Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

'Buồn tặc'


Nỗi buồn – từ Buồn vu vơ, Buồn dìu dịu đến Buồn mãnh liệt, Buồn dữ dội, Buồn muốn làm thịt cả thế giới… đều là một cảm xúc không đáng có với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, với những khán giả thưởng thức việc người khác buồn thì đó là nhu cầu khó thiếu.



Chính vì vậy, nỗi buồn có vẻ đẹp riêng của nó, điều này giúp “buồn” ngạo nghễ đi vào trong các sáng tạo nghệ thuật như một chân lý cấm cãi.
Câu chuyện Thủy Tinh buồn thất tình tạo nên sự thịnh nộ sấm sét định kỳ 3 tháng mỗi năm đã đi vào dân gian hàng ngàn năm nay...
Việc các thần Hi Lạp do bất đắc chí phang nhau đã giúp di sản thế giới có thần thoại để trân trọng...
Hình ảnh chàng trai ngồi tư lự bên ly cà phê ngắm phố phường buổi đêm với mái tóc bồng bềnh, đôi mắt lơ đãng, cặp môi mọng bất thường do bỏng khói thuốc…
Dáng điệu thiếu nữ chờ người yêu với áo dài tha thướt, bồn chồn vặt từng cánh hoa Mười giờ thả xuống thảm cỏ xanh và dùng gót son dày đi vò lại…
Đó là những nỗi buồn rất thi vị…
Chỉ có một thứ buồn dù có “vị” nhưng không mang hồn “thi sĩ”, ấy là thứ buồn bị phong tỏa trong ngoặc kép và thường song hành với hai từ “Giải quyết”: “Giải quyết nỗi buồn”.



Nếu bạn thực hành việc “Giải quyết nỗi buồn” nơi công cộng, điều ấy giúp thế giới có thêm khái niệm “Buồn tặc” để xếp ngang hàng với các loại tặc như Tin tặc, Lâm tặc, Tiền tặc, Đạo đức tặc…
Ha, tớ buồn nên tớ luận buồn. Hết!

Trần Tuấn

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Minh Chủ - Không chỉ trong Thủy Hử!


“Minh chủ” - khái niệm này theo như tôi biết là xuất hiện nhiều nhất trong tiểu thuyết Thủy Hử của tác giả sắc tộc Hoa tên Thi Nại Am, chỉ cách nịnh hót của đám thảo khấu với thủ lĩnh của chúng.



Có rất nhiều nhóm thảo khấu, tương ứng với đó là bằng ấy anh “minh chủ”. Trong đó có những tay chủ hoặc học dốt nên hỏng thi thành ra chán đời rủ mấy thằng mất dạy chọn một địa điểm xưng bá (như Vương Luân, rồi bị Lâm Xung cắt cổ), hoặc lập chốt chặn để hiếp dâm gái nhà lành (Nụy cước hổ Vương Anh), hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả mất tài sản của triều đình như Thanh Diện thú Dương Chí.
Sau này, bọn “minh chủ” ấy tập hợp lại để suy tôn một tối cao minh chủ là Cập thời vũ Tống Công Minh, tức Tống Giang- một tay giết vợ do bị vợ hành cho mất mặt.
Việc để một ông lãnh đạo tổ chức kém như Tống Giang làm minh chủ đám giặc Lương Sơn Bạc, theo tôi, có cái lý của nó vì cha đẻ của Thủy Hử - Thi Nại Am - là một tiểu thuyết gia xu nịnh vượt thời đại Tống triều.
Hãy xem ông Thi Nại Am dẫn dắt câu chuyện: Khi Thác Tháp Thiên vương Tiều Cái chết, kẻ Tiều Cái có tình cảm cá nhân nhất là Tống Giang được mặc định là chủ bến Lương Sơn. Thời điểm này, “Quyền minh chủ” Tống Giang mị “quần hùng” bằng lời hứa anh em nào tiêu diệt được đứa giết chết đại ca Tiều sẽ là thủ lĩnh.
Rồi Ngọc kỳ lân Lư Tuấn Nghĩa bắt sống chú thủ phạm bắn tỉa Sử Văn Cung, có điều Lư Tuấn Nghĩa biết thân phận nên một mực từ chối chức trưởng trại mà Tống Giang cam kết nhượng lại. Tống Giang nói một vài lời đãi bôi rồi cũng tiếp nhận vị trí “minh chủ”.
Điều này nói lên chủ kiến của Thi Nại Am, rằng, lãnh đạo luôn đúng ngay cả khi lời hứa sau “chửi nhau” với lời hứa trước.
Nhưng đỉnh điểm của xu nịnh phải là phần kết khi 108 tay tội phạm nhà Tống đó lập đàn tế trời và “xin trời” được cái danh sách cơ cấu lãnh đạo. Theo đó toàn bộ 108 chú “trốn nã” được “thiên định” sắp xếp phù hợp với cách bọn giang hồ suy tôn.
Tức là Tống Giang vẫn đứng đầu trong số 36 Thiên cang và 72 Địa sát. Kế tiếp mới là chàng cơ cấu hụt Lư Tuấn Nghĩa, rồi phù thủy Công Tôn Thắng, “Gia Cát lượng phiên ban n” Ngô Dụng...
Kết: Minh chủ, theo cách hiểu của tôi, là một nhân vật vỗ ngực “Thế thiên hành đạo” và được bọn lâu la tung hô cứ như thể “chủ” đó chính thức “thay trời”!

Trần Tuấn


Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Đồng bào mình đang trốn?



Diện tích của Đài Loan khoảng 36 ngàn km2. Dù nhỉnh hơn 2 lần tỉnh Nghệ An nhưng mức độ tinh nhuệ của cảnh sát ở đây có lẽ phải tỉ lệ thuận với tầm vóc của nền kinh tế đứng thứ 15 thế giới này.



Vậy mà đằng đẵng 3 ngày (23 tới 26-12), chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) không có tăm hơi gì việc 152 người Việt đi du lịch và mất tích, tới khi biết rồi thì quýnh quáng điều hẳn một lực lượng đặc nhiệm dò tìm dấu vết?
Hoặc là hệ thống vận động quần chúng tố giác điều bất thường của họ quá tệ? Hoặc họ biết tỏng các bố ở đâu rồi nhưng hẵng cứ vờ tìm để thế giới còn có tin để đọc?
Hoặc đang ráo riết hợp tác với Việt Nam, hoặc đang hả hê với ngu cơ nhục quốc thể của đối tác?
Nói gì thì nói, Bộ VH-TT&DL chiều 26-12 đã lý giải rằng việc mất tích của 152 đồng bào ta có thể là “Hình thức lợi dụng du lịch và chính sách nới lỏng visa nhập cảnh cho khách du lịch các quốc gia và vùng lãnh thổ để trốn ở lại lao động trái phép”.
Từ “trốn” nghe có lẽ gần sự thật hơn nhưng thấy cay đắng lạ bởi do nỗi khổ kiếm tiền thúc đẩy…
Nhưng dù sao, nếu đúng là “Trốn ở lại lao động trái phép”, cũng còn chút thể diện hơn là trốn vì lý do phi kinh tế.

Anh Tuấn


Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Hãy tiếp sức cho Bộ trưởng Nhạ


Chưa bao giờ cuộc chiến đấu trong ngành giáo dục ác liệt như năm nay. Ngoài việc hàng loạt trọng pháo mang tên “dư luận” rót xuống các cao điểm như Điểm thi THPT, Cải cách chữ Quốc ngữ… thì ở tầm trung mô, cuộc ăn miếng trả miếng giữa học sinh và giáo viên cũng diễn ra cực kỳ sôi động.


Phát súng tấn công đáng chú ý đầu tiên là hồi tháng Tư, một cô giáo ở Hải Phòng buộc học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Gần như liền ngay đó, phe giáo viên bị đáp trả khi học sinh cấp 3 tại Quảng Bình vì bị nhắc nhở xóa hình xăm đã chặn đường, tiễn thầy nhập viện bằng một nhát dao.

“Đừng tưởng ta đây nao núng” - các thầy cô nghĩ thế nên lập tức mở mặt trận trên Đắk Lắk. Nạn nhân của đợt tấn công lần này là cậu học trò lớp 1, bị sưng vếu tai và xịt máu mũi do bàn tay hộ pháp của thầy.

Chưa kịp ăn mừng chiến thắng, những người thực hiện “sứ mệnh đưa đò” lập tức nhận gáo nước lạnh vì thông tin trước đó có chú học sinh lớp 8 ở Bến Tre trong lúc thiếu kiềm chế đã bóp cổ một nữ giáo viên dạy Anh Văn.



Còn tại một tỉnh phía Nam khác là Long An, mặt trận này báo về thành tích một cô giáo buộc học sinh quỳ cả tiết học giữa lớp. Tới lúc này thì kịch tính được đẩy lên cao do có phụ huynh “tham chiến”,  ùn ùn kéo nhau tới trường bắt cô giáo quỳ trả lại.

Thế chân vạc được định hình và y xì như Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa khi liên minh Phụ huynh – Học sinh hợp lực chống giáo viên. Và cho tới nay, thành tích tốt nhất của Phụ huynh là tới trường học ở Bạc Liêu bắt đền chiếc quần short của con họ bị sơ tán từ bàn giáo viên xuống thùng rác.

Tranh thủ lúc liên minh này chưa vững, cô giáo ở Quảng Bình lập tức buộc một măng non đất nước hứng hơn 300 cái bạt tai. Theo đà tấn công, nữ giáo viên ở Hà Nội cũng khai hỏa tương tự…. Tấn công liên tục và biến ảo, hiệu trưởng trường THCS ở Phú Thọ liên tiếp biến các học sinh nam là nạn nhân của hành vi dâm ô…

Bị nhận những đòn choáng váng, phe học sinh cũng có những đáp trả xứng đáng. Đòn hồi mã thương được cho là hiệu quả khi học sinh cấp 3 tại Bình Định ngáng cầu thang nhà trường, tặng thầy của mình giấy chẩn đoán của bệnh viện, ghi rõ đa chấn thương vùng mặt, lưng bởi chân, tay, gậy…



Cuộc chiến vẫn căng thẳng và dù sắp hết năm 2018  nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người run sợ chờ đợi cái gọi là kịch tính phút 90.

Chưa biết thắng bại thuộc bên nào nhưng điều nhận thấy rõ nhất là vị trọng tài khả kính của chúng ta, Phùng Xuân Nhạ, đã rất mệt.  

Thông tin bên lề cho biết, lần đầu tiên ông phải giơ tay ra dấu hiệu muốn thay còi. Lý do, thổi rát quá không những không ăn thua mà còn tung cả hạt trong còi!

Trần Tuấn




Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Việt Nam vô địch


Khuya qua, 15-12, giữa dòng người đi "bão" mừng bóng đá Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, tôi thấy có chú mặc áo đỏ in hình ngôi sao vàng dựng xe giữa ngã tư, nằm vắt vẻo trên yên nghe tụi áo đỏ ngôi sao vàng khác thổi kèn Tò tò toè. Kệ mẹ nghẹt đường lẫn chốt CSGT cạnh đó!
Cũng khuya qua tại ngã tư đông nghẹt, tôi gặp một số chú mặc đồ cổ vũ nữa dí thẳng kèn vào vòng 1 mấy em gái được bồ chở thổi tò tò toè. Thằng bồ như thằng ngố, miệng cười như mếu rồi  tay vê ga cố né khỏi đám thổi kèn.
Trong dòng người ngáo bão, toàn tiếng bóp còi xe theo nhịp điệu tít tít! tít tít tít và kèn. Rất ít thấy hô vang tiếng Việt Nam hoặc đả động tới  đội tuyển bóng đá Việt Nam, nhân tố chính thúc mấy chú áo đỏ in sao vàng ra đường.
Ảnh báo chí trong nước chụp cảnh đốt xe ở cầu Bình Lợi và vụ tai nạn chết người trong lúc đi “bão”

Tạm kết: Người Việt được đánh giá lạc quan nhất thế giới: Khỏi cãi!

Trần Tuấn


Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Biến thái?


Tôi tìm sơ trong các từ điển chính thống thì không có định nghĩa về “Biến thái”, tuy nhiên không phải không thể hình dung được vì theo các định nghĩa “lề trái”, Biến thái tạm hiểu là một “sự khác thường theo nghĩa tiêu cực”.
Nếu vậy, Luật chăn nuôi, ít nhất trong mục quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi hình như các vị viết luật có chút “Biến thái”.



Theo đó, Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi…Đặc biệt, trong hoạt động giết mổ vật nuôi, cơ sở giết mổ phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi và có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Tương tự, trong vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển phù hợp. “Bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi…” – hết trích.

Những quy định trên biến thái ở chỗ:
Thứ nhất, quyền con người là quyền cao nhất, trong đó có quyền mặc, quyền ăn. Các sách về ẩm thực dâng vua chúa nói rằng muốn ăn con lươn ngon thì phải tẩy hết nhớt trên người nó bằng cách ném nó vào gio (than của rơm) để nó giãy chết. Muốn thịt con dê thơm, cần dùng gậy đánh để nó nhảy nhót toát mồ hôi, tẩy hết mùi thum thủm trước khi lìa đời. Muốn nuốt cặp chân gà bổ dưỡng, phải ném con gà đang sống vào cái chảo than nóng từ từ để nó nhảy nhót liên hồi, dồn những dinh dưỡng xuống chân….
Tức là, con người muốn hưởng đầy đủ quyền ăn ngon thì vật nuôi buộc phải chết dưới bất cứ hình thức nào. Vật nuôi không có quyền đòi hỏi được ngất trước khi hóa kiếp, càng không có quyền được phát phiếu thăm dò có sợ hãi hay không khi thấy đồng loại bị cắt tiết. Chúng lại không thể nghiễm nhiên được nuôi trong không gian phù hợp, cung cấp đầy đủ nước ăn, thức uống (trừ khi tự thân chủ của chúng muốn vậy).
Thứ hai, các vị viết luật biến thái ở chỗ ảo tưởng về sự hùng hậu của lực lượng thi hành luật. 
Không lẽ mỗi nhà nuôi một con chó thì phải điều ít nhất một nhân viên công lực theo dõi xem con chó đó có bị chủ bạo hành, cắt nước uống, phần ăn không?... Hay là vận động quần chúng tố giác hàng xóm cắt tiết con gà mà vẫn để nó giãy do chưa ngất?
Một luật mang tính làm kiểng, thiếu khả thi như thế mà các đại biểu Quốc hội, mặc định là đại diện cho trí tuệ nhân dân, ham hố bấm nút thông qua? Kể cũng “Biến thái”!

Trần Tuấn

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Thương binh đời 2018?


Hồi 1990 hay 1991 gì đó, mẹ tôi quản lý cái bách hóa tổng hợp hơn 40m2 trên đường Thanh Niên (TP.Nam Định). Đây trước là một trụ sở của ngành thương nghiệp, sau khi xóa bỏ bao cấp, nó đìu hiu với mặt hàng là mấy cân đường, vài túi mỳ chính, ít bánh quy cùng pháo Tết.



Một buổi sáng, khi tôi đang chơi trong sân vợ chồng một cô chú sau cửa hàng thì nghe huyên náo dữ dội, chạy vội ra thì thấy một đám cô hồn, què chân có, cụt tay có, chột mắt có….bê chăn màn, giường chiếu, bàn ghế vào bách hóa và quăng pháo Tết ra ngoài.

Bọn này tự xưng là thương binh, và cuộc đổ bộ chiếm cửa hàng của chúng thành công dù bị phản ứng kịch liệt…

Thời ấy, “nhảy dù” là một trong những thương hiệu của xã hội đen đất Thành Nam. Mấy chú què cụt ấy cậy có công lao từng mặc áo xanh, từng cầm súng, từng bị bắn không chết… để tranh thủ thời buổi nhiễu nhương chiếm đất chiếm nhà.

Thời tác oai tác quái của nhóm tự phong “công thần” này kéo dài chẳng bao lâu. Nó bị dẹp gần như triệt để bởi chính quyền và người dân ngứa mắt, sẵn sàng rút lê AK moi nốt “pha” còn lại của mấy chàng chột đeo huân huy chương đầy ngực muốn làm càn.



Hiện tượng vỗ ngực "ta là thương binh" tưởng lụi tàn từ đó thì chục năm trở lại đây lại xuất hiện. Có điều, nó mang tính “giặc cỏ” khi thi thoảng nhà chức trách phát hiện vài chú đi xe ba bánh của thương binh vận chuyển thuốc lá lậu hoặc chở gái điếm.

Nhưng hôm qua, 10-12, một số chú bỗng hổ báo khá bất thường khi vỗ ngực ta là thương binh, phi xe ba gác trực chỉ trụ sở VFF đòi có vé vào sân vận động xem thế hệ con cháu đá bóng.



Nếu họ từng là quân nhân xịn, trước tiên, xin ngả mũ bái phục màn kịch tinh tướng của thế hệ thương binh đời 2018 này! Sự hỗn láo của họ quả là trên tài chú mất dạy trong làng Vũ Đại của ông Nam Cao.

Thứ hai, nếu họ từng là quân nhân xịn và hiện đang hưởng những chính sách đại ngộ của nhà nước với người có công, thì việc làm này chính là đang tự sỉ nhục danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”, danh hiệu “Quân đội Nhân dân” của họ.

Thứ ba, còn nếu giả mạo thương binh, các bố này chết chắc vì dám chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, mỉa mai tình quân dân cá nước, xuyên tạc lịch sử và bôi bẩn trang vàng truyền thống của lực lượng quân đội.

Chứ không hả? cây kim sợi chỉ không táy máy nhưng sao vé chung kết AFF thì nhất định phải giành giật?

Anh Tuấn

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Cướp ngân hàng


Nhiều năm trở lại đây, 100%  những vụ cướp ngân hàng ở Việt Nam mà báo chí đưa tin thì kết cục là toàn bộ thủ phạm những vụ cướp đó đều đồng thời thực hiện luôn việc cướp mạng sống hoặc tự do của chính mình. Không vụ nào “xuôi chèo mát mái”!



Cũng theo báo chí, những người anh em gây ra các vụ chiếm đoạt tiền bằng vũ lực đó đều có lý lịch nợ nần hoặc nghiện ngập. Không “chiến sĩ” nào thực hiện hành vi cướp vì sự thúc đẩy của món thuốc phiện “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối” của Xuân Diệu.

Và, thành phần cướp thì không thể nói rằng họ là thành phần kém học vấn và mù kỹ năng lướt mạng xã hội. Đứa nào bây giờ chả có xì-mát-điện thoại để biết tin tức đó đây?... Tức là lường trước được cái giá phải trả khi xông vào nhà băng có đầy đủ nhân viên an ninh, camera, hệ thống báo động…



Hiểu như vậy nhưng vẫn chấp nhận hành nghề cướp ngân hàng? Phải chăng những kẻ cướp đó đang lâm vào tình thế hoặc là chấp nhận chết vì không có tiền, hoặc là bằng mọi giá phải kiếm tiền ngay lập tức để “câu giờ” thời khắc đối diện với diêm vương?...

Tóm lại cũng đều vì chữ “tiền”!

Bất cứ xã hội nào, nếu tồn tại nhiều cá nhân chiến đấu vì tiền bất chấp rủi ro về mạng sống như thế, xã hội đó cần xem lại hệ thống vận hành của mình. Trong đó, nên lưu ý tới mắt xích giáo dục, mắt xích truyền thông, mắt xích an sinh xã hội, mắt xích việc làm, mắt xích các chính sách cho người nghèo, mắt xích “nêu gương” của giới thượng lưu giai cấp...



Khi các mắt xích ấy chuyển động nhịp nhàng, đảm bảo một thằng ăn trộm chó cũng không có,  đừng nói tới xuất hiện đứa cướp nhà băng!.

Và ngược lại…

Trần Tuấn






Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Khởi tố 2 cô giáo tội Giết người hoặc Phản quốc?


Từ bé tới giờ mình nhiều lần bị ăn tát, thủ phạm lúc thì mẹ, lúc cô giáo, khi là bạn bè hoặc đối thủ. Mỗi lần như vậy đều không quá 1 cái nhưng mình luôn xây xẩm. Nếu là 2 cái có lẽ cận ngất hoặc “đứt”.



Vậy mà cô giáo ở Quảng Bình bắt học sinh trong lớp tát bạn hơn 200 cái.  Tại Hà Nội, giáo viên khác cũng làm điều tương tự khi bắt một trò của mình hứng năm chục phát vả vào miệng.
Như vậy, có hai khả năng:
Khả năng thứ nhất: Nếu tát đủ, tát đúng, "tát thực chất tát"… thì đảm bảo chưa tới số đếm 49, nạn nhân của trận đòn tập thể đó đã chầu Diêm vương với cái đầu móp méo và hơn chục chiếc răng xa lìa cơ thể.
Khả năng thứ hai: Bọn bạn của đứa học sinh chịu phạt đó thương nó nên giơ cao đánh khẽ, vung tay thật khỏe mà lực chạm như vuốt ve… thì chúng đã phản bội chỉ lệnh của giáo viên, vô trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ và gian dối trong hành động... Với khả năng này, không ai khác, chính cô giáo đang làm ngơ, dung túng và nhồi vào sự phát triển nhân cách của học sinh một con đường phát triển lệch lạc.
Đào tạo một thế hệ học trò có xu hướng lụi chột như vậy tức là góp phần nhấn chìm nền giáo dục, đồng nghĩa với việc tiêu diệt quốc gia, dân tộc!
Một hành vi chủ mưu giết người, một hành vi tiếp tay phản quốc, xin hỏi hai giáo viên muốn chọn món nào?
Tất nhiên, nâng cao quan điểm rất dễ mà hạ nhục (hạ thấp) quan điểm cũng là chuyện cực kỳ đơn giản ở xứ ta... Và mình biết hai cô ấy sẽ không phải đối diện với hai tội danh dành cho những kẻ mất dạy kia.
Mình yêu vẻ đẹp hình thể, mình biết hình tượng người giáo viên luôn đẹp nên mình chỉ mong các cô cùng lắm là bị lãnh đạo yêu cầu rút kinh nghiệm.

Trần Tuấn

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu...



Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai - Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế (Đặng Trần Thường & Ngô Thì Nhậm)

1. Một doanh nghiệp sẽ trả 30 ngàn cho bất cứ người nào đáp ứng điều kiện tự vẽ tranh hoa hướng dương rồi đưa lên mạng. Nói cách khác, mọi người đều có thể lấy được 30 ngàn của doanh nghiệp này nếu làm theo yêu cầu.
Số tiền đó sẽ dùng cho mục đích hết sức nhân văn là hỗ trợ bệnh nhi ung thư.



Đây là hoạt động lấy cảm hứng từ “Ước mơ của Thúy”.  Lê Thanh Thúy, cô gái mắc ung thư nhưng không sụp đổ mà luôn kiên cường chống chọi với tử thần. Cô đã sử dụng quỹ thời gian quý giá cuộc đời còn lại để lan tỏa vẻ đẹp thánh thiện của tâm hồn hướng tới cộng đồng, tới những trẻ em cùng chung hoàn cảnh bị hiểm bệnh.
Giờ Thúy đã đi xa, nhưng để tinh thần, ước mơ và tâm huyết của Thúy tiếp tục hiện hữu, mình ủng hộ việc móc tiền doanh nghiệp chia cho bệnh nhi.

2. Một câu chuyện nhiều nước mắt khác, 7 năm sau ngày Thúy đi, đó là cuối năm 2014, bệnh nhân ung thư tên Bình Nguyên điều trị tại viện K (Hà Nội) viết một bức thư gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.  Trong thư, Bình Nguyên mong muốn có một cây cầu đi bộ trước cổng viện để các bệnh nhân và thân nhân không phải nớp nớp nỗi bất an bởi tai nạn giao thông mỗi khi muốn sang đường.



Vị tư lệnh ngành giao thông đã lập tức đáp ứng và ráo riết ra chỉ đạo làm cây cầu này. Báo chí và người dân cả nước ngày ấy đã rất xúc động, ngả mũ trước tấm lòng vì dân của Bộ trưởng.
Giờ, người đề xuất ý tưởng tuyệt vời ấy đã chết, còn người biến ý tưởng ấy thành hiện thực thì đang ăn cơm tù!

3. Kết: Giống như khi khóc, dù bạn chân thành mấy thì tình cảm cũng vẫn rỏ xuống theo nhịp điệu khoan nhặt, bi hùng của thời thế... thì hai câu chuyện trên cũng tương tự vậy: Mặt trời là mãi mãi nhưng cầu có thể sập bất cứ lúc nào.

Trần Tuấn