Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH CHẾT DO ĐỒNG ĐỘI GIẾT

 “Luật mà bỏ rơi dư luận, xa rời tiếng nói của đạo lý, bàng quan trước nỗi đau của người biết rõ là thiệt thòi…  thì đó là thứ luật trên thiên đường hoặc dưới địa ngục. Luật đó không phải dành cho cuộc sống!”.
……………………………
Tháng 2-1979, trong một lần tổ chức bắt nhóm người vượt biên, Thiếu úy Lữ Anh Dồi (công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ) bị chính đồng đội ám toán. Hung thủ là Chuẩn úy Thái Văn Hùng theo lệnh của Trung tá Nguyên Ngọc (Phó ty công an), sau khi nã 4 phát đạn vào đầu anh Dồi đã vu khống anh tội phản quốc.

Năm 1988, chị Nguyễn Thị Mai, vợ của Lữ Anh Dồi bất chấp hiểm nguy, chặn đường công tác của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mà  gióng lên tiếng trống  kêu oan cho chồng. Vụ việc sau đó được giải quyết với một án 18 năm và một án 20 năm dành cho hai cựu sĩ quan Hùng, Ngọc.

Kể từ đó tới nay, nội tướng của chàng Thiếu úy Lữ Anh  Dồi thực hiện một hành trình xuyên thế kỷ nhằm  kêu cầu khôi phục toàn bộ chính sách lẫn danh dự cho chồng, trong đó có việc truy phong liệt sĩ.  Tuy nhiên, người quả phụ từng dùng dao rạch cánh tay mình mà thề trước mộ phu quân về quá trình đi tìm công lý này đã thất bại.

Tin đau ấy đến trong một ngày thời tiết phía Nam ít nắng, kèm một chút lạnh của thời điểm năm cũ đang thối rữa những giờ phút cuối cùng: 30-12-2016.


Theo đó,  “Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau trả lời không công nhận hồ sơ xin công nhận liệt sĩ đối với Thiếu úy Lữ Anh Dồi, trong vụ án Lữ Anh Dồi thời điểm 1979-1980. Nguyên nhân được đơn vị này nêu rõ là do ông Lữ Anh Dồi không thuộc trường hợp nào trong quy định được xét liệt sĩ do Chính phủ quy định tại Nghị định số  31/2013/NĐ-CP” -  Báo Pháp luật TP.HCM chiều cùng ngày đưa tin trên.
…………………………………
Lần giở lại nghị định 31/2013, thấy việc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh ấy đã rất tỉnh táo trong  áp dụng luật để hạ nhát đao kết liễu cả niềm tin lẫn hi vọng của người phụ nữ mất chồng oan.
Cụ thể, trong Mục 3, điều 17 của Nghị định (phần Điều kiện xác nhận liệt sĩ) có 11 khoản từ “a”  đến “l” thì không có bất cứ dòng nào chuyển tải nội dung “Chết do đồng đội giết”.
Hơn nữa,  tình trạng của Thiếu úy Lữ Anh Dồi đến nay mới chỉ dừng lại ở việc TAND Tối cao đã có kiến nghị phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho ông Lữ Anh Dồi”.
Nghĩa rằng, khi “kiến nghị” chưa được chấp nhận mà đã vội vã truy phong liệt sĩ thì chắc chắn đắc tội  “phong khống anh hùng”!
………………………………..
Luật là luật! Câu chữ trong luật phải rõ ràng, nghiêm chỉnh và khô khan. Luật mà dan díu với khái niệm “áp dụng linh hoạt” là luật tự sỉ nhục mình!
Nhưng luật mà bỏ rơi dư luận, xa rời tiếng nói của đạo lý, bàng quan trước nỗi đau của người biết rõ là thiệt thòi…  thì đó là thứ luật trên thiên đường hoặc dưới địa ngục. Luật đó không phải dành cho cuộc sống!.
Nghe nói, thời điểm hai kẻ  từng đứng chung hàng ngũ với với chàng Thiếu úy Lữ Anh Dồi bắt đầu quá trình trả giá cũng là lúc người dân háo hức tìm đọc cuốn sách “Ai giết Lữ Anh Dồi” của tác giả Ngô Hoàng Giang.
Hi vọng đến hôm nay sẽ không có một phiên bản 2, kiểu “Ai giết niềm tin của vợ  Lữ Anh Dồi”.

Tôi chắc rằng  dù đã nhận được cái văn bản trả lời ở trên kia, chị Mai vẫn sẽ  kiên định hành trình được làm vợ liệt sĩ của chị, và sự kiên định ấy sẽ được đền đáp.
Khi ấy,  quả phụ bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu son sắt cùng niềm kiêu hãnh về một người chồng ngã xuống khi làm nhiệm vụ… sẽ chấm dứt mấy chục năm chỉ được ôm tấm bằng “Tổ quốc ghi công” trong giấc mơ.

Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét