Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH CHẾT DO ĐỒNG ĐỘI GIẾT

 “Luật mà bỏ rơi dư luận, xa rời tiếng nói của đạo lý, bàng quan trước nỗi đau của người biết rõ là thiệt thòi…  thì đó là thứ luật trên thiên đường hoặc dưới địa ngục. Luật đó không phải dành cho cuộc sống!”.
……………………………
Tháng 2-1979, trong một lần tổ chức bắt nhóm người vượt biên, Thiếu úy Lữ Anh Dồi (công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ) bị chính đồng đội ám toán. Hung thủ là Chuẩn úy Thái Văn Hùng theo lệnh của Trung tá Nguyên Ngọc (Phó ty công an), sau khi nã 4 phát đạn vào đầu anh Dồi đã vu khống anh tội phản quốc.

Năm 1988, chị Nguyễn Thị Mai, vợ của Lữ Anh Dồi bất chấp hiểm nguy, chặn đường công tác của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mà  gióng lên tiếng trống  kêu oan cho chồng. Vụ việc sau đó được giải quyết với một án 18 năm và một án 20 năm dành cho hai cựu sĩ quan Hùng, Ngọc.

Kể từ đó tới nay, nội tướng của chàng Thiếu úy Lữ Anh  Dồi thực hiện một hành trình xuyên thế kỷ nhằm  kêu cầu khôi phục toàn bộ chính sách lẫn danh dự cho chồng, trong đó có việc truy phong liệt sĩ.  Tuy nhiên, người quả phụ từng dùng dao rạch cánh tay mình mà thề trước mộ phu quân về quá trình đi tìm công lý này đã thất bại.

Tin đau ấy đến trong một ngày thời tiết phía Nam ít nắng, kèm một chút lạnh của thời điểm năm cũ đang thối rữa những giờ phút cuối cùng: 30-12-2016.


Theo đó,  “Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau trả lời không công nhận hồ sơ xin công nhận liệt sĩ đối với Thiếu úy Lữ Anh Dồi, trong vụ án Lữ Anh Dồi thời điểm 1979-1980. Nguyên nhân được đơn vị này nêu rõ là do ông Lữ Anh Dồi không thuộc trường hợp nào trong quy định được xét liệt sĩ do Chính phủ quy định tại Nghị định số  31/2013/NĐ-CP” -  Báo Pháp luật TP.HCM chiều cùng ngày đưa tin trên.
…………………………………
Lần giở lại nghị định 31/2013, thấy việc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh ấy đã rất tỉnh táo trong  áp dụng luật để hạ nhát đao kết liễu cả niềm tin lẫn hi vọng của người phụ nữ mất chồng oan.
Cụ thể, trong Mục 3, điều 17 của Nghị định (phần Điều kiện xác nhận liệt sĩ) có 11 khoản từ “a”  đến “l” thì không có bất cứ dòng nào chuyển tải nội dung “Chết do đồng đội giết”.
Hơn nữa,  tình trạng của Thiếu úy Lữ Anh Dồi đến nay mới chỉ dừng lại ở việc TAND Tối cao đã có kiến nghị phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho ông Lữ Anh Dồi”.
Nghĩa rằng, khi “kiến nghị” chưa được chấp nhận mà đã vội vã truy phong liệt sĩ thì chắc chắn đắc tội  “phong khống anh hùng”!
………………………………..
Luật là luật! Câu chữ trong luật phải rõ ràng, nghiêm chỉnh và khô khan. Luật mà dan díu với khái niệm “áp dụng linh hoạt” là luật tự sỉ nhục mình!
Nhưng luật mà bỏ rơi dư luận, xa rời tiếng nói của đạo lý, bàng quan trước nỗi đau của người biết rõ là thiệt thòi…  thì đó là thứ luật trên thiên đường hoặc dưới địa ngục. Luật đó không phải dành cho cuộc sống!.
Nghe nói, thời điểm hai kẻ  từng đứng chung hàng ngũ với với chàng Thiếu úy Lữ Anh Dồi bắt đầu quá trình trả giá cũng là lúc người dân háo hức tìm đọc cuốn sách “Ai giết Lữ Anh Dồi” của tác giả Ngô Hoàng Giang.
Hi vọng đến hôm nay sẽ không có một phiên bản 2, kiểu “Ai giết niềm tin của vợ  Lữ Anh Dồi”.

Tôi chắc rằng  dù đã nhận được cái văn bản trả lời ở trên kia, chị Mai vẫn sẽ  kiên định hành trình được làm vợ liệt sĩ của chị, và sự kiên định ấy sẽ được đền đáp.
Khi ấy,  quả phụ bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu son sắt cùng niềm kiêu hãnh về một người chồng ngã xuống khi làm nhiệm vụ… sẽ chấm dứt mấy chục năm chỉ được ôm tấm bằng “Tổ quốc ghi công” trong giấc mơ.

Anh Tuấn

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

TÌM ĐƯỢC “SÂU CHÚA”, DÂN HẾT NGHI NGỜ


Cái trật tự tham nhũng ấy khi nào chưa bị phá vỡ thì khi ấy người dân có quyền hoài nghi mọi hoạt động của cơ quan công quyền

Được tin Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai dùng ngân sách 3,2 tỉ đồng để tiếp khách sai quy định, tớ thấy:

        Thực ra,  3,2 tỉ đồng ấy dù là số tiền mơ ước cả đời của những vị làm quan thẩm thấu  bài học Thanh liêm, nhưng nó chưa bằng 1/10 khối tài sản của một chị đồng nát lỡ trúng Vietlott. Mà nếu chi ngần ấy để kéo về cho địa phương vài dự án triệu đô thì ok quá. Một vốn Bốn vạn lời, có chi mà ầm ĩ!

Cho nên, chuyện số chi này lớn hay nhỏ chỉ mang tính chất tương đối. Vấn đề là “chi sai”!  Và chuẩn sàn công chức của ta hiện nay có vấn đề, rõ nhất là khả năng giải toán của những vị HĐND kia thua học sinh cấp I.

Hãy xem họ kê khai tiếp khách: trong ngày 3-8-2015, Văn phòng HĐND Gia Lai đến Đà Nẵng tiếp khách hai lần với số tiền hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng cũng trong ngày này họ lại chi tiếp khách cho đoàn HĐND Long An từ trưa hôm đó cho đến chiều hôm sau (4-8-2015) hết hơn 10 triệu đồng và cũng chiều 4-8-2015 họ chi tiếp khách đoàn HĐND Bến Tre cũng hơn 10 triệu đồng... Thậm chí chỉ trong ngày 3-12-2015, Văn phòng HĐND Gia Lai tiếp khách từ Bình Định rồi Bình Phước, Long An và tận Cà Mau với bốn phiếu chi hơn 35 triệu đồng… – Báo Pháp luật TP.HCM ngày 23-12.

Họa có Tề thiên Đại Thánh cũng chẳng tài  nào lên lịch tiệc tùng giỏi được như thế.  Và dù Sở Tài chính tỉnh này nói nhẹ đi rằng giải trình “quá chung chung”, nhưng ai cũng hiểu đã là con số thì luôn cụ thể.

Chỉ có thể lý giải bằng mấy lời chế từ thơ  Hồ Xuân Hương: Thân này ví xẻ làm đôi nhỉ - Vừa nuốt, vừa ghi mới sướng đời?

Do vậy, tớ  không hẳn  vì xót tiền thuế của đồng bào phố Núi bị ném vào những bữa tiệc của các đấng công bộc, mà buồn vì buộc phải đặt nghi vấn về một quá trình lấp liếm nhằm hợp thức hóa phần trống trong cái két ngân sách kia.



Nhân cái sự “nuốt”, lại nhớ đến lời của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh được báo Dân trí dẫn lại trong cuộc họp hôm 21-12 về nên hay không đường hầm qua sông Hàn. Ông Anh nói: “Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường không,... Xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ (ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này”.

Nhiều người thắc mắc tại sao ông Bí thư phải trần tình việc ấy, trong khi ai cũng hiểu công chức ăn lương để phục vụ lợi ích chung của nhân dân, tơ hào dù chỉ là cọng rơm cái đũa  là đã không đủ tư cách cán bộ rồi. Vậy, điều không ai hỏi mà ông tự xưng này chỉ có thể lý giải rằng đương kim Bí thư Đà thành gián tiếp khẳng định nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, phần thực trạng Đảng viên. Đồng thời, ông hiên ngang  chứng minh mình không nằm trong đám đục khoét đó.
Trước ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thời còn là Nguyên thủ quốc gia  cũng từng trăn trở về một bầy sâu trong lòng dân tộc.

Đau thế! Bao lâu nay cả hệ thống chính trị tìm lời giải cho  cái thực trạng “ổn định” về tham nhũng ở Việt Nam mà kết quả chưa thực sự khả quan. Cái trật tự tham nhũng ấy khi nào chưa bị phá vỡ thì khi ấy người dân có quyền hoài nghi mọi hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có việc “chi tiền tiếp khách” của HĐND tỉnh Gia Lai. 

Anh Tuấn

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

TA SẮP CÓ “TẾT CA”!


Năm 1994, Việt Nam mình thình lình cấm nhà nhà đốt pháo nổ, Cặp câu đối siêu tuyệt trong dân gian “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đột nhiên trở nên siêu vô duyên.
Và cũng từ thời điểm ấy, tớ thấy ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán đã dần chuyển màu.
Nếu như trước đó, trong các ngày từ mùng 1 đến 3 tháng Giêng, hễ có khách đến nhà thì gia chủ thường hân hoan chào đón bằng một lần đốt pháo, vừa để thể hiện sự chào đón trọng thị, vừa ngầm tự hào rằng nhà ta có thêm khách quý, và khách đến cũng cực kỳ vinh dự…. Thì ngày Tết bây giờ, việc ai đó đến và đi diễn ra âm thầm, có phần kín đáo.
Màu tươi rói của hân hoan đang chuyển dần sang màu u ám của thực hiện nghĩa vụ không thành văn?


Đến cuối năm 2016, Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa dịp chào đón năm mới. Nghĩa là Tân xuân với những khởi sự hào hùng dù chưa đến đã đối diện nguy cơ chịu cảnh giác bẽ bàng. “Đến, đi là chuyện bình thường – Thường hơn cả  việc lên giường (gọi) vợ ơi!”
Đồng ý rằng đây là một động thái góp phần chia sẻ những thiệt thòi của đồng bào miền Trung mất Tết vì mưa lũ. Thế nhưng, đặt ngược lại vấn đề rằng, họ đã thiếu thốn về vật chất, sao lại tiếp tục tước đi quyền được ngắm biểu tượng đón chào năm mới hứa hẹn nhiều sung túc, ấm êm của họ?
Chưa nói, kinh phí bắn pháo hoa là triệu tập từ nguồn Xã hội hóa, không phải lấy từ ngân sách


Nghĩa là trên màn hình Tivi đêm giao thừa, người dân cả nước chỉ có thể nhận biết thời khắc chuyển giao của mùa xuân thông qua chiếc đồng hồ? Và tiếp đó là lời chúc tụng thay pháp nổ của các đấng quan chức  phát đi thông điệp năm mới trong phòng có máy điều hòa?
Thế là Tết đang trên hành trình trở thành những ngày nghỉ dài, nhạt nhòa và nhàm chán.  Từ nay điệp khúc “Xuân này y hệt  xuân qua”  có lẽ trở thành “Tết ca”!
Mẹ già chớ mong, con có điện thoại rồi!


Anh Tuấn

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

MINH BÉO & TÉ NƯỚC THEO MƯA


Hai hôm nay, báo chí xôn xao việc Minh Béo về nước sau khi chấp hành xong hình phạt ấu dâm. Một số tác giả hăng hái giương cao ngọn cờ hô hào quần chúng buộc cha này phải xin lỗi vì đã gây án bên Mỹ.

Tớ thấy thế này




Giả sử lãnh tụ bây giờ của Triều Tiên bị một tòa án nào đó ngoài lãnh thổ kết tội chống lại loài người, thì ở trong nước, ông ta có chịu thân phận là một phạm nhân không?

Đương nhiên không! Điều này chẳng phải anh Kim Jong-un là đầu lĩnh của mấy chục triệu dân Triều Tiên, mà là vì quốc gia ấy không tham gia vào hệ thống xét xử kia. Nghĩa là quan điểm pháp luật của họ không chia sẻ những giá trị từ cái tòa án vừa tuyên.

Về bản chất, giả định trên y hệt trường hợp anh Minh béo nhà ta. Anh í phạm tội bên Huê Kỳ và bị kết án ở đó. Minh béo đã trả giá cho hành vi của mình khi dám khiêu khích các quy định  Mỹ, nhưng lúc về Tổ quốc, cớ sao lại phải năn nỉ công luận Việt tha lỗi?

Tòa án nhân dân nào đã kết tội anh ta? Chưa kể, Minh có thể tố ngược lại tòa Mỹ đã xử oan?

Đồng ý là những giá trị phổ quát của loài người như Tự do, bình đẳng, bác ái, ghét chiến tranh, nhân nhượng phụ nữ, nâng niu trẻ con…  thì hầu hết mọi nơi trên quả đất này đều đề cao. Tuy nhiên, đề cao không có nghĩa là anh ấu dâm ở khu vực này  rồi phải mang bản án ấy ở một lãnh thổ khác. 

Nhất là cái nước xét xử Hồng Quang Minh  nó cho phép những tay cảnh sát giả dạng trẻ con dụ dỗ, thúc đẩy hắn phạm tội, trong khi tại Việt Nam thì việc cơ quan chức năng gài bẫy là tuyệt đối vô nhân đạo.



Tớ đang chờ xem ngoài nhiều tờ báo thì cơ quan quản lý Việt Nam có xử lý Hồng Quang Minh dựa trên bản án của nước ngoài hay không?

Nếu thế thì thương Minh lắm, thằng cha này suýt soát tuổi, lại có thêm điểm chung với tớ là cùng béo. Ha.

Anh Tuấn


Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

KHI CON GÁI ỐM


Chủ tịch Cuba Raul Castro hôm 3.12 thông báo sẽ thông qua một đạo luật mới cấm tôn thờ vĩnh cửu cá nhân. Trước mắt, tên của anh trai ông cũng là lãnh tụ cách mạng Cuba sẽ không xuất hiện trên bất cứ con đường hay quảng trường nào của nước này.

Điều trên được hiểu là thực hiện theo di nguyện của Cố Chủ tịch Fidel Castro, tuy nhiên tớ không thông lắm, rằng nếu Quốc hội xứ này nhất quyết không chấp nhận đạo luật ấy thì răng?

Một cá nhân muốn sống muôn năm trong lòng dân tộc hay không chẳng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người ấy hay bất cứ lực lượng nào. Ngược lại, nhân vật nào khiêm tốn có ý định xóa đi mọi dấu ấn về những năm trong cuộc đời cũng chưa chắc đã thành công. 

Trong chuyện này, lịch sử mới có tiếng nói quyết định còn các ý định bột phát hay các tuyên bố ngẫu hứng ứ là cái đinh gỉ gì.



Và tớ nghĩ lời của ngài Raul Castro phần nhiều chỉ mang giá trị điểm xuyến những phẩm chất tốt đẹp cho vị tiền nhiệm. Chứ nếu hiện thực hóa việc đó thì vô hình trung sẽ hình thành ít nhất ba cách hiểu tranh chấp nhau nhưng dàn hàng ngang tồn tại.

Thứ nhất, Cuba là một địa chỉ XHCN toàn vẹn từ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở đó mọi người đều bình đẳng và ai cũng được tôn trọng như nhau. Không có chuyện một cá nhân có đóng góp vượt bậc thì mọi người buộc phải ghi nhớ như đấng thần linh.

Thứ hai, Cuba chưa dân chủ khi phát ngôn nhất thời của một vị lãnh đạo được mặc định như ý chí dân tộc. Sự độc tôn quyền lực sẽ có cớ lộ diện nếu một ngày nào đó xuất hiện những nhóm người cùng ký tên đề nghị phải có tượng đài cho người anh hùng của họ… và (những nhóm đó) bị giải tán không thương tiếc.

Thứ ba, là một quốc gia khá lạ nên Cuba có tư duy lạ. Đôi khi vị lãnh đạo nói thế mà không nghĩ thế. Biết đâu họ quan niệm đường sá không chỉ là nơi thuận tiện cho giao thông mà còn là địa điểm để hàng triệu người dẫm chân lên mỗi ngày. Thế thì thành khiếm nhã quá?
……………………………………………….
Tên vĩ nhân được đặt cho đường phố hay quảng trường là cách mà nhiều nước trên thế giới thường làm. Điều này thể hiện sự lịch thiệp của xã hội (hoặc ít nhất là của giai cấp thống trị) khi biết tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của vĩ nhân đó. Về mặt thời gian, sự lịch thiệp ấy luôn mang tính tương đối, không thể trường tồn. Lý do là nó phụ thuộc vào tính chất xã hội. Ví như trước năm 1975, ta có đường Gia Long, nhưng sau giải phóng thì tên ông vua này mất hút.

Cũng như ở Nga năm 1991, chính quyền xóa tên thành phố Leningrad và trả lại cái tên cũ là Saint Petersburg. Tuy nhiên hình tượng về lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười chưa chắc đã tắt trong lòng người dân nước họ.

Và cũng tại Nga mới đây, khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, một nhóm công dân xứ sở Bạch Dương phát động phong trào đặt tên đường cho ông này. Giả sử trường hợp tương tự tái diễn với Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thì những người nơi đất nước của những điếu xì gà nghĩ sao về báu vật quê hương để nơi khác dùng?

Chẹp! Con gái ốm, lo cũng chả được gì. Tớ mất ngủ nên nổi hứng gãi chuyện thế giới.

Anh Tuấn