Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

ANH HIÊN NGANG ĐỐI DIỆN MẶT TRỜI!



Thời gian gần đây, khi những ca khúc nước nhà  vào giai đoạn trời yên biển lặng, gu âm nhạc chuẩn bị định hình vững vàng tựa mu thần kim quy với việc hài lòng trước những ca từ tuyệt diệu kiểu Làn da nâu, OK mình chia tay, Vợ người ta….thì tự nhiên nổi sóng.

Đó là CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI - sản phẩm nhạc sến mà một bộ phận dân chúng lếu láo đặt tên là nhạc vàng, bỗng trở thành điểm nóng. Đám dân đen nhốn nháo khi biết nó nhận án treo cổ trong nhu cầu thưởng thức ca từ đẹp.

 


Từ nay thì cấm được xem biểu diễn, cấm được nghêu ngao hát và cấm được tương tư đứa nào đó rồi tơ tưởng đến chuyện dắt tay nhau trên đoạn ngõ thơm hương hoa bưởi tỏa ra từ mái tóc thề nhá.

Lý do không được hát thì nhà nước đã nói rõ  là dính líu tới yếu tố bản quyền. OK! Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật nên chuyện dan díu với một sản phẩm nghệ thuật cũng không ngoại lệ.

Vấn đề là lý giải của một số người, rằng  “CHUYỆN TÌNH TA ĐÃ GHI” ấy bị xóa vì có bước chân của thằng cha xa người yêu ra chiến trường.

Nên mới có chuyện Con đường xưa em đi là con đường gì? Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào?.... Câu hỏi thật sâu sắc và chí lý. Hát mà không hiểu thì hát làm quái gì, hoặc hiểu mà xao nhãng lập trường tư tưởng thì hiểu mà ca ngợi chế độ cũ à?

Cấm là phải! – Đại loại, lý lẽ của một số đấng ngầm phong mình là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đã quả quyết như thế.

Và họ nhận bom đạn từ những người yêu các ca từ nhân văn, thấm đẫm chất trữ tình. Có hề gì! Hi sinh cho lý tưởng còn sẵn sàng thì sá gì bị ghét bởi cái đám thảo dân mê mẩn chuyện yêu đương ủy mỵ.

Tình nước, lòng trai, anh hiên ngang đối diện mặt trời!........

Trần Tuấn






Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

MÒN…


1.Chỗ ngồi thì nhỏ
Lý tưởng thì to
Cà phê hóng gió
Mơ chuyện lật đổ

2.Mình từng gian khổ
Dăm lần lầm lỡ
Cửa đời chưa mở
Tội gì không xô?

3.Chủ nhật vắng vợ
Nên cười hết cỡ
Chả như tụi nhỏ
Hơi tí kêu nhớ
Anh Tuấn

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

MỸ NỮ BẺ HOA


Một nữ Phó Giám đốc sở ở Bình Thuận bị bắt gặp bẻ hoa tại Đà Lạt. Vietnamnet đưa tin chị ấy sau đó thanh minh là cầm hộ cái cành gãy của chú em cùng xe, rồi mong mọi người thông cảm.

Thế nhưng, chả mấy bà con cảm thông cho nữ đầy tớ đó, do cho rằng chị ta tốc váy lên quy chuẩn công chức để thực hiện kỳ được ham muốn hiếp dâm văn hoá thưởng lãm cái đẹp.



Tớ từng học môn Xã hội học quản lý, thầy Tạ Minh dạy rằng Việt Nam từng chịu ảnh hưởng của hai trường phái luật pháp là Đức trị do Khổng Tử đầu têu và Pháp trị do Tuân Tử phất cờ tiên phong.

Anh Khổng hướng dẫn quản lý nhà nước bằng cách nêu gương, thu phục nhân tâm với tấm lòng lương thiện. Anh Tuân bật lại, nói phải dùng quy định để thít cổ con dân. Dùng đức có mà ăn cháo.



Và tớ chả thích món cháo, ít nhất cũng phải là phở chứ, nên tớ khoái Tuân.
Vì thế  tớ ưa chị Phó Giám đốc sở kia, nghe đâu chị đòi hỏi mấy đứa thảo dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh chúng có quyền bắt bẻ chị.

Đúng quá còn gì! Ông không thủ cái gậy quyền lực mà đòi chọc búa xua vào hứng thú cá nhân của người ta là ông phạm luật can thiệp vào đời tư.

Chưa nói,  chị ấy lúc bẻ cành đang là khách du lịch như mọi người, không phải ở vị trí công chức, nên tung hê hình ảnh họ lên mạng trong khi không được phép là lố quá!

Mà nói thật, chị ấy hồn nhiên bẻ hoa công khai, suy cho cùng còn hơn mấy kẻ đục khoét ngân sách một cách lén lút. Thế mà hè nhau tám câu chuyện chị ấy, nhất là trong cai tháng Ba thần thánh này. Thật chả ra làm sao!


Có ngon thì kín đáo ghi hình rồi gửi chính quyền, giống như mấy anh trật tự bắt  đái bậy ấy. Thế mới là đồ đệ văn minh của bác Tuân Tử. Ha!

Trần Tuấn