Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Chọn gì trước thiên tai?

 Ngành Xã hội học tôi học có tiếp cận lý thuyết hành vi. Lý thuyết ấy đại thể nói rằng trước mỗi tình huống thì cá nhân luôn có xu hướng lựa chọn cách hành xử sao cho có lợi nhất.

Ông thấy cục tiền giữa đường, ông sẽ chộp ngay lấy và mang đi nhậu. Hoặc cũng cục tiền ấy, ông mang về đóng học phí cho con. Ngoài ra, ông còn nhiều lựa chọn khác nữa như xách tới công an, làm giấy gián diều hay ném mẹ nó đi….

Những phương án lựa chọn trên đều thống nhất rằng ông làm vì ông thấy điều ấy thỏa mãn cho ông. Sự  lựa chọn cách “thỏa mãn” như thế nào là do học vấn, văn hóa, vốn xã hội của ông.



Mấy hôm nay, nhiều năm nay… tôi thấy việc cứu trợ cho người dân vùng gặp thiên tai cứ xuân thu nhị kỳ. Nói đều như vắt chanh thì quá, nhưng thường xuyên thì đúng.

Vấn đề là bên cạnh cái quỹ phòng chống thiên tai, cái hô hào của các cấp chính quyền… thì sự xúc động nhất của việc “đều như vắt chanh” luôn đến từ những cá nhân dân dã.

Những cá nhân ấy kêu gọi ủng hộ tiền bạc, mì tôm, quần áo cho đồng bào gặp nạn. Họ xông pha vào vùng lũ phát quà cho dân. Họ bỏ tiền, bỏ công sức, bỏ sự lo lắng của chính người thân họ chỉ vì muốn san sẻ với người dân gặp nạn…

Họ lựa chọn hành vi, cách làm nghĩa hiệp như thế vì họ thấy phù hợp nhất cho lý tưởng của họ.

Nếu đặt vào vị trí người dân trong lũ, tôi chắc chắn sẽ cảm ơn manh áo, gói mì của họ. Tuy nhiên, cảm ơn là một chuyện còn chua chát là một chuyện.

Bởi, rõ ràng đây không phải năm đột xuất, mà như nhiều năm, những hoạt động từ thiện của kia rõ ràng thể hiện sự thiếu an tâm vào phản ứng giúp dân của chính quyền. Nói cách khác, là một lời trách đầy cay đắng gửi tới giới được chọn vào hàng ngũ tinh hoa phục vụ dân.

Hoạt động từ thiện ấy đang vô hình trung  tạo sự yếm thế, địa vị thấp kém, tâm lý chịu ơn tới chính những đồng bào nhận từ thiện.

Và hoạt động ấy nếu liên tục, tôi nghi nó đang manh nha tạo ra thói đạo đức giả, thương vay khóc mướn ở bất cứ tầng lớp nào.



Nên, lựa chọn hành vi trong câu chuyện thiên tai này, từ việc nhỏ là cho/nhận giữa người dân tới việc lớn là xây dựng quy hoạch, lập chính sách của chính quyền, thậm chí tưởng nhớ người đã khuất… chính là sự phản ánh nhận thức, mối quan tâm, giá trị, học vấn, văn hóa… của những người tạo ra hành vi đó.

Anh Tuấn

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Sách Tiếng Việt: Người lớn thích tiền, trẻ con chỉ cần kẹo

Ở tuổi lên 6, hiệu quả ghép vần là quan trọng hơn cả. Cái tài, đồng thời là sứ mệnh của giáo viên chính là kỹ năng mở rộng bài học ở trên lớp.


Tôi không biết các bậc phụ huynh đang phản ứng kịch liệt với nhóm tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 kia đòi hỏi gì ở lứa tuổi măng non. Với tôi, chuyện các bé nhanh biết đọc, viết là ưu tiên hàng đầu. Vấn đề đạo đức, lối sống, lòng trung thực, tính khiêm tốn… ở tuổi này phần nhiều phụ thuộc vào gia đình nơi chúng được nuôi dưỡng, khu vực nơi chúng lớn lên.

Ở cuốn sách giáo khoa đang gây tranh cãi kia, nhược điểm lớn nhất mà nó mang việc các tác giả sách đã xào xáo lại những tác phẩm nước ngoài một cách khiên cưỡng. Còn thì tập sách cho trẻ vỡ lòng đó đáp ứng được nhiệm vụ giúp trẻ nhanh chóng ghép vần, bước đầu tiếp cận với những từ láy, vốn là một đặc điểm của ngôn ngữ mang nhiều vần điệu của tiếng Việt.

Cùng với đó, một lý giải rất có lý của nhóm tác giả, là bên cạnh nội dung ngắn gọn của bài đọc, giáo viên chính là người đóng vai trò hướng dẫn, định hướng cho học sinh…

Vậy thì cớ gì các phụ huynh chỉ nhìn vào những dòng chữ trên mặt giấy mà vội vàng phán xét?.

Không lẽ những thầy cô bị loại khỏi vị trí “người đưa đò” để trở thành những cái máy dạy học sinh?. Họ lẽ nào không lưu ý các bé thêm về những hành động khó hiểu của con cò hay con ngựa trong sách giáo khoa?. Họ lẽ nào không gợi ra để các bé biết phía sau các mẩu chuyện rút gọn đó còn mênh mông bao sự thú vị?...

Cái tài, đồng thời là sứ mệnh của giáo viên chính là kỹ năng mở rộng bài học ở trên lớp như vậy.

Hiện không có số liệu thống kê tình trạng vô tâm với cha mẹ, thiếu tử tế với bạn bè, phản bội các giá trị xã hội của các thế hệ học sinh qua các thời kỳ cải cách giáo dục. Do vậy, không thể khẳng định những hệ lụy vừa kể có sự khác nhau trong cách tiếp cận chương trình lớp 1.

Tuy nhiên, tỉ lệ người biết đọc, viết và không tái mù chữ ngày càng được cải thiện qua các năm.

Và tôi cho rằng, những ai đứng dưới góc nhìn giáo dục phẩm chất trẻ nhưng lại dùng ngôn ngữ đầy nặng nề và xúc phạm… thì có lẽ họ đang mâu thuẫn với chính phát ngôn của họ.

Một cách gián tiếp, họ đang đồng ý rằng những cảm xúc thiếu kiềm chế ngày hôm nay của họ không có nguyên nhân từ việc ngày xưa họ tiếp cận những con chữ đầu đời như thế nào.

Đương nhiên, nếu sách có sạn và gạt sạn từ ngay khi nó còn thai nghén thì tốt quá. Tuy nhiên, nếu nó chỉ được có thế thì không nên vì cái đạo đức của nhóm người trưởng thành mà hè nhau sỉ nhục những người soạn sách cho trẻ.

Những người soạn sách ấy, theo tôi, chỉ vì mục tiêu ưu tiên là trẻ nhanh nắm bắt quy luật chính tả. Các định hướng làm công dân tốt khác, xin hãy san sẻ cho hệ thống các môn học từ phổ thông tới đại học, gia đình, địa phương và “trường đời”.

Anh Tuấn

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Mỗi năm mỗi sự thình lình

 Chẳng riêng Việt Nam, bất cứ nơi nào đó trên địa cầu gặp thiên tai hay thảm họa, loài người chắc chắn xắn tay hoặc chung tay hỗ trợ.

Nên, phê bình về thói quen hành xử thương người như thương thân, lá lành đùm lá rách là một sự phê bình phản tiến bộ thế giới. Sự phản tiến bộ ấy nghệ sĩ coi là lãng mạn, trí thức nói là ý kiến khác, giới chính trị gọi thẳng là phản động.



Tuy nhiên, trong một số trường hợp không đến từ nguyên nhân thảm họa bất thình lình thì việc phê bình là cần thiết. Bởi, nó mang những trăn trở về tương lai của một nhóm địa phương thường xuyên điêu đứng mỗi khi mùa mưa bão tới.

Từ nhiều năm nay, việc chính phủ hỗ trợ cứu đói, MTTQ phát động ủng hộ đồng bào, các tổ chức, cá nhân khác kêu gọi quyên góp… dường như không còn là một nhiệm vụ đột xuất, mà thậm chí diễn ra theo chu kì.  Và, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu toàn bộ doanh nghiệp hoặc nhóm người tốt bụng nào đó dành hẳn một loại quỹ mạnh thường quân để sẵn sàng thể hiện sự sẻ chia mỗi khi có thiên tai.

Thế hóa ra đến thời đại này, mưa bão đi về theo đường mòn thời gian cả trăm năm nay vẫn là một con ngáo ộp bất trị? Chúng ta vẫn phải dành một khoản tình thương và những chiếc lá lành như một quỹ chi thường xuyên?. Chúng ta vẫn khóc lại những bài khóc cũ của nhiều năm trước như thương lằm tỉnh A ơi; Cố lên tỉnh A ơi; Tỉnh A ơi đứt từng khúc ruột…?

Trong khi, khám phá quy luật khắc nghiệt của tự nhiên để điều chỉnh, cảnh giác, phòng tránh, triệt tiêu sự quái ác của nó không phải không nằm trong khả năng của con người thời đại này. Vậy mà mỗi mùa mưa bão, chúng ta vẫn hướng về tỉnh A, vùng B, địa phương C với sự canh cánh tâm tư như một thói quen?.

Tôi cho rằng thói quen ấy đang đồng lõa với sự buông xuôi, phó mặc, nhu nhược trước thiên nhiên...

Hiện tại thì nên, nhưng về lâu dài thì có lẽ cần sự hết lòng hơn từ những điều chỉnh vĩ mô.

Trần Tuấn

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Những điệp khúc có thể cắt

Mỗi năm, người Việt bất đắc dĩ tế cho thiên tai hàng chục mạng sống, bao gồm bị nước cuốn, sạt lở, sập công trình, chưa kể bị sét đánh.

Nguyên nhân khiến bè lũ Thủy tinh lộng hành đứng từ góc nhìn phủi trách nhiệm là do biến đổi khí hậu toàn cầu, phá rừng, tận thu tài nguyên...


Đứng từ góc nhìn quản lý là do hệ thống dự báo, cảnh báo, tuyên truyền, chế tài… khi nước tới chân của cơ quan chức năng chưa thật tối ưu.

Đương nhiên, thiên tai nếu không ảnh hưởng về người thì là thiên tai biết làm thơ.

Tuy nhiên, số chết năm này tương tự hoặc vượt năm sau thì cần đặt dấu hỏi về kinh nghiệm ứng phó bão lũ của những địa phương luôn kiêu ngạo (hay kiêu hãnh) về lịch sử chống chọi những khắc nghiệt của trời đất.

Cũng cần đặt câu hỏi về tính chủ quan, cẩu thả, liều lĩnh với lý do mờ nhạt của không ít người Việt.

Và đương nhiên, cần đặt câu hỏi về năng lực lo cho dân của những thành phần không phải dân.

Chứ năm nào cũng có người chết, cũng cảm thương, cũng ngậm ngùi, cũng ai oán, cũng tôn vinh những gương dũng cảm… như một điệp khúc thì rất đáng tiếc.

Mà tiếc nhất là không rút ra được bài học nào ra trò. Thậm chí, đến thương vay khóc mướn cũng vẫn là những điệp khúc thiếu tính phát hiện.

Anh Tuấn