HAY
TA GỌI ANH DU CÔN BẰNG TÊN KHÁC, MIỄN LÀ KHÔNG PHẠM HÚY CHÍ PHÈO?
Góc nhìn khác về nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam
Cao dư luận ồn ào mấy hôm nay thật ra không phải đợi tới khi nghiên cứu sinh
Nguyễn Sóng Hiền khai mở (ngày 5-12-2017), mà ít nhất nó xuất hiện từ 7 năm trước,
hôm 11-12-2010, với bài “Chí Phèo thật lòng muốn lương thiện hay chỉ lương thiện
trong lúc say” của mình, trên website TS Phạm Ngọc Hiền quản trị.
Đến giờ, mình vẫn không đặt vấn đề nên hay không nên
đưa tác phẩm này vào chương trình giáo dục phổ thông, vì học sinh giờ nếu không
chủ động dạy thì chúng vẫn dư sức tìm trên mạng nếu muốn.
Và mình vẫn cho rằng đây là một viên ngọc văn chương
của thế kỷ 20, vấn đề là mỗi người ngắm nó như thế nào và rút ra giá trị gì, chứ
không phải chỉ duy nhất một bài học đạo đức: Cái Thiện chảy về nguồn, đại loại thế!.
Nên, hãy để viên ngọc ấy tỏa sáng theo cách cảm nhận
của mỗi người nói chung, học sinh nói riêng. Lý do, nó là một tác phẩm nghệ thuật, mà nghệ thuật thì nên thoát ra khỏi vòng kim
cô của bất kỳ ý thức hệ nào.
Đăng lại bài viết của mình, có gắn thêm 2 cái tít phụ
để ai quan tâm đọc đỡ mệt.
CHÍ
PHÈO THẬT LÒNG MUỐN LƯƠNG THIỆN HAY CHỈ LƯƠNG THIỆN TRONG LÚC THẬT SAY?
Trong chương trình giáo dục phổ
thông, dòng văn học hiện thực phê phán được định hướng giảng dạy theo hướng lên
án xã hội (thời Pháp thuộc) bất công, đời sống nhân dân bị đẩy tới mức bần cùng
hóa và họ có khao khát vươn lên mãnh liệt nhằm thay đổi cái tối tăm, khổ sở mà
mình đang phải chịu đựng (Bước đường cùng, Vợ nhặt, Chí Phèo,...).
TÊN TÁC PHẨM CHÍNH LÀ SỰ KHÁI QUÁT
NỘI DUNG
Dưới sự định hướng ấy, một trong
những tác phẩm được coi là điển hình là Chí Phèo của Nam Cao. Anh ta bị Bá
Kiến, tức đại diện của giai cấp thống trị lúc bấy giờ hành hạ hết kiểu này đến
kiểu khác như: Đẩy đi tù, biến thành nô lệ suy nghĩ, sử dụng làm công cụ dao
búa,... để rồi cuối cùng Chí Phéo vùng lên, thực hiện cái khao khát cháy bỏng
muôn thủa của nhân loại là được "làm người lương thiện".
Tuy nhiên, đó có thực là ý tưởng của
Nam Cao khi bắt đầu viết truyện ngắn này không? Theo tôi, tác giả "Đôi
mắt" đã nhìn Chí Phèo ở một lăng kính khác hẳn....
"Ý tại ngôn ngoại"!...
Thông thường, tiêu đề của một tác phẩm văn học đã là một khái quát bao trùm về
ý tưởng của tác giả rồi. "Chí Phèo" xuất hiện ở tập truyện đầu tay
(1941) là "Đôi lứa xứng đôi". Còn lần đầu tiên tác giả đặt tên cho
tác phẩm là "Cái lò gạch cũ".
Cái tên "Đôi lứa xứng đôi"
gợi cho ta cảm giác của những cặp tương đương, bổ sung nhau (Rổ với rá cạp lại).
Nó chỉ đơn thuần mang ý nghĩ là sự lắp ghép của những nhân cách khiếm khuyết
(Chàng thì say xỉn, côn đồ, nàng thì dở hơi, hâm hấp)
Thì cái tên "Cái lò gạch
cũ" gợi đến cơ sở để khai sinh một tên du côn phá làng phá xóm. Chi tiết
cuối truyện, khi Thị Nở sờ tay vào cái bụng báo hiệu một sự tiếp diễn của quy
luật "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Một đứa “con hoang”,
thiếu giáo dục, khi lớn lên chắc chắn bản năng sống của nó, nhu cầu có miếng ăn
miếng uống sẽ buộc nó phải tôn thờ giá trị ác mà thôi, phải trộm con gà con
vịt, phải biết bắt nạt, phải gây nỗi khiếp sợ cho người khác.,..
Hoặc với cái tên truyện "Chí
Phèo" thì đơn giản tác giả muốn đặt tên nhân vật chính là tên tác phẩm,
giống như muôn vàn các truyện ngắn có các tiêu đề như "Truyên
Anh A", "Truyện Chị Bê", "Cô C",...
Tóm lại, nếu so sánh với thời bây
giờ (cũng đầy rẫy tội phạm, tệ nạn, thanh thiếu niên hư,...) nếu suy từ tên
truyện thì không có cái tên nào trong 3 cái tên trên đây thực sự mang thông
điệp lên án cái xã hội đẩy người ta vào thế "bị dồn vào chân tường"
cả.
Chi tiết được các nhà định hướng phê
bình văn học chú ý trong truyện là cảnh Chí Phèo mặc cả với Bá Kiến "Tao
muốn là người lương thiện! Nhưng ai cho tao làm người lương thiện?.." rồi
đâm chết Bá Kiến trước khi tự xử mình... Nhưng chẳng cần quan sát kỹ cũng thấy
anh Chí nhà ta "muốn làm người lương thiện" trong lúc.. say và bị
thất tình.
Một sự ảo não trong tình yêu cộng
thêm trạng thái thiếu tỉnh táo ấy thì lý nào có thể ý thức được mong muốn chính
đáng của mình? Câu nói "Muốn làm người lương thiện" là lý do để hành
quyết kẻ bắt Chí phải làm người ác hay chỉ là một trong hệ thống lý do "làm
tiền" mà Chí từng áp dụng trước đó với Cai Cường, Đội Tảo?
Nếu là lý do làm tiền thì phải đặt
dấu hỏi cho câu hăm dọa trước đó của Chí với Bá Kiến "Tao không cần
tiền"! Phải chăng đó là câu nói lửng lơ để buộc Bá Kiến phải suy rộng ra
rằng "Tao không cần tiền... ít nhưng tao cần nhiều tiền"?
Hành động tự sát sau khi xử lý cụ
tiên chỉ là hành động xuất phát từ suy nghĩ "không thể làm người lương
thiện được nữa" hay là do thói quen ăn vạ quá đà, vượt quá sự kiểm
soát của kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ?
NHÂN CÁCH KHÔNG THỂ CẢI TẠO TRONG
MỘT KHOẢNH KHẮC!
Duy nhất một lần Chí Phèo tỉnh rượu
và thấy "Bâng khuâng" nghe những âm thanh của đời sống làng quê, mơ
một mái nhà hạnh phúc với những đứa con,... Đây là điều đáng trân trọng hiếm
hoi ở một nhân cách khiếm khuyết.
Tuy nhiên tình tiết này có vẻ lạc
lõng vì cái máu bất lương đã ngấm trong người hàng chục năm rồi mà chỉ có duy
nhất một lần tỉnh táo để nhớ ra rồi sau đó lại quên ngay vì triền miên trong
say khướt.
Cái mong muốn tốt đẹp ấy ngắn ngủi,
không có chiều sâu, không luôn luôn được nuôi dưỡng nên không thể biến thành kế
hoạch hành động được.
Trên đây phân tích động cơ
"muốn làm người lương thiện" của Chí Phèo về mặt lý luận. Còn trên
thực tế, tôi tin rằng nếu có một cuộc thăm dò ý kiến về "biểu tượng Chí
Phèo" thì kết quả sẽ cho ra đa số rằng: "Nói tới "Chí Phèo"
là nói tới những kẻ bất lương, cù nhầy, hung hãn, chuyên phá hoại và gây tổn
hại đến người khác."
Từ sự áp đặt tư tưởng cho tác phẩm,
qua đó bắt học sinh phải suy nghĩ, phân tích theo cách thức đã được lập trình
cho thấy có một khoảng cách khá xa so với sự vận động của cuộc sống thực tế...
"Chí Phèo" đã trở thành
một biểu tượng, một câu nói cửa miệng khi người ta muốn nhận xét về một kẻ bất
lương. Người ta nói "Cái thằng A mất dạy, vào tù ra tội nhiều như đi chợ,
nó Chí Phèo lắm đấy" thì người ta hiểu rằng đó là một kẻ hết đường cải
tạo, không dám và không nên động đến! Chứ người ta không nghĩ thêm rằng
"Nhưng cái anh A này có những suy nghĩ rất đáng trân trọng!" cả.
Nhà giáo dục nói một đằng, dân gian
hiểu một nẻo thì đó là do dân gian không thuộc bài hay nhà giáo dục thất bại vì
cố tình định hướng giá trị nhưng khập khiễng so với thực tế?
Trần Anh Tuấn