Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

KÝ ỨC NHẸ NHÂN NGÀY CHẢ ĐÂU VÀO ĐÂU




Ngày làm PV, anh Nguyễn Quân giao cho mình chia sẻ kinh nghiệm với mấy bạn tập sự. Trong số này có một bạn tên Dung, dù học ngành thiết kế nhưng có ước mơ làm báo để  góp phần “thiết lập trật tự xã hội”.

Mình còn đang amateur bỏ mẹ, vì anh phân công nên phải cố gắng gồng mình cho giống bậc tiền bối. Sau nhiều lần gửi tin bài, một hôm Dung chuyển qua mail cho  mình nguyên một phóng sự bằng thơ. 

Nội dung là thân phận cụ già quê miền Trung, vì lý do đặc biệt nên bỏ gia đình vào TP.HCM mưu sinh. Bạn ghi dưới bản thảo mấy lời sụt sùi “… ông sinh nămẤt Sửu -89tuổi , quê ở Quảng Ngãi, đang sinh sống một mình tại nhà trọ ở Thủ Đức. Mỗi ngày ông bán 15 tờ vé số kiếm sống, thuê nhà 300.000đ/tháng, già yếu, lầm lụi với chiếc xe đạp rất thương tâm!”

Có lẽ vì hào hứng với nước mắt của bạn nên sau khoảng 20 phút mình đã lau trên bàn phím mấy câu lục bát tương tự.  Thực ra là biên tập lại tác phẩm của bạn, rồi gửi phản hồi kèm theo lời phán rất đàn anh “Em sẽ là một cây bút giỏi!”
.........................

Giáng sinh nhắn tin cho bạn, bạn nói “em quay sang làm thiết kế cả năm nay!”. Rồi kể nhà đang có chuyện không vui…

Mình copy lại sản phẩm, coi như pha vào nỗi buồn của bạn, để những tâm sự không quá nặng, mà  loãng hơn ra.  Vì dù sao ngày ấy cũng khá vui.


GỬI EM DUNG
Bài thơ em viết khá hay
Và  anh có một chút này nói thêm:
Cụ già vé số em quen
Nếu mà viết được một tin … (thì) tuyệt vời!

Nêu rằng: Cũng một cuộc đời
Mà người biệt thự, người ngồi mái gianh
Thân gầy, áo vải mong manh
Lui cui xe đạp, chông chênh kiếp nghèo
Vài tờ vé số mang theo
(Tay cầm bạc tỉ mà “eo” dạ dày)
Cho người mua những vận may
Còn mình thì vẫn tháng ngày cơm rau

Nhớ quê lòng quặn niềm đau
Miền Trung xa lắc, nỗi sầu dâng cao
Thương con mà nước mắt trào
Mỗi đêm lại mỗi đêm cào ruột gan

Tuổi già  số phận đa đoan
Chín mươi  mà vẫn nặng mang gánh đời
Gió sương mấy bận dập vùi,
Cướp đường dăm bữa tới lui rập rình….
…….
Kết bài: “Ở nơi văn minh
Vẫn còn có những điển hình khổ đau!”


Anh Tuấn

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

NHIỀU NGÀN NĂM NÓ VẪN CỨ CHẠY TỐT

Con người tạo ra văn hóa, và con người luôn bảo dưỡng, gia cố hoặc  thậm chí hủy bỏ những thứ từng coi là văn hóa. Việc này  nhằm hướng tới thích nghi với quá trình văn minh.




Việt Nam không công nhận mại dâm là hợp pháp, các hoạt động phòng chống tệ nạn này phải trên tinh thần bảo vệ quyền con người… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu đại ý thế tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh phòng chống mại dâm. Trong hội nghị, hai thành phố sung túc  và văn minh hàng đầu cả nước là TP.HCM, Hà Nội đã bị xướng tên trên bản đồ nhiệt của tình trạng bướm đêm.

…………………….
Với lịch sử nhiều ngàn năm, đến nay mại dâm vẫn bị đa số các quốc gia xem là bất hợp pháp. Lý do để đứa con sinh ra từ loài người này luôn bị hắt hủi, ruồng bỏ bởi ở thời đại nào nó cũng tiềm ẩn thứ vũ khí có thể công phá cấu trúc gia đình, rộng hơn là cấu trúc xã hội!.  

Các nhà đạo đức nói thế, và những người đấu tranh cho nữ quyền cũng bảo vậy. Bên cạnh đó, hai giới này còn được sự hậu thuẫn rất lớn của thể chế xã hội thời điểm họ lập ngôn!

Họ quên mất mại dâm là sản phẩm của xã hội, dù bị chính xã hội coi là phế phẩm, nhưng phế phẩm  này qua  nhiều thiên niên kỷ “vẫn chạy tốt”. Suy diễn theo kiểu biện chứng, hiện tượng này dù soi dưới bất kỳ lăng kính khắc nghiệt nào vẫn đương nhiên (và ngạo nghễ) song hành cùng quá trình tiến hóa. Nó xuất hiện đồng thời  với chế độ tư hữu, vì tư hữu đánh thức nhu cầu chiếm hữu, và có lẽ chỉ mất đi khi thế giới này ai ai cũng thành phật.

Họ cũng không thèm cân nhắc rằng, bên cạnh việc gánh chịu sự phỉ báng,   nghề bán phấn buôn hương lại đang thực hiện chức năng của một thước đo chuẩn mực. Bởi, khi sự chung thủy lên ngôi thì dù cấm hay không cấm, thói ăn bánh trả tiền cũng tự động núp sau cánh gà hạnh phúc. Còn khi sân khấu xã hội đa phần là những giá trị lếu láo,…  thì các hành vi lệch chuẩn, trong đó có mại dâm, dù muốn hay không cũng vẫn là diễn viên chính.

Quay trở lại ý kiến của Phó Thủ tướng ở trên, hình như hiểu thế nào về “quyền con người” cũng phải chờ thông tư hướng dẫn?. Vì khái niệm này áp vào việc ứng xử với hoạt động mại dâm bỗng như có cái gì đó tùy hứng: “Con người có quyền được pháp luật bảo vệ”, hoặc, “Con người có quyền từ chối những rủi ro không đáng”.

Ở hứng thứ nhất, khỏi diễn giải dài vì nó nằm trong cái sự hiểu máy móc của nhân loại trước các văn bản pháp lý A, B, C, Z… Em ún thời nay của Thúy Kiều sẵn sàng lôi cổ một anh công an ra tòa nếu như nhân viên công lực ấy hướng ánh mắt về phía nàng rồi thì thầm hai tiếng “Con điếm!”.

Cái hứng thứ nhì, quyền con người được “nhân vật trong cuộc” hiểu, cần và khao khát có,  đó là quyền đoạn tuyệt với thế giới của  ma cô và bệnh tật. Muốn thoát khỏi các tay anh chị chăn dắt, thoát khỏi phận hèn hạ, chui nhủi thì cách tốt nhất là cái nghề  này được đối xử công bằng như những nghề nghiệp khác.

Khi được xã hội công nhận là một nghề, nghĩa là họ có thể ngẩng cao đầu trước những chị công nhân, những chàng kỹ sư hay các  bậc thông thái. Và chắc chắn, thế lực bóng tối (gồm Tú ông, Tú Bà, đại ca, dắt mối – những kẻ chuyên sống nhờ vào việc gặm nhắm phần trăm trong tiền bán trôn nuôi miệng của chị em) cũng tự động bị kết liễu.

Khi không được đối xử công bằng, tức danh dự luôn bị tổn thương, thì có lẽ một trong hai cách hiểu quyền con ở trên người đang là hàng mã?

…………

Tự nhiên, cháu lại muốn bác Đam kiệm lời trong phát biểu. Chỉ cần “Ứng xử với mại dâm phải trên tinh thần quyền con người”, vậy là đủ lắm. 

Anh Tuấn

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

NÉM ĐÁ LUẬT SƯ ĐÔN


Lâu nay, người nổi tiếng hứng vàng hay ăn đá từ dư luận là chuyện bình thường, vì trong nhóm quần chúng nhân dân liệng đá hoặc trao vàng ấy, trình độ học thức hoặc sự chia sẻ các giá trị có sự vênh nhau, và họ đa phần là ẩn danh.


Tuy nhiên, trong vụ án năm công an Phú Yên đoạt mạng người, luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị chính danh ba cơ quan tố tụng lên thước ngắm.




Trong công văn liên ngành của công an, VKS và TAND TP.Tuy Hòa gửi cho Sở Tư pháp và Đoàn LS tỉnh Phú Yên, ba cơ quan này kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư Đôn. Lý do, luật sư này đã tạo điểm nóng không tốt trong dư luận. “Trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình diễn ra từ ngày 26-3 đến 3-4, LS Đôn đã lợi dụng việc hành nghề LS có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính”, văn bản trên quả quyết.

Vấn đề là khẳng định trên lại không đi kèm với chứng cứ - một nguyên tắc tối kỵ trong tư duy những người được xã hội gật gù công nhận là rành luật nhất – đến nỗi Phó chủ nhiệm đoàn LS tỉnh Phú Yên Nguyễn Khả Thành phải gián tiếp nhắc nhở kiến thức sơ đẳng ấy:  Văn bản kiến nghị của ba cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cho rằng LS Đôn xúc phạm người khác nhưng không nói xúc phạm ai, xúc phạm như thế nào, không chứng minh được thiệt hại!.

Còn ông Lê Tiến Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cho biết không có căn cứ để thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với LS Đôn. Theo ông Dũng, văn bản kiến nghị cho rằng LS Đôn vi phạm về phát ngôn thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý (nếu có vi phạm) của Đoàn LS tỉnh Phú Yên chứ không phải của Sở Tư pháp – Vậy là địa chỉ gửi cũng trớt quớt nữa?

Một sản phẩm của những 3 ba anh am hiểu về luật nhất mà lại kiến nghị sai địa chỉ, quy kết người khác “gây điểm nóng” nhưng bằng chứng chỉ là con số zero... Tổng kết nôm na như các cụ ngày xưa thì đây là động thái “cả vú lấp miệng em”.
Nhân vật chính khiến ba cơ quan tố tụng trên phải xắn tay áo lao vào đánh hội đồng, luật sư Võ An Đôn, tội nghiệp thay chỉ phản ứng yếu ớt bằng bốn chữ “bất ngờ” và “bất bình”. Có vẻ như trong trường hợp này, vị luật sư được khá nhiều quần chúng tặng cho mỹ danh “kiên cường”, đang cam chịu hóa thân một cách khiên cưỡng thành thiếu nữ lưng ong, má hồng, yếm thắm của vài thế kỷ trước…
Viết tới đây, tự nhiên lại liên tưởng tới câu ca dao để đời “Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình – Ba bộ đồng tình…”
Anh Tuấn

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

LỖI NÀY LÀ CỦA ANH BƯU ĐIỆN?


Cụ ông 90 tuổi, cái tuổi vượt những 20 năm của lớp người “xưa nay hiếm”, đã phải lặn lội cả ngàn cây số mới có thể được gặp con. Thời gian cùng sức lực của cụ không nhiều nhưng cuối đời vẫn cứ phải dùng phung phí chỉ vì một thông tin sai bét của anh cán bộ quản lý trại giam trẻ tuổi.




Phạm nhân từng gánh trên vai hai án giết người Huỳnh Văn Nén hôm 2-12 đã được gặp cha. Không biết cái sự tưng tửng của thời gian “thành thật khai báo” khiến nhiều người trong gia đình anh mắc vòng lao lý giờ còn không? Và có lấn át giây phút xúc động khi đối mặt với bậc sinh thành sau nhiều năm bặt vắng tin tức?.

Có thể có, có thể không! Nhưng chắc chắn cả cha và con đều thấm thía cái giá của cuộc gặp gỡ máu thịt này là nỗ lực đánh bạc với sức khỏe và số phận của cụ ông Huỳnh Văn Truyện.

Ở tuổi 90, trong gần 10 ngày tìm con, cụ Truyện lên xe từ Cà Mau đi Đồng Nai, tại đây, cụ được cán bộ trại giam Xuân Lộc cho biết ông Huỳnh Văn Nén đã được đưa về Bình Thuận. Đôi chân già nua của cụ tiếp tục leo lên xe tới trại giam công an Bình Thuận. Nơi giam giữ này trả lời không biết con cụ ở đâu…. Chỉ đến khi người cha già ngược trở lên TP.HCM thì niềm hạnh phúc hội ngộ mới vỡ òa khi lãnh đạo trại giam T17 linh động để hai cha con gặp nhau.

Phải nói là “linh động” bởi nếu không, cụ Truyện sẽ phải ăn dầm nằm dề ở thành phố hoặc quay về nhà để đợi tới ngày 15 hoặc 30 quay lại theo đúng lịch thăm gặp, tiếp tế….
Đáng nói, ngày 23-11 cụ Truyện đến Trại giam Xuân Lộc thì nhận tin ông Nén ở Bình Thuận, 4 ngày sau, cụ Truyện quay lại đây thì nhận được lời xin lỗi từ lãnh đạo trại giam và thông tin con cụ được trích xuất đến T17 từ cuối tháng 10. Theo quy định, trong thời gian 7 ngày, nơi tiếp nhận phạm nhân phải thông báo cho gia đình biết. Và sự thực trại giam T17 đã gửi thông báo này, đề ngày 8-11.

Tuy nhiên, người nhà ông Nén cho biết, văn bản trên được đóng dấu gửi đi  hôm 25-11 (?!).

25-11 – nghĩa là gần một tháng sau trích xuất và hai ngày khi báo chí bắt đầu rùm beng với câu hỏi về tung tích của phạm nhân Nén. Sai sót này không có lẽ là… của anh bưu điện?

Dẫu sao, một tiểu tiết trong trọn bộ tiểu thuyết Huỳnh Văn Nén cũng có phần gút có hậu. Qua đó tạm khép lại lời than thở trước báo chí của cụ ông 90 tuổi bôn ba cả ngàn cây số tìm con “Tôi rất mệt mỏi vì đi khắp nơi hỏi… Tôi không biết nên mới đi tìm, có lúc tôi ngất xỉu”.  

Anh Tuấn

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

35 NĂM CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC


+ Một số báo đưa tin, tại tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) sáng hôm qua (16.2), có một nửa dân tộc tổ chức tưởng niệm 6 vạn liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới khi đối đầu với nửa triệu lính Tàu xâm lược...
+ Cùng thời điểm hôm qua (16.2) tại Hà Nội (nơi tượng đài Lý Thái Tổ), phần còn lại của Nước Việt Nam anh hùng cũng đồng thời tổ chức nhảy múa, xướng ca...