Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Chỉ vật chất là vĩnh cửu


Lòng tốt có giới hạn không? Đương nhiên!

Trên đường, bạn phát hiện mỹ nhân má hồng môi thắm đánh rơi cục tiền 500.000. Bạn lập tức phi lên chặn đầu, mắng xối xả em ấy vì sự bất cẩn rồi đập cái cục to tướng kia vào đầu nàng, ưỡn ngực bỏ đi.



Nhưng khi bạn gặp một bao tải lèn chật căng những cục polyme thì số tài sản khủng đó đảm bảo vượt ngưỡng lương thiện của bạn. Bạn bí mật xách lên, lén lút bước đi, vừa hấp tấp vừa lo ngay ngáy khổ chủ quay lại tìm kiếm.

Lòng dũng cảm có giới hạn không? Có chứ!

Cũng trên đường, bạn gặp một thằng trộm đang bẻ khóa xe. Bạn hô lên, lao tới, xông vào, quật ngã, đè cứng rồi cùng quần chúng nhân dân gô cổ đứa lưu manh lại, giải lên phường.



Nhưng trong trường hợp bạn chưa lao vào đã thấy nó rút dao ra, ranh giới giữa sự can trường và ham hố đánh canh bạc tất tay với cuộc sống lập tức xuất hiện.

Nếu bạn liều lĩnh chấp nhận tử chiến để giữ chiếc xe, thì khi từ biệt thế giới trong tư thế kiêu hãnh cũng là lúc bạn rút súng nhắm thẳng vào trái tim cha mẹ, vợ con, người thân mình.

Còn “siêu phẩm chất” đạo đức cách mạng thì sao?

Tin rằng khi bạn đứng dưới cờ hô to lời thề tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, tận lực với Tổ quốc nghĩa rằng bạn kiên định với quyết tâm son sắt ấy.

Nhưng lý tưởng thì không như máy móc. Lý tưởng trơn tru hay rệu rã phụ thuộc vào quá trình hoạt động cùng nhận thức của bạn trước hiện thực khách quan.



Và lúc bạn tôn thờ kiếp phục vụ nhân dân, rủi thay, trong đám đồng chí có người trót sa ngã. Thời gian sau, con bạn thiếu tiền vào bệnh viện thì mấy đứa đó dư sức tổ chức liên miên những buổi hành lạc.

Nhìn người lại ngẫm đến ta, thế là dễ thoái hóa!

Nên, đừng tin thứ gì là vĩnh cửu ngoại trừ vật chất – Mác nói đại ý vậy

Trần Tuấn






Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Điểm nhấn tuần qua: Dư luận và chỉ báo tích cực


Sự kiện chấn động trong cả nước tuần vừa qua là việc 2 công dân dũng cảm Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam ngã xuống bởi những nhát dao hung hãn của kẻ trộm xe Nguyễn Tấn Tài.




Cảm xúc phẫn nộ trước cái ác và tiếc thương, cảm mến những trái tim quả cảm lập tức bùng cháy trong trái tim nhiều người dân lương thiện TP.HCM và rộng hơn nữa.

Hàng loạt cơ quan, đoàn thể cũng gần như ngay lập tức có những động thái tôn vinh tinh thần trượng nghĩa đối với người ngã xuống. Bằng liệt sĩ sẽ được trao cho họ. Công an TP cũng đặt lại vấn đề về công nhận chính thức mô hình hiệp sĩ, để từ đó trang bị cho họ sự chính danh, công cụ cùng kỹ năng ứng phó với tội phạm.

Tuy nhiên, cũng sau đêm 13-5 kinh hoàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám kia, bên cạnh sự tôn trọng và ủng hộ hành động của các “hiệp sĩ”, thì nhiều ý kiến đặt nghi ngại rằng chỉ với lý tưởng “giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha”, thì việc khuất phục đối thủ hiện hữu cầm hung khí, thậm chí súng trong tay luôn là sự phiêu lưu. “Kết quả” thường là “Hậu quả”.

Hơn nữa, nên bộc lộ tinh thần “hiệp sĩ” trong những tình huống bất ngờ gặp hành vi xấu, không nên lên kế hoạch bền bỉ theo dõi, kiên trì mật phục nhằm bắt quả tang. Vì, đó là việc của công an. Tại sao không báo công an kẻ nghi vấn thay cho quá trình đeo bám để tự đưa mình vào tình thế tay không chống dao găm?

Những luồng ý kiến nghi ngại ấy dù sao cũng là thiểu số!

Cho đến khi xuất hiện công văn của Sở GD&ĐT TP.HCM gửi các đơn vị liên quan. Văn bản này có nội dung đề nghị rằng, trên cơ sở những tấm gương trấn áp tội phạm trong đêm đẫm máu kia, giáo dục lòng dũng cảm cho học sinh. Từ đây, dư luận về câu chuyện “Hiệp sĩ” gần như ngay tức khắc “đổi chiều”!

“Đã có 5 điều Bác Hồ dạy, sở có cần có thêm một động thái thừa không?”; “Đừng xúi con tôi tự sát”; “Giáo dục lòng dũng cảm kiểu ấy thế trang bị trí khôn cho học sinh thế nào”…. là những bức xúc gay gắt có thể cảm nhận của phụ huynh, mà dường như tâm lý ấy không chỉ cớ ở những bậc làm cha mẹ.



Tuần qua, câu chuyện chia rẽ quan điểm còn xuất hiện trong phiên tòa ông Nguyễn Khắc Thủy  bị Tòa án Nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt 18 tháng tù treo tội Dâm ô với trẻ em.

Ban đầu, công luận phản ứng khi cho rằng mức án ấy quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Rồi vì bị đánh giá có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng nên bản án này bị kháng nghị Giám đốc thẩm.

Nhiều người đồng tình với việc kháng nghị, vì theo họ, công lý đã lên tiếng đúng thời điểm để ngăn chặn “kẻ thủ ác” ung dung với mức hình phạt mà gần như không chịu phạt (án treo). Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng với chứng cứ kết tội yếu nhưng phía kháng nghị lại không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo đã 78 tuổi này…

Việc đúng sai trong hai câu chuyện trên, trong tương lai sẽ có câu trả lời. Nhưng hiện tại, cái lợi lớn nhất mà xã hội thu được từ những cuộc tranh luận đó là ý thức công dân trước những vấn đề nổi cộm tăng lên. Mọi người cùng muốn đi tới tận cùng đáp số thông qua tranh luận. Khi đó nhận thức đã lên một tầm mức mới.

Và điều ấy tốt cho quốc gia, dân tộc.

Anh Tuấn


Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Hùm thiêng khi đã sơ cơ cũng hèn…



Công ra công, tội là tội, không nhập nhằng trắng đen theo lối té nước theo mưa, xu nịnh thời thế.
Nếu lấy tiêu chí trên cho danh hiệu Hiệp sĩ báo chí, thì chỉ với cái Infographics này, Báo Tiền phong xứng đáng.
Vì đó là một lối tác nghiệp rất quân tử.

Tờ báo này không ngại đăng hình mang thông điệp trân trọng cùng trích dẫn nghiêm túc tuyên bố khí khái của một nguyên lãnh đạo TP.HCM: Ông Đinh La Thăng.
Theo đó, vị cựu Bí thư Thành ủy thành phố mang tên Bác mong muốn tội phạm bị kéo giảm để người dân an toàn, thành phố yên ổn.
Phẩm chất một cán bộ vì dân là đây chứ đâu?
Và ngoài Tiền Phong với cái Infographic kia, hình như chả mấy tờ báo ghi nhận những điều làm được của họ Đinh lúc thất thế?. 
Bằng chứng là khi đưa tin những buổi tiếp xúc cử tri, không khí sôi sục, chăm chăm luận tội ông thời làm sếp dầu khí được giới truyền thông đặc biệt chú ý.
Còn chuyện vị cán bộ này lúc khẳng khái quyết nhanh cho bệnh nhân ung thư một chiếc cầu đi bộ hay đích thân gọi điện cho doanh nghiệp để giải cứu mối nguy bò sữa của người Củ Chi… dường như không phải là mối bận tâm?.
Tuấn Trần

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Dư luận thường thắng nhưng chưa chắc đúng


Nhân sinh thất thập cổ lai hi - 70 tuổi đã là người hiếm trong thiên hạ, 78 tuổi lại càng hiếm.
Tuy nhiên, cách ông Nguyễn Khắc Thủy ở Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng không phải là sự hiếm hoi về tuổi tác. Ông này bị biết nhiều bởi bản án Dâm ô với trẻ em, tức “trâu già thích gặm cỏ non” theo cách nói của giới trẻ.



Vấn đề là ông này liên tục phủ nhận cáo buộc và khăng khăng mình vô tội. Và, tư thế ưỡn ngực, ngẩng cao đầu khi nghe tuyên án của Đảng viên Nguyễn Khắc Thủy chả hiểu thế nào mà mình liên tưởng tới dáng đứng của Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng...
Về lý thuyết, sau bản án Phúc thẩm còn có thể có Tái thẩm hoặc Giám đốc thẩm, nhưng để hi vọng điều đó, ông Thủy cần ít nhất là cái tâm sáng, thủy chung son sắt tin vào công lý (nếu đúng không có chuyện dâm ô). Ngoài ra còn là sức khỏe và sự bền bỉ, dũng cảm như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long.
Mà chuyện ấy xa quá, có khi xuống mồ rồi vẫn còn ấm ức…. Thôi cứ bàn gần đã, là chuyện dư luận:
Cụ thể là trước khi vụ án được tòa đưa ra xét xử, nhiều người sốt sắng quả quyết rằng cụ già này chắc chắn tính thú; ham hố rờ mó, sờ soạng, hôn hít nhiều bé gái. Bản án 18 tháng tù treo càng củng cố niềm tin đó, và theo đà, họ bày tỏ phẫn nộ bởi mức hình phạt quá nhẹ.
Chả phải dân đen, đến nhiều cơ quan nhà nước cũng có động thái phản ứng mức án nhẹ tựa lông hồng đó. Nhưng…
Xét về tình: Việc quyết liệt đòi ném bằng được một ông lão gần đất xa trời vào vòng lao lý, bắt chia rẽ với con, cháu, chắt, người thân… có lẽ là không đúng với truyền thống đạo đức xưa nay.
Xét về xã hội: Nguyễn Khắc Thủy là Đảng viên, tức một yếu tố đại diện cho lực lượng tinh hoa của quốc gia, dân tộc. Quy kết ông này là một con “quỷ râu xanh” thì cần trả lời được niềm tin xã hội sẽ cố kết hơn hay bị sụp đổ không kiểm soát?.
Xét về lý: Các chứng cứ định tội chủ yếu dựa trên lời kể và một vài hình ảnh tĩnh, không rõ nét.... Nhưng cứ coi bản án tòa là có căn cứ, thì tỉ số giữa được và mất vẫn là 2-1, hoặc gần gần 2-1…
Với tỉ số đó mà đông đảo dư luận nhất quyết đưa danh dự một cá nhân lên máy chém thì chưa chắc số đông ấy đã thực lòng thiết tha tôn thờ phẩm chất đạo đức.

Trần Tuấn

Vì tội phạm cũng khao khát tự do...


Vũ khí của ta là tinh thần hiệp sĩ. Vũ khí bên trộm là tuốc nơ vít, dao, thậm chí súng.

Dùng ý chí chiến đấu với hung khí! Phần thắng của bên Thiện là tuyệt đối nếu như đó là chi tiết trong những câu chuyện thần thoại về cuộc đối đầu giữa 2 lực lượng Tốt - Xấu...


Trong vụ 2 hiệp sĩ bị mấy thằng bẻ khóa xe đâm chết ở quận 3, theo mình, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những tay ủng hộ và cổ vũ cho mô hình thiếu căn cứ pháp luật: "Hiệp sĩ".

Hoặc trách nhiệm của dàn camera an ninh. Vì chúng không biết tự lên tiếng quảng cáo có khả năng bắt nguội tội phạm.

Vì trộm cướp cũng có nhu cầu tự do như bất cứ ai. Dùng tay không để trấn áp khao khát tẩu thoát mãnh liệt, nguy cơ thiệt hại đầu tiên chính là mạng sống. 

Cái thiệt hại thứ hai là nỗi đau của cha mẹ, vợ con, người thân của họ…

Trần Tuấn

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

'Hiến pháp Thủ Thiêm'


“Hiến pháp 1/5.000” này có khi nào được ngụy tạo bởi một số người thích đùa với pháp luật?

Theo mình hiểu, một siêu đô thị dự kiến hình thành thì ngoài những điều kiện abc, dứt khoát nó phải có bản đồ quy hoạch 1/5.000. Những bản đồ 1/2.000, 1/500….. được sinh ra sau đó chỉ là cụ thể hóa cái 1/5.000 kia.
Nói cách khác, cái 1/5.000 là một dạng “Hiến pháp” đối với những công trình xây dựng trong đô thị đó.


Bản đồ gốc 1/5.000 của Khu đô thị Thủ Thiêm hiện chưa có quan chức nào khẳng định nhìn thấy. Nghĩa là nó thất lạc hoặc không tồn tại.
Mà trong trường hợp không tồn tại thì đồng nghĩa với việc các bản 1/2.000 và 1/500 kia là những đứa con hoang, bất hợp pháp.
Đã có trên một vạn hộ dân ảnh hưởng từ “quy hoạch” khu đô thị mới Thủ Thiêm kia. Trong đó, nhiều người phải đùm cơm nắm, chiếu manh ra Thủ Đô khiếu nại chỉ vì không biết rõ chân tướng của bản đồ mẹ như thế nào.
Và chi phí cơ hội họ bỏ ra trong hàng chục năm bất phục đó có lẽ dư sức làm vài dự án khủng. Tuy nhiên, nó rất nhỏ bé khi so với cái giá phải bỏ để khôi phục niềm tin của xã hội nếu “Hiến pháp 1/5.000” kia được ngụy tạo bởi một số người.
Giống như chuyện bạn đi trên đường rồi bị một tay mặc cảnh phục vẫy. Hắn đưa giấy tờ chứng minh đang thực hiện công vụ là một bản photocopy thẻ ngành. Bạn làm gì? Đưa hết tiền bạc hay quyết một phen sống mái vì tưởng cướp?

Trần Tuấn