai bôi? 

Đích thị: Sự  ảo tưởng kinh hoàng về vai trò của người nhớn trong việc vẽ lên nhân cách trẻ! Ảo tưởng này là nguyên nhân khiến thời nay chúng ta sở hữu không ít những sản phẩm hội hoạ lem nhem.

Thực tế, trẻ tiếp nhận kiến thức tại trường học, thẩm thấu các giá trị đạo đức ở gia đình, học tập phương pháp ứng xử từ những đặc thù của đời sống khu dân cư, rút kinh nghiệm qua các mối quan hệ bạn bè… Những điều đó chính là quá trình tích luỹ chất liệu.  Từ những chất liệu ấy, trẻ  tự chủ động sáng tạo nên bức tranh của cuộc đời chúng.

Cho nên, cần thay đổi quan niệm “Trẻ em như giấy trắng” sang cách coi chúng như những cây bút chì. Có như vậy mới buộc được trách nhiệm về sự thành công hoặc mất dạy của chính chúng. Và lợi hơn với riêng nền giáo dục, ấy là có cơ hội lột xác, ấn định sự chính danh của câu khẩu hiệu “Học trò là trung tâm”


Túm lại, tớ cà kê dê ngỗng lê thê như ở trên thực tình chả có lý do gì ngoài cái nguyên cớ bé tí tẹo, ấy là xăm lên bộ mặt thời đại  câu chuyện cũ kỹ về quá trình Xã hội hoá cá nhân. Hì!


Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét