Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Hoang mang hơn chuyện chờ vợ đẻ


Mình thấy, đặt nặng sự chém giết thay vì kiến thiết đất nước là một lối tư duy lãng mạn. Lãng mạn, hiểu theo cách giải thích của một từ điển lâu rồi không nhớ, là buông tay khỏi mạn thuyền để phiêu lưu với dòng nước xoáy.

Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Phan Văn Vĩnh, một loạt sự biến ngân hàng… và sắp tới đây có thể là vụ AVG cho thấy không khí ngột ngạt đang bao trùm một quốc gia vốn rất chuộng thanh bình.



Mà thu lại là gì? Cho là vài chục ngàn tỉ đồng trên giấy tờ của tòa án, niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước được một phần củng cố, quốc tế đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong nỗ lực minh bạch hóa thể chế…

Nhưng cái mất có lẽ lớn hơn nhiều, đó là phủ định chính nền văn hóa với đặc trưng là Duy tình khắc Duy Lý. Sự nể nang, thấu cảm, xuê xoa cho nhau vốn là lối ứng xử cả ngàn năm nay của người Việt phải nhường chỗ cho cách hành xử máy móc, rập khuôn “quân pháp bất vị thân” của tư tưởng Pháp trị thời tiền Tần bên Trung Quốc.

Điều gì cũng có kết quả (hoặc hệ lụy) của nó.  Anh muốn lái xe rút ngắn thời gian và quãng đường thì anh buộc phải chấp nhận có thể vào tù vì gây tai nạn. Anh muốn gấp gáp đua theo cuộc sống giàu sang của thằng hàng xóm thì chỉ còn đường anh từ bỏ bản sắc nhàn nhã, ung dung của anh để kiên trì tiết kiệm hoặc liều lĩnh buôn thuốc phiện.

Và, những ham muốn ấy đang tha hóa (theo nghĩa triết học) chính anh.  Nó không giúp anh thành ông chủ của cuộc chơi mà biến anh thành một dạng nô lệ của thời đại.
Anh đang hung hăng chỉ mặt một số đứa đồng bào của anh vì chúng làm ảnh hưởng cuộc sống những đồng bào khác.



Thế nhưng, lối tư duy của anh là một lối tư duy của một dân tộc khác! Nó không thuộc về dân tộc Việt Nam!. Vì những gì mình biết, người Việt “thương nhau chín bỏ làm mười”, “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”, “khôn ngoan đá đáp người ngoài – gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”…

Và, ừ thôi, cứ cho là anh quyết liệt xử lý một vài cá nhân để được tiếng thượng tôn pháp luật với thế giới, thì mọi sự nếu đã bình đẳng trước pháp luật thì nên bình đẳng đồng đều.

Vậy mấy cái Đặc khu mà anh đang cổ súy là gì, nếu không phải là khu vực được hưởng cơ chế đặc biệt, tức là khác bình thường?

Với tiểu chi tiết rằng cho nước ngoài thuê đất 99 năm, đồ rằng tư duy “kiến thiết đất nước” của anh dường như đang chấp nhận Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là 3 phiên bản của HongKong trước năm 1997?

Vậy sao không cho thuê hẳn 900 năm đi để đỡ mất công ký lại hợp đồng?


Anh Tuấn

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Án bỏ túi


Là một dạng án hiểu nôm na là án man rợ. Nó được ấn định trước khi phiên tòa bắt đầu. Và, sau khi loài người tiến bộ nhận ra bộ mặt thật của những kẻ tự phong mình nhân danh công lý thì bản án đó phải trả giá.



Gần 10 tỉ tiền thuế của nhân dân phải lạy lục để trả cho ông Huỳnh Văn Nén, hơn chục tỉ để nịnh nọt danh dự ông Nguyễn Thanh Chấn và nhiều hơn thế để thành khẩn xin lỗi ông Hàn Đức Long… là những minh chứng sinh động về lối tư duy của những Hội đồng xét xử móc từ túi quần ra Thần Công lý.

Mình là người nghi ngờ mọi thứ, kể cả bộ não của chính bản thân, nên câu chuyện Giám đốc thẩm vụ án Dâm ô trẻ em ở Bà Rịa – Vũng Tàu được đưa ra quân bài chốt đúng ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) không nằm ngoài sự nghi ngờ đó.

Quả thật, trong hôm nay, nhiều phụ huynh hả hê khi có món quà là thông tin một ông già gần tám chục tuổi bị tống giam vào ngục.



Song, nếu ông này vẫn một mực kêu oan, đốt thẻ Đảng, viết “huyết thư” trước khi thực hiện một hành động khẳng khái của kẻ trượng phu?... Tin rằng con cháu của những người đưa ra quyết định Giám đốc thẩm trên sẽ ngay lập tức đặt dấu hỏi về sự có hay không sự xu nịnh thời thế, nâng bi dư luận của ông bà chúng.

Xa hơn nữa, nếu thực sự bậc trưởng lão vài chục năm cống hiến cho lý tưởng Cộng Sản Nguyễn Khắc Thủy bị oan thật, thì tiền thuế của đồng bào máu đỏ da vàng lại phải thắt ruột bỏ ra để xin lỗi  danh dự “người chiến sĩ kiên trung, thà chết chứ không nhận tội”.

Ngày Quốc tế thiếu nhi hôm nay, với mình, mang quá nhiều biểu tượng về sự nghi ngờ, thớ lợ, thậm chí ngu xuẩn.

 Trần Tuấn