Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Quốc ngữ "dượng"


Việt Nam có trên 54 sắc tộc, mà ta quen miệng gọi là “dân tộc”, thì đồng thời với đó là có trên năm chục ngôn ngữ khác nhau.  Trong số đó, tiếng của người Kinh được chọn là ngôn ngữ quốc gia (Quốc ngữ).
Lý do là dân số người Kinh đông, lãnh đạo đất nước đa phần Kinh.


Nay, nếu đề nghị tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam của tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông thành hiện thực, chúng ta sẽ có 2 quốc ngữ. Một Quốc ngữ đẻ, một Quốc dượng.
Ngoài trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được nâng lên gấp đôi, 54 sắc tộc anh em của đất nước hình tia chớp sẽ được gì?
Được ghi tên trên bản đồ thế giới là một trong số ít quốc gia thu phục một ngoại ngữ thành nội ngữ?
Sự kết nối với thế giới nhanh hơn dù thời gian đầu có thể xổ tiếng “quốc ngữ 2” hơi ngọng?
Giảm chi phí bao đoàn tháp tùng lãnh đạo ra thế giới, tống cổ mấy chú phiên dịch tiếng Mỹ về quê học thêm 1 ngoại ngữ?
Buộc người Mường, người Thái, người Dao…. Vắt chân lên cổ chạy học để thành thạo ít nhất 3 ngôn ngữ?
Vân vân và vân vân cái lợi... Bọn xứ sương mù ngồi đấy mà ganh tị rồi húng hắng đòi bản quyền nhá! Ông đập cho toi!
Tiếng Anh muôn năm!

Anh Tuấn

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Giữa trời ngập nước anh ca


 “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể…”



Cơn mưa nhớn chiều tối qua quá tệ
Ngập phố phường, úng thối cả tư duy
Anh cô đơn như giữa chốn biên thùy
Nơi ranh giới của thuế dân, thuế mạng
Anh đang nghĩ giữa Sài Gòn sáng lạn
Nước mắt Thủ Thiêm rơi ướt bản đồ tiền?
Anh đang nghĩ nhiều ngả đường người như kiến
Khói bụi, còi xe nhấn tâm trạng xuống bùn?...
Hay anh nghĩ đang bơi giữa thiên đường?
Ồ, có thể, vì nước sâu rất mát!
Và yêu lắm, nếu ngẩng đầu anh hát
“Thảnh thơi thơ túi rượu bầu…”

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Khiêm tốn là con dao hai lưỡi!



Khiêm tốn rất cần, đặc biệt cần nếu là cán bộ.

Ông khiêm tốn trước nhân dân, nhân dân sẽ đưa ông lên hàng tượng đài. Tuy nhiên, nếu mang sự khiêm tốn ấy tới tòa án, ông từ nhân vật ngạo nghễ dễ biến thành kẻ xu nịnh thần gọi là công lý.



Các cựu tướng công an trong vụ án đánh bạc kinh động truyền thông mấy tháng nay (rất tiếc hoặc rất may) không nằm trong số khiêm tốn như vừa nói. Đơn giản vì họ không còn là quan chức trước tòa.

Họ chỉ là những con người não nhỏ, ngây thơ đưa vạt áo ra bao bọc tổ ong.

Cờ bạc, nếu thắng thì ông là thầy giáo của dân đỏ đen, nếu thua sẽ thành điển hình của ý chí không đầu hàng số phận. Còn nếu là người tổ chức, ông đương nhiên đi vào giáo trình môn khoa học về kỹ năng làm trọng tài minh bạch nhất thế giới.

Vậy thì sao phải khiêm tốn? Vì, khiêm tốn rồi khóc lóc trước tòa có gì đó giống như ông đang chửi đểu những tay đề đạt mình leo lên chức vụ có thể điều hành đường dây triệu đô!

Tướng tá khỉ gì mà trước tòa vẫn ảo tưởng mình đang tự phê bình, tự kiểm điểm?

Tuấn Trần

Thông báo khẩn: 4 bão liên tiếp!

Đến 15 giờ 30 chiều nay (23-11), bão số 9 di chuyển nhanh với sức mạnh khủng khiếp, tốc độ gió trên cấp 11 chỉ còn cách bờ biển nước ta chưa tới nửa ngàn km.



Dự kiến bão sẽ tiến vào các tỉnh phía Nam và bất kể chúng ta kiên cường đối phó thế nào thì trong vòng 48 giờ tới nó sẽ biến thành áp thấp nhiệt đới. Sự chuyển hóa tên gọi trong thời gian rất ngắn này một lần nữa cho thấy tính tráo trở của tự nhiên!

Việc nó còn quần thảo và tung hứng với cảm xúc lo lắng, mức độ khẩn trương, tinh thần trách nhiệm cao vút của các Ủy ban phòng chống thiên tai thế nào, chúng ta còn chờ. Tuy nhiên, hệ quả đầu tiên mà ai cũng nhận thấy là trong chính thành phố đang xuất hiện ít nhất 3 cơn bão.

Cơn bão thứ nhất: Người người đang nườm nượp đổ bộ các cửa hàng sửa xe để kiểm tra bình ắc quy và chỉnh bu-gi xe máy. Họ đề phòng một vài ngày tới mưa lớn từ áp thấp nhiệt đới sẽ gây ngập đường.



Cơn bão thứ hai, các bậc phụ huynh đang quay cuồng nỗi lo sẽ nhốt con em ở đâu khi Sở giáo dục ra thông báo cho học sinh nghỉ học phòng chống bão số 9. Nỗi lo gửi con hiện đã lên cấp 10, giật cấp 11.

Đặc biệt, cơn bão số 3: Mua váy và sắm nội y xịn!

Theo ghi nhận, từ chiều nay, các tiệm váy áo chật kín khách hàng. Chị em độ tuổi 15 đến 60, thậm chí 70, 80 chen chật kín với khao khát chọn được chiếc vay ưng ý. 

Họ cập nhật thông tin về tốc độ gió của bão số 9 liên tục, đưa ra những mô phỏng về sức “giật vải” của gió để chọn váy phù hợp nhất. Tiêu chí đầu tiên là khi mặc ra đường, nó phải tung bay nhưng bay một cách nghệ thuật và không đấng đàn ông nào được phép hiểu là cố ý.



Tất nhiên, để được váy bay, các cửa hàng bán nội y sành điệu cũng đang rất đắt khách! “Mấy khi được may mắn có cơ hội khoe khéo body” – một U50 nói.

Được biết, với cơn bão mua sắm này, các cửa hàng đã nâng mức cảnh báo từ cấp 3 lên cấp 10.

Tuấn Trần



Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Bình đẳng giới?


Nếu phái mạnh kiểm soát Nam bán cầu thì phái đẹp nắm Bắc bán cầu? Nếu các anh là chính phủ, phụ nữ phải là quốc hội?


Nếu các chàng lái được máy bay giữa bầu trời, đương nhiên các nàng thừa sức đánh võng  máy cày trên ruộng rau? Nếu ông uống rượu, bà cần nghiện bia? Bạn nín thở 10 phút, đối tác của bạn cũng phải bịt mũi 600 giây?...
Khi bạn đinh ninh như thế nghĩa là bạn nhất trí rằng hổ báo cần ngang tầm với thợ săn? Và bạn sai!
Vì, Bình đẳng giới không phải là sự vật lộn có trật tự! Bình đẳng giới chỉ là sự công bằng trong tiếp cận cơ hội.
Thằng cu em tát bồ 2 phát, con bồ ôm mặt lao vào phòng tắm nhưng rồi thình lình đổi hướng. Con đó phi tới nhà bếp chộp vội cây dao phóng lợn và nhào lên… Hiện trường vắng tanh, do thằng cu em chạy lên lầu tìm súng!
Thấy chưa, cơ hội bằng nhau, quan trọng là sử dụng thế nào.

Trần Tuấn



Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Rượu và mại dâm


Giống như khi cất lên tiếng cười, bạn “há há, hắc hắc, hí hí, hì hì, hi hi…” trong đám cưới thì vô tư nhưng trong đám ma thì cẩn thận bạn sẽ đồng hành với người quá cố.
Giống như lúc cầm súng giết người, việc bạn trở thành anh hùng hay thằng giặc ác ôn tùy thuộc vào lúc đó bạn đứng về phía bên nào? Tình huống bóp cò có lợi cho xã hội hay không?...


Thì chuyện uống rượu cũng thế. Rượu giúp bạn bỗng dưng dũng cảm cất lời tỏ tình với người trong mộng. Tuy nhiên, nó cũng khiến bạn nhớ lại thù xưa mà đập vỏ chai đâm chết thằng bạn nhậu.
Mấy nay nghe chuyện các vị đại biểu động khẩu trên diễn đàn quốc hội về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia, có cảm giác như trong truyện thầy bói xem voi.
Bởi, quan điểm vị nào cũng đúng, gần đúng hoặc có lý vì các vị hoặc nói dưới góc độ văn hóa, dưới góc độ lịch sử, dưới góc độ văn minh, dưới góc độ sức khỏe, hay tội phạm, tai nạn….
Tranh luận về rượu mà chưa thống nhất nội hàm khái niệm (trường hợp này là bản chất luật rượu) thì coi chừng đi lại vết xe của câu chuyện mại dâm: Cả ngàn năm mà kết cục hợp pháp hay không hợp pháp nghề điếm vẫn chưa ngã ngũ!

Trần Tuấn




Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Nhầm vai trò


 ít nhất 2 chuyện không hay ho.

Thứ một, trước lúc tạm ngưng ánh hào quang, ông Đinh La Thăng về làm Phó trưởng ban kinh tế trung ương. Thứ hai, cách thời điểm khai sinh kết luận kỳ họp 31 của Ủy ban kiểm tra Trung ương chừng chục ngày, ông Tất Thành Cang nhận thêm vị trí Trưởng ban chỉ đạo hòa giải, đối thoại Thành phố.



Xét dưới góc độ nhà làm luật: Cá nhân vô tội trước thời điểm tòa ra phán quyết -  Một quan điểm rất nên cổ vũ

Xét dưới góc độ nhà quản trị: Đây là sự thất bại trong định hướng kế hoạch - Bài toán nhân sự loạn đáp số ngay khi nó vừa mới bắt đầu.

Và dưới góc nhìn của nghệ sĩ: Sự tưởng tượng nào cũng có thể thành thực tế. – Khán giả càng khắt khe, sân khấu kịch càng cần nâng cấp tính kịch!

Còn một góc nhìn quan trọng nữa là của dân, thế là mình đi hỏi dân. Dân chửi: Đang lo vá thuyền bỏ mẹ, trả lời gì ba chuyện tào lao!

Hóa ra chú dân cũng nhầm vai trò.

Tuấn Trần







x

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Cái lợi tù tại gia


Thứ nhất, xóa sổ việc xử “án điểm”, vì một phường có chừng chục tù nhân thôi cũng đủ khiến cả khu vực kinh sợ việc trả giá cho hành vi phạm pháp.



Thứ hai, nhà nước giảm gánh nặng chi phí đêm đêm vác súng, quản lý và phục vụ tù.
Thứ ba, giúp xã hội xuất hiện ngành “hot” là hàn và thiết kế lồng sắt nhốt phạm.
Thứ tư, giảm áp lực cho quốc hội phải tính chuyện ra luật quy định phạm nhân được quyền có con, được hiến tinh trùng ra sao.
Thứ năm, diện tích trại giam chắc chắn giảm, dùng phần tinh gọn đất đai ấy làm sân gôn thì thu tiền khủng khiếp.
Chỉ có duy nhất cái hại, đó là nguy cơ xã hội tự chuyển hóa thành xã hội tiếu lâm.
Năm lợi ích thiết thực, một cái hại (nhưng chỉ ở khả năng) thì tội gì mà không ủng hộ nhiệt tình?

Tuấn Trần


Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Xin lỗi dân?


Trong số 4 quốc gia ngôi sao theo học thuyết Mác-Lê thì Việt Nam và Trung Quốc đánh tham nhũng mạnh nhất. Nếu Trung Quốc “đả hổ, diệt ruồi” thì Việt Nam đưa cả hổ lẫn ruồi vào “lò”.




Hôm nay, cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh ra tòa. 99 phần trăm ông Vĩnh sẽ bị tuyên có tội. Một phần trăm còn lại phụ thuộc vào sức khỏe của ông hoặc chủ tọa có bị khản giọng hay không.
Trong đại án cờ bạc, người từng nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang này cùng gần trăm bị cáo khác là một phần của quyết tâm tiễu trừ “giặc nội xâm” của lãnh đạo đất nước. Trước đó, các vị Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Đinh La Thăng… cũng đã lần lượt nếm mùi “củi cháy”.
Vì đâu nên cơ sự hàng ngàn tỉ đồng người dân nộp thuế bốc hơi?. Cơ sự nào mà gia đình những ông bà khiến tiền bốc hơi đó lâm vào cảnh chia lìa người thân, hàng tháng lặn lội cơm đùm xôi nắm thăm anh em, cha mẹ trong trại giam?
Đó là do một thời nhà nước lỏng lẻo quản lý, giờ phát hiện sự lỏng lẻo ấy nên siết. Việc siết lại thông qua hai hình thức cả Pháp trị lẫn Đức trị, nghĩa là sửa luật phòng chống tham nhũng và ra nghị quyết nêu gương trong cán bộ đảng viên.
Thấy sai và sửa là tốt nhưng chưa đủ. Sẽ hay hơn nếu chính nhà nước dũng cảm đưa ra lời xin lỗi nhân dân vì một thời điều hành đất nước, quản lý cán bộ khá "lơ mơ" của mình?
Nếu lò nhất định phải nóng vì nước đang cần sôi... thì nước sôi ấy dùng pha chè hay tưới cây còn nằm ở lời xin lỗi và cam kết về lộ trình sửa lỗi.
Anh Tuấn

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Thuốc thịt người


Xét về câu chuyện ăn thịt người (gồm cả sản phẩm dân gian, dã sử, lịch sử tới hiện tại) thì tỉ số của Việt Nam và Trung Quốc cực chênh lệch!

Việt Nam có cổ tích Tấm Cám với chi tiết nhét mắm chưng cất từ thịt người vào miệng người mẹ thương con ruột, ghét con chồng.
Trong tích Thoại Khanh – Châu Tuấn cũng có chuyện người con dâu lóc thịt cánh tay để người mẹ chồng bị mù ăn cho đỡ đói.
Còn tại Trung Quốc, sản phẩm văn học Thủy Hử chốc chốc lại xuất hiện những tửu điếm đánh thuốc mê khách trọ rồi giết lấy thịt chế nhân bánh bao.
Tây Du ký cũng vậy, chuyện lũ yêu quái ham muốn mãnh liệt chén thịt nhân vật được quy hoạch lên phật… xuất hiện trong gần hết 81 kiếp nạn của Đường Tăng.
Trong dã sử, Tây Bá Hầu Cơ Xương, vị khởi tổ của nhà Chu, hình như là nhân vật đầu tiên ăn thịt người, mà là thịt của chính con trai mình. Đến thời Xuân thu – Chiến quốc, đầu bếp tên Dịch Nha đã sẵn sàng nhúng đứa con mới đẻ vào nồi nước sôi đặng chế biến món ngon nịnh Tề Hoàn Công…Tới giai đoạn nhà Hán loạn, siêu đại tướng Khương Duy của phía Thục khi thất thế đã bị lũ tướng lĩnh bên Ngụy mổ bụng, thấy quả mật lớn như quả trứng gà…
Tạm thống kê vậy và có lẽ chưa đủ!
Và giờ đây, một loại thuốc sản xuất từ nước họ có thành phần thịt người. Mình thấy điều này bình thường nếu xét trên lịch sử tưởng tượng của dân tộc họ về món ăn chiết xuất từ đồng loại.
Với lại, tận dụng người chết để cứu người sống thì có sao? Đến rác còn tái chế được mà.
Trần Tuấn

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Tham vọng giai cấp?


Chuẩn mực xã hội là những quy tắc xã hội đặt ra mà những cá nhân muốn tồn tại trong xã hội đó cần tuân theo. Ví dụ: Lái xe trên đường phải biết sử dụng còi,  muốn lên giường với ai đó thì nên hỏi nó có gia đình hay chưa, trời mưa cần nhường ô cho phụ nữ…


Những quy tắc xã hội đặt ra đó lại phần nhiều phụ thuộc vào quan điểm của giai cấp thống trị. Ví dụ, giai cấp ấy coi việc nợ máu trả máu là đương nhiên, thì thành viên của xã hội khi chứng kiến một án mạng thường sẽ đòi hỏi hung thủ đền mạng  để “công lý được thực thi” mà quên mất việc họ từng chửi những con chó nuôi trong nhà dám ăn thịt cầy.
Nói chung, chuẩn mực xã hội phụ thuộc vào xã hội đó muốn ứng xử với một vấn đề thế nào. Thời bác Lê Duẩn, Trung Quốc là kẻ thù hàng top, nhưng đến nay thì tên quốc gia đó đã biến khỏi hiến pháp nước nhà.

Mấy điều trên to tát quá, thôi giờ nói chuyện “nói ngọng”.
Trên Quốc hội ngày 8-11, một đại biểu khi góp ý Luật giáo dục đã rất tâm tư tật “nói ngọng”, vì theo ông, ngọng sẽ khiến cách viết chính tả bị lầm đường và làm uy tín của ngành giáo dục lạc lối .


Xin thưa, “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Các cụ nhà ta đã dạy rằng người địa phương này mà phát âm tiếng của địa phương khác thì tội còn lớn hơn cả đứa làm “nghịch tử” dám mắng cha.
Nếu ông muốn dân Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Lào Cai, 62 tỉnh thành… phát âm y như tiếng Hà Nội thì mời ông  làm Tổng thống thế giới để chuyển hóa giọng ngọng của bọn đế quốc thành giọng ông đang nói….
Một đề xuất mang tham vọng giai cấp lớn khủng khiếp của một đại biểu?

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Nhà báo?


Nhà báo giỏi là người biết cách giải tỏa những vấn đề bạn đọc quan tâm. 

Ví dụ: Nhà ông quan chức A kia tại sao nghèo thế?  Bà doanh nhân B lời được bao tiền mỗi năm mà làm từ thiện giúp vô khối cuộc đời bơ vơ có khả năng học tập, trưởng thành, phấn đấu thành quan chức nhiều vây cánh?  Cô nghệ sĩ C mỗi khi lên sàn diễn hở bao nhiêu phần trăm ngực, và khoảng hở ấy so với lúc hở khi bên người tình chênh lệch với tỉ số nào?.....


Còn nhà báo rất giỏi là người biết cách hướng bạn đọc quan tâm tới vấn đề nhà báo ấy đang quan tâm. 

Ví dụ: Ông quan chức kia nghèo vậy nhưng liệu có khả năng đi tù về tội tham ô không? Bà doanh nhân B kia bao bọc nhiều mảnh đời, thế điều gì khiến bà ấy tự nguyện bóp cuộc đời mình trở nên thánh thiện? Cô nghệ sĩ kia khi hở ngực thì xác xuất bị đại gia ve vãn đã tiệm cận mức tự nguyện bán dâm hay chưa?...

Nhưng với  nhà báo siêu giỏi, nó không cần phải trả lời câu hỏi của bất cứ ai. Nó cũng chả thèm xỏ mũi để dẫn dắt bất cứ bạn đọc nào.  Nó cứ thản nhiên viết theo ý nó nhưng cả xã hội rần rần chạy theo.

Với chú đạt cảnh giới này thì ví dụ rõ ràng nhất là không ví dụ!. Chú thành một kiểu lãnh tụ rồi,  bài viết về cái bồn cầu của chú cũng có thể trở thành cẩm nang gối đầu, tài liệu tập huấn...

Bạn đừng hỏi mình mong muốn đạt tới cấp độ nào trên đây, vì mình không trả lời được. Mình chỉ là đứa gõ phím chục viu.

Trần Tuấn



Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Ngòi bút hỗn!


Khoảng 10 năm nay mình rất ít văng tục. Lý do không phải bỗng nhiên lột xác thành đứa văn minh, mà chỉ là cuộc sống khá bằng phẳng nên ít gặp tình huống xứng đáng để cái miệng tự giác chửi thề.

Nay thì hơi khác, đọc báo bỗng nhiên bản chất tự nhiên nổi hứng mất nết…



Là khúc phỏng vấn bên hành lang quốc hội đại biểu Phạm Khánh Phong Lan của tay PV Xuân Hưng (vnmedia) được baomoi dẫn lại. Title: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên suy nghĩ xem mình đủ sức làm bộ trưởng không”

Tìm bản gốc cái tựa ấy thì “chính chủ” lặn mất, chỉ còn những trang dẫn lại. Tuy nhiên, dấu vết trên Google chỉ đích danh vnmedia cùng Xuân Hưng đã sản xuất món nhảm “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên suy nghĩ xem mình đủ sức làm bộ trưởng không”


Đọc toàn bộ bài báo mất dạy này, hóa ra câu trong ngoặc kép ngỡ là lời bà Lan, lại là của PV Xuân Hưng: Tổng Bí thư đang nói đến chuyện làm gương, trong khi Bộ trưởng Nhạ là lãnh đạo của những người thầy mà lại có những cách hành xử bị xã hội phản ứng như vậy, nếu để học sinh, sinh viên nhìn vào thì có còn xứng đáng ngồi ở vị trí đó nữa không?”

Và vị Đại biểu có chuyên môn về y tế dường như bị hút vào câu hỏi đậm chất mớm cung đó, nhưng còn đủ tỉnh táo để thể hiện chút chính kiến. Bà trả lời: Theo tôi, bản thân Bộ trưởng sẽ phải suy nghĩ lại xem mình có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không, chứ nếu không đủ sức mà như thế này thì rất là khổ. Mình cũng không dám khuyên Bộ trưởng phải như thế nào đâu, nhưng phải nói là sức ép này cực kỳ lớn, và anh phải có giải pháp…”. 

Một đứa cố tình gài, kẻ bị gài thì đá quả bóng trả lời bằng cách suy diễn tâm lý người khác. Nói nôm na là ông hỏi gà, bà đáp vịt.

Thậm chí, trong trường hợp bà Phong Lan trả lời đúng ý Duy Hưng, tức sập bẫy”, thì đó cũng là câu nhận xét sau lưng, bên hành lang quốc hội. Nó không phải lời đánh giá giữa chốn nghị trường, mặt đối mặt mang khí phách quân tử.

Bài phỏng vấn đặt vấn đề ông Nhạ “đủ sức làm bộ trưởng không?” nhưng lại không đề xuất được ý tưởng tiến cử ai khả dĩ làm tốt hơn ông Nhạ.

 


Dẫn ý Tổng Bí thư làm bình phong cho cách đặt vấn đề hiểm ác, phóng viên của vnmedia hào hứng quá mà quên mất chuyện 2 năm trước Quốc hội đặt niềm tin dẫn dắt ngành giáo dục của ông Nhạ, và vừa rồi đây, tỉ lệ phiếu đánh giá từ “tín nhiệm” tới “tín nhiệm cao” của chính những người trong Quốc hội này vẫn trên ngưỡng 70%.

Mấy đứa làm báo này có vẻ thèm khát chuyện vỗ ngực ta đây khiến bộ máy nhà nước lục đục thì phải?

Ơ, tự nhiên mất hứng văng tục!

Trần Tuấn