Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

TÌM ĐƯỢC “SÂU CHÚA”, DÂN HẾT NGHI NGỜ


Cái trật tự tham nhũng ấy khi nào chưa bị phá vỡ thì khi ấy người dân có quyền hoài nghi mọi hoạt động của cơ quan công quyền

Được tin Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai dùng ngân sách 3,2 tỉ đồng để tiếp khách sai quy định, tớ thấy:

        Thực ra,  3,2 tỉ đồng ấy dù là số tiền mơ ước cả đời của những vị làm quan thẩm thấu  bài học Thanh liêm, nhưng nó chưa bằng 1/10 khối tài sản của một chị đồng nát lỡ trúng Vietlott. Mà nếu chi ngần ấy để kéo về cho địa phương vài dự án triệu đô thì ok quá. Một vốn Bốn vạn lời, có chi mà ầm ĩ!

Cho nên, chuyện số chi này lớn hay nhỏ chỉ mang tính chất tương đối. Vấn đề là “chi sai”!  Và chuẩn sàn công chức của ta hiện nay có vấn đề, rõ nhất là khả năng giải toán của những vị HĐND kia thua học sinh cấp I.

Hãy xem họ kê khai tiếp khách: trong ngày 3-8-2015, Văn phòng HĐND Gia Lai đến Đà Nẵng tiếp khách hai lần với số tiền hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng cũng trong ngày này họ lại chi tiếp khách cho đoàn HĐND Long An từ trưa hôm đó cho đến chiều hôm sau (4-8-2015) hết hơn 10 triệu đồng và cũng chiều 4-8-2015 họ chi tiếp khách đoàn HĐND Bến Tre cũng hơn 10 triệu đồng... Thậm chí chỉ trong ngày 3-12-2015, Văn phòng HĐND Gia Lai tiếp khách từ Bình Định rồi Bình Phước, Long An và tận Cà Mau với bốn phiếu chi hơn 35 triệu đồng… – Báo Pháp luật TP.HCM ngày 23-12.

Họa có Tề thiên Đại Thánh cũng chẳng tài  nào lên lịch tiệc tùng giỏi được như thế.  Và dù Sở Tài chính tỉnh này nói nhẹ đi rằng giải trình “quá chung chung”, nhưng ai cũng hiểu đã là con số thì luôn cụ thể.

Chỉ có thể lý giải bằng mấy lời chế từ thơ  Hồ Xuân Hương: Thân này ví xẻ làm đôi nhỉ - Vừa nuốt, vừa ghi mới sướng đời?

Do vậy, tớ  không hẳn  vì xót tiền thuế của đồng bào phố Núi bị ném vào những bữa tiệc của các đấng công bộc, mà buồn vì buộc phải đặt nghi vấn về một quá trình lấp liếm nhằm hợp thức hóa phần trống trong cái két ngân sách kia.



Nhân cái sự “nuốt”, lại nhớ đến lời của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh được báo Dân trí dẫn lại trong cuộc họp hôm 21-12 về nên hay không đường hầm qua sông Hàn. Ông Anh nói: “Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường không,... Xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ (ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này”.

Nhiều người thắc mắc tại sao ông Bí thư phải trần tình việc ấy, trong khi ai cũng hiểu công chức ăn lương để phục vụ lợi ích chung của nhân dân, tơ hào dù chỉ là cọng rơm cái đũa  là đã không đủ tư cách cán bộ rồi. Vậy, điều không ai hỏi mà ông tự xưng này chỉ có thể lý giải rằng đương kim Bí thư Đà thành gián tiếp khẳng định nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, phần thực trạng Đảng viên. Đồng thời, ông hiên ngang  chứng minh mình không nằm trong đám đục khoét đó.
Trước ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thời còn là Nguyên thủ quốc gia  cũng từng trăn trở về một bầy sâu trong lòng dân tộc.

Đau thế! Bao lâu nay cả hệ thống chính trị tìm lời giải cho  cái thực trạng “ổn định” về tham nhũng ở Việt Nam mà kết quả chưa thực sự khả quan. Cái trật tự tham nhũng ấy khi nào chưa bị phá vỡ thì khi ấy người dân có quyền hoài nghi mọi hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có việc “chi tiền tiếp khách” của HĐND tỉnh Gia Lai. 

Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét