Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

NHẬT KÝ DÌM HÀNG

NHẬT KÝ DÌM HÀNG
(Trích từ sổ tay hạnh phúc của một cô nàng đau khổ)



Ngày X tháng Y năm Z…

Lâu lắm rồi hôm nay mới lại được nhận quà của “Heo cô đơn”. Một chiếc lắc xinh xinh với hạt cườm lóng lánh, dù nó chỉ bằng nhựa nhưng “Thỏ kiêu kỳ” thấy hạnh phục cực.

Nghe chàng kể mà thương. Để mua được báu vật này cho dịp sinh nhật mình mà chàng đã sẵn sàng bỏ hẳn nửa ngày lương cơ đấy. Chao ôi! Thế là không ăn không uống gì trong 12 giờ  còn lại rồi. Hic! Thương quá cơ.

Vì thế, cả buổi tối ngồi bên nhau trong quán nước, để tiết kiệm cho “Heo” mà “Thỏ” quyết định không gọi đồ uống gì, cũng nhường hết ly trà đá người ta khuyến mãi mặc dù “Heo” nằng nặc nài nỉ “uống chung cho vui”.

Về đến nhà mệt rã rời vì khát, “Thỏ” chẳng kịp gọi mấy đứa ở lười biếng mà lao ngay vào tủ lạnh vớ lấy một chai tu ừng ực. Lúc ấy không thèm phân biệt là Pepsi hay Coca nữa

Rồi nhảy tót lên giường lôi hộp nữ trang đợt “Thỏ” hứng lên shoping trong tour du lịch Châu Âu lần 3 của năm ra ngắm.

Biết rằng mỗi thứ có bét nhất thì cũng bằng gia tài của cha mẹ “Heo” tích cóp cả đời tại quê nhà. Nhưng “Thỏ” cứ muốn quăng hết sang vườn nhà hàng xóm cho lũ vịt đang cạp cạp loạn xạ bên ấy hóc ngọc chơi.

Vì “Thỏ” chỉ thích mỗi cái lắc nhựa nửa ngày lương của chàng thôi. Nó là hạnh phúc của “Thỏ”.
(Chú ý:  Ngày mai nhớ học thuộc câu cuối cùng. Để khi nào “Heo” hỏi thì còn biết đường mà trả lời….
Cái gì của "Heo" cũng yêu, chỉ ghét mỗi tật hay nhắc đi nhắc lại những món quà tặng “Thỏ”  thôi!
Cũng tự ghét cả “Thỏ” nữa…. Cái gì cũng được(hí! hí!...), chỉ mỗi tội ít xinh!)
HẾT NHẬT KÝ.


Anh Tuấn

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

PHIẾM

Chán thật!
Đời cứ ngày hôm nay giống ngày hôm qua, giống ngày hôm kia,… giống bất cứ một ngày nào đó trong chuỗi thời gian lặp đi lặp lại đến phát nản…
Cứ mỗi lần ngồi một mình uống cà phê với 4 “chân dài” là lại thấy lòng trống trải đến lạ kỳ.
Có lẽ phải tìm quán nước nào đó chỉ có loại bàn 3 chân hay 1 chân trụ để còn có chút cảm giác thay đổi.
Chứ gieo buồn trên cái bệ đỡ của 4 thanh sắt dài ngoằng thấy vững chãi một cách giả tạo quá.
Ồ, lại một “em chân dài tới nách” khác đang cọ cọ mũi xuống đôi giày nát. Hóa ra là chú khuyển giống Phú Quốc của “Đại gia, đảng viên bán nước”. – Nghĩa rằng ông chủ bụng phệ này kinh doanh đồ uống.
Trốn đi mày! Thơm lắm hay sao mà ngửi mãi…

Chán thật! Chán mà vẫn cứ phải muốn sống.










Cô đơn quá!...
cà phê ơi…
Lặng lẽ rơi..
…lặng lẽ rơi…
… lặng buồn.

Giọt nào nhớ?...
…giọt nào thương?...
Mà day dứt tỏa mấy phương
… u sầu?

Giọt nào đắng?...
…giọt nào đau?...
Mà đen…
… mà sánh?…
… mà sâu?…
… mà .. Đời?…

Chầm chậm rơi…
… chầm chậm thôi
Để nghe giông bão xẻ đôi tiếng cười
Để nghe
… lẳng lặng trong người…
Nỗi buồn thấm thía chảy xuôi vào lòng.

Chầm chậm rơi…
… chầm chậm… ngưng….
Cái gì cũng…
… cứ như Không là gì!
Trống trơn một cõi đi – về…
Đam mê mòn chết bên lề trái tim.

Chầm chậm ngưng…
… lặng lẽ… im…
Giọt đời đọng lại phía chìm bão giông...

Nghiêng ly…
… uống cạn…
… cho xong…
Chao ôi!
… đắng đến tận cùng tâm tư…

Một mình ta,..
… một giời mưa,…
… Một cà phê,…
… đã…
… khuấy vừa cô đơn!...

 Anh Tuấn

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

SINH NHẬT CON GÁI CỒN




Lâu quá thể!

Những hơn 12 giờ đồng hồ nữa công chúa Trần Hoàng Ngọc Anh của bố Tuấn mẹ Hằng mới gõ cửa tuổi thứ nhì – Ba giờ hai mươi mốt phút chiều hôm nay, tháng đây, năm này…

Để chuẩn bị lễ thôi nôi cho con, nghe nói ông bà nội cùng chú Ngọc đã lên kế hoạch từ… năm ngoái. Lát nữa sẽ lặn lội hơn hai chục cây số về thăm cụ và chứng kiến con thổi nến…



Theo đó, “gái cồn” – tức mức độ yêu quý gấp đôi lần rượu – sẽ đối diện với hằng hà sa số những đồ vật tượng trương cho kỳ vọng phát triển trong tương lai của con. Thứ đầu tiên mà bàn tay nhỏ nhắn xinh xinh của “công chúa” nắm đến sẽ phần nào cho biết ngã rẽ nào phù hợp nhất  với cuộc đời con sau này.. (Ấy là các cụ bảo thế, cấm cãi!)

Ví dụ, “cục vàng” của bố túm được hộp đựng kim chỉ, nghĩa là thằng rể tương lai vài chục năm nữa của ta rất có phúc vì nó “vớ được” một hồng nhan tri kỷ đảm đang, khéo léo, tháo vát, giỏi thu vén việc nhà và linh hoạt phần đối ngoại.

Còn nếu con sà ngay vào mấy thứ đồ ăn thức uống nghĩa là cuộc sống của cháu nội đầu của ông bà Quế - Bé sẽ sung túc, đầy đủ, không phải vất vả chuyện tiền áo gạo cơm như bố mẹ.

Hoặc giả con gái háo hức với tập vở cùng cây bút màu, điều đó tố cáo rằng trong vài chục năm tới rất có thể tiểu thư nhà ta sẽ trở thành một Giáo sư – Tiến sĩ ghét đạo văn.

… vân vân …và .. vân vân…



Hồi hộp quá!... Không biết nữ chúa của ngày hôm nay sẽ chọn món đồ vật gì đầu tiên trong buổi lễ thôi nôi.?

Đừng nói là sẽ ngay lập tức nhấc quả địa cầu, cầm trên tay mà xoay xoay, lắc lắc nhá! Gái cồn!

Happy Birth day  con.

Bố Tuấn - Mẹ Hằng


Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

NHỮNG ĐẠI MỸ NHÂN VIỆT


NHỮNG ĐẠI MỸ NHÂN VIỆT

Những  mỹ nhân được lịch sử thế giới ghi tên họ có thể là  người thật từng được sách sử tụng ca hoặc có thể đã vươn lên trở thành đề tài thẩm mỹ trong nhiều tác phẩm thi, ca, nhạc, họa…. Phụ nữ Việt cũng có nhiều bóng hồng xứng đáng sống mãi cùng thời gian với biểu tượng của một “Đại mỹ nhân”.



Có thể nói, đặc điểm chung nhất của những mỹ nhân trong lịch sử được thế giới thường nhắc là đều có vẻ đẹp tuyệt thế, đều là những quân bài hoặc tự biến mình thành công cụ phục vụ cho lợi ích một nhóm chính trị trong giai đoạn họ sinh sống. Các ngôn từ ca tụng như “hoa nhường nguyệt thẹn”, “cá lặn chim sa”, hay “Khuynh nước khuynh thành” - hiểu nôm na là sắc đẹp khiến thành lũy tiêu tan, quốc gia nghiêng ngả,… cũng từ đó mà ra.

Nữ hoàng Cleopatra – Tự biến mình thành “vật tế thần”
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), Cleopatra là người nổi tiếng nhất trong lịch sử. Bà là nữ hoàng của Ai Cập cổ đại cũng là nhà cai trị người Hi Lạp cuối cùng ở Ai Cập.
Trong cuộc nội chiến giữa chính phủ và dân chúng, đặc biệt là thời điểm Julius Caesar đánh chiếm thủ đô Ai Cập, để cứu vãn quyền lực bà đã tìm cách quyến rũ vị Đại đế bằng sắc đẹp, trí thông minh và vẻ tài hoa của mình. Bà được Caesar tái lập lên ngôi báu cai trị cùng em trai và có với vị tướng lừng danh này một “Caesar nhỏ”. Cleopatra sau đó loại bỏ tên của người em trai ra khỏi mọi giấy tờ chính thức, bỏ qua truyền thống dòng họ rằng phụ nữ cầm quyền phải phụ thuộc vào người nam giới cùng cai trị
Trong một bộ phim về nói bà, mỹ nhân huyền thoại này đã có cách gây ấn tượng mạnh mẽ với Ceasar ở  lần đầu tiên gặp mặt bằng cách sai tỳ nữ quấn kín mình trong một tấm lụa lớn rồi mang tới tổng hành dinh của Ceasar. Vị Đại đế đã có một phen bất ngờ và hào hứng  khi tấm lụa tự lăn để cuối cùng xuất hiện một giai nhân đẹp lộng lẫy từ từ ngồi dậy
Sau khi Ceasar bị ám sát, Cleopatra trở thành tình nhân của danh tướng có ảnh hưởng chính trị lớn khác là Marcus Antonius và có thêm 3 người con nữa trước khi bà tự vẫn ở tuổi 39 bởi nọc độc rắn mào.

Tây Thi – Nguồn cảm hứng của “Chim sa cá lặn”
Tây Thi sống vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa, là người đứng đầu “Tứ đại mỹ nhân” của nước này. Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi ngay cả khi nàng đau bụng nhăn mặt cũng khiến nam giới mê hồn. Khi nàng đi hái củi, những con chim bay trên bầu trời nhìn Tây Thi đến nỗi quên cả vỗ cánh mà rơi xuống đất. Còn khi nàng giặt áo bên bờ sông, cá nhìn mê mẩn tới mức chẳng buồn bơi mà dần dần chìm nghỉm dưới đáy sông.
Tây Thi được Việt vương Câu Tiễn lựa chọn để cúng tiến kẻ thù trong kế hoạch “Mỹ nhân kế” do hai đại thần Văn Chủng và Phạm Lãi tham mưu. Nàng là con cờ trong mục tiêu khiến vua nước Ngô vì say sưa gái đẹp mà quên việc nước.
Quả đúng vậy, sắc đẹp cùng sự khéo léo của Tây Thi khiến Phù Sai mê mẩn, không ngó ngàng việc triều chính và rũ bỏ lời can gián của trung thần dẫn đến quốc gia suy yếu. Kết quả bị chính Câu Tiễn  khởi binh thâu tóm giang sơn và đòi lại món nợ phải nếm phân trong thời gian bị giam cầm khi xưa.
Người đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”  sau đó cũng có kết cục bi thảm khi bị vợ của Việt Vương trói vào một tảng đá lớn rồi thả  xuống giữa dòng sông (theo Đông Chu Liệt Quốc của tác giả Phùng Mộng Long)

“Hoa nhường nguyệt thẹn” bởi Điêu Thuyền
Điêu Thuyền đứng sau Tây Thi và trước Vương Chiêu Quân, Dương Ngọc Hoán trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa. Sử sách không nói đến nhiều nhưng trong bộ tiểu thuyết kinh điển “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung thì nàng là một trong những nhân tố đầu tiên góp phần khởi động cuộc nội chiến nồi da xáo thịt khiến thiên hạ chia 3 ở giai đoạn tiêu vong của nhà Hán.
Nàng là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn. Khi Vương Doãn đang trăn trở tìm cách tiêu diệt loạn thần Đổng Trác và kiêu binh Lã Bố (con nuôi của Trác) thì nửa đêm bắt gặp Điêu Thuyền ra ngồi dưới hoa. Bỗng nhiên thấy những cành hoa lung linh rủ xuống và mặt trăng trên bầu trời lẩn nhanh vào đám mây, vị Tư Đồ mới khen rằng sắc đẹp của nàng khiến ánh trăng cũng phải xấu hổ mà lu mờ. 
Từ đó, Vương Doãn dùng Điêu Thuyền làm mồi nhử để 2 bố con Đổng Trác – Lã Bố chia rẽ, tàn sát lẫn nhau. Lã bố từ chỗ theo phò bố dượng chống lại liên minh 18 lộ chư hầu trong đó có Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Bị,.v..v… đã quay sang cắt cổ cha nuôi để chiếm được Điêu Thuyền làm vợ.
Sau khi Lã Bố bị Tào Tháo diệt, tung tích và số phận của người đẹp khiến nguyệt thẹn hoa nhường  này đến nay vẫn chưa rõ ràng bởi mỗi nguồn tài liệu có mỗi cách phân tích và giải thích riêng.
……………………………..
Giống như những người đẹp trên, Đại mỹ nhân Việt hoặc có thể là người thật từng được sách sử tụng ca, hoặc có thể đã vươn lên trở thành biểu tượng trong nhiều tác phẩm thi, ca, nhạc, họa kéo dài suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Trong số đó, không thể không nhắc đến Mỵ Châu, Dương Vân Nga và Huyền Trân Công chúa.

Mị Châu – Vẻ đẹp khiến hoàng tử ngoại bang quên thân, bỏ cơ đồ.
Câu chuyện An Dương Vương mất cảnh giác bởi tin lầm chàng rể quý, xét trên góc độ Quốc gia - Dân tộc, là thời điểm đánh dấu bắt đầu cả ngàn năm bị Bắc thuộc của dân tộc Việt. Mối tình của Mỵ Châu, con gái vua Âu Lạc với Hoàng tử gián điệp phương Bắc Trọng Thủy chính là căn nguyên gây nên sự mất cảnh giác ấy.
Theo bộ Đại Việt Sử ký toàn thư của Sử gia Ngô Sĩ Liên - phần ngoại kỷ chép lại: “Bà là con gái duy nhất của vua An Dương Vương, năm 210 TCN. Triệu Đà  là quan lại của nhà Tần ở Quảng Đông mang binh sang xâm lược Âu Lạc nhưng bị An Dương Vương đánh bại, Triệu Đà biết không đánh nổi bèn dùng kế cầu hoà, An Dương Vương đồng ý, nhân cơ hội đó Triệu Đà cầu hôn Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy và kết thông gia với An Dương Vương. Trọng Thuỷ sang ở rể tại Âu Lạc và đồng thời tìm hiểu các bị mật quân sự của Âu Lạc mà cụ thể là Nỏ thần. Mỵ Châu tin vào chồng nên đã để lộ và bị Trọng Thuỷ phá huỷ lẫy nỏ.
Sau khi phá nỏ thần, Trọng Thuỷ về Quảng Đông, năm 208 TCN Triệu Đà xua quân tấn công Âu Lạc, nỏ thần đã bị hỏng, An Dương Vương thua trận và mang bà chạy về phía Nam, tin lời chồng là Trọng Thuỷ hứa sẽ tìm mình, bà đã rút lông ngỗng trên tấm áo của mình rải dọc đường, Trọng Thuỷ cùng quân dựa vào lông ngỗng đuổi theo. 
Vua An Dương Vương chạy đến bờ biển cùng đường, gọi rùa thần Kim Quy lên cứu, rùa thần hiện lên bảo với ông, kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy ông quay lại nhìn thấy lông ngỗng dọc đường và rút gươm chém Mỵ Châu. Trước khi bị cha chém, bà có khấn rằng “Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này”. Sau khi bị vua cha chém chết, máu bà chảy loang mặt nước biển, loài trai biển nuốt vào bụng hoá làm hạt minh châu.”
Truyền thuyết trong dân gian nối dài câu chuyện sau khi thôn tính nước ta, Hoàng tử Trọng Thủy vì quá thương nhớ Mỵ Châu mà đau buồn lao xuống giếng tại Cổ Loa thành tự vẫn, bỏ lại sự hào nhoáng cùng tiền đồ vinh quang kế tục ngôi báu của mình.
Nàng Mỵ Châu với tình yêu ngây thơ, thánh thiện (“Trái tim nhầm chỗ để trên đầu” – Thơ Tố Hữu) đã vô tình trở thành quân cờ của những thủ đoạn chính trị hiểm độc.
Không có nhiều tài liệu nói đến sắc đẹp của người con gái có giá bằng cả nghìn năm độc lập dân tộc này song từ tình tiết ông vua tương lai (Trọng Thủy) sẵn sàng bỏ hết giang sơn gấm vóc chỉ vì không còn Mỵ Châu trên đời và câu chuyện máu nàng hóa Ngọc trai cũng có thể hình dung ra vẻ đẹp hoàn mỹ từ ngoại hình, tâm hồn đến nhân cách của người phụ nữ ấy.  Xem ra nàng còn trên cả các Đại mỹ nhân từng liệt kê.

Dương Vân Nga – Mẫu nghi thiên hạ của 2 triều đại
Bà là Hoàng hậu của Đại Thắng Minh Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh, cũng là Hoàng hậu của vua Lê Đại Hành
 Theo chính sử, sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, dựng nên quốc gia Đại Cồ Việt thống nhất, Đinh Tiên Hoàng  bị Đỗ Thích ám sát. Triều đình non trẻ đứng trước nguy cơ phân rã do mâu thuẫn nội bộ, xã tắc cũng lâm nguy bởi ngoại bang Chiêm tặc cùng Tống giặc lăm le nhòm ngó. Thái hậu Dương Vân Nga khi ấy giữ vai trò nhiếp chính đã khẳng khái trao Hoàng bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, đưa ông lên làm vua mới. Từ đó ổn định triều đình, mở ra nhà Tiền Lê với các chiến công phá Tống, bình Chiêm vang dội
Ngoài một con trai là Đinh Toàn có với người chồng trước, Hoàng hậu Dương Vân Nga cũng sinh một ái nữ cho vị vua đầu tiên của nhà Lê – Công chúa Lê Thị Phất Ngân – Công chúa sau này cũng là Mẫu nghi thiên hạ của nhà Lý với việc được gả cho Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn (Lý thái tổ)
Nói về vẻ đẹp của Hoàng hậu 2 triều, cũng là mẹ vợ của vị vua khai sinh ra triều thứ 3 (nhà Lý), trong dân gian vẫn lưu truyền những câu ca dao về bà. Theo Hoàn Vương ca tích – Sản phẩm của nhân dân Hà Nam dài gần một vạn câu lục bát thì, bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực:
“…Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân…”

Đến nỗi, mỗi bước đi cũng làm cả một vùng thiên nhiên bừng sáng, xao động:
“… Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm…”
Dòng sông Vân tại Ninh Bình ngày nay chính là từ tên “Vân sàng” mà ra. Tương truyền sau khi dẹp yên loạn bờ cõi, Thái hậu nhà Đinh Dương Vân Nga đã đón Tân vương Lê Đại Hành trên dòng sông này và cả hai đã trao nhau những gì của tình yêu hạnh phúc nhất. “Vân sàng” nghĩa là “giường mây”.

Huyền Trân công chúa – Một dải Giang sơn chỉ đáng làm của hồi môn
Công chúa sinh năm 1287, là con Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và là em gái Hoàng đế Trần Anh Tông. Năm 1306, vua Chiêm  Thành là Chế Mân vì say mê, ngưỡng mộ tài sắc của nàng mà nhiều lần sai sứ giả sang diện kiến nhà Trần với mong muốn có được đóa quốc sắc thiên hương đang rực rỡ trong mùa xuân thứ 19 này về làm hoàng hậu. Và lo lắng nhà Trần còn chưa đồng ý, quốc vương xứ Chiêm Thành không ngại ngần cắt luôn hai phần lãnh thổ rộng lớn là châu Ô và châu Lý dâng lên làm của hồi môn.
Về cuộc đời “thân này ví xẻ làm đôi”, nửa vì hạnh phúc cá nhân, nửa vì đại cục quốc gia của công chúa, Đại thần triều Nguyễn Hoàng Cao Khải cũng là một nhà sử học đã viết: “…Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm – Một gái Huyền Trân của mấy mươi…!...”
Vì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Đại Việt – Chiêm Thành lại được sâu sắc hơn bởi mối tình Huyền Trân – Chế Mân đã kéo triều đình hai nước càng thêm gắn bó, đoàn kết, góp phần không nhỏ trong đại thắng quân Nguyên Mông của thời kỳ “Hào khí Đông A” còn lưu lại những trang vàng chói lọi đến ngày nay.
Chỉ một năm viên mãn cuộc sống vợ chồng thì vua Chế Mân đột ngột băng hà (1307). Ở tuổi 20, hoàng hậu Huyền Trân trở về quê nhà và đầu gia phật giáo tại núi Trâu Sơn (thuộc Bắc Ninh ngày nay) và được thọ giới bồ tát sau đó.
Bà mất ngày mồng 9 tháng Giêng năm Canh Thìn (1430).  Dân chúng quanh vùng thương tiếc tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần"
Nhiều tài liệu viết về nàng công chúa xinh đẹp góp công mở rộng giang sơn (chính sử, ngoại sử, thơ, ca, nhạc, họa,…) đều chưa có cái nhìn thống nhất. Tuy nhiên, xét trên các tiêu chí về “Đại mỹ nhân” ở trên, có thể trích dẫn lưu bút của Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa lưu tại điện thờ Huyền Trân Công Chúa ở Huế làm luận cứ chứng minh: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ”
………………..


Như vậy, lịch sử nước Việt mấy ngàn năm không thiếu những bóng hồng đầy đủ tiêu chuẩn để lưu danh trong kho tàng tri thức của thế giới về vẻ đẹp, tài năng, sự hi sinh và ảnh hưởng chính trị (cả chủ động và thụ động) với tên gọi “Đại mỹ nhân”…. Vì bài viết đã khá dài nên chưa thể kể ra hết… Mong ai đó có sự quan tâm hoặc đồng quan điểm sẽ tiếp tục viết thêm.

Trần Anh Tuấn


Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

GIA TRƯỞNG - NHỮNG CHUYỆN KHÔNG LIÊN QUAN...






Giống như thuốc phiện dùng đúng thì giảm cơn đau, dùng sai thì thành con nghiện.
Giống như người đẹp, đứng xa chiêm ngưỡng thì hào hứng dâng cao, tới lúc sở hữu được rồi thì lại lao đao vì quá nhiều ham hố…
Và,…giống như … Gia trưởng. Điều hành nghiêm chỉnh thì được ghép thêm mỹ từ “uy thế”, nếu như chuệch choặc sẽ đương nhiên “se duyên” cùng “thói, tật”
Gia trưởng, hiểu nôm na theo nghĩa đen là chủ một cái nhà, nghĩa bóng là thái độ khư khư “một mình một chợ” của vị đứng đầu gia đình. Việc cái chợ ấy trật tự hay ồn ào vẫn là đề tài nóng hôi hổi với những bậc tu mi nam tử trót mang trong mình sự cay cú có từ thời ông Adam biết bị mất chiếc xương sườn….

Có anh bạn sau dăm năm du học bên trời Âu, khi về mang theo một nàng vợ Tây mới coóng ra mắt gia đình. Ngày đầu tiên để vợ một mình đi siêu thị, chàng ra nghị quyết về số tiền mua sắm, dặn mua gì thì mua nhưng cấm có vượt quá 300 đô. Nàng “Yes! Yes! Ok!” mù mịt rồi tung tăng hớn hở trèo lên Tắc xi. Lúc trở về kéo theo một chiếc xe tải nhỏ với lỉnh kỉnh đồ điện máy và quần áo hàng hiệu bên trong….
Tiền không xót mà xót cái sự “bất tuân thượng lệnh”! Tức khí, anh chàng nọc cô ả ra quất cho mấy roi quắn đít.
Tội nghiệp cho nàng dâu xứ sở cờ hoa lần đầu biết thế nào là mùi vị phục tùng, ấm ức không chịu nổi, nửa đêm mò dậy thút thít ghi vào nhật ký mấy câu tiếng Việt chưa sõi “Chồng gì mà chồng bé, bé tẹo tèo teo!” – ý là chê anh này nhỏ nhen.
Vô tình sáng ra bà mẹ chồng trong lúc dọn dẹp bỗng trông thấy mấy dòng “biểu tình” nguệch ngoạc ấy, chẳng biết hiểu thế nào mà cứ tủm tỉm cười rồi mang ra nhấm nháy khoe với bố chồng… Ông cụ gần sáu chục tuổi hấp háy đôi mắt tình tứ nhìn nội tướng trước khi phán một câu xanh rờn “Cái thằng! chỉ được cái giống bố!”

Cũng lấy vợ tây nhưng là vợ miền “Tây bắc”, sau hai năm công tác ở vùng núi cao, H dẫn cô dâu từ giã bản làng trở xuống miền xuôi xây tổ ấm. Đôi uyên ương thuê trọ trong khu chung cư yên ả để nàng quen và thích nghi dần dần. Ngày đầu tiên dọn về nơi ở mới, “đức lang quân” treo ngay trước phòng ngủ một bảng cáo thị to hơn khổ giấy A0 ghi chi tiết 6 mục 18 điều về trách nhiệm và nghĩa vụ của hiền thê, bắt nàng học thuộc và thực hiện. Một tuần sau, thấy chẳng như ý muốn, chàng bổ sung thêm khoản chế tài “nếu vi phạm sẽ … cấm vận!”
Vợ chồng son, hàng ngày ra vào gặp mặt nhau, “vợ tây” lại đang tuổi xuân phơi phới, lộng lẫy như đoá hoa rừng… Nên chẳng biết “cấm vận” kiểu gì mà chưa tới nửa năm, cái bụng cô gái Hơ Mông đã lùm lùm lớn mà vẫn còn lọ mọ đánh vần bảng nội quy…

Phái mạnh gia trưởng đôi khi còn gặp những thảm bại trớt quớt như thế, chứ “phe bên kia” mà có dịp nắm cờ thì tuyệt đối không bao giờ mắc lỗi kỹ thuật. Tại cơ quan, thủ trưởng C nổi tiếng bởi khí chất hét ra lửa với nhân viên, ấy vậy mà về đến nhà là mấy bố con ông đứng chung hàng ngũ phía sau lãnh đạo bà. Chỉ thiếu mỗi việc điểm danh, chứ cứ đúng 9h30 mỗi tối là phải tập hợp đầy đủ để báo cáo tình hình trong ngày, lịch hoạt động của hôm sau. Và mỗi khi bà chém tay xuống bàn hàm ý “đã quyết” nghĩa là bố con ông cấm còn được ý kiến ý cò gì nữa.
Hôm có anh nhân viên ký được bản hợp đồng béo bở, muốn đa tạ thủ trưởng bằng việc mời đi liên hoan mà phải đến tận nhà năn nỉ ỉ ôi với sếp bà. Sau màn trình bày hoàn cảnh dài lê thê, được vợ thủ trưởng mở đường cho đại tiệc, không quên kèm theo mấy lời đánh bóng ông xã “Chú xin phép tôi làm gì! Ông nhà tôi mà đã đi thì ai cản nổi… Nhưng đừng về quá khuya, chứ lo cho sức khoẻ của ông ấy lắm! Là rường cột mà lại…”
Được lời như cởi tấm lòng, ông hí hửng dẫn đầu đám lâu la đi đánh chén. 11h đêm bấm chuông vào nhà đã thấy cô con gái rượu chờ sẵn từ khi nào. Đưa cho bố xấp giấy rồi thì thào vào tai ông như… buôn bạc giả: “Má nói hôm nay ba ngủ một mình, dặn ba phải  giải trình 4 tiếng vắng mặt và ký tên trong bản kiểm điểm viết sẵn này!...”
Hoá ra trong cuộc say sưa, ông cao hứng thả vào ly bia sóng sánh mấy câu thơ luận về vợ
“Mẹ mày”, “Bu nó”, “Bà nhà” 
Đều là cách gọi “Vợ già”! thế thôi!”….
Ấy thế mà đã có thằng nhân viên nào đã tranh thủ hóng hớt alô về ton hót với “bu nó” liền liền!
Tức thì không tức… nhưng… ức!. Ông ức cái đứa thóc mách đó lắm. Thế nào rồi “thằng phản bội anh em” ấy  cũng lộ rõ cái mặt nịnh thần ra, vì chắc chắn thời gian tới bà sẽ đề nghị ông cân nhắc nó vào vị trí ngon hơn.
Nhưng đành chịu chứ biết làm sao bây giờ? Nghĩ vậy nên ông ngoan ngoãn gò lưng trên ghế gỗ, nghiêm túc trải sự thật vào bản tường trình theo đúng như chiếu chỉ của “vua bà”.
…………….
Vậy mới biết “Gia trưởng” cũng là một kỹ nghệ. Giống như lửa, biết dùng thì thắp sáng đêm tối, mà không khéo dụng thì có nguy cơ thiêu rụi cả mấy cánh rừng….
Mới có thơ rằng:
“Điều binh khiển tướng thời nay
Mười ông chưa đấu nổi tay một bà”


Trần Anh Tuấn

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

LỜI CẦU HÒA THẤT BẠI



Họ yêu nhau ngày còn trên giảng đường Đại học. Một lần anh mắc lỗi, nàng giận dỗi không thèm nói chuyện “Ai bảo hứa với người ta là bỏ thuốc lá mà vẫn thậm thụt hút giấu? Đã thế khi nhắc lại còn cãi!..”…
Đi theo năn nỉ mãi không xong, chàng đổi phương pháp, kéo giật nàng lại, nhìn  vào đôi mắt trong veo thoáng pha chút ngạc nhiên, giọng nghiêm trọng: “Bây giờ em là người yêu của anh, mấy nữa anh là chồng của em, rồi một thời gian sau em là mẹ của các con của anh, rồi sau một thời gian nữa anh là ông của các cháu của em,… rồi đến một lúc nào anh và em sẽ sở hữu nguyên một cái… ban thờ… Khi ấy, ngồi trên đấy cãi nhau vẫn chưa muộn cơ mà!”… Nàng bật cười vì câu làm hòa dí dỏm. Thế là không giận nữa.
Họ làm đám cưới, sinh con, rồi có cháu,… mỗi lần bị vợ giận vì làm sai điều gì chồng lại lôi “công thức cầu hòa” ra, lần nào cũng được vợ nguýt dài và “tha bổng”.. chỉ có điều, theo thời gian, công thức ấy cứ rút ngắn đi ở những đoạn đầu…
……………….
Trong bệnh viện, ông lão tóc bạc phơ nằm thiêm thiếp trên chiếc giường bệnh phủ ga trắng. Bà ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lại đưa khăn lên chấm chấm hai khóe mắt già nua. Bác sĩ vừa nói với riêng bà rằng sự sống của ông chỉ còn tính được bằng ngày…
Ông lão chợt mở mắt, lần lần tìm bàn tay nhăn nheo của vợ. Tuổi già lại đang bệnh thì yếu nhiều mà bà vẫn cảm nhận được cái nắm tay ấy rất chặt, rất chắc chắn, rất mạnh mẽ. Bà sụt sùi nhìn ông, cả hai tâm trạng như song hành trở về với tuổi trẻ. Một lát, ông nói:
- Chắc tôi chỉ sống hết đêm nay nữa bà à…
Người vợ già hốt hoảng giơ tay bịt lấy miệng chồng, mắng:
- Đồ độc miệng! Cái lão già hâm!...Ông còn phải sống với con, với cháu, với… tôi… vài chục năm nữa…
Bà nổi sùng, bực bội, giận dỗi cứ như đang ở tuổi hai mươi. Ông lão thở ra, chợt nhìn bà, khuôn mặt rất lạ, mệt mỏi, thấp thoáng đâu đó vẻ bồn chồn, lưu luyến mà vẫn ánh lên long lanh nét hóm hỉnh như năm nào. Ông mỉm cười nói nhẹ “Bà đừng có mắng tôi nữa…Chắc.. tôi đi trước để đặt chỗ cho tôi với bà sau này ngồi thong thả mà cãi nhau…”
Bà lão gục xuống, mái tóc trắng như mây phủ kín ngực ông, tiếng nấc của bà, tiếng nấc nghèn nghẹn của tuổi già trong căn phòng tĩnh lặng nghe bồi hồi, đằm đằm, day dứt…
Lần này lời cầu hòa của ông lão đã thất bại…


Trần Anh Tuấn