Ngành Xã hội học tôi học có tiếp cận lý thuyết hành vi. Lý thuyết ấy đại thể nói rằng trước mỗi tình huống thì cá nhân luôn có xu hướng lựa chọn cách hành xử sao cho có lợi nhất.
Ông thấy cục tiền giữa đường, ông sẽ chộp ngay lấy
và mang đi nhậu. Hoặc cũng cục tiền ấy, ông mang về đóng học phí cho con. Ngoài
ra, ông còn nhiều lựa chọn khác nữa như xách tới công an, làm giấy gián diều
hay ném mẹ nó đi….
Những phương án lựa chọn trên đều thống nhất rằng ông làm vì ông thấy điều ấy thỏa mãn cho ông. Sự lựa chọn cách “thỏa mãn” như thế nào là do học vấn, văn hóa, vốn xã hội của ông.
Mấy hôm nay, nhiều năm nay… tôi thấy việc cứu trợ cho người dân vùng gặp thiên tai cứ xuân thu nhị kỳ. Nói đều như vắt chanh thì quá, nhưng thường xuyên thì đúng.
Vấn đề là bên cạnh cái quỹ phòng chống thiên tai,
cái hô hào của các cấp chính quyền… thì sự xúc động nhất của việc “đều như vắt
chanh” luôn đến từ những cá nhân dân dã.
Những cá nhân ấy kêu gọi ủng hộ tiền bạc, mì tôm, quần
áo cho đồng bào gặp nạn. Họ xông pha vào vùng lũ phát quà cho dân. Họ bỏ tiền,
bỏ công sức, bỏ sự lo lắng của chính người thân họ chỉ vì muốn san sẻ với người
dân gặp nạn…
Họ lựa chọn hành vi, cách làm nghĩa hiệp như thế vì
họ thấy phù hợp nhất cho lý tưởng của họ.
Nếu đặt vào vị trí người dân trong lũ, tôi chắc chắn
sẽ cảm ơn manh áo, gói mì của họ. Tuy nhiên, cảm ơn là một chuyện còn chua chát
là một chuyện.
Bởi, rõ ràng đây không phải năm đột xuất, mà như nhiều
năm, những hoạt động từ thiện của kia rõ ràng thể hiện sự thiếu an tâm vào phản
ứng giúp dân của chính quyền. Nói cách khác, là một lời trách đầy cay đắng gửi
tới giới được chọn vào hàng ngũ tinh hoa phục vụ dân.
Hoạt động từ thiện ấy đang vô hình trung tạo sự yếm thế, địa vị thấp kém, tâm lý chịu
ơn tới chính những đồng bào nhận từ thiện.
Và hoạt động ấy nếu liên tục, tôi nghi nó đang manh
nha tạo ra thói đạo đức giả, thương vay khóc mướn ở bất cứ tầng lớp nào.
Nên, lựa chọn hành vi trong câu chuyện thiên tai
này, từ việc nhỏ là cho/nhận giữa người dân tới việc lớn là xây dựng quy hoạch,
lập chính sách của chính quyền, thậm chí tưởng nhớ người đã khuất… chính là sự phản ánh nhận thức, mối quan tâm,
giá trị, học vấn, văn hóa… của những người tạo ra hành vi đó.
Anh
Tuấn